- Cái chết tuổi hai mươi
- Tác giả: Trịnh Việt
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.476 · Số từ: 2340
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
Cái chết tuổi hai mươi
***
Cuộc đời của mỗi người giống như một cuốn tiểu thuyết sinh động. Hòa cùng nhịp thở của thời gian, những câu chuyện riêng biệt của mỗi cá nhân trong xã hội lại được viết lên bản trường ca của quá khứ. Mặc dù không giống nhau về nội dung từng câu chuyện, tuy nhiên tất cả các cuốn tiểu thuyết sinh động ấy đều có chung nhau một mô-típ đoạn kết, đó là viết về cái chết. Nếu muốn cuộc đời vẻ vang như một tuyệt tác kinh điển thì nhất thiết phải viết lên một đoạn kết đẹp, tức nghĩa là phải sống như thế nào để người đời vẫn nhớ đến những điều tốt đẹp mà ta đã để lại cho đời trước khi hóa thành trời xanh mây trắng. Thời gian cho vay tuổi trẻ. Tuổi trẻ dẫn dắt chúng ta đến gần hơn với sự thành công. Nhưng trước khi nhận được món quà ngọt ngào ấy, chúng ta thường phải đánh nhau ít nhất một vài trận ác liệt với sự thất bại. Người trẻ có quyền đứng dậy khi vấp ngã, như câu nói: “Tuổi trẻ đi cứ đi, lạc thì quay lại, sai thì sửa.”. Chúng ta không có cơ hội làm quá nhiều điều, và mỗi thứ chúng ta làm đều phải thật sự tuyệt vời. Bởi vì đây là cuộc đời của chúng ta. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, và rồi bạn chết, bạn biết chứ? Và chúng ta đều được lựa chọn để làm điều này với cuộc đời mình.
***
Giống như nhiều đứa trẻ khác, tôi có một khoảng trời tuổi thơ êm đềm. Tôi lớn lên từ vòng tay ấm áp của mẹ, bờ vai vững chãi của cha và những câu chuyện mộc mạc bà thường hay kể. Tất cả điều đó góp phần nuôi dưỡng một thứ quý giá trong tâm hồn của tôi, đó chính là ước mơ. Lúc còn học mẫu giáo, tôi ước mơ mình có một người anh trai để che chở khi bị đám bạn “khốn nạn” ăn hiếp. Lớn hơn một tí, tôi ước mơ mình trở thành bác sĩ nha khoa để nhổ cái răng sữa “hư hỏng” của tôi. Lên phổ thông, tôi ước mơ mình trở thành một phi hành gia, có thể bay lên trời cao để hái sao mang về tặng bạn gái. Thật buồn cười! Lý trí trò chuyện với tôi, có những ước mơ chỉ tồn tại trong giấc chiêm bao, có những ước mơ không phải viển vông, nhưng chỉ được hiện thực hóa nếu như chúng ta quyết tâm chinh phục nó. Ước mơ là nhựa sống để nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn lên, sống có mục đích, có tương lai, hạnh phúc. Ở trên đời, mọi chuyện đều không có gì khó khăn nếu ước mơ của mình đủ lớn. Ước mơ giống như ngọn hải đăng, chúng ta là những con thuyền giữa biển khơi bao la. Ngọn hải đăng thắp sáng, giúp cho con thuyền của chúng ta đi được tới bờ mà không bị mất phương hướng. Đấy là trong suy nghĩ. Còn về thực tại thì đó lại là một chuyện khác. Khi tôi ngày càng già đi, những ước mơ trong tâm hồn không khác gì ngọn đèn dầu hắt hiu trước gió. Cuộc đời không chỉ có màu xanh, năm mười bốn tuổi tôi tưởng mình không thể sống nữa vì bạo bệnh, đứng gần bét lớp năm mười lăm, thất tình năm mười sáu, ăn bám cha mẹ từ lúc sinh ra cho đến bây giờ. Nói trắng ra, tôi thất bại quá nhiều, từ những việc tưởng chừng đơn giản.
Hiện nay, tôi sống ở Sài Gòn. Không có điều gì mới mẽ, tôi vẫn là một thằng thất bại. Tôi đã quen với những tia nắng gay gắt và thấm thía được như thế nào là “mưa rơi bất chợt” của mảnh đất Sài Gòn. Cuộc sống ở nơi đây diễn ra thật vội vã! Hầu như chưa bao giờ người ta có thể lấy mực đen từ bầu trời để xóa hết ánh sáng rực rỡ của nơi này. Hằng ngày, tôi phải thức dậy khi phố thị chưa tắt đèn và luôn luôn ngủ muộn hơn lúc ánh trăng đêm đã treo lơ lửng trên nóc của những tòa nhà cao tầng ở quận trung tâm. Nhiều lúc, tôi phải làm bạn bất đắc dĩ với cô đơn, rong ruổi một mình trên đại lộ Ba Tháng Hai để giết thời gian tại mấy cột đèn xanh – đỏ. Đôi khi vào những ngày cuối tháng, nhất là những lúc “ngân sách” gần như cháy khô đáy túi, tôi chỉ còn đủ tiền mua mì gói hoặc một ít cơm ký với giá vài ngàn đồng bạc để lắp đầy cái bụng đói. Sự mệt mỏi đã làm cho tôi quên đi nhiều ký ức đẹp trong quá khứ. Ngồi dưới những gốc cây me ở đường Pasteur, lặng yên lắng nghe lời gió than thở vì trời xanh bốc lửa cháy đỏ, tôi thấy nắng trắng xóa mất mưa, cái mệt mỏi như một tảng đá lớn lại bắt đầu đè nặng lên đôi vai. Lúc ấy, tôi cảm tưởng cuộc sống của bản thân như một ly cà phê được pha vội, với mùi vị nhạt nhẽo mà không thực khách nào thèm uống, cho dù nó là miễn phí. Liệu rằng tôi đang chết dần chết mòn ở tuổi hai mươi?
Tôi chưa đi được đến đâu nhưng chân đã mỏi. Nếu tôi không bước tiếp thì ước mơ sẽ bỏ lại tôi ở phía sau, sự thất bại sẽ đuổi kịp và đánh tôi gục ngã trên chính đôi chân của mình. Không cho phép điều này xảy ra, tôi cần một sự thay đổi, bắt đầu từ việc soi mình vào những tấm gương vĩ đại, đó là những con người tài giỏi trong việc biến sự thất bại thành sức mạnh để hướng đến sự thành công. Một trong những tấm gương mà tôi muốn soi mình trong đó chính là “cha đẻ ngành phim hoạt hình” – Walter Disney.
Trước tiên tiên tôi xin phép mở lại trang sách cuộc đời vĩ đại của ông:
Walter Disney được sinh ra tại Chicago, là con trai thứ tư trong số năm anh em và có người cha vô cùng khắc nghiệt. Khi cả gia đình chuyển đến Missouri, cha của ông đã buộc mấy đứa con trai lao động vất vả như những tá điền thực sự. Không chịu đựng nổi sự vất vả, hai người anh lớn đã trốn đi. Chuyển đến Kansas, cha ông làm việc phát báo và giao cho hai đứa con là Roy và ông đi bán báo. Cả hai anh em thường xuyên bị cha đánh mỗi khi ông nổi nóng. Khi ông lên mười tuổi. Roy cũng trốn đi. Từ đó ông sống trông sự cô đơn tẻ nhạt và có niềm đam mê là vẽ tranh về những người bạn tưởng tượng.
Năm 18 tuổi, Walter Disney bị từ chối làm họa sĩ tranh biếm họa cho báo Kansas. Năm 19 tuổi làm việc cho công ty quảng cáo phim Kansas với mức lương 160 USD/tháng. Tại đây, ông học được cách sử dụng công cụ chính để sản xuất phim hoạt hình. Năm 1922, Walter Disney thành lập công ty tên Laugh-O-gram, sản xuất phim hoạt hình ngắn. Năm 1923, ông rời Kansas đến Hollywood với 40 USD và một bản in chưa hoàn chỉnh của bộ phim Những cuộc phiêu lưu của Alice cùng với một tinh thần hăng hái của người trẻ tuổi, “Tôi sẽ đạo diễn cho những bộ phim vĩ đại của Hollywood”. Đến Los Angeles, ông sống chật vật với người chú và anh trai Roy, xưởng phim được mở trong nhà xe. Cùng năm, Winkler đặt hàng 6 tập phim Alice với giá 1500 USD/1 tập. Và sau đó kết hôn với Lillian Bounds – nhân viên pha màu tại xưởng vẽ của ông. Walt hợp tác với Mintz và đạt được thành công đáng kể với “Oswald – Chú thỏ may mắn”. Nhưng năm 1928, Mintz đã nhẫn tâm gạt Disney khỏi cuộc chơi và lôi kéo nhóm họa sĩ chính của ông sang làm việc cho mình. Ông trở nên trắng tay.
Không chán nản vì tay trắng, mà ông lập tức phác thảo ra chú chuột Mickey. Các bộ phim về chú chuột được lần lượt ra mắt và thành công lớn nhất với bộ phim “chiếc tàu hơi nước Willie” được đầu tư 15. 000. 000 USD. Sau đó, chuột Mickey trở thành hiện tượng toàn cầu. Năm 1930, Disney xuất bản “Cuốn sách của Chuột Mickey và bán được 97. 938 bản năm đầu tiên. Kem Mickey bán được khoảng 10 triệu cây trong tháng đầu tiên. Đồng hồ có hình chuột Mickey bán được 2, 5 triệu chiếc trong hai năm đầu… Năm 1932 – Phát hành “Flowers and Trees – Bộ phim hoạt hình đầu tiên được quay bằng kỹ thuật phim màu mới và đoạt giải Oscar đầu tiên.
Năm 1934. “The wise Little Hen” – Hình ảnh vịt Donald xuất hiện là ngôi sao thứ hai ngoài chuột Mickey. Ông đã tạo một bước đột phá khi quyết định sản xuất phim hoạt hình có cốt truyện và thời lượng như phim điện ảnh với bộ phim “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Ngân sách dự kiến là 250 ngàn USD. Nhưng sau đó chi phí vượt quá con số 1 triệu đô. Dự án này nhiều người cho là “điên rồ” và kéo theo một loạt chỉ trích. “Mọi người đều khẳng định rằng sẽ không ai chịu ngồi xem một bộ phim hoạt hình kéo dài tới 1, 5 giờ. Nhưng chúng tôi xác định rằng chỉ có một cách để chúng tôi có thể thực hiện thành công bộ phim Nàng Bạch Tuyết, đó là dù có đi đến chỗ phải phá sản, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc”.
Ngày 21/12/1937, Bộ phim hoạt hình Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn đã được công chiếu lần đầu tiên. “Cả kinh đô Hollywood sững sờ trước bộ phim hoạt hình của tôi”. Bộ phim thu về 8, 5 triệu đô cho đợt phát hành đầu tiên. Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ trao giải thưởng Oscar do Shirley Jane Temple trao giải. Năm 1940, tổng số nợ lên đến 4, 5 triệu đô la và gần như phá sản. Ông đã đưa ra giải pháp là bán cổ phiếu của công ty thu được 4 triệu và dùng trả nợ và đầu tư tiếp 3 bộ phim, trong đó có Fantasia được đánh giá là kiệt tác phim hoạt hình những năm 40.
Chưa dừng lại ở đó, Walter Disney còn có những cống hiến vĩ đại trong ngành công nghiệp giải trí với việc phát triển các công viên chủ đề mang thương hiệu Disney Land.
Quả thực, Walter Disney là một tấm gương vĩ đại về nghị lực vực khó, dám nghĩ, dám làm, đúng với tinh thần “Tuổi trẻ đi cứ đi, lạc thì quay lại, sai thì sửa.”. Ông không chết ở tuổi hai mươi!
Từ câu chuyện của Walter Disney, tôi đúc kết cho bản thân nhiều bài học quý báu về khát khao chinh phục đam mê của tuổi trẻ.
Tại sao tuổi trẻ “đi cứ đi”? Ý nghĩa của vấn đề này nằm gói gọn trong nội hàm của hai chữ “trải nghiệm”. Bởi vì có trải nghiệm thì tuổi trẻ mới có thể trường thành. Khi trưởng thành, con người ta dễ dàng chạm tay vào ước mơ, gặt hái những thành công. Giữa thành công và thất bại có con sông mang tên gian khổ, trên con sông đó có cây cầu tên là sự cố gắng. Cuộc đời giống như một trang sách, nếu không xê dịch thì bạn chỉ mới đọc được một trang. Vì vậy bạn phải chữa “bệnh” sợ thất bại, “bệnh” lười và loại bỏ những chướng ngại vật cản trở đường đi của mình. Có như vậy thì bạn mới có thể trưởng thành, chạm tay vào ước mơ và gặt hái những thành công.
Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện diễn ra đều êm đẹp, sẽ có lúc ta bị lạc lối, có thể là do thiếu kinh nghiệm. Cuộc sống không phải là học cách vượt qua một cơn bão, mà là học cách để khiêu vũ dưới những cơn mưa. Thành công là sự vấp ngã chín lần và đứng dậy sau những vấp ngã mười lần. Vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể làm lại từ đầu nếu như thấp bại. Thất bại không phải là một người bạn xấu xa. Đối với người bi quan, thất bại là kẻ cắp niềm tin. Còn đối người lạc quan, thất bại là mẹ thành công, thất bại tặng cho họ kinh nghiệm, thất bại giúp họ có động lực phấn đấu, thất bại chính là chiếc vợt bắt lấy thành công. Tại sao, chúng ta phải bi quan, mất niềm tin là gần như mất tất cả. Hãy cho đi niềm tin và nhận về nhiều thứ tốt đẹp hơn. Đó là một cách đầu tư vô cùng thông minh.
Đất nước đang cần tôi, tại sao tôi phải chết ở tuổi hai mươi? Tại sao bạn phải chết khi mình còn quá trẻ mà đến lúc bảy mươi năm mới đem đi an tán? Điều cần làm là chúng ta phải sống hết mình. Trách nhiệm lớn lao của tuổi trẻ hôm nay là sống và làm việc thật tốt để xứng đáng với sự hi sinh oanh liệt của tuổi trẻ hôm qua.
Trịnh Việt (QV)