- Đêm Trăng
- Tác giả: Ash | Chaos
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.113 · Số từ: 2777
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 0
Đêm Trăng
MỘT
Duy là một tên ưa triết lí.
Chúng tôi quen nhau từ thuở nối khố đi ruộng mò ốc ở khu tập thể đến khi cắp sách đến giảng đường, và bất chấp từng ấy năm trôi qua, hắn vẫn thích nói những thứ cao siêu như thế. Những lúc ấy, tôi chỉ ngồi trên cái giường tầng trong kí túc mà vẫy vẫy tay kêu hắn bớt lảm nhảm đi cho xong. Cái quả đất này có bảy tỉ người, làm gì có chuyện đẻ ra được bảy tỉ cá thể riêng biệt nhau được? Nếu gặp được đứa nào có tính cách giống thì vỗ vai gọi anh em, sở thích giống thì không nề nà kết thân gọi chiến hữu, còn cái mặt giống thì… Quên đi. Chưa cần nói quả đất làm chi cho cao xa, ngay trong cái thị trấn bé xíu này thôi, nhầm người với người đã là chuyện như cơm bữa.
Vì thế, cái mong ước của hắn, tôi không hiểu.
Tại sao phải trở nên khác biệt với người khác? Không phải tôi coi thường việc có cá tính riêng – ngưỡng mộ họ là đằng khác – nhưng tôi thực lòng không hiểu vì sao họ luôn tìm cách cho mình “là một, là riêng, là duy nhất” mới chịu cam lòng. Hoặc có lẽ, bản tính chấp nhận cố sự đã ăn sâu vào máu của tôi quá. Một kẻ chỉ muốn được làm một người bình thường trong xã hội, đủ ăn đủ mặc có vợ con, cho u già ở nhà không bị túng thiếu, thế là đủ.
Duy hay gàn tôi, cái đít chai của mày có dày thêm mấy tấc nữa thì cũng chẳng bằng được mấy ông con quan tỉnh đang ngồi chè phố phễnh bụng đợi ăn đâu. Có đọc nữa đọc mãi thì chữ mày cũng đi sung quân cho đám bóc lột tầng trên, cái loại ngồi chỉ biết học chẳng có tay đỡ thì mười đời làm con trâu con chó cho đứa khác cũng không ngóc lên nổi. Thế thì học làm cái gì nào?
Hắn nói hùng hồn một cách có lí lắm, mà nhiều lúc tôi cũng phải gật gù cho là hắn nói được. Thời buổi loạn lạc, chiến tranh kết thúc lại chính là lúc cái đoàn kết người với người lung lạc đi, lộ ra nguyên hình những con quỷ hút máu. Những người căm tức không dám lên tiếng, họ chẳng thể hy sinh gia đình mình chỉ để một phút làm anh hùng rơm rồi chết không chỗ chôn. Những kẻ cam chịu thì bị những con quỷ ấy bóc lột thỏa thích, mà những người tốt hiếm hoi thì lại chẳng đủ sức để ngăn chặn chúng làm bậy.
Tôi nghĩ thế, và không phải chưa hề suy tính đến chuyện bỏ học dở dang mà quậy phá cho thỏa thích một lần. Sinh viên mà, dễ xốc bề nông nổi lại đề cao cái tôi lên cao vút trời, thích được làm những gì mình cho là đúng lắm. Thế nhưng, hễ nhớ đến cảnh u già đang ở nhà gánh từng bó rau ngoài chợ kiếm từng đồng cho tôi ăn học đến giờ, lòng xốn xang muốn được tung cánh của tôi lại dịu lại. U tôi năm nay tuổi cũng ngoài năm chục rồi, ước mong của bà cũng chỉ là được một lần thấy thằng con mặc cái áo cán bộ bạc phếch của bố nó cho bà được nở mày nở mặt với hàng xóm. Tôi sống được đến giờ cũng là nhờ những ngày đội mưa đội nắng ấy của u, vậy thì việc tôi tận lực làm để khiến bà vui sướng âu cũng là điều phải đạo lắm.
Duy thì khác. Nó là thứ may mắn ngoài ý muốn được sinh ra nhằm thỏa mãn tham vọng vật chất của bà mẹ đã dụ dỗ một tay lãnh đạo lớn ở tỉnh ngoại tình với bà. Để lấp liếm cho qua chuyện, lão già đó âm thầm trợ cấp cho hai mẹ con đủ tiền để họ sinh sống đầy đủ mà không phải lo nghĩ điều chi. Dĩ nhiên, khi đạt được cái mục đích đê hèn đó xong, bà ta ngang nhiên phủi phui đi cái thứ của nợ được sinh ra ấy mà vui vẻ lên xe hoa với một gã nhà giàu khác.
Khi ấy người trong khu tập thể đều biết chuyện. U tôi xót thằng bé ấy lắm, bà cứ luôn miệng mắng mẹ nó là giống súc vật không ra gì. Những tưởng điều ấy làm hắn suy sụp nhiều, nhưng Duy không có vẻ gì là quan tâm. Sao mà quan tâm được một kẻ chỉ coi hắn như cục thịt thừa đem ra để đòi tiền cơ chứ? Hắn lớn lên không được yêu, và cũng chẳng mảy may nghĩ đến chuyện yêu người khác. Hắn sống ương bướng và bất cần. Khi bà mẹ bỏ đi để lại cái nhà tuềnh toàng cho hắn và lão già hắn chẳng biết mặt dừng chu cấp tiền, hắn ra ngoài làm thuê. Trời phú cho hắn cái tay khéo léo nên từ khuôn vác đến bơm xe đạp, từ đan chiếu đến bán báo dạo, cái gì hắn cũng lọc lõi lắm rồi. Tiền làm ra đóng học cùng sinh hoạt cũng là tròn trĩnh, hắn cứ thế mà lớn lên, dùng chính tay mình mà kéo bản thân làm sinh viên đại học.
Sống không nặng ơn nghĩa sinh thành.
Hắn hay nói chúng tôi giống những con thuyền. Thuyền của tôi neo đậu trên sông, dây buộc nối thuyền với một cái cọc lớn, cứng còng một chỗ, không đi đâu được. Trái lại, thuyền của hắn thì chẳng có cọc dây gì sất, cứ thế nghênh ngang đi lại trên mặt sông bao la ấy, nhưng lại chẳng biết đâu là bờ. Có chìm hay không, chìm chỗ nào, chẳng ai hay biết.
Vì thế, hắn luôn muốn mình trở nên đặc biệt.
Đặc biệt trong mắt bất kì ai.
Tôi vẫn còn nhớ, đêm đó không trăng. Duy ngồi trên bậu cửa sổ, tay gẩy cái đàn ghita ca một khúc tình tự não nề. Cái áo cũ đến bung chỉ của nó quẹt lên thân đàn cũ sờn vân gỗ, cùng lời hát dao động trong đêm tối đến kì lạ.
Tôi đọc xong bài tập, mang đến cho hắn một chai nước khoáng. Chúng tôi ngồi bên cửa sổ một lúc lâu, nhìn những ngôi sao dần bị những ngôi nhà đang xây nuốt mất. Lâu lắm, đến khi Duy ngừng hát và trong không gian chỉ còn có tiếng ve kêu rả rích giữa những bụi cây.
“Để tao kể cho mày nghe một chuyện.” Duy tu cốc nước ừng ực, phá tan bầu không khí yên lặng giữa chúng tôi. “Thằng Minh, mày nhớ chứ? Cái thằng con ông nhà văn sống khu B ấy? Ông già nhà nó không muốn nó theo nghiệp của ông, vì dân ta coi thường nghiệp viết lắm. Họ coi nhà văn chỉ là mấy ông ngồi nhà ăn bám vợ, viết ra mấy thứ tấu hài cho vui mắt mấy thằng con quan. Nhưng nó vẫn muốn làm, thế mới chết chứ? Nó than với tao nhiều lắm, nhưng tao không làm sao nói xấu ông già để an ủi nó được. Mày biết đấy, còn gì đau khổ hơn khi con người phải chối bỏ cái đam mê của chính mình?”
“Tao vẫn nhớ có lần nó bị ông già đánh đuổi ra ngoài, chạy qua cái nhà rách nát của tao. Nó với tao lúc đi lang thang có cầm được về một hộp thuốc lá rơi ở vệ đường, tự bảo nhau khi nào có chuyện anh em sẽ hút để giải tỏa. Và hôm đấy tụi tao hút thật. Nó ngồi trong hơi khói đắng nghét giữa trời trưa oi ả, nghĩ về mẹ nó, nghĩ về sách vở nó học ở trường, rồi ngẫu hứng hỏi tao về ý nghĩa cuộc đời. Nó nói nó cần điểm tựa, cần một người khác ngoài gia đình nó nói với nó nên làm gì. Mày xem lạ chưa, con người ta hay coi lời của người thân là áp đặt, của người ngoài là khuyên nhủ, cứ như là lênh đênh giữa biển không muốn bám lấy thuyền chỉ muốn ôm cái phao mà sống. Nhưng thôi, chuyện ấy không quan trọng.”
“Khi nó nói ra cái từ “ý nghĩa cuộc đời” ấy, tao thề tao cười đến chảy ước mắt. Ý nghĩa ý ngọt cái đếch gì, mày chỉ muốn có một cái cớ để dựa vào khi thất bại, giống như việc mày làm ra một cái bánh có vị dở ẹc và tự an ủi bản thân rằng cuộc đời định sẵn mày phải làm giảng viên thay vì thợ làm bánh. Mày muốn có một cái cớ để than vãn, bởi khi mày nhận ra mày còn chẳng thể thi nổi vào Sư Phạm, mày lại suy sụp và than vãn và bất mãn với cái ngôi trường Kinh Tế của mày, và tự cho mình có cái quyền làm thế vì đây không phải thứ làm nên ý nghĩa cuộc đời mày. Buồn cười quá phải không? Cái thứ “ý nghĩa” tìm tòi từ kẻ khác ấy mà, rẻ mạt vậy thôi.”
“Dĩ nhiên là mày không thể chắn đường bất kì thằng cha nào và hỏi nó ý nghĩa cuộc đời của mày là gì rồi. Người ta sẽ cho mày là kẻ điên, dù thật sự mày đang lạc lối và mong mỏi có câu trả lời đến mức nào. “Vô dụng quá, bất tài quá, làm ơn hãy có ai cho tôi biết tôi phải làm gì. Làm gì để được như người tôi ghen tị, dẫm đạp lên người tôi căm ghét, và hoàn hảo như người tôi tôn thờ.” Nhưng nghĩ ra được câu trả lời thì chắc mày cũng nằm dưới đất được mấy chục năm rồi cũng nên. Mình đâu phải chỉ có quả tim, mình còn cái óc nữa cơ mà. Con đường ta chọn không bao giờ đơn thuần chỉ có nhiệt huyết, lí trí phải mạnh gấp hai, gấp ba, gấp nhiều lần.”
“Thằng Minh nghĩ nhiều lắm, rồi nó đã đưa ra quyết định của mình. Hôm ấy nó quỳ trên đất, nghiêm chỉnh nói với ông già nó rằng nó sẽ thành nhà văn, không phải vì bố, mà vì chính bản thân nó. Đánh nó gãy chân cũng được, nó chịu. Nhưng trận đòn không đến như nó mong đợi. Ông già không đánh cũng không mắng nó, chỉ dùng hai bàn tay già nua đầy vết chai che đi những giọt mặn chảy xuống trên hai gò má nhăn nheo. Nó nhìn ông, rồi òa khóc như một thằng bé. Nó làm ông thêm tủi, nó biết. Nhưng nó muốn đi trên con đường này, nó muốn được bước về phía trước bằng mọi nỗ lực và hy vọng. Với nó, sách vở có sức cám dỗ đặc biệt lắm, giống như mày vậy. Qua hôm ấy, tao lại càng nóng lòng muốn biết liệu tương lai hai đứa như chúng mày rồi sẽ ra sao.”
Tôi nhìn Duy trầm ngâm. Hắn không muốn nói, nhưng tôi đọc được trong hắn những suy tư phiền muộn. Có lẽ từ ngày Minh và tôi quyết định chọn con đường như thế, hắn đã nhận ra mình không phù hợp với thế giới ảm đạm của chúng tôi. Hạnh phúc của hắn không tồn tại trong sách vở và đỗ đạt, nó tồn tại ở một nơi xa xôi hơn, một thế giới mà hắn từ lâu đã muốn khám phá, nhưng lại lo lắng rằng cái mênh mang vô định ấy sẽ nuốt chửng mình lúc nào không hay. Con thuyền lênh đênh không có bến đỗ, dừng chân một chốc rồi lại vội rời đi, thế giới mà tôi sợ hãi ấy lại trở thành nơi mà hắn khao khát nhất. Bước chân kêu gọi hắn dời đi, nhưng rồi hắn lại bị nỗi sợ làm cản bước.
Hắn đang đứng giữa lựa chọn của đời mình. Hắn tha thiết nhìn tôi như cầu khẩn một sự giải thoát. Không được ai nhớ đến, đó là điều Duy sợ nhất. Chỉ cần một người trên thế giới còn đang ở bến đỗ chờ hắn giữa biển nước ấy cũng là đủ lắm rồi.
Một cá thể đặc biệt. Một cá thể duy nhất.
“Tao sẽ luôn nhớ một thằng tên Duy. Nó mạnh mẽ, tài hoa, tính tình khốn nạn, lắm mồm lắm miệng lại hay thốt ra lời văn ý thơ, ngứa tai không chịu được. Nó hay đánh đàn nhưng hát thì dở ẹc. Điểm tốt nhất của nó là Triết, điểm dở nhất là Toán. Được cái hay có các em gái đi theo. Nó…” Tôi dừng lại một hồi lâu, nhìn thẳng vào mắt hắn. “…là thằng bạn thân nhất của tao. Luôn là thế.”
Duy ngẩn người. Tôi thấy trong mắt hắn đủ sự kinh ngạc, lo lắng, hoài nghi, nhưng trên tất cả, đó là nỗi vui mừng không thể kiềm nén.
Đó là niềm vui của một chú chim sổ lồng.
“Giờ tao phải đi thôi.”
Duy nói thế, như thể đã nắm chắc một điều gì đó trong tay. Lòng tôi bất chợt thấy lặng đi một hồi. Nhìn hắn bước xuống, nhét những bộ quần áo cũ kĩ vào chiếc cặp rách, tôi vẫn tưởng như chuyện giữa chúng tôi chỉ mới ngày hôm qua. Chút kí ức trẻ thơ trong tôi ùa về. U tôi ôm một thằng bé gầy nhẳng đen đúa mà khóc thương nó khi bị mẹ bỏ rơi, vậy mà nó vẫn kiên cường không rơi một giọt nước mắt. Lúc nó dùng cả cái thân mình gầy yếu kéo chiếc xe cát loạng choạng đi trên đường, dễ chừng đổ sập bất cứ lúc nào. Cả đôi mắt rất sáng trên khuôn mặt lấm lem hạnh phúc khi đạp chiếc xe chở thuê đi khắp hang cùng ngõ hẻm.
Duy khoác ba lô lên vai. Hắn cười lộ cái má lúm đồng tiền rất duyên, vỗ vai tôi. Rồi, không chút do dự, nó nhảy xuống đường, tròng ba lô lên vai. Ánh trăng mờ leo lét của con đường gần kí túc xá làm hình bóng cao gầy của hắn thêm mờ ảo hơn bao giờ hết, đem theo một câu nói khiến tôi mãi ghi nhớ không quên.
“Cuộc đời này hoàn hảo khi nó làm mình vui vẻ và mãn nguyện. Mày có thấy mãn nguyện không?”
Lời kết.
Một câu chuyện bỏ ngỏ, dù tự bản thân thấy nó giống chút tản mạn hơn là một câu chuyện.
Tôi nghĩ rất nhiều về kết cục của họ. Tôi tự hỏi điều gì là tốt nhất, rồi lại suy nghĩ liệu điều gì thực sự sẽ xảy ra. Tôi không muốn họ bị gò bó trong một hạnh phúc ép buộc, hoặc một bi kịch lẽ ra họ không đáng phải nhận. Một gã tự do, một gã dũng cảm, một gã cứng cỏi. Dẫu có ra sao, họ đều đã sẵn sàng đi trên con đường của riêng mình, cũng có nghĩa họ đang từng bước tiến đến hạnh phúc.
Không phải sao?
Bạn được quyền chọn cuộc đời của mình. An toàn hay mạo hiểm, đó là quyết định của bạn. Không nên lo lắng thứ mình chọn đúng hay sai, bởi tương lai là điều gì đó rất kì diệu. Có thể nó không cho ta được thứ ta mong đợi, nhưng rồi lại đem đến một bất ngờ không thể lường trước được, một điều còn trên cả tuyệt vời.
Vậy nên, đừng bao giờ từ bỏ khi bạn không nhanh chóng đạt được ý nguyện của bạn. Đừng bao giờ cảm thấy mình đã chọn sai mà nản lòng thoái chí.