- Tiếng khóc trong vườn chuối
- Tác giả: Trần Lân
- Thể loại:
- Nguồn: Tự sáng tác
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Chưa hoàn thành
- Lượt xem: 3.932 · Số từ: 4999
- Bình luận: 16 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 5 Nguyễn Như Lan Dage Alfons Amira Yuu Yang Mi Lang Lang Trần
“Tiếng khóc trong vườn chuối là truyện ngắn đã được tôi ấp ủ từ lâu nhưng nay mới có dịp viết ra để cởi bỏ tâm hồn mình. Bối cảnh trong truyện được tôi hồi tưởng lại từ một dãy tập thể cơ khí. Hai nhân vật chính xuyên suốt trong truyện, đó là cu Đen và Sen. Cu Đen là tôi và cũng là người dẫn truyện, Sen là tên của cô bé láng giềng mà sau này tôi thường gọi là Bọ Nẹt. Câu chuyện được tôi kể lại một cách đầy chân thật và đôi lúc cũng vẽ ra nhiều hư cấu. Tôi đã lấy hình ảnh con Bọ Nẹt chuối đặt làm cái tên cho nhân vật Sen, nhằm để cho người đọc hồi tưởng lại một phần ký ức gắn liền với tuổi thơ dữ dội của bao lứa trẻ nhỏ thôn quê chúng tôi. Qua đó, tôi muốn lột tả chân thực nhất về tính cách và số phận của nhân vật Sen. Không chỉ có thế, truyện ngắn còn kể lại cho chúng ta biết về một mối tình đơn phương của Đen. Trải qua bao sóng gió cuộc đời, cuối cùng mối tình đơn phương đó đã nảy nở thành một tình yêu đẹp giữa Đen và Sen. Kính mời quý bạn đọc đón xem!”
Vừa về đến nhà, mùi thơm nồng của khói bếp quyện với mùi cay xè của món cá kho tộ đã làm tôi không cưỡng lại được. Tôi đặt khẽ cái cặp cói lên bàn học, mở miệng gọi với vào.
– Mẹ ơi! Mẹ đi làm về rồi ạ?
– Ừ!!! Con đi học về rồi hở?
– Vâng!!!
– Mau xuống bếp, mẹ cho cái này này! Nhanh lên con!
Nghe lời mẹ, tôi chạy xồng xộc xuống bếp. Thấy tôi, mẹ vồn vã hỏi:
– Khiếp!!! Nhìn anh kìa, làm gì mà như đi cày thế hở?
Vừa nói, mẹ tôi lấy cái khăn mặt đang vắt trên vai. Mẹ từ tốn đưa tay lên. Mẹ chấm chấm từ từ từng giọt từng giọt mồ hôi đang lấm tấm vã ra trên khuôn mặt hốc hác của tôi.
– Mẹ cho cái này này!
– Cái gì hở mẹ?
Từ trong túi áo, mẹ nhanh tay lôi ra một bắp ngô nếp, rồi dúi vào tay tôi.
– Mau ăn đi con! Ăn đi kẻo đói!
Tôi gạt tay, đẩy lại cho mẹ.
– Con không đói đâu! Mẹ ăn đi!
– Mẹ ăn rồi! Con ăn đi kẻo đói! Cơm mẹ mới nấu, chưa chín đâu!
– Mẹ này!!! Lần sau mẹ đừng dành dụm như thế nhé! Con lớn rồi! Con đã biết nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa nên lần sau mẹ không phải về sớm để nấu cơm cho con đâu! Con ở nhà sẽ giúp mẹ mà!
– Bố anh!!!
Vừa nói mẹ không quên xoa xoa lên mái tóc, âu yếm tôi. Suốt ngày, mẹ chỉ biết lo lắng cho tôi. Trong mắt mẹ, tôi vẫn còn là một đứa con nít.
Nhưng… Kể ra cũng lạ lắm cơ! Năm nay, tôi mới học đến lớp 9, tuổi đời mới tròn 14 mùa hoa Dâm Bụt. Cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới… Ấy thế mà suốt ngày, tôi chỉ biết có lý sự cứ y như là một ông cụ non vậy.
Cái vẻ đẹp trai nam tính của tôi chẳng hề được bộc lộ ra ngoài, tôi hay rụt rè và nhát gái vô cùng. Hễ có đứa bạn khác giới nào mà để ý tới tôi y như rằng đôi má tôi lại ửng đỏ vì thẹn thùng. Chính vì thế, lũ bạn tôi thường hay chọc ghẹo bằng cách gán ghép tôi với một đứa bạn gái trong lớp. Kể từ đó, tôi mới có cái biệt danh là cái thằng nhát gái đấy, bà con ạ!
Tuổi thơ của tôi nó bình yên lắm! Nó như một điệu nhạc cha cha cha vậy! Còn cuộc sống của tôi thì tẻ nhạt vô cùng, nó luôn luôn được gắn liền cùng với một dãy nhà tập thể. Cái dãy nhà mà chẳng cần treo biển tên thì người ta cũng biết tỏng là dãy tập thể cơ khí rồi. Bởi vì, cư dân ở đây đều là công nhân của nhà máy cơ khí Thắng Lợi mà.
Dãy nhà tập thể phải có đến hơn hai mươi gian nhà. Mỗi gian là một cái nhà cấp 4 với diện tích khoảng chừng 30 mét vuông và được xây cất dính liền với nhau thành một khối. Nó được ngăn cách với nhau chỉ bằng một bức tường vôi xây trơ trọi, bục lỗ trỗ nhìn thấy được cả mấy viên gạch phồng bên trong.
Không gian xanh mà tôi hay lui tới để tương tư – Đó là mảnh vườn nằm đằng sau nhà. Cái mảnh vườn nho nhỏ ấy được bao bọc xung quanh bằng những bụi cây Dâm Bụt xanh ngắt. Cứ đến hè về là lũ hoa Dâm Bụt nhà tôi lại thi nhau khoe sắc, có đứa thì đỏ rực như đít gà chọi, có đứa lại lớt phớt màu hồng phai. Tôi thường hay ngắt mấy cái râu hoa của nó để gục đầu vào mà hút lấy, hút để một chút dịch mật ngọt ở bên trong.
Mỗi dịp hè về, khí nóng từ trên mái nhà được lợp bằng các tấm ngói fibro xi măng (1) lại được dịp thổi hắt xuống đã làm cho căn nhà cấp 4 nóng ran, hầm hập như một lò thúc mầm. Có lần, bố tôi đã phải lặn lội đi bằng cái xe đạp Thống Nhất cạc tàng vượt hàng mấy cây số lên tít khu chợ huyện để mua được vài tấm liếp bằng tre, cõng về hì hục đóng ghép lại thành một cái trần nhà bằng tấm liếp rất là ưng ý. Từ đó, căn nhà tôi mới được mát mẻ như nhà có điều hòa vậy.
Bẵng đi một thời gian, lũ chuột ở đâu lại di tản đến cư trú trên cái trần nhà tôi. Chẳng mấy chốc, chúng nó đã làm tổ, sinh sôi thành từng ổ rất nhanh. Hàng ngày, chúng nó chạy rầm rầm, cắn nhau chí chóe đã khiến tôi chẳng mấy tập trung học hành được gì.
Hôm nay cũng vậy, trong lúc tôi đang đắm đuối, nằm vắt chân chữ ngũ trên cái giường gỗ xoan kê sát cửa sổ, ngâm nga đọc say sưa những vần thơ trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Đột nhiên: Rầm… Rầm!!! Chít… Chít!!!
Pha lẫn trong đó là tiếng mắng, tiếng chửi xối xả từ bên nhà hàng xóm hắt ngược sang:
– Mẹ cha nhà mày! Có mỗi việc học mà cũng không xong.
– Kệ tôi! Đấy là việc của tôi! Ông thích… Thì ông đi mà học.
– A… Con này láo quá! Láo này… Láo này.
Tiếp đà là tiếng bát, tiếng đĩa kêu lên: Choang… Choảng!!! Cái mâm cơm trắng tinh từ trong nhà cũng bay vụt ra ngoài, lả lướt như một cái UFO (2), xoay tít trên không trung, lượn vài vòng rồi mới chịu đáp nhẹ một cái: Phạch!!! Xuống nền sân gạch đang nhem nhở, mốc xanh mốc đỏ trước cửa nhà.
Từ cửa sổ bên này, tôi vẫn đang chăm chú quan sát, vểnh tai nghe rõ mồn một từng tiếng la, từng tiếng chửi xỉa xói của ông bố cục cằn kia. Còn cô bé láng giềng thì cũng chẳng vừa. Ông bố nhả ra câu nào… Là nó đôm đốp, chan chát, chặn họng câu đó.
Cứ thế, hai bố con nói đi, nói lại làm cho chuyện bé nó xé ra to:
– Mẹ cha nhà mày! Mày láo như con mẹ mày vậy. Cút!!! Cút hết đi!
Sau tiếng quát đanh thép của ông bố, nó chạy thình thịch ra sân. Mặt mũi nó hằm hằm, nhăn như một quả chanh leo. Nó giơ giọng gào rú và gầm gừ như một con chó điên:
– Gừ… Gừ! Á… Á! Tức quá! Trời ơi là trời! Đất ơi là đất!
Xong rồi, nó vung tay, vung chân đấm đá túi bụi vào không khí. Chưa thỏa mãn, nó lại chạy vòng ra phía đằng sau nhà – Nơi có một mảnh vườn nho nhỏ, trồng toàn chuối hột là chuối hột. Những cây chuối hột phải to bằng cái bắp đùi đây này. Tôi ở bên nhà sợ hãi, nuốt nước bọt ừng ực.
Lúc này, da mặt nó đỏ ưng ửng như một quả gấc chín. Đôi mắt nó mở to, trợn tròn như Trương Phi (3). Không cần phải đợi lâu, nó đã lao nhanh, xông phi, đá mạnh vào một thân cây chuối trồng ngay sát mé bờ rào nhà tôi.
– A… A! Chết này… Chết này!
Bịch… Bịch!!!
Cứ thế, nó đấm, nó đá túi bụi. Cây chuối ngả nghiêng, xiêu vẹo, những tiếng: Bịch… Bịch!!! Phát ra không ngừng. Mặt đất rung chuyển, cứ run lên bần bật.
Lúc này, từng chiếc tàu lá chuối kêu lên: Phành… Phạch!!! Rách tả tơi, ngã vật sang bên này, lại ngả dạt sang bên nọ. Trông con nhỏ chẳng khác gì võ sĩ quyền anh Muhamad Ali (4) đang đánh knock out (5) đối thủ vậy.
Sau mỗi lần như thế, lũ chuối hột trong vườn thường hay bị nghiêng ngả, trầy tróc hết cả một lớp bẹ chuối bên ngoài.
– Chao ôi! Chua xót quá!
Từ bờ rào bên này, tôi chỉ biết than thở đầy xót xa.
Sau mỗi lần cuồng điên như thế, nó lại ngồi phục sát đất, gục đầu khóc nức nở: Hu hu hu – Tiếng khóc của nó vang vọng cả một khoảng trời.
Tôi cố gắng ngồi đợi, đợi cho đến khi cây cối trong vườn đứng yên, không gian im lìm, tĩnh mịch trở lại. Khi đó, tôi mới dám lò dò từng bước từng bước tiến đến sát mép bờ rào.
Vạch nhẹ đám lá Dâm Bụt, tôi gọi vọng sang:
– Bọ Nẹt… Bọ Nẹt ơi!
Nó chẳng đoái hoài gì tới tôi. Nó vẫn cứ ủ rũ, khóc thút thít như một đứa con nít.
Nhìn nó ngồi khóc, tôi thoạt nhớ lại cái ngày đầu tiên tôi mới gặp nó. Tôi nhớ không nhầm.
– A!!! Đúng rồi!
Ngày đó, tôi lên 6 tuổi, mới vừa chập chững bước vào ngưỡng cửa của lớp 1.
Cái dãy tập thể nhà tôi vẫn còn hoang sơ và thưa thớt người lắm!
Vào những ngày thứ, không gian ở đây trở nên vắng vẻ lạ thường. Hòa lẫn với không gian tĩnh mịch đó là những cơn gió mang tiếng cười, tiếng khóc thút thít của lũ trẻ con.
Ban ngày, các bố mẹ trong dãy tập thể đều phải đi làm hết nên thường hay thả rông, để mặc cho lũ trẻ tự do chơi đùa. Đứa thì vui cười hớn hở, đứa thì khóc tu tu gọi bố mẹ. Cảnh tượng đó thật khó quên làm sao.
Tôi nhớ có một lần, tôi vừa đi học về. Chưa tới đầu cổng, tôi đã nghe rõ tiếng khóc của một đứa con nít. Ngày thường, tôi chả bận tâm làm gì. Thế nhưng lần này thì khác, tôi bắt đầu mở to đôi mắt, chớp chớp, láo liên để phát tín hiệu quan sát. Đôi tai vểnh to, nghe ngóng để định hướng âm thanh.
Chẳng ngần ngại, tôi đã lần mò, bắt sóng sang bên nhà hàng xóm. Ngôi nhà này mới có một gia đình vừa chuyển đến sáng nay đồ đạc vẫn còn y nguyên, lỉnh kỉnh, chất đầy trong nhà. Chẳng thấy có một bóng người, tôi mới buông câu gọi với vào:
– Cô ơi! Chú ơi! Có ai ở nhà không ạ?
Vẫn chẳng thấy có ai trả lời, mà tiếng khóc ngày một to hơn. Tôi đã gọi đi, gọi lại đến 3, 4 lần.
Chẳng thấy có ai ra, tôi mới mở hờ cái cổng sắt, rón rén bước vào trong sân nhà. Tôi nhìn trước, ngó sau, ngoái ngang, ngoái dọc nhưng vẫn chẳng thấy ai. Tôi chỉ nghe thấy mỗi tiếng con nít đang khóc thút thít ở phía đằng sau nhà.
Tôi lại đi ngược vòng ra đằng sau nhà.
Lúc này, tiếng khóc vẫn không ngừng ngớt đi. Vừa bước ra sát mép vườn, tôi đã trông thấy rõ có một em bé gái đang ngồi khóc tu tu, khuôn mặt em vẫn còn quay ngược vào trong vườn. Tôi quan sát thấy rõ hai cái bím tóc của em được buộc cao lên, rẽ lệch sang hai bên trông giống như là hai cái sừng Trâu ý. Chiếc váy hồng bé đang mặc bị loang lổ bùn đất. Bên vai phải đang lấm tấm vài cục gì đó màu xanh xanh.
Tôi đã vồn vã gọi nhỏ:
– Em ơi… Em gì ơi! Em có sao không?
Em bé vẫn chưa chịu quay lại, vẫn ngồi đó khóc nấc lên thành tiếng: Hu… Hu… Hu!
Tôi mạnh dạn đi tiến sát lại gần và định với tay vỗ nhẹ vào vai phải của em bé. Cánh tay tôi đột nhiên rụt lại, da dẻ tôi bắt đầu nổi thành từng cục như da gà. Tôi cứng họng, giọng run run:
– Eo ơi!!! Bọ Nẹt… Bọ Nẹt chuối!
Hóa ra mấy cái cục màu xanh xanh mà tôi vừa nhìn thấy trước đó, chính là mấy con Bọ Nẹt chuối. Thần hồn nát thần tính, tôi sợ hãi định toan bỏ chạy. Nhưng run rủi thế nào mà chân tôi không cựa được. Tôi nhắm tịt hai con mắt lại, miệng mũi tôi thở ra hồng hộc. Tôi cố hít một hơi thật sâu, mở mắt ra từ từ, nhìn chằm chằm vào mấy con Bọ Nẹt chuối đang bò lò dò, từ từ trên vai áo.
Tôi đã chẳng suy nghĩ nhiều, tôi làm theo bản năng phản xạ của một thằng nhóc con. Tôi nhanh chóng vơ vội lấy một đoạn cành cây khô, vươn tay gạt lấy, gạt để mấy con sâu xanh kia. Trước sự tấn công như vũ bão của tôi, lũ sâu bắn văng ra một đoạn khá xa. Khi thấy đã an toàn, tôi mới la lớn:
– Nhanh… Đứng nhanh lên!
Con bé vẫn cứ ngồi đực ra. Tôi phải cố gắng kéo xềnh xệch con bé đứng dậy. Hình như, nó cũng cảm thấy đã an toàn. Nó liền sà vào, ôm ghì chặt lấy tôi, khuôn mặt nó áp sát vào ngực tôi. Còn tôi… Tôi liên tục vỗ nhẹ vào lưng, an ủi nó.
– Không sao… Không sao! Em đừng khóc nữa!
Bấy giờ, nó mới từ từ ngước cái mặt thớt lên nhìn tôi.
– Chu choa!!! Sao nó dễ thương thế!
Tôi đã nhìn thấy rõ khuôn mặt của nó. Khuôn mặt nó trắng ngần, bầu bĩnh, tròn trịa cứ y như mảnh trăng cuối rừng vậy. Đôi mắt mở to, lấp lánh vài giọt lệ buồn. Cái miệng nho nhỏ, xinh xắn, chúm chím làm sao. Nước mắt, nước mũi nó giàn giụa, đang nham nhở trên đôi má hồng bầu bĩnh ấy.
– Anh ơi! Anh ơi! Em sợ!!!
– Ừ… Em nín đi! Anh bắt hết sâu rồi! Em nhìn kia kìa!
Vừa nói, tôi liên tục chỉ tay về phía mấy con sâu xanh đang nằm cuộn tròn trên mặt đất.
– Phù… Phù! Eo ơi! Em… Em cảm ơn anh!
– Không sao rồi nhé!
– Vâng… Anh tên gì ạ?
– À… Ừ
Tôi ngập ngừng một lúc. Có vẻ cái tính nhút nhát của tôi được bộc lô ra ngoài hay sao ý? Thấy thế, nó thốt thêm một câu để gỡ rối cho tôi:
– Mẹ em thường bảo rằng: Nếu ai đó giúp mình, thì con phải nhớ hỏi tên người ta đấy! Để sau này, con còn biết mà trả ơn người ta.
– À… Ừ, tên anh là Đen… Cu Đen nhé!
– Ơ!!! Sao tên anh kỳ thế?
– Ừ… Ở nhà bố mẹ hay gọi anh như thế đấy! Vậy còn em?
– Sen!
Tôi hơi lơ đãng nên hỏi lại lần nữa.
– Sen ơi! Em tên gì?
– Ơ!!! Sen mà! Hì… Hì… Hì
Tự nhiên, tôi ngại đỏ chín mặt. Tôi tự ái chạy vọt ra ngoài đường rồi chui tọt vào trong nhà tôi…
Kể từ ngày hôm sau, tiếng lành đã đồn đi khắp nơi. Lũ trẻ con trong dãy tập thể nhà tôi nể tôi lắm! Chúng nó còn nhanh nhảu tôn vinh tôi lên làm đại ca cơ đấy!
– Chà chà oai ra phết!
Cũng chỉ vì chiến công lừng lẫy đã cứu được một cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn thoát khỏi lũ Bọ Nẹt chuối hung tợn kia, nên chúng nó đã gán ghép tôi với con bé Sen nhà hàng xóm. Chúng nó còn tổ chức cho hai đứa chúng tôi một lễ cưới rất là trang trọng.
Trong buổi lễ, tôi được đảm nhiệm vai chú rể và cũng là một vị hoàng tử lịch lãm. Tôi được khoác lên mình một cái áo choàng màu đỏ tía được lấy từ một chiếc khăn trải bàn, trên đầu tôi còn đội thêm một cái vương miện làm bằng một tàu lá chuối được cuộn tròn lại. Nhìn tôi tức cười lắm cơ!
Cô dâu là con bé Sen và cũng là một công chúa tinh khôi trong trắng. Con bé được choàng lên mình một bộ áo cưới làm bằng một chiếc khăn voan màu trắng tinh. Trên đầu nó cũng đội thêm một cái vương miện được làm bằng những đoá hoa Dâm Bụt đan tròn kết lại với nhau. Nhìn con bé Sen đẹp tựa như một nàng công chúa bước ra từ truyện cổ tích vậy.
Lũ nhóc con trong xóm còn nháo nhác, túm năm tụm ba, vừa đi, vừa đồng thanh hát bài đồng dao:
Cô dâu chú rể
Đội dế lên đầu
Đi qua đầu cầu
Làm rơi mất dế
Cô dâu ngồi khóc
Chú rể ngồi cười
Ha ha ha…
Tiếng cười của lũ trẻ trâu chúng tôi đã xé toạc đi một bầu không gian im lìm, vắng vẻ của dãy tập thể. Nó như một hồi chuông ghi dấu ấn sâu đậm trong tim tôi. Quả thực, đó là một kỷ niệm đẹp!
Thế rồi… Kỷ niệm đó cũng sớm tan biến, tiếng cười đó cũng vội xua tan và thay vào đó là tiếng gọi sang sảng của ông bố già:
– Sen!!! Mày chết dấm… Chết dúi ở đâu rồi hở? Con Sen kia!
Tiếng gọi đay nghiến đã làm tôi giật bắn mình tỉnh mộng.
– Mất cả hứng! – Tôi càu nhàu.
Tôi quay lại nhìn con bé Sen, nó vẫn ngồi bó gối, khóc thút thít từ nãy đến giờ.
– Bọ nẹt!
Nó chẳng nhúc nhích, tấm thân nhỏ bé của nó như bị hoá đá vậy. Tôi bực mình liền nhếc miệng la lớn:
– Bọ nẹt!!!
– Cái gì?
– Mày có làm sao không?
– Sao cái đầu mày ý! Hu… Hu
Đấy!!! Con nhỏ nó có ngang không cơ chứ.
– Sao mày lớn thế mà khóc tu tu như một đứa con nít thế hả?
– Kệ tao, mày thích gì?
– Bố mày đang gọi trong nhà kia kìa!
– Kệ!!!
– Ơ hay chửa! Mày có dẹp ngay cái tính xù lông của mày đi không? Bố mày chứ có phải là người dưng nước lã đâu cơ chứ! Tao gọi mày bằng cái tên bọ nẹt quả không ngoa mà! Hứ…
– Ừ!!! Mày hay rồi đó! Hu… Hu… Hu
Tôi nhìn nó tự hỏi:
– Không biết vì cái cớ gì mà nó khóc dai thế! Nó đang khóc vì cái gì cơ chứ? Vì ấm ức ư? Không! Hay là vì việc học? Càng không! A… Đúng rồi! Chắc là vì nó nhớ mẹ đây mà. Hồi con bé Sen vào lớp 2, mẹ nó đã bỏ rơi bố con nó. Khi đó, nó cũng khóc như mưa. Nó khóc nấc lên thành từng tiếng rồi ngất lịm đi lúc nào chẳng hay.
Hồi đó, mẹ nó chẳng khác gì mẹ tôi. Hai người mẹ đều xinh đẹp và cùng có một tình yêu thương con vô bờ bến.
Khác hẳn với mẹ tôi, mẹ nó còn nảy nòi thêm cái tính, đó là cái tính hám tiền.
Đồng tiền vô tri vô giác nhưng lại tiềm ẩn một ma lực kỳ bí sâu xa, nó đã làm cho một bà mẹ đánh mất đi lý trí, bỏ rơi đứa con thơ bé bỏng để cuốn theo cơn lốc của đồng tiền cùng với một người tình mang cái tiếng đại gia. Đau đớn và xót xa!
Kể từ đó, bố nó cũng chán nản, lấy bầu rượu làm bạn tình. Nó lớn lên khi thiếu cả tình thương của bố lẫn tình yêu của mẹ. Gia cảnh rất đỗi bi thương.
– Thật buồn làm sao!
Tôi nhớ lại ngày ấy, cái ngày mà nắng đã ngả sang màu vàng úa, ánh nắng chói chang lan tỏa khắp muôn nơi, hơi ấm của nó thêm sưởi ấm cho lũ hoa Phượng trường tôi thêm bung lụa, nở đỏ, rực cháy cả một góc sân trường. Hôm nay là buổi học cuối kỳ, tôi lại sắp phải tạm biệt mái trường tiểu học yêu dấu để lên đời bước tiếp hành trang vào lớp 6 dưới một mái trường khác xa lạ hơn, cách trường tôi độ vài cây số. Thế là, tôi và Sen không còn chung bước đi học nữa rồi.
Tùng… Tùng… Tùng!!! – Đó là tiếng trống trường tôi.
Cụ trống già cả năm còm cõi một mình, mà nay vẫn phải rệu rã cất lên từng hồi từng hồi để báo hiệu cho một buổi tan trường sớm.
Từ trong các lớp học, lũ trẻ con chúng tôi ùa ra như ong vỡ tổ. Khắp sân trường vang vọng những tiếng cười, tiếng nói oang oang. Từ trong những tán lá Bàng bọn ve sầu cũng háo hức hùa theo, kêu râm ran đã hâm nóng cho bầu không khí ngày tan trường ngày một thêm sôi động. Lũ bạn lớp tôi ai nấy đều vui mừng khôn xiết, chỉ có mỗi mình tôi là lẻ loi. Tôi ngồi đó ở một xó đang thầm thì với cái bút chì và lãng đãng ngước nhìn xa xăm lên nền trời xanh thăm thẳm. Tôi đang nghĩ về khoảng thời gian sắp tới, khoảng thời gian mà không có Sen đi học cùng. Tự nhiên, tôi buồn!
Từ ngoài cửa sổ, con bé Sen đứng ở đó tự bao giờ. Nó đang kiễng chân lên, ngó nghiêng tìm tôi. Thấy tôi nó gọi rối rít:
– Anh Đen… Anh Đen ơi!
Nghe thấy tiếng lanh lảnh quen thuộc, tôi cố nhoài người ngước nhìn về phía cửa sổ và cũng không quên nở thêm một nụ cười.
– Ra đây… Nhanh lên! – Vừa nói nó vừa vẫy tay.
Tôi rón rén bước từng bước chậm rãi hướng về phía Sen.
– Cái gì đấy?
– Anh nhắm mắt lại đi!
– Lắm chuyện thật! Đây đây…
Vừa dứt lời, tôi đã khẽ khép nép đôi mắt khờ dại lại.
– Úm ba la! Anh mở mắt ra!
– Chu choa… Cái gì đây! Giấy khen à? Chà chà…
– Hì… Giỏi xuất sắc nha! Món quà em tặng mẹ đấy!
– Sướng quá còn gì!
Vừa nói, tôi vừa nhìn chằm chằm vào cái giấy khen vẫn còn thơm mùi mực ấy rồi khẽ đọc thầm:
– Hứa Thị Sen, học sinh lớp 2A, đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.
– Anh thấy có oách không?
– Oách quá đi chứ!
– Mau lên… Mau về đi anh! Em muốn cho mẹ một bất ngờ.
Hai đứa chúng tôi ra về đúng vào lúc trời đang độ quãng trưa, ánh nắng chiếu thẳng xuống hai hình hài đang rảo bước đi bộ trên con đường làng. Tiếng bước chân của hai con người ấy không ngừng quệt xuống nền đường gạch vang lên cành cạch. Tiếng bước chân của tôi nghe chậm rãi, hơi ngắt quãng. Còn cái Sen thì tung tăng nhảy nhót như con chim Sáo mới sổ lồng, đã thế vừa đi nó lại còn vừa hát: Là… Lá… La!!! Tiếng hát của nó vang vọng cả một khúc đường quê.
Gần về đến nhà, cái Sen nhanh nhảu chạy trước, cái giấy khen được nó giơ cao bay phất phới. Cái miệng nó reo lên thật vui sướng:
– Mẹ ơi!!! Con được giấy khen này! Mẹ ơi!
Lao vào trong sân như một mũi tên bắn, tiếng gọi thất thanh của nó bỗng nhiên im bặt. Tôi cũng cố lao theo.
Vào trong sân, tôi sững sờ, còn nó thì đứng chết ngây như trời trồng. Cảnh tượng trước mắt chúng tôi thật là ảm đạm. Nồi niêu, xoong chảo nằm la liệt dưới sân, đồ đạc vất lỉnh kỉnh trong nhà, bố nó ngồi thất thểu như một pho tượng. Không khí u buồn không tả nổi.
Biết sự thể chẳng lành, cái vẻ mặt vui tươi trước đó của nó dần tan biến, thay vào đó là vẻ mặt hoang mang, nó thất thanh gọi với vào:
– Bố… Bố ơi! Mẹ đâu rồi? Nhà mình có chuyện gì vậy?
Tiếng gọi xé lòng của đứa con thơ đã làm ông bố tỉnh mộng. Nỗi buồn đang bị kìm nén, nghe tiếng con gọi ông bố trẻ như vừa được cởi bỏ, ông chạy đến ôm chầm lấy con. Ông xoa xoa âu yếm rồi nhẹ nhàng khẽ lau từng giọt lệ đang ứa ra từ hai khóe mắt cái Sen.
– Đừng khóc nữa con! Mẹ con… Mẹ con bỏ rơi hai bố con mình rồi.
– …
– Không!!! Không phải thế! Sáng nay, mẹ vẫn còn hứa tặng quà cho con nữa mà. Con không chịu… Không chịu đâu!
– Thôi con nín đi! Mẹ con đi xa thật rồi. Bây giờ chỉ có bố là thương con… Yêu con thôi!
– Không phải!!! Bố nói dối!
Vừa nói, nó vừa đánh thình thịch vào đôi vai gầy của bố. Còn bố nó thì ôm ghì chặt như không muốn dứt ra.
– Mẹ ơi!!! Mẹ ơi!!!
Nó đẩy mạnh vòng tay đang ghì chặt của bố nó, vừa thoát ra nó đã phi chạy vào nhà, xục xạo đi tìm mẹ.
– Mẹ ơi!!! Mẹ đâu rồi? Hu hu hu
Không thấy mẹ đâu, nó chạy ào ra sân. Thấy tôi, nó gào thảm thiết:
– Anh Đen ơi! Mẹ… Mẹ em đâu rồi ý! Anh tìm mẹ về cho em đi.
Tôi ngớ người đứng ngây ra, tôi cứ ú ớ:
– Ừ…
– Anh ơi! Có phải mẹ em đang chơi trốn tìm không?
– Ừ…
– Anh đi tìm… Đi tìm mẹ cho em đi! Mẹ ơi!!! Mẹ đừng trốn con nữa.
Vẻ mặt nó hoảng hốt, đôi mắt hoen đỏ vờ mở to, hai bên khóe mắt đã ướt đẫm nước mắt. Nó đứng sững người cố gào khóc như thể muốn báo hiệu cho mẹ nó biết vậy.
– Hu… Hu… Hu!!! Mẹ ơi!!!
Nhưng nó càng gào, càng khóc thì bóng dáng mẹ nó cũng chẳng bao giờ về nữa, mẹ nó bỏ rơi nó thật rồi.
– Thật tội nghiệp cho con bé Sen!
Chẳng bỏ cuộc, nó lại chạy vòng ra đằng sau nhà. Mảnh vườn xanh um bởi những cây chuối hột vẫn im lìm, đang đứng ngóng nó. Vẫn không thấy mẹ, nó gục đầu vào một cây chuối hột to nhất vườn mà khóc. Làn gió Phơn bay lướt qua như ve vãn đã vô tình làm rung nhẹ một tàu lá, tàu lá đung đưa rồi khẽ chạm vào lưng nó. Nó giật mình, quay ngược lại gọi mẹ:
– Mẹ!!! Mẹ về với con đấy ư?
Chẳng thấy bóng dáng mẹ đâu, nó chỉ thấy có mỗi một tàu lá chuối to hự đang đung đưa theo gió, vỗ về an ủi nó như cánh tay ấm áp của người mẹ hiền. Được đà, nó lại càng ôm chặt cây chuối hơn.
Thấy tôi, nó mới ngoảnh mặt lại thổn thức:
– Anh Đen ơi! Mẹ… Mẹ em bỏ rơi em rồi!
Chưa kịp dứt lời, nó đã sà vào và ôm chặt lấy tôi.
– Ừ… Anh biết rồi! Em nín đi.
Tôi vừa ôm, vừa vỗ nhẹ vào lưng an ủi nó.
Chỉ cho đến khi bố nó bước ra, nó mới chịu nín đi một lúc. Bố nó buồn nhưng vẫn cố ngồi thủ thỉ với con:
– Bố biết là rất khó khăn nhưng… Con hãy tin rằng bố sẽ luôn yêu thương con. Con gái của bố!!!
Thế là, hai bố con nó lại ôm chặt lấy nhau mà khóc. Tiếng khóc xé lòng vang vọng cả một góc vườn quê.
Chú thích:
(1) Ngói fibro xi măng là những tấm lợp làm bằng hợp chất xi măng
(2) UFO là một vật thể lạ
(3) Trương Phi là một anh hùng trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa.
(4) Muhamad Ali là một cựu võ sỹ quyền anh nổi tiếng người Mỹ.
(5) Knock out là một kiểu đánh để hạ gục đối thủ.
hương trần (8 tháng trước.)
Level: 6
Số Xu: 707
hay lắm tác giả
Trần Xuân Lân (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1185
Mong như mong mẹ về... Tội nghiệp con bé Sen!
Tương lai rồi sẽ đi về đâu?
Mong như mong mẹ về...
Trần Xuân Lân (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1185
Cảm ơn bạn đã ủng hộ
Trần Xuân Lân (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1185
Cảm ơn bạn đã ủng hộ
Trần Xuân Lân (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1185
Cảm ơn bạn đã ủng hộ
Trần Xuân Lân (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1185
Cảm ơn bạn đã ủng hộ
Trần Xuân Lân (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1185
Cảm ơn bạn đã ủng hộ
Chi Chu (4 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 1238
Truyện hay quá bạn ưiiiiii
Yang Mi (4 năm trước.)
Level: 1
Số Xu: 51
Hay quá
Amira Yuu (4 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1774
Cảm ơn tác giả vì đã viết!