Chân kiếm giang hồ – Hà Duy Quang.
Lời đầu tôi muốn nói có lẽ là khen ngợi, hiếm có câu chuyện nào tôi thấy tốt như truyện này trên Vnkings hiện nay. Ít nhất là tôi có thể theo dõi đến chương hiện tại, hiểu phần nào các hành động của các nhân vật và đôi khi còn cảm thấy hiểu rõ hơn về tính cách của các nhân vật trong truyện. Nó có thể coi là một thành công lớn của tác giả khi mà trong thời gian gần đây tôi luôn bị tra tấn bởi những câu chuyện với văn phong đầy khủng hoảng, đến độ vừa đọc truyện vừa muốn quăng cái điện thoại cùi bắp của mình ra xa. Vì không thể chịu nổi và tôi đã bỏ lỡ kha khá câu chuyện chỉ vì lý do như thế nên tôi đánh giá cao lối hành văn mạch lạc, dễ đọc, dễ hiểu của tác giả.
Nói một chút về chất Việt có trong tác phẩm, tôi cũng thấy nó tương đối ổn so với những câu chuyện khác, ít nhất là không còn cảm giác mượn Trung Quốc nặng nề như các tác phẩm khác và với việc đan xen vào những chuyện dã sử một cách hợp lý khiến người ta có cảm giác thân thiết hơn. Có thể nói đây là một hướng đi rất tốt cho các câu chuyện cổ trang Việt mọi thể loại, nên xin được gửi lời tán thưởng của tôi tới tác giả khi đã hoàn thành rất tốt vai trò của người mở đường. Và hy vọng sau tác phẩm này sẽ có những tác phẩm cổ trang Việt với chất lượng hơn nữa được ra lò. Quả thật đáng để mong chờ.
Ngoài ra tôi cũng phải đồng ý một điểm rằng cốt truyện của tác giả khá tốt, có sự logic chặt chẽ và sự nghiêm túc đáng khen ngợi để qua đó tôi có thể hiểu rõ hơn những ước vọng, khát khao của tác giả với đứa con tinh thần của mình. Bởi vậy tôi sẽ hết sức chỉ ra các yếu điểm mà tôi nhận thấy, hy vọng sẽ giúp ích cho tác giả phần nào.
Yếu điểm đầu tiên tôi nhận thấy là việc tác giả miêu tả, giải thích mọi tình huống, sự vật, sự việc trong truyện quá chi tiết. Thực chất không phải chỉ có mình tác giả, tôi thấy đa phần các tác giả nam viết kiếm hiệp khác trên Vnkings đều mắc lỗi này đặc biệt là cách các tác giả miêu tả những chiêu võ. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều tác giả miêu tả quá chi tiết chỉ một trận đánh hay mất quá nhiều chương để tả một ai hay cái gì đó mà không phải nhân vật chính. Tình trạng dồn cục tả hết cái này rồi mới đến cái khác diễn ra thường xuyên hay như trong tác phẩm này tác giả miêu tả đoạn tình duyên của Khúc Liên với Trần Công Minh kĩ tới từng chi tiết, từng rung động dù nhỏ nhất cũng bị bới ra và đưa lên. Tác giả đang quá sa đà vào việc tả và giải thích cặn kẽ mọi thứ xảy ra nên đã khiến câu chuyện trở nên nhạt, không còn điểm nhấn và tạo sự thích thú cho người đọc nữa rồi.
Ta có thể thấy rõ điểm này qua chương thứ tám: Cản đường của truyện khi tác giả để Mộc thần Độc cái, Hỏa thần Ốc Nha Đạt chặn đường Trần Công Minh và Khả liên chạy trốn, phải nói rằng việc sau khi mỗi nhân vật trên xuất hiện, tác giả lại mất cơ số từ chỉ để giải thích chi tiết về nhân vật đó. Cũng như tình trạng của nhân vật chính đã khiến cho người đọc mất đi sự hứng thú trong đó, để rồi sau đó sự hứng thú này chuyển thành sự mệt mỏi khi nhân vật Tiểu lý tàng đao Nùng A Cổn xuất hiện. Tác giả lại tiếp tục giải thích kỹ càng không chỉ nhân vật này mà còn cho cả các nhân vật đã được nhắc tới, thành ra người đọc gần như biết hết mọi chuyện mà chẳng cần suy nghĩ và điều đó là căn nguyên của tình trạng “thiếu đột phá” trong tác phẩm.
Có lẽ thứ tác giả thiếu ở thời điểm hiện tại không phải là văn phong hay cái gì đó mà chính là vai trò anh ta thể hiện trong đứa con tinh thần của mình. Anh ta mới đứng trong vai trò của một người đọc để viết lên câu chuyện chứ không phải là người viết, đồng ý rằng với người đọc thì để có thể hiểu tường tận mọi thứ trong truyện là điều ai cũng muốn. Nhưng như thế việc của người viết không phải là đưa cho họ trực tiếp những thông tin đó, người viết phải ẩn giấu những thông tin đã quá rõ ràng kia trong những con chữ trải dài suốt cả câu chuyện, phải cho người đọc có không gian phát huy trí tưởng tượng của họ để suy đoán, tìm tòi, có như thế mới mong giữ chân được người đọc lâu dài được. Mong rằng trong những chương kế tiếp của tác phẩm, tác giả sẽ cân nhắc kĩ lưỡng hơn lượng thông tin mà mình đưa lên truyện và đừng chi tiết quá như thế này.
Một điều thứ hai tôi muốn nhắc tới là vấn đề đặt câu hỏi trong truyện. Thường câu hỏi trong truyện sẽ do các nhân vật đặt ra hoặc đôi khi lại do chính tác giả đặt ra cho độc giả; tôi phải nói rằng có một sự lạm dụng không hề nhẹ cái việc đặt câu hỏi trong các tác phẩm, mà đặc biệt là việc tác giả tự đặt câu hỏi cho độc giả. Tôi có lời khen khi tác giả truyện này đã tiết chế tới mức chỉ đặt một câu hỏi ra trong truyện (chú ý là câu hỏi mà người viết đặt ra chứ không phải nhân vật đặt, tôi không tạm bàn vấn đề sau), nhưng đánh giá của tôi về câu hỏi duy nhất này lại là tệ. Bởi cái câu hỏi ấy thuộc vào diện không có cũng không sao nhưng thêm vào thì dở, bản chất của nó theo tôi đánh giá là “nhiễu loạn sự chú ý của độc giả cho mạch truyện”, đây quả là một tai hại.
Việc đặt câu hỏi thường là một sự tính toán tỉ mỉ của tác giả nhằm mục đích hướng độc giả chú ý vào một cái gì đó (thường là mạch truyện) để độc giả có thể hiểu nó hơn. Việc đặt câu hỏi không đúng chỗ như thế này thì chỉ có tác dụng ngược, và càng nhiều câu hỏi như thế sẽ càng khiến độc giả khó nắm bắt được mạch truyện hơn, sẽ khó mà thấy câu chuyện nó hay được. Tôi hy vọng ở những chương sau, tác giả sẽ có một sự tính toán hơn cho việc áp dụng kỹ thuật này vào trong truyện của mình.
Ngoài những điều nổi cộm này thì tôi cũng có vài góp ý nhỏ cho tác giả; tôi hiểu công việc mà Hà Duy Quang đang làm có thể coi gần như là tiên phong, mở đường nên một vài sai lầm là không tránh khỏi khi cố lột tả cái chất thuần Việt ra. Tôi thông cảm và xin góp ý chút đỉnh coi như thêm một tư liệu cho tác giả tham khảo. Theo tôi thì xã hội trong truyện này là một sự kết hợp lẫn lộn giữa những đặc trưng của hiện đại, cổ đại. Thực sự tác giả chưa dung hòa được hai “chất” này khiến câu chuyện trở nên hơi gượng ép, nó được thể hiện qua nhiều chi tiết ví dụ như lúc ông lão mời trầu hai nhân vật chính khi họ đang trên đường chạy trốn. Người hiện đại chúng ta đã bỏ việc ăn trầu nên rất nhiều người không biết rõ về tục lệ này và có nhiều suy nghĩ sai lệch khi cho rằng “ăn trầu đen răng” như tác giả đã đề cập ở lý do mà nhân vật Khúc Liên từ chối miếng trầu của ông lão. Đây là một sự nhầm lẫn khá đáng tiếc; tôi có một ông anh ăn trầu trường năm năm rồi nhưng răng vẫn chưa xỉn nổi. Thực tế ăn trầu có thể khiến răng xỉn thật nhưng nó chỉ xảy ra ở những người ăn trầu có thâm niên vài chục năm thôi, chứ mấy người mới ăn chỉ có cảm giác răng xỉn thôi không phải là thật còn việc đen răng lại do một việc hoàn toàn khác. Gần như là một công nghệ nhuộm răng rất phức tạp của các cụ ta xưa kia chứ ăn trầu suốt đời không đen nổi răng đâu. Và người xưa có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” để thể hiện việc ăn trầu này phổ biến như thế nào và việc ăn trầu, nhuộm răng của người xưa cũng giống như việc đánh răng của mình ngày nay vậy. Đây là phương pháp phòng chống các bệnh lý về răng miệng và nó gần như trở thành một nét văn hóa rồi, nên tôi nghĩ tác giả có thể bỏ đoạn này đi vì nếu cứ để nó thế thì sớm hay muộn cũng sẽ có người bóc trần và lấy nó để chê bai tác giả kém hiểu biết về văn hóa Việt thôi.
Tóm lại là tuy có rất nhiều điều muốn nói nữa nhưng tôi cũng chưa biết nói như thế nào và truyện mới bắt đầu nên hy vọng sẽ được góp ý nhiều hơn tác giả trong tương lai.
Chúc tác giả sớm có nhiều chương truyện đặc sắc hơn nữa. Chúc bạn thành công!.
Cảm ơn hội bình văn và đặc biệt là bạn Văn Bình rất nhiều vì đã dành thời gian quý báu của mình để đánh giá tác phẩm Chân Kiếm Giang Hồ.
Tác phẩm này mình đã hoàn thành, hiện tại mới gửi cho các nhà xuất bản tìm kiếm cơ hội in sách, hihi. Những chi tiết bạn phát hiện ra trong tác phẩm như chuyện trầu đen răng, góc nhìn tác giả và nhân vật chính, câu hỏi đặt không đúng chỗ khiến mạch văn lạc nhịp thì khi biên tập mình cũng tự phát hiện ra và đã sửa. Do bận quá nên chưa lên vnkings cập nhật được, hic.
Về bài đánh giá này thì mình có một vài điểm là không đồng ý, tuy nhiên mình không đồng ý không có nghĩa là mình bảo bạn sai, đơn giản chỉ là quan điểm khác nhau thôi, văn học không bao giờ có đúng hay sai.
Đầu tiên, về chuyện tả quá chi tiết như bạn nói, viết văn đó là dùng những con chữ để vẽ nên một bức tranh trong đầu người đọc, khiến người đọc như được chìm đắm, được sống trong câu chuyện. Tất nhiên mình chưa đến cảnh giới đó :). Nhưng với một sự vật như con người. cảnh vật một khi xuất hiện trong câu chuyện thì không thể thả huỵch toẹt nó ở đấy được, mà bắt buộc phải có sự miêu tả cho chúng để khiến độc giả hình dung một phần ra trong đầu. Ví dụ, bạn viết "trước mặt nvc xuất hiện một tên cướp" thì bắt buộc phải miêu tả một chút về hình dáng bên ngoài tên cướp chứ không thể viết mỗi hai chữ "tên cướp" rồi mặc cho độc giả tự tưởng tượng. Văn nó khác phim ảnh là ở chỗ đó, mặc dù ko muốn những vẫn phải bắt buộc dùng chữ để miêu tả cho người đọc.
Thứ hai, về chuyện tả chi tiết từng rung cảm xúc động trong tình yêu của Trần Công Minh, cái này là dụng ý của mình, vì mình muốn mạch văn chậm lại ở đoạn đó, không muốn nó nhanh quá, dù sao nó mới chỉ là phần đầu. Sau này về cuối chuyện cao trào đẩy lên sẽ vô cùng nhanh, chém giết liên miên hết chương này đến chương khác. @@
Cuối cùng xin cảm ơn hội bình văn một lần nữa, hoạt động này của hội bình văn quả thật rất bổ ích cho những tác giả mạng như chúng tớ. hihi
Hội Bình Văn (6 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1770
Rất cảm ơn bạn đã đến với Hội Bình Văn thân!
Quang Hà (6 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 1955
Cảm ơn hội bình văn và đặc biệt là bạn Văn Bình rất nhiều vì đã dành thời gian quý báu của mình để đánh giá tác phẩm Chân Kiếm Giang Hồ.
Tác phẩm này mình đã hoàn thành, hiện tại mới gửi cho các nhà xuất bản tìm kiếm cơ hội in sách, hihi. Những chi tiết bạn phát hiện ra trong tác phẩm như chuyện trầu đen răng, góc nhìn tác giả và nhân vật chính, câu hỏi đặt không đúng chỗ khiến mạch văn lạc nhịp thì khi biên tập mình cũng tự phát hiện ra và đã sửa. Do bận quá nên chưa lên vnkings cập nhật được, hic.
Về bài đánh giá này thì mình có một vài điểm là không đồng ý, tuy nhiên mình không đồng ý không có nghĩa là mình bảo bạn sai, đơn giản chỉ là quan điểm khác nhau thôi, văn học không bao giờ có đúng hay sai.
Đầu tiên, về chuyện tả quá chi tiết như bạn nói, viết văn đó là dùng những con chữ để vẽ nên một bức tranh trong đầu người đọc, khiến người đọc như được chìm đắm, được sống trong câu chuyện. Tất nhiên mình chưa đến cảnh giới đó :). Nhưng với một sự vật như con người. cảnh vật một khi xuất hiện trong câu chuyện thì không thể thả huỵch toẹt nó ở đấy được, mà bắt buộc phải có sự miêu tả cho chúng để khiến độc giả hình dung một phần ra trong đầu. Ví dụ, bạn viết "trước mặt nvc xuất hiện một tên cướp" thì bắt buộc phải miêu tả một chút về hình dáng bên ngoài tên cướp chứ không thể viết mỗi hai chữ "tên cướp" rồi mặc cho độc giả tự tưởng tượng. Văn nó khác phim ảnh là ở chỗ đó, mặc dù ko muốn những vẫn phải bắt buộc dùng chữ để miêu tả cho người đọc.
Thứ hai, về chuyện tả chi tiết từng rung cảm xúc động trong tình yêu của Trần Công Minh, cái này là dụng ý của mình, vì mình muốn mạch văn chậm lại ở đoạn đó, không muốn nó nhanh quá, dù sao nó mới chỉ là phần đầu. Sau này về cuối chuyện cao trào đẩy lên sẽ vô cùng nhanh, chém giết liên miên hết chương này đến chương khác. @@
Cuối cùng xin cảm ơn hội bình văn một lần nữa, hoạt động này của hội bình văn quả thật rất bổ ích cho những tác giả mạng như chúng tớ. hihi