- Ký ức của ông giáo Thứ
- Tác giả: Trần Lân
- Thể loại:
- Nguồn: Tự sáng tác
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.809 · Số từ: 2989
- Bình luận: 5 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 2 Phiêu Linh Duc Nguyet
KÝ ỨC CỦA ÔNG GIÁO THỨ
– Trần Lân –
Nắng chiều dần buông, không khí trở nên đậm đặc hơn bởi khí nóng từ sân thổi hất vào. Tôi và lão Hạc vẫn ngồi im thin thít bên hiên nhà, nhìn chúng tôi chẳng khác gì như hai miếng thịt ba chỉ đang phơi mình trên bếp than hồng.
Những tia nắng nhẹ buông rồi rơi khẽ bên hiên nhà lão Hạc. Cái dáng người lom khom của lão in rõ lên bức tường vôi trắng xóa. Hai cái đầu gối dựng đứng, nhô cao như muốn cố đỡ cái đầu đang nặng trĩu, buồn rười rượi.
Cái bóng của tôi cũng vậy, nó nhem nhẻm đen, nghiêng ngả một góc 45 độ. Cái đầu được kéo dài ra như một bóng ma hợm hĩnh. Cái bóng đó cũng đâu giấu diếm được tâm trạng buồn của tôi.
Nỗi buồn đan xen với nỗi nhớ thương con của lão Hạc đã khiến tôi không khỏi cầm lòng. Cái trán của tôi cứ như một bãi cát mịn, còn nếp nhăn trên khóe mắt thì cứ như sóng xô bờ đang cố ép vào hai tròng mắt tôi. Hai dòng lệ trên khóe mắt cứ thế mà ứa ra, lăn nhẹ trên gò má, rồi đọng khẽ dưới cái cằm khô ráp.
Chẳng nói chẳng rằng theo phản xạ, tôi đứng phốc dậy, khẽ nhoẻn miệng mở lời chào, rồi cúi đầu từ biệt. Cho dù, lão Hạc có cố nài nỉ mời cơm tôi đi chăng nữa thì tôi cũng một mực từ chối. Bởi vì, bát cơm mà chan bằng nước mắt thì dù có ngon đến mấy cũng không sao mà nuốt nổi.
– Buồn lắm cụ ạ! Cụ cố giữ gìn sức khỏe để còn chờ con cụ về nhé! Chào cụ!
Nói xong, tôi lại rảo bước hướng về ngôi nhà cũ của mình.
Dáng đi của tôi vẫn thong thả như xưa. Nó điềm tĩnh đến lạ lùng. Đôi chân tự tin quệt xuống nền đường không ngừng kêu lên: “Cành… Cạch”. Khi thổn thức, bước chân vang lên từng hồi. Đôi lúc, nó lại chậm rãi, nghe cứ như là một điệu nhạc vậy.
Lâu lâu, tôi mới về. Thế nhưng, ai gặp tôi cũng đều mở lời chào. Cứ như thể, tôi là một vị khách quý về làng, chứ đâu phải là một kẻ đã bán nhà, bán đất, chạy trốn khỏi thôn quê để lên phố thị đâu chứ. Vẻ mặt vui hớn hở khi gặp lại bà con đã làm cho tôi dần dần nguôi ngoai và vơi bớt đi nỗi mặc cảm. Cái tôi và phẩm giá của một nhà giáo chân chính ngày nào vẫn như còn đang hiện hữu ở chốn thôn quê này.
– Ôi! Quả là hạnh phúc làm sao! Ha ha ha. Tôi cười thầm.
Khi vừa rẽ ngang qua cái ao làng, ở phía đằng sau tôi bỗng vang lên một tiếng gọi với của một người phụ nữ.
– Anh Thứ… Anh Thứ ơi!
Tiếng gọi như một sức hút nam châm đầy ma lực, đã kéo tôi đứng khựng lại. Tôi khẽ quay nhẹ cái đầu về sau, cố nheo mắt để nhìn cho tỏ tường. Bóng dáng người phụ nữ cũng đang dần dần hiện ra trước mắt. Tôi ngớ người ra một lúc, rồi thản nhiên kêu lên:
– Ôi… Oanh! Oanh đấy phải không?
– Vâng! Tôi đây chứ ai.
Lại gần bên tôi, mà chị ta vẫn còn thở dốc, phì phò như một con ngựa vừa kéo xe về vậy.
Tôi nhớ lại: “Ngày xưa chị ta được mệnh danh là cái loa phường của trường, không hẳn là vì cái tiếng bôm bốp, chan chát của chị, mà vì cái môi hay hớt lẻo, luôn chõ vào mọi chuyện của người khác. Ngày đó, tôi ghét chị ta lắm!!!”. Thế còn bây giờ thì sao?
Cái dáng người thanh thanh, manh mảnh gầy của chị vẫn như xưa, chẳng thay đổi đi một tẹo nào. Khuôn mặt hốc hác, sạm đen như người thiếu ngủ. Chị ta vẫn không ngừng thở dốc.
– Khiếp!!! Đi gì mà nhanh thế! Tôi gọi mãi mà chẳng thấy Thứ quay lại! “Phù… phù!”
Chị ta vẫn chưa ngớt cằn nhằn.
– Bây giờ lên tỉnh, lên phố nên khinh khỉnh người nhà quê này hả?
Tôi thì cứ đứng đực ra. Ú ớ nói phân trần:
– Ấy, thôi chết! Tôi dạo này nghễnh ngãng quá!
– Hừm!!! Khinh người thì có!
– Thôi! Thứ lỗi cho tôi nhé! Chị Oanh!
Cái giọng lanh lảnh của chị ta không ngừng vơi đi, nó vẫn chua chát như ngày nào. Cái ngày mà mỗi lần chị ta lên giọng là lũ trẻ con trong lớp im thin thít như đám lợn con nằm bú ti mẹ. Tôi cố trấn tĩnh để đánh trống lảng.
– Khiếp!!! Giọng của Oanh vẫn như xưa nhỉ?
– Như là như thế nào?
– Thì là vẫn chanh chua đó! A hi hi…
Tôi vừa dứt lời thì chị ta đã lao đến, cắn răng kèn kẹt như muốn ăn tươi, nuốt sống tôi.
– Ấy ấy! Oanh bớt giận.
Tôi thì biết thừa cái tính của chị ta, cứ hễ tức tối là chị ta lại nổi cơn tam bành, đanh đá vô cùng, đến nỗi Đích – Người yêu của chị ta cũng phải nhường nhịn đi mấy phần
Vẻ mặt của chị ta dần dần căng trở lại, đến lúc này tôi mới dám bắt chuyện tiếp:
– Ơ!!! Tôi tưởng Oanh, nhà ở trên phố cơ mà?
– À… Ừ…
Ngập ngừng một lúc chị ta mới khơi miệng nói tiếp.
– Ờ thì đúng là như thế! Nhưng giờ, Oanh cũng phải vác xác về quê mà sống đây này.
– Ơ!!! Cái trường tư thục làm ăn khấm khá lắm cơ mà.
– Ui dào!!! Chỉ được lúc đầu thôi! Giờ cũng toang rồi.
– Sao lại thế được?
– Thứ biết đấy! Từ lúc, Thứ bỏ việc, Đích cũng ngừng chu cấp nên trường học bỏ bê, hoang tàn lắm!
– Ôi sao mà chán thế! Nếu duy trì đến bây giờ thì tươm nhỉ?
– Ừ…
– Vậy, Đích và Oanh dạo này sống có hạnh phúc không?
Ngập ngừng một lúc, chị ta mới nói tiếp:
– Thôi!!! Thứ đừng hỏi nữa!
– Sao vậy?
– Oanh buồn lắm! Ngày xưa, Oanh đã cố nhín nhịn, chắt chiu từng đồng, từng hào, bòn ngót để gom cho Đích. Còn gã ta thì…
– Đích đã làm gì?
– Gã ta chỉ biết lợi dụng Oanh! Gã đôi lần, bảy lượt, hứa lên, hứa xuống là sẽ cưới Oanh. Gã nói rằng: “Em này! Đợt tới, cơ quan có dành một suốt cho anh sang Ba Lan học tập và nghiên cứu đấy! Lần này đi, yên ổn xong anh sẽ đón em sang.”
Chị ta nói tiếp:
– Úi trời ơi!!! Tôi nghe mủi lòng, cứ đợi, đợi mãi mà có thấy Đích đón sang đâu. Tôi buồn đến nỗi gầy rộp cả người đi đây này.
– Sao lại thế? Đích yêu Oanh lắm cơ mà.
– Hừm!!! Giả tạo! Giả tạo cả thôi. Anh ta mượn cớ để đi học. Chứ thực ra, anh ta sang bên đó để trốn ra ngoài, đi làm tự do. Nghe nói dạo này anh ấy cũng khấm khá lắm!
– Ơ!!! Sao Oanh lại biết?
– Có gì đâu mà không biết. Tại vì, trong đợt đi đó có anh Quý làm cùng cơ quan với Đích. Anh ấy cũng mới vừa đi Ba Lan về đây này. Anh ấy có kể lại hết cho Oanh nghe rồi.
– Rõ khổ! Tôi không nghĩ, Đích là người như thế đấy
– Hừm!!! Thế đấy! Tại số Oanh, nó hẩm hiu thế nào ý, chán chết đi được!
Tôi cố chấn tĩnh, sốc lại tinh thần cho Oanh.
– Ui dào… Thôi! Chuyện cũ bỏ đi. Bây giờ, tụi mình cũng già hết cả rồi, gặm nhấm mãi cái quá khứ ấy để làm gì cơ chứ! Bỏ đi mà làm người, làm lại cuộc đời, Oanh ạ! – Tôi vỗ nhẹ vào vai Oanh.
Lúc này, tôi thấy rõ bên khóe mắt của chị ta đang lấp lánh, lấm tấm vài giọt lệ. Chắc có lẽ, chị ta vẫn còn luyến tiếc cái quá khứ đó lắm! Nhưng thôi, phải cố đánh trống lảng để cho chị ta vơi bớt đi nỗi sầu. Tôi hỏi tiếp:
– Thế bây giờ, Oanh sống như thế nào? Chồng con ra sao rồi?
Chị ta thì vẫn cứ ngẩn ngơ, mãi mới hắt ra thành tiếng:
– Phù!!! Nói ra thật ngại quá! Chẳng biết cái số của Oanh nó nhọ thế nào ý, mà mãi chỉ quanh quẩn với mỗi bài tình khúc nghèo, chẳng khấm khá lên một tẹo nào.
– Sao Oanh lại nói thế?
– Ui dào! Nói ra, Thứ đừng ngại nha! Chả lại, Oanh đã lập gia đình được hơn 20 năm rồi! Trước kia, ông chồng mình là một đại gia buôn bất động sản có tiếng tăm ở nhất cái tỉnh lẻ này đấy. Mới đầu, ai cũng nói Oanh là: “Chuột sa chĩnh gạo”. Ôi, cuộc sống lúc đó cứ ngỡ là mơ ý, Thứ ạ!
Nói đến đây, mặt chị ta mừng hoa ra phấn, chị nói say sưa, quên nghỉ.
– Thế nhưng mới được có vài năm thì thị trường nhà đất lại đi xuống. Lão chồng mình thì quá hám lợi, ôm rõ là nhiều đến nỗi phá sản. Kể từ đó, cuộc sống của Oanh lại bắt đầu lận đận, khổ đến tận bây giờ, Thứ ạ!
– Rõ khổ!
– Ui!!! Vẫn chưa hết đâu! Thứ ạ!
Tiếng sụt sịt khe khẽ, tiếng bước chân nặng nề quệt xuống mặt đường từng hồi là tôi biết: “Chị ta đang khổ tâm lắm!”. Chị ta khẽ đưa nhẹ cái cánh tay yếu ớt, bé bằng cái cành củi khô lên để lau bớt đôi dòng nước bạc, đang ngày một tràn trề, giàn giụa trên khóe mắt. Chẳng để cho tôi tiếp lời, chị ta đã nhanh nhảu nói xen vào:
– Bây giờ, lão chồng Oanh chẳng làm gì, suốt ngày bê tha rượu chè. Oanh chán lắm! Chẳng còn muốn sống nữa.
– Thế sao? Oanh không khuyên can anh ý.
– Có chứ! Nhiều là đằng khác! Nhưng lão cứ ngây ra như một pho tượng. Lại thêm, cái thằng con trai trời đánh, nghịch tử của Oanh nữa chứ.
– Nó làm sao! Nó bướng lắm hả?
– Oanh cố gắng lắm mới đẻ được một mụn con trai, cưng chiều nó từ bé. Mong nó lớn lên để ăn học cho bằng bạn, bằng bè. Ai dè… Nó suốt ngày tụ tập, ăn chơi trác táng cùng với lũ bạn hư hỏng của nó. Buồn lắm Thứ ạ!
Lúc này, vẻ mặt của chị ta xám xịt lại, hằm hằm đầy sát khí.
– Mẹ cha nó chứ! Không biết nó giống ai? Thà Oanh ngày đó, đẻ ra một cục thịt còn hơn. Chả nhờ cậy được nó một tẹo nào. Bây giờ, nó còn tụ tập, đi theo cái bọn Đường Huệ gì gì ấy.
– Đường Huệ là bọn nào?
– Ui trời!!! Thứ không biết đấy thôi! Nghe nói bọn này chuyên đâm thuê, chém mướn, xiết nợ thuê, cho vay nặng lãi. Cả cái làng này, chẳng ai dám dính vào, đến bố con nhà lão bá Kiến cũng phải nể nang đi vài phần.
– Lạ nhỉ? Từ sáng về đến giờ chả ai kể gì cho Thứ biết! Cái thằng Chí Phèo cũng chẳng động giả một hơi. Tại sao nhỉ?
– Ui!!! Thứ biết rõ rồi còn gì! Toàn một lũ võ mồm thôi. Để Oanh kể cho mà nghe đây này.
Chị ta đưa mắt liếc ngang, liếc dọc, ngó lên, ngó xuống, rồi mới dám thỏ thẻ nói tiếp:
– Oanh nói cho Thứ nghe, cái bọn này ghê gớm lắm! Hễ nhà ai có người mới chết là chúng nó đánh hơi nhanh lắm! Chúng nó đến để bắt bớ, đòi tiền hạ huyệt, nghe nói phải mất cho chúng nó lên đến 500 đồng cơ đấy! Nếu không nộp tiền cho bọn nó ý à! Là chúng nó cho bọn đàn em đến bắt bớ, đánh người. Hãi lắm Thứ ạ!
– Vãi!!! Người chết rồi mà vẫn còn phải mất thuế cho tụi nó sao? Bọn này hống hách thật đấy! Thế, cái bọn lý trưởng, cái bọn dân quân đâu hết cả rồi? Sao không bắt, gô cổ chúng nó lại?
– Suỵt… Suỵt!!! Thứ đừng nói to chứ! Tai mắt bọn này ở khắp làng đấy.
– Thứ sợ đếch gì!
Đang hung hăng nói như bố đời là thế! Mà khi quay sang nhìn vẻ mặt của chị ta, nước da của chị đột nhiên chuyển sắc, tái xanh như đít Nhái.
– Thứ nhìn kìa!
Tôi ngoái nhìn theo hướng chỉ tay về phía trước của chị. Tôi nhìn rõ mồn một phải có đến ba, bốn đứa đang lăm lăm trên tay, đứa thì cầm gậy, đứa thì cầm dao, mặt đứa nào cũng băm trợn, tóc tai lúc vàng, lúc xanh nhìn rất là ma ranh.
Tôi nuốt nước bọt ừng ực, chỉ dám hỏi nhẹ Oanh:
– Bọn này… Là bọn nào đấy?
– Bọn nó… Bọn nó đấy!
– Bọn nào?
– Thì bọn Đường Huệ chứ đấy! Bọn Đường Huệ mà Oanh vừa kể cho Thứ nghe đấy!
– Ui… Chết cha! Bọn nó đấy hử?
– Ừ… Chắc bọn này chuẩn bị đi bắt nợ nhà ai đấy! Thôi… Oanh té trước đây!
Tôi chưa kịp hỏi thêm câu nào thì chị ta đã xoắn xít co chân chạy bán sống, bán chết bỏ lại tôi một mình.
– Sợ đếch gì tụi này!
Nói xong, tôi ưỡn ngực tỏ vẻ nam tính để đi tiếp.
– Nhưng mà nhìn bọn này cũng ghê ghê nhỉ! Nhìn mặt mũi thằng nào cũng lừ lừ như tàu ngầm mới hạ thủy thế kia! Úi trời ơi!
Tôi thì thầm một mình, cũng dần dần khép nép đi né sang một bên.
Chờ cho bọn nó đi qua, tôi mới dám thở hắt ra để đi tiếp về ngôi nhà cũ của mình.
Mỗi lần nghĩ về mảnh đất quê cha đất tổ, tâm trí tôi lại háo hức. Tôi vẫn còn hình dung y nguyên cái nhà tranh vách đất mà bốn mùa gió lùa từng đêm. Mảnh vườn nho nhỏ có bờ rậu Duối bao bọc xung quanh. Khóm tre Ngà mà tôi đã dày công mang tận trên tỉnh về trồng.
Nói đến đây là nước bọt tôi lại ứa ra. Cứ như thể, tôi đang thèm khát một món khai vị thơm ngon gì đó. Chắc hẳn, tôi đang sung sướng lắm!
Lần này về quê, tôi đã cố dành dụm từng đồng, từng cắc để mong sớm chuộc lại cái gia sản này. Tôi tặc lưỡi.
– Chắc sắp tới nhà mình rồi. A hi hi… Tôi thầm cười.
Nụ cười thầm kín đó của tôi đã dần dần vụt tắt như ngọn đèn dầu trước gió. Tôi đứng ngây ra, sững sờ khi trước mắt mình là khuôn viên ngày nào, thế nhưng bây giờ nó chỉ còn lại là một đống đổ nát, hoang tàn. Trông xa cứ như thể mới vừa có một cơn lũ ống quét ngang qua vậy.
– Nhà… Nhà của tôi đâu rồi?
Tôi thầm hét lên, rồi đứng đực ra như Từ Hải chết chôn chân vậy.
Tiếng trống ngực không ngừng vang lên từng hồi, trái tim như xé toang ra làm trăm mảnh, huyết áp của tôi dường như đã tụt xuống tận đũng quần, tôi cố gắng kéo lên nhưng không thể… Thân thể tôi đã gục ngã thật rồi.
Đôi chân của tôi giờ cũng phải chịu quỳ xuống. Tôi đưa nhẹ đôi tay, cào cấu từng miếng đất, rồi từ từ đưa lên, ôm ghì chặt nó vào lòng. Cứ như thể… Tôi đang ôm đứa con bé bỏng trên tay vậy. Nhìn quang cảnh xơ xác, tiêu điều. Cái nhà tranh ngày nào bị bốc hơi đi đâu hết, mảnh vườn nhỏ bị xới tung lên, chỉ còn lại rặng tre Ngà vẫn đung đưa trước gió. Làn gió chiều man mát thổi xuyên qua rặng tre, không ngừng kêu lên từng hồi: “Ù… ù…” nghe cứ như có ai đó đang thúc giục gọi tôi vậy.
Tôi gắng sức đứng lên, lê lết tấm thân gầy guộc về phía rặng tre Ngà. Như thể gặp lại cố nhân, rặng tre không ngừng đung đưa, rung lên từng hồi, ve vãn, quạt mát cho tôi.
Còn tôi… Trông tôi như một con trâu già đang cố nhai đi, nhai lại, gặm nhấm cái quá khứ, mà tôi biết rõ rằng cái quá khứ đó nó khó tiêu đến nhường nào.
Cảnh chiều tà nhẹ buông bên rặng tre. Phía đằng tây đang hửng lên một màu tím nhạt. Ánh sáng le lói đang xuyên qua những đám mây ưng ửng đỏ.
Ánh sáng cũng dần dà chiếu xuyên qua tôi. Lúc này, cái bóng của tôi – Cái bóng của ông giáo Thứ đang một dài ra như bóng ma của quá khứ vậy.
Còn quá khứ… Nó chẳng kiêng nể ai, nó như một cái dây thòng lọng đang cố kìm chặt, giết chết tôi và giết chết một ký ức đẹp.
– HẾT –
Duc Nguyet (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 5015
Tặng xu ủng hộ.
Duc Nguyet (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 5015
Cố lên. Thích tác phẩm của bạn.
Phiêu Linh (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 53
Câu chữ của tác phong phú thật đấy!
Chúc tác thành công nhé!
Trần Xuân Lân (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1185
Mình hiện đã kiểm tra và đã sửa lỗi. Mong các mod sớm đăng truyện a
Trần Xuân Lân (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1185
Trong khi viết không khỏi sai sót, mong là các mod và các bạn góp ý thêm. Xin chân thành cảm ơn!