- Truyện ngắn: Nó
- Tác giả: Bách Lâm
- Thể loại:
- Nguồn: Tự sáng tác
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 4.292 · Số từ: 2548
- Bình luận: 27 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 12 Bách Lâm trang trần Minh Phước Nguyễn Tường Vi Akabane1701 Hoa Tuyền Nhi Cindy Cynthia Tế Anh Fan Mặc Vũ ︵✿๖ۣۜKɦả Áĭ‿✿ Nguyễn Thơ Diễm Thúy
Nó không có tên, mà nếu có người ta cũng chẳng buồn nhớ. Người làng gọi Nó là Lượm, là Nhặt, lúc lại Tí, Tèo, ê ơi gì đó… mọi cái tên mà người ta thích và Nó sẽ mang tên đó. Nó không có cha và cũng chẳng biết mẹ nó là ai. Nó chỉ biết người làng gọi người sinh ra Nó là “ả Hương”, là “phường buôn hương bán phấn”, kèm theo cái bĩu môi khinh bỉ. Với cái đầu của một đứa trẻ, Nó không hiểu được nghề nghiệp hay thái độ của mọi người khi nhắc đến mẹ Nó. Nhưng những lúc các bà các cô tụm năm tụm ba, “buôn dưa buôn lê” từ chuyện: nhà ông Năm bị trộm cuỗm mất cái lu, chuyện cô Lựu sớm trên thương anh Bưởi xóm dưới, con bà Bảy theo thằng kép trong đêm… Và bao giờ cũng vậy, họ nhất định sẽ lôi mẹ nó ra không tiếc lời khinh miệt.
Chẳng là mươi năm trước, có cô gái từ tỉnh khác di cư tới đây với cái bầu sắp đến ngày “khai hoa nở nhụy”, cô sụt sùi kể lể: mình chót lỡ dại với một thằng (xin lỗi) “họ Sở” làm trong công trình xây dựng cầu làng. Khi nhịp cầu nối đôi bờ đã hoàn thành cũng là lúc y quất ngựa truy phong không một lời từ tạ. Ba má cô xấu hổ với xóm làng nên đánh đuổi cô đi… Bà Tư thương, cô Mận xót nên mọi người chung tay góp sức sửa lại cái chòi của bà Tư cho cô ở tạm trong những ngày ở cử.
Ở cữ ra, trông Hương (tên cô gái) thêm mặn mà nét duyên của cái tuổi xuân xanh của “gái một con trông mòn con mắt”. Dạo đó người làng thấy thanh niên làng bỗng siêng tới nhà bà Tư mua đồ, lúc điếu thuốc, chai dầu, lắm lúc nửa đêm gõ cửa chỉ để mua cái lưỡi lam cạo râu… Nhiều người xì xầm, nào đêm trước thấy anh Khoai đi ra từ cái chòi mà trước đó Hương ở cử, rồi chị Mến thấy anh Bỉ đi vào, cô Lụa thấy chồng chị Thắm đi ra… Hương khóc. Bà Tư lớn tiếng bênh vực, đòi vả miệng tụi nào dám đặt điều đặt chuyện làm Hương khổ… Mãi đến một đêm, chị Hành vừa chửi, vừa lôi Hương với bộ dạng xốc xếch từ trong chòi ra. Bà Tư mới té ngửa ra kêu trời. Đêm đó, Hương đi mất.
Hương đi không đem theo Nó, khi Nó vẫn chưa dứt sữa. Bà Tư bỏ Nó trong chòi không chăm, không lo. Xóm giềng cũng bỏ mặc. Đói khát Nó khóc. Không nở bà đành phải nuôi Nó bằng nước cơm nước cháo nhưng bà không mặn mà với Nó lắm. Bởi lẽ, cứ nhìn thấy Nó, bà lại thấy tưng tức cái cảnh già đời còn bị con ả mười chín, đôi mươi qua mặt, để xóm làng trách phiền, chửi rủa… Nó lớn nhanh khỏe mạnh trong sự thờ ơ của mọi người. Họ bảo con hoang có khác.
Cô Xinh – con bà Tư ở nhà chồng làm dâu chẳng đặng nên vợ chồng con cái dắt díu nhau về bên mẹ ruột. Nhà bà Tư chật hẹp Nó buộc phải ra ở ngoài chòi. Chồng Xinh rào từ cái chòi thẳng ra ruộng nuôi vịt. Nó bắt đầu có thêm việc mới để làm. Hàng ngày Nó lùa vịt ra, cho ăn, nhặt trứng, chiều chiều lại lùa vịt về chuồng … Những ngày đầu Nó không hiểu đó là công việc của Nó. Nó lùa vịt ra rồi bỏ theo thằng An (con Xinh) và lũ trẻ làng cưỡi trâu tắm ruộng… Xinh lôi Nó về, mắng chửi và nện cho một trận. Người Nó tím bầm những vết roi. Nó khóc và sợ. Từ đó, nó chỉ quanh quẩn ở cái chòi và chuồng vịt.
Vợ chồng cô Xinh chỉ có một mình thằng An nên thương vô cùng. Nhỏ tuổi hơn nhưng nhìn tướng tá An nhỉnh hơn Nó nhiều. Cô Xinh chăm sóc, nâng niu như thể mới lọt lòng. Hằng ngày đút cơm, tắm rửa, đến buổi lại quạt cho ngủ… Nó nhìn thấy mà thèm và ao ước mình cũng được chăm lo như vậy. Có lần, thấy cô Xinh tắm cho thằng An, Nó mon men lại gần, đứng tựa vào cái lu, lóng ngóng cho tay vào khuấy khuấy nước, mắt nhìn Xinh như mong mỏi, đợi chờ…
– Sao mày không đi tắm đi, đứng đây làm gì? Bỏ tay ra, dơ lu nước bây giờ! Ra ruộng mà tắm…
Nó thất vọng.
Thằng Ăn rất ưa hiếp đáp Nó, có lần An cùng tụi trẻ làng ra ruộng đẩy Nó xuống bùn rồi cười nắc nẻ. Hay thỉnh thoảng, chúng xúm lại đánh Nó. Chú Bể – ba An thấy Nó khóc, rầy:
– Sao mày đánh nó hoài vậy An?
– Sao ông lại la thằng nhỏ? Tại thằng này nó dở thì ráng chịu chứ trách ai. Mới đụng tí đã bù lu bù loa lên như trời sập không bằng… – Nói đoạn Xinh ôm thằng An vào lòng nựng nịu, khen ngợi – Chỉ có con mẹ mới khỏe và giỏi nhất…
Nó nín khóc. Nó cũng muốn mình mạnh mẽ, được ngợi khen. Nếu có lần sau, thì mọi chuyện sẽ khác…
Rồi “cơ hội” của Nó cũng đến. Một buổi trưa, khi Nó ngủ trong chòi, An cùng đám trẻ làng lấy dây thừng cột vào chân Nó lôi xuống ruộng. Chúng hò hét vang trời. Nó vẫy vùng dữ dội. Mình Nó lấm lem rơm bùn lẫn lộn. Cuối cùng cũng gỡ được sợi dây. Tụi trẻ cười bỏ chạy. Nhìn bộ dạng của Nó, thằng An thích thú lấy cây dí dí vào Nó rồi cười nắc nẻ. Nó vùng dậy đẩy thằng An té ạch xuống. An khóc ré lên. Nghe tiếng khóc của nó, Xinh lạch đạch chạy ra hoảng hốt, quát tháo:
– Thằng ôn này, mày dám đánh con tao? Trời ơi, ngó xuống mà coi, đúng là “nuôi ong tay áo” mà. Lên đây, lên đây… Mày chết với tao…
Xinh lôi Nó xềnh xệch lên bờ. Nó ngỡ ngàng. Tất cả không như những gì Nó nghĩ. Xinh rút thanh tre rào chuồng vịt, quất vào Nó không thương tiếc. Nó khóc la van này…
Thằng An cười hả hê…
Từ đó, mặc thằng An có bày trò trêu chọc, thậm chí đánh Nó, Nó cũng chỉ biết gồng người chịu đựng. Cuộc sống của Nó nhờ vậy mà được yên ổn…
Những hoa phượng cuối cùng đã rơi rụng. Một mùa hè đã hết. Nó buồn. Không phải Nó có tâm hồn thi sĩ mà đi để ý ba cái chuyện tầm phào không đâu đó. Nhưng mùa này khác, tụi trẻ làng đã đến tuổi đến trường. Sẽ không còn đứa nào ra chơi đùa hay bày trò hiếp đáp Nó nữa. Nó buồn. Hằng ngày chỉ có chú Bể đôi ba bận ra gom trứng, đem cơm cho Nó. Nó ở đó với đàn vịt… Tụi trẻ làng hăm hở đến trường, thằng An cũng vậy. Xinh sắm sửa cho nó mọi thứ. An mặc áo trắng tinh, vai mang cặp đến trường. Nó nhìn theo mà ao ước, thòm thèm. Giọng Xinh ngọt xớt với nụ cười khinh rẻ:
– Học hành mà làm gì? Mày sinh ra chỉ thích hợp để chăn vịt thôi con à…
Nó chạy về chòi. Khóc. Chưa bao giờ như lúc này, Nó ao ước mình cũng có mẹ, mình cũng được học hành.
Những buổi ngồi ngoài hè nghe thằng An ê, a tập đọc. Nó nghe thinh thích, lóng ngóng, tò mò. Nó leo lên cái lu cạnh của sổ nhìn vào…
Một buổi chiều như mọi ngày, Nó mang những quả trứng còn sót lại ngoài ruộng vào nhà. Chẳng có ai, cả nhà kéo sang nhà bà Chín ăn cỗ cả rồi. Đi qua cái bàn An học, nó dừng lại, nhìn. Mắt Nó ánh lên niềm vui, thòm thèm lẫn sợ sệt. Nó nhìn quanh một lượt, lại nhích vài bước chân. Mắt láo liên lần nữa như để chắc ăn, không có ai thật… Lần này Nó chạy thật nhanh đến. Bàn tay Nó run rẩy kéo hộc tủ. Nó mân mê từng trang giấy, cây bút, mắt háo hức, thích mê. Ước gì, những thứ này là của Nó!, giá như chúng là của Nó… ý nghĩ thoáng nhanh qua đầu. Lúc này, những trận roi đòn không đủ sức níu giữ Nó. Nó lấy cây bút chì màu cũ, cuốn tập viết vất dưới gầm bàn. Nó đóng nhanh tủ lại, cho những thứ ấy vào áo rồi theo khe cửa khép hờ chạy ra ngoài. Nó chạy, chạy thật nhanh về chòi trong niềm vui khôn tả…
Nó giấu những thứ ấy dưới chiếu, không dám đem ra bây giờ. Nó sợ. Họ ra bất ngờ thì Nó sẽ no đòn. Không được gấp, Nó phải đợi, đợi đến khi cả nhà cô Xinh đi ngủ hết, Nó phải đợi. Nó ra cửa ngóng, chốc chốc lại chạy đến bên giường, hé chiếu lên nhìn như sợ chúng biến mất. Sao trời bữa nay lâu tối thế không biết?… Sao họ thức khuya quá vậy?… Nó phải đợi.
Trăng lên cao, tròn vành vạnh. Gió xào xạc qua vách lá. Tiếng côn trùng râm ran gọi nhau. Trời đã khuya, cả xóm làng đang chìm trong giấc ngủ. Nó hé cửa nhìn vào nhà, sau đó lại giường lôi những thứ ấy ra, lòng đầy vui sướng. Quẹt diêm đốt ngọn đèn dầu, Nó bắt đầu viết (nói đúng hơn là vẽ theo những chữ). Chữ này đọc là gì nhỉ? Nhìn giông giống cái trứng vịt, có chữ lại như cái trứng vịt có cái lưỡi câu, chữ này như cái gàu múc nước… Nó hì hụt những nét xiêu vẹo không rõ chữ gì cả. Nó cũng chẳng biết đọc là gì. Thì ra học cũng khó thật! Nó viết, viết đến khi tay mỏi nhừ. Nó đưa lên đèn soi soi, cũng giống lắm chứ, Nó vui như vừa làm được chuyện gì to lớn lắm. Chà, sao không buồn ngủ nhỉ!
Nó ra cái võng mắc giữa hai cây xoài gần chòi nằm. Gió mát thật. Giờ này mà có tụi thằng Sâm móc bọc, thằng Ní lượm mót ở đây thì thích thật. Tụi nó đi nhiều biết nhiều chuyện hay lắm. Còn Nó, Nó sẽ khoe Nó đã viết được chữ thể nào tụi Nó cũng tròn mắt mà thán phục. Chỉ nghĩ đến thôi, mà Nó thấy vui thật vui.
Gió thổi vi vút.
Nó ngước nhìn trời.
Những vì sao lấp lánh, chập chờn…
Trước mắt Nó là một cánh đồng bao la, rất nhiều bươm bướm, chuồn chuồn với đủ cả sắc màu đang chập chờn, chao lượn. Nó đang đuổi bắt chúng. Nhưng thật lạ, cứ đụng vào thì chúng lại biến mất. Nó đang mặc cái áo trắng tinh, vai nó mang chiếc cặp thật đẹp như cặp của thằng An.
– Con à!
Một giọng nói hiền hòa vang lên sau lưng Nó. Một người đàn bà không rõ mặt mày, với dáng người mảnh dẻ, mỏng manh như sương khói, đang dang rộng vòng tay đón Nó. Nó mỉm cười hạnh phúc, chạy thật nhanh đến. Nhưng, Nó càng chạy bóng người đàn bà càng xa dần, xa dần…
– Mẹ…e…e…e…!
– Trời ơi cháy, cháy bớ làng xóm ơi…
Tiếng hét thất thanh làm Nó giật mình tỉnh dậy. Cháy. Cái chòi của Nó đang cháy. Ngọn lửa đã bén qua chuồng vịt. Lũ vịt trong chuồng nháo nhác muốn thoát ra ngoài. Chúng kêu la dữ dội. Nó chạy nhanh đến dùng sức giật mạnh cánh cửa nhưng không hề hấn gì. Lửa phà mạnh vào mặt nó. Rát bỏng. Thanh sào rớt xuống trúng vào người Nó, tóc và áo Nó bén lửa. Nó chạy ra, lăn lăn xuống ruộng.
– Trời ơi thằng Lượm, nó đốt nhà tui. Làng xóm ơi, cứu cứu… cháy…
Tiếng cô Xinh càng lúc càng dữ dội, làng xóm chạy đến người thùng người thao múc nước mong cứu lấy bầy vịt đang kêu gào vô vọng…
– Trời ơi là trời, mày trốn đâu rồi, ra đây mau. Tao giết mày, tao giết mày, Lượm ơi….
– Thằng Tí nó đốt thiệt hả?
– Nó chứ ai, y như con mẹ của nó. Toàn thứ vô ơn, hại người.
– Nó đâu rồi, lôi nó ra đây…
Tiếng những người làng xóm nhao nhao…
Ngọn lửa vẫn cháy.
Nó sợ. Người Nó đang run lên vì sợ hơn đau vì bỏng. Những trận roi kinh hoàng lại hiện về trong Nó. Không, lần này nhất định cô Xinh, chú Bể sẽ đánh chết Nó, họ sẽ không tha cho Nó. Làng xóm cũng chẳng ai thương hay can gián. Nó lùi lại, lùi lại rồi cắm đầu chạy thẳng… Nó chạy. Chạy như thể nếu dừng lại thì nó sẽ chết.
Nó cứ thế mà chạy, băng hết ruộng này đến ruộng kia, qua những con đường rậm rạp lau sậy… Nó chạy, chạy đến lúc chân không còn lê nổi bước…
– – –
Ánh nắng chiếu vào mặt Nó, Nó nheo nheo mắt, rồi đưa tay dụi dụi. Trời sáng lúc nào không biết. Nó đứng dậy đưa mắt nhìn xung quanh. Hoàn toàn xa lạ. Ồn ào, đông đúc không giống như nơi Nó từng sống. Không ai để ý đến Nó. Họ cười cười, nói nói, mua mua, bán bán… Tiếng rao mời xôn xao.
Những trái táo căng mọng, những cái bánh thơm giòn, mùi bún mắm, cháo lòng phảng phất trong gió… Bụng Nó sôi liên hồi. Nó đói. Rất đói. Nhưng Nó không có một xu. Những mùi vị cứ thi nhau bay đến. Nó ứa nước miếng, nuốt ừng ực…
– Đồ ăn cắp, bắt lấy nó…Nó quay lại nhìn. Hai, ba đứa chạc tuổi Nó giật lấy bánh trong mâm người đàn bà rồi bỏ chạy…
Những người đi đường nhìn theo rồi lắc đầu, bỏ mặc.
Người đàn bà tru tréo chửi rủa.
Nó quay lại nhìn những cái bánh nóng hôi hổi trong quầy chị bán hàng. Bụng Nó sôi lên dữ dội…
HẾT
P/s: Trẻ em là những tờ giấy trắng. Và cuộc sống có thể dễ dàng vẽ nên bức tranh hồng hay đen cho cuộc đời chúng. Bởi chúng quá non nớt trước dòng đời và không đủ sức để phân định đúng sai nếu không có sự bảo bọc, thương yêu từ gia đình…
Khi tôi kết thúc câu chuyện ở đây, bạn sẽ hỏi: Liệu như vậy có quá ác nghiệt và tàn nhẫn với Nó? Sao không để Nó tìm được mẹ và sống hạnh phúc? Sao không để một người hảo tâm nào đó nhận nuôi Nó???…
Nhưng quyền quyết định không thuộc về tôi và cả bạn. Mà thuộc về hiện thực cuộc sống. Tôi luôn mong muốn đời của Nó tốt hơn, đẹp hơn sau những tháng ngày mà Nó đã trải qua. Nhưng liệu điều đó có thể không??? Hãy để tất cả chúng ta trả lời câu hỏi ấy…
Diễm Thúy (5 năm trước.)
Level: 1
Số Xu: 19
rat la hay
Nguyễn Thơ (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 6032
Mong được đọc nhiều truyện sâu sắc hơn từ chị!
Nguyễn Thơ (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 6032
Viết được câu chuyện như thế này, chắc chị đã từng trải rất nhiều điều. Đọc xong truyện này với Đường về, cái chung đều từ những cô gái phấn hoa có số phận bạc bẽo. Ngoài kia biết bao nghịch cảnh đời, thôi thì cầu chúc họ bình an.
Bách Lâm (6 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 1316
Chào bạn,
Cảm ơn bạn đã đọc và đưa ra lời nhận xét. Thật ra truyện này mình tập trung vào thông điệp về tầm quan trọng của gia đình, xã hội đối với trẻ em nhiều hơn là khắc họa tính cách nhân vật cũng như những sa ngã của nv Nó sau này. Mình cũng chọn kết thúc lửng để người đọc tự cảm nhận nguyên nhân dẫn đến những ngã rẽ, những sai lầm của một đứa trẻ khi sống thiếu tình yêu thương, sự giáo dục của gia đình và xã hội...
Mình xin có đôi lời gởi đến bạn, hi vọng không làm bạn phiền lòng. Rất cảm ơn những lời nhận xét và góp ý chân thành từ bạn. Mình sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.
Chúc bạn có những phút giây vui vẻ tại Vnkings. Mình cũng hi vọng sẽ sớm được đọc những bài viết từ bạn, để chúng ta được nhau giao lưu, học hỏi và kết bạn.
Thân ái!
Vương Lãnh (6 năm trước.)
Level: 1
Số Xu: 9
Tác giả rất có khiếu viết truyện ngắn nha. Truyện mang đậm hơi hướng của xã hội cũ, bối cảnh làng quê và nhân vật rất bình dị. Truyện truyền cảm thông điệp nhân văn rất ý nghĩa song hình như chưa thể hiện hết được tính cách của nhân vật Nó trước và sau khi sa ngã nhỉ?
Mình chỉ góp ý một chút thôi ạ
Bách Lâm (6 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 1316
Cảm ơn Nhi. Bách cũng có đọc bài của bạn rồi, không có kém gì đâu. Mà mới thấy bạn đăng truyện dài nữa. Tiếp tục nhé, Bách sẽ theo ủng hộ bạn *cười*
Thân ái!
Hoa Tuyền Nhi (6 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 3602
Mink cũng thế! Mình cũng rất thik đọc và vt! Nhưng thật sự vẫn rất kém! Bài của bạn rất hay! Mink rất thích! Cố lên nha Bách! Mink ủng hộ!
Bách Lâm (6 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 1316
Mình chỉ là người thích đọc, thích viết... Vẫn còn nhiều điều cần phải học hỏi ở mọi người. Nhưng rất cảm ơn lời động viên của Nhi. Chúc Nhi sẽ có nhiều bài viết hay nữa nhé!
Bách Lâm (6 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 1316
Không có gì đâu Nhi. Nhi thích là mình thấy vui rồi. Cảm ơn nhiều nhé!
Tường Vi (6 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 10892
Có gì đâu mà xin lỗi nhỉ. Hihi