ĐẠO LÀM NGƯỜI
(GIẤC MƠ CỦA KHỈ CON 5)
Hình ảnh Mỹ Hầu vương vượt biển đến Nam Thiệm Bộ Châu, là nơi con người ở, diễn ra như phim, với trang sách là màn ảnh, khiến khỉ con chăm chú theo dõi một cách cẩn thận, không bỏ sót chi tiết nào. Bởi vì nó hiểu rằng mọi tình tiết trong phim là dạy nó phương pháp thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết. Nó rất cần pháp này, để nó và mẹ nó không phải xa nhau vì cái gọi là già, bịnh, chết kia.
Nhìn cảnh Mỹ Hầu vương trải qua tám năm nơi con người sinh hoạt để học ăn, học nói, học lễ phép…Nói chung là học cách làm người, khỉ con hiểu rằng nó cũng phải như vậy, nó phải học đạo làm người. Mà đạo làm người là gì? Nó cho rằng chữ “người” là “nhân”: Nhân từ, nhân ái, là yêu thương giúp đỡ đùm bọc nhau lúc hoạn nạn khó khăn, bao dung tha thứ cho nhau khi có lầm lỗi, nhường nhịn nhau khi xảy ra mâu thuẫn…Nó suy nghĩ như vậy mà không biết có đúng hay chăng?
Nó vội vàng nhìn vào trang sách để coi kết quả về nhận định của nó về đoạn “Tây Du Bí kíp” này. Hình ảnh trong sách lại tươi sáng lên, Mỹ Hầu vương cười, gật đầu chào nó, nhưng hình ảnh trong sách lại không tan biến hẳn như trang trước, mà cứ diễn đi diễn lại. Khỉ con tự nhủ có lẽ mình đã hiểu bài học này, nhưng chưa áp dụng vào thực tế nên hình ảnh mới như vậy. Bất chợt nó đưa mắt nhìn vào trang sách, thì thấy Mỹ Hầu vương gật gù cái đầu rồi nhìn nó như bảo rằng nó đã hiểu đúng.
Khỉ con mở mắt ra, thấy mẹ nó đang nằm ngủ kế bên, nó rón rén đứng dậy, chuyền sang cành cây khác để không phá giấc ngủ của mẹ. Kể từ sáng mai nó sẽ đi xuống chốn con người để thực hành bài học mà “bí kíp” đã dạy.
Trong tay cầm cây chổi mà khỉ con bẻ từ những nhánh cây nhỏ trong rừng đem bện lại, nó đi thẳng ra chợ. Cũng như lần trước, người ta lại đuổi xô nó, lần này nó kiên nhẫn không buồn bực nữa, cứ cầm chổi quét dọn, thu gom rác, dọn dẹp đường xá cho quang đãng, thấy ai vác nặng nó chạy lại phụ giúp, thúng trái cây bị đổ tung tóe, nó vội chạy đi lượm phụ người… Nói chung nó làm tất cả mọi việc, miễn là có ích cho người. khi chợ tan nhóm, nó lại trở về với mẹ.
Ngày tháng trôi đi, rừng cây đã ba lần thay lá, khỉ con chín chắn hơn, mẹ nó cũng đã già đi, không còn nhanh nhẹn như xưa. Bây giờ mỗi lần trước khi xuống chợ, khỉ con phải hái trái cây cho nhiều đem dâng mẹ, lo lắng đầy đủ cho mẹ rồi mới đi. Bà con trong chợ trở nên yêu quý nó, không còn gọi nó là “đồ khỉ” này nọ nữa; họ gọi nó là chú em: “Chú em giúp tôi cái này…, cho chú em nè…, chú em uống nước đi…”. Khỉ con vui vì mọi người đã hiểu nó. Nó cũng đã đi vào xóm, học hỏi được nhiều điều nơi các cụ già, nhưng không hiểu sao trang sách cứ diễn lại cảnh Mỹ Hầu vương đang học mọi thứ nơi con người, mà chưa trở lại trang giấy trắng. Hay là tại nó chưa học xong bài học này?
Hôm ấy ngoài chợ có người từ phương xa đem hàng tới bán. Theo thường lệ, nó vội chạy phụ anh ta dọn hàng ra, vừa đụng tới giỏ hàng của người, bỗng nó thấy ai đó chộp cổ, nhấc bổng nó lên, rồi một cái tát xáng vào mặt và nó bị ném té lăn chiêng ra đất. Cái tát đau quá làm nó chảy nước mắt, nhưng không phải nó khóc, nó chỉ ngạc nhiên thôi, không hiểu chuyện gì xảy ra. Người chủ hàng chỉ vào mặt nó:
– Mày tính ăn cắp hả?
Mọi người trong chợ bu lại, người thì bồng nó lên, kẻ thì đi lại giải thích cho người khách phương xa . Khi hiểu ra chuyện, người khách lạ ôm nó vào lòng, nói lời xin lỗi; nó cũng ôm lấy anh ta, lần này nó khóc, khóc thật sự, khóc vì nó chợt hiểu rằng chỉ có yêu thương và tha thứ mới đúng là con người đích thực. Nó không hề giận người ấy, thời gian qua nó đã học được nhiều bài học; hôm nay nó đã học được chữ “nhẫn”: Người chửi chẳng buồn, người đánh không giận.
Trở lại rừng, mẹ nó còn ngủ trong bọng cây, nó lặng lẽ ngồi kế bên, nhắm mắt lại, lúc này nó đã học được tư thế tĩnh tọa. Trên bàn đá, trang sách lại mở ra, lần này Mỹ Hầu vương nhìn nó cười tươi hơn và ra dấu rằng nó đã thành công. Các hình ảnh mờ dần, trang sách lại trở thành giấy trắng.
Học đạo cam go dạ chớ sờn,
Giữ gìn tâm tính vượt gai chông.
Mặc người chửi mắng hay dè bỉu,
Nghiệp chướng trả vay, có với không .
Được mất xoay vần nơi cõi thế,
Buồn vui chẳng chứa ở trong lòng.
Một mai dứt nghiệp, tiêu oan trái,
Hiểu rõ trần đời, vạn sự thông.