Cuối cùng sau một chuyến bay dài, tôi đã đến thành phố N. Một buổi chiều mát mẻ, tôi vội vã bắt taxi trở về nhà. Trong lòng gấp gáp đến độ không đợi được, vừa về đến cửa đã quảng vali bên ngoài mà chạy vào nhà tìm bố mẹ.
“Mẹ!” Tôi thấy bà đang nấu ăn, mùi thức ăn thoang thoảng khắp phòng bếp. Mẹ tôi ngoái đầu nhìn, mái tóc của bà dường như đã bạc thêm nhiều, nếp nhăn nơi khóe mắt cũng dày thêm. Mẹ tôi mỉm cười.
“Về rồi hả con, mệt không? Thay đồ rồi xuống ăn cơm…” Không để bà nói thêm lời nào nữa, tôi kích động ôm chầm lấy mẹ. Một cái ôm siết chặt ấm áp, tôi hít lấy hít để mùi hương quen thuộc từ nhỏ đến lớn. Tôi cảm thấy linh hồn mỏng manh bị tổn thương của mình như được chữa lành vậy.
Tôi buông mẹ ra, hôn lên má bà một cái thật kêu. Hình như mắt tôi cũng ươn ướt.
“Mẹ!”
“Ừ.”
“Mẹ!”
“Gì?”
“Mẹ!”
“Cái con này, gọi cái gì? Lại thiếu tiền hả?”
Tôi cười rộ lên, nước mắt không kìm được mà tuôn rơi. Hai mươi bảy tuổi đầu, Tết năm nào cũng về nhà nhưng thời gian quá ngắn ngủi không bằng những tháng ngày cách xa kia, cho nên tôi lúc nào cũng nghĩ rằng bản thân mình đã rời xa mái nhà này đã quá lâu rồi. Mấy năm này ở bên ngoài lăn lộn, chịu vô số uất ức, tổn thương nhưng cũng chẳng dám nói với bố mẹ lần nào, chỉ sợ cả hai buồn lo vì chính mình.
“Con nhớ mẹ quá!” Tôi nghẹn ngào, giọng tôi lạc cả đi.
Mẹ tôi nhìn tôi hiền từ, như hồi tôi vẫn còn là con bé con buộc hai sừng chạy loanh quanh bên chân bà, kêu đâu dạ đó. Mẹ tôi vuốt mặt tôi, khóe mắt bà cũng đỏ hoe, tôi ôm bà một cái nữa rồi mới tách ra.
Mẹ tôi theo tôi đi ra cửa xách vali với tôi đem vào nhà, cùng lúc bố tôi trở về.
“Ủa, con An về rồi đó hả? Đi dữ hen? Có mua quà gì cho ba không?” Chưa thấy người đã nghe thấy tiếng ông lanh lảnh vang ngoài cửa. Bố tôi xách một con gà sống khệnh khạng bước vào nhà, ông cười tít cả mắt, gương mặt già nua hơi nhăn lại.
“Ba, con về rồi nè.” Tôi ôm bố tôi, cười hề hề. Hồi nhỏ, bố tôi hay bảo con gái gì mà cười hề hề nghe lưu manh chết đi được.
Ông xoa đầu tôi, vẫn y như hồi nhỏ, ông gọi tôi là con gái rượu của ba. Tôi cười, cười đến mỏi miệng để ngăn cho dòng nước mắt không tuôn rơi. Tôi mà khóc là bố tôi khóc ngay.
“Đi đi vô thay đồ nghỉ ngơi đi con. Hôm nay cả nhà mình ăn gà nha!” Bố tôi xua tay, cùng mẹ tôi vào bếp.
“Thằng nhóc đâu rồi ba?” Tôi hỏi, nhà tôi còn một đứa em trai, nhỏ hơn tôi hai tuổi.
“Đi chơi với tụi bạn nó rồi, để hồi ba gọi nó.”
Tôi gật đầu đi lên phòng mình. Căn phòng nhỏ vẫn không thay đổi gì mấy, trước đây khi còn nhỏ tôi không thích dọn phòng nên trông bừa bãi lộn xộn lắm, toàn bị mẹ mắng. Nhưng nhìn một lượt, tôi chắc mẩm ngày nào mẹ tôi cũng lên lau dọn cho tôi.
Ngả lưng trên chiếc giường thân yêu của mình, tôi không cần biết gì nữa, ôm chặt gối ôm ngủ một mạch đến tối.
Tỉnh lại khi bị tiếng chuông điện thoại đánh thức, tôi nhìn đồng hồ rồi uể oải ngồi dậy.
“Alo?”
“Ừm, ngày mai nhớ đến.” Cô bạn lớp trưởng gọi điện cho tôi.
“Ừ, mai tao sẽ đi.” Tôi đáp. Cả hai chúng tôi nói qua loa vài câu hỏi thăm rồi cúp máy. Tôi nhìn đồng hồ đã bảy giờ ba mươi tối, dưới nhà truyền lên tiếng nói chuyện.
“Hế lô chị!” Thằng em tôi cười toe, dạo này nó ra dáng một người đàn ông hơn rồi. Không còn vẻ xốc nổi năm đó nữa.
“Ờ, chị có quà cho mày nè.” Tôi sờ đầu nó, móc trong túi ra hai tờ năm trăm nghìn. Nhìn mặt nó như bắt được vàng, cười sung sướng.
“He he, em cảm ơn chị yêu dấu nha! Trời ơi nay chị về nhìn đẹp hẳn ra nha!” Nó bắt đầu giở cái thói nịnh nọt thấy ghét.
“Mày khen đểu tao đấy à? Trả tiền đây!” Tôi giơ tay, định lấy tiền về.
“Thôi mà, có nhiêu đâu. Em cảm ơn nha. Hì hì.” Nó cười nũng nịu, vẫn như hồi còn nhỏ.
Cả nhà tôi quây quần bên nhau ăn một bữa no nê, nói chuyện vui vẻ rồi nghe nhạc, xem phim. Đến tầm chín giờ rưỡi, bố mẹ tôi cảm thấy buồn ngủ liền ngủ trước. Thằng em thì đã phóng đi chơi với đám bạn từ trước. Tôi xin phép bố mẹ đi ra ngoài một chút.
Tôi lái chiếc xe phân khối của thằng em, đi một vòng dạo quanh thành phố. Mấy năm nay nơi này thay đổi nhiều lắm, suýt chút nữa tôi cũng không nhận ra, mấy lần đi lạc.
Tôi chạy trên con đường lớn ven biển, ánh đèn trang trí rực rỡ nhấp nháy, trước đây tầm giờ này thì sẽ vắng người đi lại lắm nhưng bảy năm rồi nên nơi này cũng nhộn nhịp chẳng khác gì Sài Gòn hoa lệ cả. Tôi lái xe đi đến bên kia của thành phố, con đường này đi đến nhà cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi năm đó, tôi dừng lại bên đường ngoái đầu nhìn eo biển ôm trọn thành phố, đẹp đẽ, xa lạ mà quen thuộc. Tôi lại trở về, lòng vòng thế nào liền dừng trước trường cấp ba năm ấy.
Hàng hoa giấy kia đã trở thành một cái cổng tự nhiên, chắc hẳn hàng ngày được bác lao công chăm sóc cắt tỉa kỹ càng. Sân trường vắng lặng, cây cối to lớn rợp bóng. Ánh đèn từ phòng bảo vệ sáng trưng một góc. Tôi dừng xe bên đường, từ bên ngoài nhìn ngắm ngôi trường thân yêu của mình, nơi viết nên một tuổi thanh xuân rực rỡ mà mọi người vẫn thường nói.
Dưới ánh đèn vàng hắt xuống đường, tôi trầm lặng suy nghĩ nhiều thứ, cũng có khi là đang hồi tưởng về những kỷ niệm nào đó. Tôi lục trong túi áo ra chiếc bật lửa zippo, rồi vô thức mò xuống túi quần nhưng không thấy bao thuốc đâu. Tôi cười khẽ, mấy năm nay cũng cực khổ quá mà sinh hư rồi. Một năm nay tôi đã bắt đầu cai thuốc lá nhưng theo thói quen vẫn mang bật lửa bên mình.
Tôi quẹt rồi lại đóng, ánh lửa nhỏ nhấp nháy trong đêm. Tôi ngồi đó một lúc lâu, ngẩng đầu nhìn bầu trời đêm đầy sao vô cùng đẹp đẽ như năm ấy.
Bỗng nhiên, có một chiếc xe hơi màu đen chầm chậm dừng ở gốc cây bên ngoài cổng trường, cách chỗ tôi không xa. Cửa kính hạ xuống, một gương mặt mệt mỏi lộ ra, trên tay có một đốm lửa đỏ lập lòe của đầu thuốc lá. Người đó ngả đầu ra sau ghế tựa, xoa xoa thái dương rồi nới lỏng cà vạt ra.
Tim tôi đập mạnh đến mức khiến tay tôi run rẩy không làm chủ được mà đánh rơi chiếc bật lửa xuống đất.
Là người đó.