- “Cây sồi”
- Tác giả: Hoa Viên
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [T] Không dành cho trẻ dưới 13 tuổi
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.110 · Số từ: 5120
- Bình luận: 24 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 11 Vân Du Nadeshiko Elena D. Zunasa TranAnh Truong Hạ Ân Ân Luân Saitama Khanh Vân Ngô My Anh Anh Phan HiVi ViHi Trần Mạnh Đức
Quỳnh không có mẹ. Cuộc sống nghèo khó đã khiến mẹ cậu bỏ lại gia đình theo người đàn ông khác. Cậu lớn lên bằng sự hằn học xỉa xói của mẹ kế và những trận đòn trút giận vô lý của cha. Người cậu gầy gò, gân bò lổm ngổm.
Cậu nghiện game (trò chơi). Từ lúc nào đó, không rõ, nhưng khi bước sang lớp mười hai cậu đã thực sự là tín đồ game online (trò chơi trực tuyến). Cậu có thể trốn học và cày game thâu đêm mặc những trận đòn ngày càng tàn bạo của cha.
Cái cách mà một đứa nhà nghèo có tiền ném vào phòng game cho cuộc sống ảo là trộm cướp. Cậu không phải ngoại lệ. Nhưng cậu chỉ trộm của mẹ kế. Vì đó là người cậu ghét nhất. Cậu từng cầu cho “mụ phù thủy đó chết quách đi”. Trong đầu Quỳnh nghĩ vậy chứ chưa một lần cậu dám mở miệng phát ngôn dù là trước mặt hay sau lưng mẹ kế. Vì thực ra cậu không khác nhiều so với trẻ tự kỉ. Những suy nghĩ bị kìm kẹp bởi cái còng vô hình nhưng vững chắc không thể nào thoát ra được. Nhiều lúc ấm ức cậu khóc tu tu. Nhưng chỉ khóc một mình. Cậu trốn đi ra con đường mòn sau nhà, ở đó có một cây sồi lớn. Cậu trèo lên cành cao nhất giấu mình trong đám lá sồi sum suê. Cây sồi già lắm. Có lẽ đã trăm tuổi. Cây sồi không có tâm tư. Cây sồi chỉ tồn tại như một quy luật tất yếu của tự nhiên. Cậu ước được là cây sồi. Bao năm rụng lá rồi ra chồi mới. Cứ thế, cứ thế, không gì đổi thay. Tốt biết mấy so với cuộc sống của cậu bao nhiêu là biến động…
Biến động đầu tiên là khi mẹ bỏ đi. Quỳnh từ một cậu bé hiếu động trở nên buồn bã trầm tư. Cha cậu nói “mẹ mày là cái thứ đàn bà rẻ rách nên sinh ra lũ rẻ rách chúng mày”.
Một đứa trẻ bảy tuổi không thể hiểu câu chửi rủa độc ác đó là thế nào nhưng thấy cha giận dữ mặt mày đỏ gay khi nhắc đến mẹ khiến cậu rất sợ. Cậu chạy ra gốc cây sồi ngồi khóc. Cậu khóc đến lả cả người. Sáng hôm sau cha cậu mới cuống lên đi tìm thì thấy con trai ngủ mê mệt dưới gốc cây. Toàn thân Quỳnh nóng rực. Có lẽ đã sốt đến bốn mươi độ. Chẳng biết cha có xót lòng khi nhìn đứa con tội nghiệp là Quỳnh hay không mà người ta thấy mắt cha cậu đỏ ngầu như sắp khóc nhưng tuyệt nhiên ông không đem con vào bệnh viện. Ông cho cậu uống thứ thuốc lá gì đó mà ông bạn người dân tộc cho hơn năm nay chưa dùng đến. Sau trận ốm Quỳnh trở nên xanh xao vàng vọt và cho tới bây giờ vẫn xanh xao vàng vọt.
Quỳnh ít nói, hầu như là không nói. Cha cậu hỏi chuyện cậu cũng làm ngơ. Cha cậu tức điên lên ném cái ống điếu vào người cậu. Nước điếu bốc mùi khắp cơ thể bé nhỏ. Cậu cứ nguyên như thế đến trường.
Biến động thứ hai là khi cha cậu tái hôn. Vợ mới của cha không phải ai xa lạ. Chính là cô hàng xóm trẻ tuổi mới chuyển về được gần một năm và cũng là cô giáo của Quỳnh.
Nghe người ta đồn cô ta từng là tiểu thư đài các ở thị xã, đi đâu cũng có vệ sĩ theo. Ấy thế mà không hiểu sao cứ mấy tháng bà mẹ quý phái lại phải đưa cô đến bác sĩ nạo thai. Cô không đẹp nhưng có vẻ quyến rũ. Nhà cô lại giàu nên không ít trai trẻ bám riết. Việc cô phá thai có lẽ là quy luật tất yếu. Phá mãi rồi cô bị vô sinh. Chẳng bao lâu cha cô phá sản rồi tự vẫn. Cũng may cô vừa tốt nghiệp. Mẹ cô trước khi mất cũng kịp lo cho cô về dạy trường tiểu học ở quê ngoại. Cô chán chường nhiều lúc định tự vẫn nhưng trường học đã giúp cô nguôi ngoai. Cô thân thiện với học trò. Yêu mến lũ trẻ như con mình. Cô biết chuyện gia đình Quỳnh. Và từ cái hôm cậu mặc nguyên bộ quần áo sặc mùi nước điếu đến trường cô đã tới tận nhà gặp cha cậu. Không biết cô nói chuyện gì mà sau đó cha rất dễ chịu. Cha ít nổi giận còn hay chở Quỳnh đi học. Cô giáo cũng thường xuyên đến nhà giúp cha con Quỳnh dọn dẹp lại căn phòng từ lâu không có bàn tay phụ nữ. Quỳnh không thấy vui vì điều đó. Cậu sưng mặt lên khi cô dám lau mồ hôi trên người cha. Cậu nhìn cô bằng đôi mắt hằn học của một đứa trẻ dù chưa hiểu gì về việc hai người khác giới cùng nằm trên một chiếc giường, đắp chung một cái chăn.
Mấy ngày sau khi cha Quỳnh và cô giáo ngủ với nhau, cha mời vài người bạn đến ăn bữa cơm ra mắt vợ mới. Cậu lại trốn ra gốc cây sồi và khóc. Cậu không kêu gào như những đứa trẻ khác. Cậu là đứa trẻ biết chịu đựng. Nước mắt cậu tuôn trào như dòng suối. Tiếng cười hạnh phúc của cha xé nát tâm hồn thơ dại của cậu. Nỗi tủi hờn trào lên cổ nhưng Quỳnh ngang bướng không cho nó thoát ra ngoài. Cậu kìm nén. Cậu cắn chặt cổ tay. Tiếng cụng chén, tiếng chúc tụng, tiếng cười hả hê… tiếng nấc nghẹn ngào của đứa trẻ non nớt.
Sau ngày cưới một hôm, bà ngoại đem em gái trả về cho gia đình Quỳnh trước sự ngỡ ngàng của mẹ kế. Trước khi đi, mẹ Quỳnh đem đứa con gái ba tuổi gửi cho cậu bên ngoại nhờ chăm sóc nhưng họ không chịu nổi con bé cứ quấy khóc đòi mẹ. Bà ngoại thương cháu nhưng cũng không dỗ dành được vì con bé khóc nhiều quá rồi ốm, rồi sốt, gầy xọp hẳn đi. Bà đi mấy trăm cây số đưa cháu lên đây, tuy không có mẹ nhưng ít ra có cha, có anh trai thì cũng đỡ hơn.
Mẹ kế có vẻ bực bội. Không dưng phải nuôi dưỡng hai đứa con chồng. Dù vô sinh nhưng phải chăm sóc hai đứa trẻ không máu mủ là điều cô không chấp nhận được. Trước mặt chồng, cô tỏ ra là người nhân hậu rộng lượng nhưng sau lưng chồng cô trút giận lên Quỳnh. Quỳnh không cãi, không phản kháng. Nỗi uất hận giấu kín trong lòng.
Rồi biến động lớn biến động nhỏ, không nhớ hết… Những biến động kéo năm tháng vô tình trôi đi.
Hơn hai mươi tuổi Quỳnh mới lên được lớp mười hai. Em gái cũng đã lớn. Con bé không giống Quỳnh. Nó ngỗ nghịch, đanh đá. Nó cãi mẹ kế sa sả. Nhưng mẹ kế tuyệt nhiên không đánh nó. Có lẽ vì mẹ kế chăm sóc nó từ nhỏ nên cũng có chút tình cảm dành cho nó. Nó được cưng chiều. Nó không nhớ ai là mẹ đẻ. Nó chỉ biết một người mẹ ngày ngày mắng nó là “đứa con gái lẳng lơ” nhưng cũng cung phụng nó, cho nó những khoản tiền tiêu phi lý. Quỳnh chẳng quan tâm. Đến lúc này Quỳnh đã như là người vô cảm. Cậu ít khi xuất hiện ở nhà. Mà thường những lúc ở nhà chỉ là để nghe mẹ kế chửi rủa và hứng đòn tàn khốc của cha.
Quỳnh chơi game miệt mài. Thế giới ảo mới chính là nhà của cậu. Nơi đây cậu có tất cả: tiền bạc, uy danh, sự tôn sùng của vạn người… Và, quan trọng hơn cả là cậu có một “gia đình” đúng nghĩa. Vợ cậu là “thiên sứ áo trắng” luôn cùng cậu sát cánh chiến đấu bảo vệ vương quốc thần tiên. Cậu có con trai, con gái ngoan ngoãn thông minh là người nối dõi bảo vệ vương quốc. Còn gì hạnh phúc hơn?
Quỳnh học không giỏi, hầu như năm nào cũng hoặc là đội sổ hoặc là tụt lại lớp dưới. Nhưng kì lạ, những bài văn của cậu làm cô giáo chủ nhiệm chú ý. Hơn ba mươi năm đứng trên mục giảng, qua bao thế hệ học sinh, cô Vy chưa từng gặp trường hợp nào như Quỳnh. Cô mới chỉ chủ nhiệm lớp 12H được vài tháng. Cô có nghe giáo viên chủ nhiệm trước nói qua về một số học sinh cá biệt trong đó có Quỳnh. Quỳnh không nghịch ngợm phá phách, cũng chưa từng vô lễ với giáo viên. Chỉ có một lỗi duy nhất và thường xuyên nhất: trốn học. Lại một điều lạ nữa, Quỳnh chưa một lần trốn tiết môn Văn, dù là bây giờ hay trước khi cô Vy chủ nhiệm. Nhìn bao quát bảng điểm học tập của Quỳnh thì thấy nổi trội lên duy nhất môn Văn nhưng cũng chỉ ở mức trung bình khá. Có thể các giáo viên trước đây chưa thực sự lưu tâm đến tố chất văn trong con người Quỳnh. Bởi vậy mà cô Vy hết sức ngạc nhiên khi lần đầu tiên đọc bài văn của cậu học trò này. Cô không nghĩ một học sinh đội sổ lại có những suy nghĩ sâu sắc đến thế.
“Nếu như làm người quá mệt mỏi hay ta làm một cái cây vô ưu vô lo liệu có tốt hơn không?”
Đó là câu kết trong bài kiểm tra văn gần đây của Quỳnh.
Cô Vy bắt đầu quan tâm sâu hơn đến cậu học trò đặc biệt này. Cô tìm hiểu tính cách của Quỳnh qua các học sinh trong lớp. Ai cũng trả lời như nhau.
“Nó bị tự kỉ đấy cô ạ!”
Thật ra nói như thế cũng không có gì quá đáng. Quỳnh đến lớp nhưng không chơi với ai. Lúc nào cũng lủi thủi một mình. Học hành thì đội sổ. Kiểm tra bài cũ không bao giờ thuộc. Bị bạn bè trêu ghẹo rồi đánh đập cậu cũng chỉ im lặng chịu đựng. Không kêu khóc, không van xin. Lâu dần bọn chúng chán không còn đếm xỉa đến Quỳnh nữa.
Cô Vy rất ngạc nhiên khi nhận câu trả lời về Quỳnh từ học sinh trong lớp. Cô băn khoăn “ít nhất thì Quỳnh cũng phải có một người bạn chứ, dù đó là người bạn cá biệt”.
Nhưng thực tế đến cả học sinh cá biệt cũng không bước vào được thế giới cô độc của Quỳnh.
Cô Vy giở hồ sơ của Quỳnh ra xem. Hoàn cảnh gia đình không có gì đặc biệt. Bố là bộ đội nghỉ mất sức lao động, mẹ là giáo viên cấp một. Cô ngồi suy nghĩ rất lâu.
Hải Linh nhẹ nhàng đặt tách cà phê xuống bàn. Giọng chị nhỏ nhẹ:
– Học trò nào lại khiến mẹ của con phiền lòng ạ?
Cô Vy cầm tách cà phê lên mỉm cười gật đầu thay câu trả lời cũng như cảm ơn con gái vì tách cà phê thơm phức. Dù biết lạm dụng cà phê là không tốt nhưng mỗi khi căng thẳng cô Vy vẫn thích nhấp ngụm cà phê do chính tay con gái pha.
– Tấm lòng của mẹ chắc chắn các em học sinh sẽ hiểu. Mẹ ngủ sớm đi ạ!
– Con cũng nghỉ sớm đi. Được mấy ngày nghỉ mà cứ vùi đầu vào viết.
Hải Linh khẽ cười. Chị gật đầu cùng tiếng “vâng ạ” mềm như gió xuân.
Trước khi trở về phòng chị thoáng nhìn thấy bức ảnh chân dung trong hồ sơ của Quỳnh. Đôi mắt chị mở to có sự kinh ngạc trong đó.
Hải Linh là con gái út của cô Vy. Từ bé đã rất dịu dàng, ngoan ngoãn. Chị có vẻ ngoài mềm yếu trái ngược hẳn với những bài phóng sự xã hội rắn rỏi của cô sinh viên báo chí. Bước sang năm thứ tư đại học, ngoài việc học ở trường, Linh thường một mình lang thang đến những ngõ ngách, công trình bỏ hoang, thậm chí là vũ trường… nơi ẩn chứa nhiều vấn đề tối của xã hội. Chỉ có cô Vy và một người nữa biết được bút danh dài dòng VÌ MỘT THẾ GIỚI cuối mỗi bài phóng sự chính là của cô gái mảnh mai yếu ớt Hải Linh. Sợ con gái gặp nguy hiểm nhưng cũng không nỡ cản trở ước mơ của con, cô Vy khuyên Linh gửi bài viết cho tổng biên tập một tờ báo chân chính ở thủ đô. Tổng biên tập đó là bạn đại học của cô. Ông là người chính trực và không sợ quyền lực phi nghĩa nên những bài viết của VÌ MỘT THẾ GIỚI dù không ít lần đụng chạm đến các nhân vật quan trọng, ông vẫn cho đăng, thậm chí là đăng lên trang nhất. Hải Linh rất hài lòng về chú tổng biên tập mang nhóm máu S này. Hải Linh thường gọi đùa nhóm máu S là nhóm máu sạch.
Lớp Hải Linh có một tuần đi thực tế tại nhà máy chế biến cà phê và một tuần viết bài thu hoạch. Linh hoàn thành bài thu hoạch sau khi kết thúc chuyến đi thực tế. Còn lại một tuần chị về quê thăm gia đình.
Trưa nay, Linh rời bến xe nhưng không về nhà ngay. Chị lại theo thói quen lang thang trên những con ngõ vắng. Trời có vẻ nóng. Hải Linh dừng lại, quệt mồ hôi bằng cánh tay áo giống kiểu một cậu con trai. Gương mặt trẻ trung với nước da pha chút màu nắng không biểu hiện sự mệt mỏi. Linh rảo bước về phía con đường đất cằn cỗi. Mấy tháng rồi không có lấy một giọt mưa. Cây cỏ ven đường khô cằn héo úa. Thế nhưng, từ phía xa xa có một màu xanh rậm rì bao trùm cả một khoảng trời.
“A! Cây sồi.”
Hải Linh reo lên thích thú. Chị không ngờ ở quê mình lại có một cây sồi lớn thế này. Chị co chân chạy thật nhanh.
…
Cây sồi không có tâm tư. Cây sồi ở đó cả trăm năm rồi. Cây sồi sinh những tán lá xanh non rồi xanh thẫm cho đến lúc lá vàng rơi lìa cành theo gió đến một nơi nào đó. Cây sồi là quy luật của tự nhiên.
“Ta muốn là cây sồi.”
Hải Linh vừa chạy đến nơi gốc sồi rợp bóng mát chưa kịp điều chỉnh nhịp thở bỗng giật mình ngửa cổ nhìn lên. Một cậu bé (trong đầu Linh nghĩ thế) phủ chiếc áo đồng phục học sinh trên mặt, nằm vắt vẻo trên cành sồi to. Hai tay cậu buông thõng xuống. Thân hình gầy guộc lọt thỏm trong đám lá xanh rì làm Linh liên tưởng đến chú dế mèn nằm trên cọng cỏ non trong truyện của nhà văn Tô Hoài. Điều này khiến chị cảm thấy thích thú. Chị cứ ngửa cổ nhìn lên một cách vô thức. Miệng nở nụ cười rất nhẹ. Dường như có linh cảm ai đó đang nhìn mình, Quỳnh kéo áo ra hé mắt nhìn xuống. Giống như một cuốn phim quay chậm, thời gian ngưng lại cho hai tâm hồn ngỡ như xa lạ giao thoa.
“Thằng chết tiệt kia đâu. Lại trộm tiền của tao rồi. Mày có đem về cho tao không hả?”
Hải Linh chưa kịp định hình ánh mắt của “dế mèn” thì đã giật thót mình quay đầu về hướng có tiếng chửi rủa phát ra.
Cách nơi cây sồi chừng vài trăm mét, một phụ nữ ăn vận rất phố tay chống nạnh tay chỉ trời miệng không ngừng kêu than:
“Trời đất ơi! Sao số tôi khổ thế hả trời? Tôi ăn ở phúc đức. Một tay nuôi dưỡng hai đứa con chồng. Thế mà chúng nó không biết ơn, còn trộm cắp tiền của bà mẹ đáng thương này. Thằng Quỳnh trời đánh thánh vật kia. Mày chẳng khác gì con mẹ rẻ rách của mày. Thằng Quỳnh khốn nạn kia…”
Quỳnh nghe những lời mạt sát này đã quen tai rồi nên cậu bình thản kéo áo lên che mặt giả vờ như không liên quan đến cái người tên Quỳnh đang bị nguyền rủa kia. Nhưng Hải Linh đủ thông minh hiểu rằng cậu “dế mèn” vô âu vô lo kia chính là nhân vật trong bài ca chửi của ai đó. Chị nhìn chiếc áo đồng phục và hỏi một câu lấy ý để làm quen:
– Cậu học trường Tân Triều à?
Câu hỏi không được đối phương chú ý lắm.
Hải Linh thả ba lô xuống, ngồi dựa vào gốc cây sồi to lớn. Chị nói chuyện với cây sồi:
– Ông khỏe chứ ạ?
Khuôn mặt giấu trong chiếc áo đồng phục khẽ cau lại.
– Cháu đoán là ông không thấy buồn. Ông có bạn rồi mà. Có vẻ hai ông cháu rất thân nhỉ?
Quỳnh đã cố tình làm ngơ cô gái có đôi mắt trong veo ấy. Nhưng cuộc nói chuyện của cô làm cậu tò mò. Cậu hé mắt liếc xuống phía dưới thấy Hải Linh đang ghé sát tai vào thân cây sồi, thỉnh thoảng gật gật cái đầu to gấp rưỡi đầu Quỳnh (cậu nghĩ thế khi nhìn cái trán dô của Linh). Cậu chưa từng bị bất cứ ai, bất kì điều gì thu hút ngoài game online. Nhưng cái vẻ ngớ ngẩn của Hải Linh khiến Quỳnh phải buông lời:
– Cây sồi không có tâm tư. Cậu nói chuyện với nó chẳng khác nào một kẻ điên.
“Chịu nói rồi kia đấy.”
Hải Linh thầm mỉm cười. Ánh mắt trong veo ngước lên nhìn cậu học sinh cấp ba.
Lại một lần nữa như có dây tơ vô hình giữ hai cặp mắt dừng lại hướng vào nhau. Quỳnh hơi bối rối nhưng không rời mắt khỏi gương mặt vừa có vẻ ngây thơ nhưng cũng có chút gì đó từng trải. Hải Linh thoát ra ngoài “vòng vây” này trước. Chị bình tĩnh đứng lên vịn tay vào cành sồi thấp nhất. Chị nhìn về phía mặt trời lặn. Một màu đỏ au.
Đêm nay là đêm hiếm hoi Quỳnh không tha thân vào quán net. Không phải vì lý do hết tiền vì lúc sáng cậu vừa trộm hai trăm nghìn của mẹ kế. Lúc ăn cơm tối xong, dưới sự cổ động của mẹ kế cậu bị cha cho mấy gậy suýt gẫy chân. Cậu lê bước khập khiễng vòng ra sau nhà. Con đường mòn đưa bước cậu đến nơi quen thuộc. Cậu cố hết sức bám lấy cành sồi thấp nhất đu mình lên. Cái chân bị cha đánh va phải thân sồi đau điếng. Cuối cùng cậu cũng vắt được mình lên cành sồi to vững chắc.
Sắp đến ngày rằm, trăng chưa tròn nhưng rất sáng. Ánh vàng dịu nhẹ len qua những tán sồi vuốt ve cơ thể gầy gò của chàng trai hai mươi tuổi. Nhưng gương mặt rám màu nắng và đôi mắt trũng sâu trông cậu giống một người đàn ông tuổi ba mươi. Đôi mày rậm và dài cau lại. Hình như cậu đang suy nghĩ…
Cậu nghĩ đến một cô gái.
Cũng không hẳn cậu nghĩ về cô gái, dù cậu dư tuổi để hiểu thế nào là rung động. Chính xác là cậu đang nghĩ về những điều cô gái nói. Cô gái của buổi chiều kì lạ…
“Cây sồi có thể vươn lên mạnh mẽ giữa thời tiết khắc nghiệt là vì nó có bộ rễ ăn sâu vào lòng đất. Rễ sồi bám đất rất chặt. Cậu xem tôi lay thế nào cũng không làm cây dịch chuyển được.”
Quỳnh bật cười:
“Ha ha. Cậu bị điên à? Cậu nghĩ mình là gió cấp mấy?”
Rồi Quỳnh nhảy xuống đất và đi lướt qua Linh. Chính cậu cũng không biết mình đã cười. Còn cười rất sảng khoái nữa.
“Chính là cậu bé đó.”
Hải Linh thở dài. Chị bước ra ban công. Trăng đã ngả về phía tây. Kí ức đau xót làm nhói trái tim cô gái trẻ.
Mười năm trở về trước, Hải Linh là một cô học sinh nhút nhát và gần như không bước ra khỏi nhà trừ những lúc đi học. Mặc dù chị luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập nhưng chị không có bạn bè cũng không tham gia bất kì một hoạt động tập thể nào. Thói quen hằng ngày của Linh là học và ngồi một mình trong bóng tối. Cô Vy buồn lòng lắm. Cô đem con gái xuống Hà Nội nhờ đến bác sĩ tâm lý giúp đỡ nhưng kết quả không thay đổi được. Hải Linh có vài biểu hiện của trẻ tự kỉ nhưng cũng không hẳn là bệnh tự kỉ. Dù biết rõ lí do nhưng bác sĩ cũng không có cách nào chữa được cho Linh. Cô Vy luôn tự trách bản thân mình. Thời gian cô mang thai, chồng cô (người lính đảo Hoàng Sa) hi sinh nên cô quá đau khổ sinh ra trầm uất. Một mình cô nuôi con trong nước mắt. Đến khi nhận ra sự khác thường của con gái thì đã muộn. Dù cô dành nhiều thời gian trò chuyện với con, khuyến khích con kết bạn, động viên con cùng đi chơi đây đó… Linh đều từ chối. Có điều cô bé vẫn chăm học lại học rất giỏi. Khiến cô Vy càng xót xa.
Rồi sau một tai nạn, Hải Linh bỗng nhiên thay đổi. Gia đình cô Vy rất vui mừng.
Nhưng không ai biết lý do của sự thay đổi đó.
Chỉ có bản thân Hải Linh mới hiểu…
Vào một buổi tan trường, nắng tháng năm bỏng rát cơ thể. Hải Linh đi về nhà qua con đường vắng người. Cô bé chợt dừng lại. Ánh mắt cô trợn trừng như xuyên thấu cơ thể rách bươm của một sinh vật vô hại. Rất nhiều. Rất nhiều những bàn chân thô bạo dẫm đạp lên một sinh vật sống. Sinh vật đó không có tiếng kêu. Sinh vật đó dùng đôi tay gầy guộc ôm lấy cái đầu nhỏ thó. Đám người hung hãn đó trên người còn khoác áo đồng phục học sinh. Đám người đó không coi sinh vật đang nằm dưới chân mình là đồng loại.
Tiếng dẫm đạp.
Chỉ có tiếng dẫm đạp và tiếng thở mệt nhọc của đám học sinh xé vào trái tim cô bé Hải Linh.
Nhưng, cô bé chỉ đứng đó. Vô cảm.
Đám học sinh nhìn thấy Hải Linh. Chúng cười sặc lên.
– Con này là con cô Vy thì phải.
– À, con nhỏ bị tự kỉ.
– Là đồng loại của thằng kia.
Đám học sinh bỏ đi. Vẳng lại phía sau “đồng loại với nhau, ha ha ha…”
“Tại sao lúc đó con lại đứng nhìn một cách vô cảm? Tại sao lúc đó con không lao đến che chở cho cậu ấy? Đường nhựa rất nóng. Cậu ấy nằm đó không một tiếng kêu rên. Cả tiếng thở rất nhẹ cũng không nghe thấy.”
Hải Linh nghẹn ngào.
Cô Vy đến bên con gái từ lúc nào đó. Cô biết con gái cô đang có tâm sự. Rất nhẹ nhàng, bàn tay người mẹ ôm con gái tựa vào người mình. Nước mắt Hải Linh giàn giụa.
“Cậu ấy cũng như con. Cũng là trẻ tự kỉ. Chúng con là đồng loại. Khi nghe bọn chúng nói chúng con là đồng loại con đã sợ hãi. Con đi về phía cậu ấy nhưng lại vụt qua cậu ấy. Con đi mãi. Đi mãi. Không biết trước mặt mình là gì. Trong đầu con chỉ nghĩ mình không thể là đồng loại với một sinh vật rách rưới không có tiếng kêu không có tiếng thở đang nằm thoi thóp ở kia. Con ngã xuống sông. Con vùng vẫy và con muốn sống. Con thấy mẹ gọi con. Con thấy các bạn đang chơi đùa. Con cũng muốn được như các bạn…”
Hải Linh nói rất nhiều, rất nhiều. Tiếng nói không rõ ràng vì tiếng nấc cứ nghẹn ngào trong cổ họng.
Người mẹ im lặng lắng nghe. Nước mắt con ướt đẫm vai áo mẹ. Nước mắt mẹ lặng lẽ nuốt vào trong.
Bây giờ cô Vy mới hiểu vì sao Hải Linh thay đổi. Hiểu rồi cô lại xót lòng khi biết bao năm qua con gái cô bề ngoài hoạt bát vui vẻ nhưng trong lòng giấu kín nỗi dằn vặt vì một chuyện vốn dĩ không phải lỗi của con.
Suy nghĩ thơ dại của cô bé mười hai tuổi mắc chứng tự kỉ dẫn đến một Hải Linh ngày hôm nay là điều đáng mừng hay đáng lo.
Nhìn con gái ngủ say cô Vy thấy nhẹ nhõm hơn. Cuối cùng con cũng trải được lòng mình. Hi vọng những ngày sau này con sống vui vẻ thực sự.
Tiếng gà gáy vang nơi phố huyện. Vậy là đêm nay cô Vy thức trọn một đêm. Cô nhìn bức chân dung cậu học trò gầy gò mà thấy xót xa. Cậu bé cũng như Hải Linh một thời. Cô độc và vô cảm. Nhưng Hải Linh được gia đình và thầy cô quan tâm giúp đỡ. Còn cậu học trò đáng thương này…
Hôm nay là chủ nhật, cô Vy theo địa chỉ trong hồ sơ học sinh tìm đến nhà Quỳnh. Cô bất ngờ với hình ảnh người giáo viên từ mẹ kế của Quỳnh. Em gái Quỳnh thì lôi chiếc xe đạp mới đi chơi không một câu chào hỏi. Cha Quỳnh nhìn cô Vy một chút ngạc nhiên rồi mời cô vào nhà.
Cha Quỳnh thường ngày hay uống rượu tính tình cục cằn nhưng hôm nay có vẻ tỉnh táo tiếp chuyện cô. Có lẽ chưa bao giờ gia đình ông đón một vị khách thân thiện và từ tốn nên khi nói chuyện với cô giáo của con trai ông rất giữ ý. Mẹ kế của Quỳnh sau một hồi săm soi thì mời cô Vy ở lại ăn cơm rồi xách túi đi chợ.
Cô Vy nhìn quanh không thấy Quỳnh. Cha cậu đoán được ý cô vội nói:
– Nó ít khi ở nhà.
Rồi ông chép miệng:
– Không ai quản được nó.
Trong khi đó, tiếng chích bông rộn ràng với bữa tiệc sâu buổi sáng không làm ảnh hưởng đến người nằm ngủ say trên cành sồi lớn. Một nụ cười hiếm hoi nở trên đôi môi nhợt nhạt. Có lẽ Quỳnh đang mơ một giấc mơ vui. Giấc mơ tái hiện quá khứ của một buổi tan trường. Cậu bị đánh như rất nhiều lần bị đánh vì tội không chơi với ai không van xin ai không kêu gào khóc lóc với ai. Cậu nhìn thấy thiên thần có đôi mắt tròn rất sáng đang tiến về phía cậu. Thiên thần đến để cứu vớt một sinh linh nhỏ bé. Cậu mỉm cười cố gắng đứng lên.
Nhưng…
Thiên thần biến mất.
Cậu với tay theo.
Cô Vy và cha Quỳnh đang nói chuyện thì giật mình vì tiếng gọi thất thanh từ ngoài cổng:
– Ông Thăng ơi! Thằng Quỳnh bị ngã đi cấp cứu rồi.
Cha Quỳnh khóc tu tu như một đứa trẻ. Dù hay đánh đập con nhưng chưa bao giờ ông nghĩ Quỳnh sẽ chết. Mẹ kế đi chợ về nghe làng xóm nói Quỳnh ngã vỡ đầu vứt cả đồ ăn chạy vào bệnh viện vừa chạy vừa khóc. Em gái Quỳnh đi chơi về cũng lao xe đến bệnh viện gào lên đòi bác sĩ cứu anh.
Con người là như thế. Đối mặt với sinh li tử biệt mới thấy hết cái tâm của mình. Riêng cô Vy vẫn lặng lẽ như bao năm qua cô lặng lẽ chăm sóc con và thương yêu dạy dỗ học trò. Nhưng trái tim cô lúc nào cũng tràn tình thương. Cô đứng nhìn cánh cửa phòng cấp cứu. Chờ đợi nó mở ra cùng tin tốt từ bác sĩ. Đôi lúc trái tim cô thắt lại.
Tiếng xe cấp cứu hú vang ngoài sân bệnh viện. Có gì lạ đâu mà sao cô Vy rùng mình. Một cảm giác chới với trong tâm người mẹ.
Sáng nay Hải Linh nói muốn đi cùng mẹ đến gặp Quỳnh nhưng sau khi nghe một cuộc điện thoại Linh nói phải xuống Hà Nội ngay.
Xe cứu thương gấp gáp đẩy người bị nạn đến phòng cấp cứu đi ngang qua cô Vy. Cánh tay người bị nạn buông xuống. Cô Vy chết sững.
Cửa phòng cấp cứu mở. Bác sĩ đem tin tốt cho gia đình Quỳnh. Các bác sĩ tất bật cho ca cấp cứu mới. Một cô gái khoảng hai mươi mốt tuổi bị tai nạn giao thông. Công an đang nghi vấn là một vụ cố ý giết người.
Tổng biên tập khóc rất nhiều. Ông hối hận vì một chút sơ suất đã lộ danh tính của Hải Linh. Kẻ thù của VÌ MỘT THẾ GIỚI không phải ít. Cô gái trẻ ra đi khi còn mang nhiều tâm tư. Cô ấy muốn dùng ngòi bút để bảo vệ thế giới này. Cô còn muốn nói xin lỗi với cậu bé muốn được làm cây sồi nữa.
…
Năm nào cũng thế, có một chàng trai là phóng viên của tòa soạn báo nhân dân cứ đến ngày giỗ của Hải Linh lại về bên cây sồi nằm trên cành sồi cao nói với chính mình.
“Ta là một cây sồi. Cây sồi có tâm tư. Dù là buồn là đau vẫn tốt hơn không có cảm giác…”
Năm nào cũng thế, có một người đàn ông cứ đến ngày giỗ của Hải Linh lại về bên cây sồi ngồi trên cành sồi thấp nói những chuyện bao năm qua vẫn nói.
“… Cây sồi không cô độc. Cây sồi có đất làm bạn. Nắng không đốt cháy được cây. Gió bão không quật ngã được cây. Ta là một cây sồi…”
Năm nào cũng thế, có một ông lão cứ đến ngày giỗ của Hải Linh lại về ngồi dưới gốc cây sồi. Giọng ông không còn khỏe nhưng ông vẫn thì thầm câu chuyện quen thuộc của mấy mươi năm về trước.
Và nhiều năm sau nữa, không còn thấy người đến bên gốc sồi. Nhưng cây sồi thì vẫn xanh lá rồi rụng lá. Rụng lá để lại chồi lá xanh.
HiVi ViHi (4 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 311
Cảm ơn bạn nhé!
Anh Phan (4 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 230
Ahuhu,hay qus má ii
HiVi ViHi (4 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 311
Cảm ơn bạn nhé!
Ngô My Anh (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 14076
Mong chờ tp tiếp theo của b
Cố lên
Ngô My Anh (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 14076
Ủng hộ tác giả nhé
HiVi ViHi (4 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 311
Cảm ơn bạn nhé! ???
Khanh Vân (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4891
Mong tg có nhiều tác phẩm hay nữa
Khanh Vân (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4891
Truyện hay lắm. Ủng hộ tác giả...
HiVi ViHi (4 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 311
Cảm ơn bạn đã đọc truyện của mình. Chúc buổi tối vui vẻ nhé!
HiVi ViHi (4 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 311
Cảm ơn bạn nhé! Chúc buổi tối vui vẻ.