Trên đường về Tiếu Kha còn kể tôi nghe chuyện thằng Sơn. Thằng Sơn tính ra không thuộc lớp tụi tôi, nó bị đúp lớp. Đáng ra giờ này nó phải ngồi cùng lớp 7C ở trên lầu ba cơ, vậy là nó lớn hơn tụi tôi một tuổi. Tiếu Kha nói năm ngoái nó bị hạ hạnh kiểm vì tội đánh nhau hai lần, lại thêm điểm chác cũng chẳng ra gì nên phải học lại. Vậy mà nó cũng không chừa thói gây sự, đúng là ngựa quen đường cũ.
Tôi mới vô trường mà đã bị mấy gã lớp trên “làm quen” kiểu này, chắc lúc ra trường tôi còn lại bộ xương khô luôn quá.
Một khi đã bị bọn đầu gấu ghim, một trận đòn thôi là không đủ. Trong lớp hình như không có đồng bọn của Sơn, đồng bọn của nó, chắc là mấy thằng lớp 7C. Nhưng như vậy không có nghĩa là nó buông tha cho tôi lúc ở trong lớp.
Trong lớp, Tiếu Kha ngồi bàn ba dãy bên kia, cùng dãy với thằng Sơn. Tôi ngồi bàn chót dãy bên này, thằng Sơn cũng ngồi cuối giống tôi, thành ra nó có đủ mọi cách chọc ghẹo tôi, từ ném giấy rác tới vẩy mực vô áo, viết thư đe dọa hay cướp lấy cây bút duy nhất mà tôi có, nó đều làm đủ. Nó chấp nhận bị đúp thêm năm nữa chỉ để phá bĩnh tôi học. Tôi không ngán mấy trò vặt vãnh đó, tôi chỉ ngán…
Ừ thì thực ra, tôi có thói quen lén nhìn Tiếu Kha. Chẳng biết từ lúc nào mà tôi có thói quen đó, có khi là từ lúc thấy nó khóc hôm tôi giật cột tóc của nó? Viết bài xong, ngẩng đầu lên là tôi nhìn nó liền, như thể nếu tôi rời mắt khỏi nó một giây, nó sẽ tan luôn vào không khí vậy.
Thằng Sơn đương nhiên nắm thóp được tôi vì nó ngồi một mình một bàn chót, tôi không ngồi một mình nhưng tôi ngồi đầu bàn, ngó sang trái là thấy ngay cái mặt quỷ của nó.
Ngay hôm sau lớp tôi chuyền tai nhau “tin đồn” mà tôi đoán chắc là thằng Sơn tung: Tôi với con Kha cặp bồ. Tuy không đứa nào nói thẳng mặt tôi hay Tiếu Kha cái tin đồn đó, nhưng vài đứa cứ chọc ghẹo bằng cách nói bóng nói gió hai đứa tôi trước mặt cô chủ nhiệm làm tôi rùng mình mấy lần.
Nhận thấy sự phiền toái của thằng Sơn, ngoài tôi ra còn có nhỏ Uyên. Cũng phải thôi, nó ngồi ngay cạnh tôi, nếu mà không hay không biết chắc nó đui. Uyên bực dọc hỏi tôi:
– Sao mày không méc cô đi?
– Kệ đi, như vậy càng rắc rối.
– Kệ sao được mà kệ! Mày không nói thì tao nói, để im riết nó càng lộng hành.
Nói là làm, tiết sinh hoạt hôm thứ bảy, nó xin cô đổi chỗ thằng Sơn. Cơ mà từ đầu thằng Sơn ngồi bàn chót một mình ênh đâu chỉ tại nó thích, mà còn là vì không ai trong lớp muốn ngồi với nó. Tôi ngồi cách nó một sải tay mà vẫn cảm nhận được mùi mồ hôi trên người nó nữa là. Xin cô đổi chỗ thằng Sơn, như xin thứ gì đó rất xa xỉ.
Trước sự khó xử của cô chủ nhiệm, lớp phó là Tiếu Kha không khỏi đứng ngồi không yên.
– Thưa cô, vậy em xin được đổi chỗ với bạn Uyên.
– Tiếu Kha, tao không muốn đổi chỗ, tao chỉ muốn thằng Sơn thôi mấy trò con bò của nó – Uyên bác bỏ ý kiến của Tiếu Kha.
– Vậy là cả Uyên với Tiếu Kha đều thích ngồi cạnh Long ha – thằng Sơn giễu – Không biết Long thì thích ai đây ta?
Mấy đứa khác nghe thằng Sơn nói thì “ồ” lên, cô giáo liền gõ bàn mấy cái.
– Sơn mày nên im mồm lại – Uyên gắt
– Nói trúng tim đen nên nhột à? – Sơn cười đểu
Thấy tình hình bắt đầu căng thẳng, cô giáo lên tiếng:
– Im lặng cho tôi. Anh Sơn mà bày trò chọc ghẹo bạn nào nữa thì tôi sẽ mời phụ huynh anh lên. – Trấn áp được thằng Sơn, cô quay sang Tiếu Kha – Lớp phó xuống bàn tư ngồi, trên bạn Long, nếu bạn Sơn còn tái phạm thì báo cho cô.
Chẳng hiểu sao, mệnh lệnh của cô như trống đánh “uỳnh” vào tim tôi một cái. Vậy là từ giờ Tiếu Kha sẽ ngồi trước mặt tôi, chỉ cần nó quay xuống là tôi thấy mặt nó liền, lòng tôi dâng lên nỗi hân hoan khó tả. Hôm đầu tiên Tiếu Kha đổi chỗ, tôi cứ thấy lạ lạ sao đâu. Bình thường ngẩng đầu lên, phải nhìn sang trái mới thấy được nó, bây giờ ngẩng đầu lên là thấy mái tóc ngố ngố của nó. Thế là tôi cứ ngồi nhìn nó cả buổi thay vì nhìn bảng.
Mỗi lần Tiếu Kha cúi xuống ghi bài, tóc nó cũng rớt xuống theo, để chừa ra phần gáy trắng ngần. Mỗi lần như vậy, tôi thấy mặt mình như nóng ran, tôi liền quay sang thều thào với Uyên:
– Ê mày nhìn Tiếu Kha coi có thấy gì lạ không?
Uyên nghe lời tôi, dòm trân trân Tiếu Kha không chớp mắt, xong rồi trả lời tỉnh bơ:
– Có thấy gì đâu.
– Mày dòm kĩ lại đi.
Lúc này Tiếu Kha lại cúi xuống, trong khi tôi lại thấy lửa đốt mặt mình thì con Uyên kiểm định một lần nữa với tôi là không có gì lạ hết.
– Long! – Tự nhiên con Uyên la lên làm cả lớp quay xuống chỗ tụi tôi.
Con Uyên cười hề hề rồi giả bộ xoa xoa đầu tôi:
– Ờ…ờ! Có cái gì trên đầu mày nè!
Mãi một lúc sau cả lớp trở về với tập vở rồi con Uyên mới hỏi nhỏ tôi:
– Long, nói thật đi, mày thích con Kha hả?
Tôi nhớ lại lần thằng Sơn hỏi tương tự, nghĩ rằng Uyên có ý trêu tôi, đâm cọc:
– Mày tào lao tao coi chừng tao cho ăn cùi chỏ bây giờ.
– Chứ sao nãy, mày nhìn nó, mặt mày đỏ bừng.
Tôi sựng lại:
– Có hả?
– Có! Đỏ như gấc!
– Hèn gì tao thấy mặt tao nóng ran.
Uyên khẳng định chắc nịch:
– Vậy là mày thích nó đó!
– Không! Làm gì phải.
– Chứ như tao nhìn nó thấy bình thường, chỉ có mày nhìn là thấy lạ, đó là tại mày thích nó, còn tao thì không.
– Tao không tin, mày nói tầm phào!
Tôi ra sức phủ nhận mặc dù đó là sự thật. Tôi thích Tiếu Kha từ dạo ấy, nhưng phải tới tận năm sau tôi mới hiểu được trọn vẹn cảm giác “thích” một người.
Tiếu Kha chuyển xuống, thằng Sơn hết dám hó hé. Giờ lên lớp nó chỉ toàn gục mặt xuống bàn, ngủ. Thằng Sơn hết chọc phá tôi nhưng tôi lại bị lây cái nết xấu đó của nó.
Tôi hạn chế nhìn Tiếu Kha lại, tôi chỉ ngẩng lên khi nó ngẩng lên và cúi xuống khi nó cúi xuống. Vậy nên khi Tiếu Kha viết bài xong tôi mới dám nhìn. Mà mỗi khi Tiếu Kha viết xong thường tựa lưng vào bàn tôi, lắc lắc cái đầu sao cho tóc vào nếp. Vấn đề là ở đó, tóc nó cứ khơi dậy tính chọc phá trong người tôi. Lần nào nó dựa, tôi cũng lấy bút khều khều tóc nó. Mấy sợi tóc ngắn bị tôi động, tỏa ra mùi dầu gội thơm dào dạt. Bị tôi chọc, nó quay xuống quở tôi:
– Long cứ nghịch tóc Kha hoài vậy?
– Tui có làm gì đâu.
– Long thích mày đó Kha. – Con uyên chen vào
– Nói bậy! – Tôi thanh minh
Phân cảnh ấy lặp đi lặp lại mỗi ngày như một thói quen của tôi, Tiếu Kha và Uyên. Cho tới hôm nọ, tôi chở Tiếu Kha về, bất chợt nó hỏi:
– Long thích Kha hả?
Tôi giật bắn người, xém nữa ngã xe. Nhưng rồi tôi mau chóng lấy lại bình tĩnh:
– Không, đâu có.
– Vậy là Long ghét Kha hả?
– Không! Tui không có ghét Kha, tui ghét Kha thì tui đã chẳng chở Kha về.
Tiếu Kha đứng lên hai miếng gác chân và bám vào vai tôi. Cái con nhỏ này hôm nay ăn trúng cái gì vậy không biết, nói năng hành xử kỳ lạ quá thể.
Nó xoa lấy xoa để đống tóc của tôi rồi cười ngạo nghễ. Tôi nghe loáng thoáng nó nói cái gì nữa nhưng không rõ, lúc đó có xe đò chạy ngang, tôi đã cố hỏi lại mà nó cứ nhất quyết:
– Chuyện bí mật chỉ nói một lần.
Hết chương 3