- Một sự quái đản
- Tác giả: Lương Nhân Nan Vi
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K+] Không dành cho trẻ dưới 9 tuổi
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 921 · Số từ: 1875
- Bình luận: 5 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 3 Blue Thời Thu Gấm Nguyễn
Hồi tôi còn ít tuổi hơn tôi của bây giờ, tôi thường có suy nghĩ rằng: anh em đàn ông thì sẽ ít ngồi lê đôi lách buôn dưa lê bán dưa chuột hơn so với chị em phụ nữ. Rồi sau này lớn hơn, tôi mới thấy suy nghĩ ấy thật là sai lầm. Tuy phần đông đàn ông nói chung là chẳng bao giờ để ý tiểu tiết nhưng một khi đã muốn soi thì họ chẳng kém gì phái yếu cả, đôi khi còn ác liệt hơn; chỉ là họ có muốn nói ra hay không. Và thường khi đàn ông đã chú tâm vào việc gì, họ có thể biến nó thành một nghề luôn, thế là đàn ông mà thích nghe ngóng kể lể thường sẽ trở thành nhà báo hay giỏi hơn là viết sách dạy đời.
Nhà báo, viết sách dạy đời thì có gì sai không? Không hề, có kiến thức hay thì chia sẻ, có tin hay thì thông báo, tôi cũng báo mà, nhẽ tôi lại chửi cái nghề của mình, chỉ là khi đàn ông cay nghiệt làm nhà báo, thay vì tường thuật thông tin, họ sẽ biến thành các lều báo, báo hại. Chậc chậc! Thế thì tôi là giai hay gái mà lại ăn nói bố đời thế? Cái này thôi để dành cho quý vị đoán cho nó hấp dẫn vậy.
Chuyện là thế này, sáng hôm nay thức dậy, theo thói quen tôi đưa tay lên chốn mạng xã hội để cập nhật tình hình trong ngày. Vì cũng viết báo nên tôi thừa biết bữa nay có những tin chính gì, cái tôi tò mò là dư luận thôi. Dư luận thì ôi thôi đủ mọi kiểu, vì người chơi mạng xã hội phần đông là các thanh niên “tiểu tư sản”, các cụ hưu trí, các cháu học sinh sinh viên, dân trí thức mà thôi. Chứ còn công nhân nông dân nghèo thì làm gì có thời gian mà chơi nữa. Còn người giàu hẳn, họ tạo trò chơi những người khác, thế mới tài. Quay lại dư luận, chín người mười ý nhưng chỉ cần có một vị nổi nổi, một người đưa ra ý kiến “chìa khóa” mà phát biểu là mười ý rất nhanh có thể sẽ biến còn năm ý thôi. Tôi có biết một anh ý kiến chìa khóa như vậy, mới hôm qua thôi tôi còn thần tượng ảnh lắm, vì anh ấy nói gì nghe cũng hợp lí cũng hay, xưa có câu lưỡi không xương trăm đường lắt léo thì nay cũng có câu ôm bàn phím bình thiên hạ vậy.
Tuy cũng khoái hóng hớt những sự về giới giải trí nhưng tôi tuyệt không bao giờ ham mê đọc những cái tiêu đề tiếu tiếu ngu ngu như cô A ngồi trên ghế nhựa hay cô B mặc đầm giống cô C vân vân và mây mây, cái này còn chẳng đáng gọi là lều báo nữa, cũng chả phải trang tin, gọi cái cống là đúng chuẩn, và chẳng có ai bình thường lại uống nước cống bao giờ. Cái anh mà tôi từng thần tượng, gọi là anh Đức nhé, anh ta không viết mấy thứ như vậy, anh ta thường viết những bài mà học sinh gọi tên là nghị luận xã hội. Với lời lẽ thuyết phục, dẫn chứng rộng lớn, giọng văn có chút hài hước, các bài đăng của anh ta luôn có được một lượng tương tác rất lớn. Nhiều người hay nói: “cùng nghề là oan gia”, không biết các anh nhà báo khác thế nào, chứ tôi là tôi hâm mộ mấy anh giỏi giang hơn mình lắm, chả khác gì con chiên nghe theo lời cha xứ cả. Cứ hâm mộ miết cho đến hôm nay, cha xứ đã để lộ là bản thân chẳng tin gì vào chúa. Tôi thở dài, đọc đi đọc lại bài viết mới nhất của anh, lại đọc bình luận cười cợt của các anh chị khác, những tưởng tôi hoa mắt nhìn nhầm, nhưng mà mắt tôi còn tinh lắm, tinh đến mức đồ rằng bản thân đã tự bịt mắt mình bấy lâu mà thôi.
Mỗi năm đến hẹn lại lên, cứ vừa thi tốt nghiệp thi đại học xong là người ta lại quay sang bàn tán về đề thi văn. Ạnh Đức, dĩ nhiên sẽ lên một bài cho mọi người có chỗ bàn tán, bài đăng lần này của anh có số lượt thích cao hơn hẳn mọi lần, anh chỉ trích rằng đề năm nay cho học sinh phân tích mấy câu ngụy khoa học thì thật là quá thất vọng với Bộ giáo dục. Rất nhiều người đồng tình, không thể chấp nhận được được sự cẩu thả trong việc lựa chọn ấy.
Chưa kịp ăn uống gì, tôi vội vàng đi tìm đề văn năm nay, tuy đọc bài anh thì tôi đã có hình dung, nhưng muốn bình luận về cái gì thì phải hiểu tường tận ngữ cảnh của nó đã. Tìm hiểu câu đọc hiểu bị chê trách và cuốn sách mà câu trong đề được trích dẫn xong, từ hào hứng được dịp chửi chung tôi chuyển thành chưng hửng, thất vọng. Quyển sách kia cũng chỉ là một quyển “súp gà cho tâm hồn” chia sẻ về việc sống hết mình sẽ đem lại tác dụng gì và nó chắc chắn không phải là một quyển sách khoa học. Tôi chưa thấy ai chê trách gì khi một nhà văn nào đó có những so sánh ẩn dụ hơi phi lí so với khoa học, nhưng lần này, mọi thứ thật kì lạ, lẽ vì tác giả cuốn sách kia không phải người làm nghệ thuật hay vì còn lí do gì khác? Nhớ năm nào có một đề văn còn hồn nhiên và ngây ngô hơn nhưng chả có mấy người chê bai nó, ngược lại là còn được khen nữa cơ, thật là lạ.
Trong lúc ăn sáng, thay quần áo, tôi đã kịp chuẩn bị một bài văn để bình luận vào bài của thần tượng, tôi rón rén mở đề và nhấn nút “nhập”: “Bác Đức này, nếu thấy đề sai, rõ ràng học sinh có thể lập luận chứng minh đề sai đúng không ạ? Với lại tuy không đúng với nhiều người nhưng niềm tin trong đoạn trích vẫn đúng với nhiều người khác thì đâu có gì đáng chê trách? Và nếu bàn về đề, chúng ta nên bàn về cấu trúc đề đã ổn hay chưa đúng không ạ?”
Mở bài xong, tôi tắt máy, chuẩn bị đi làm, trên đường đi, tôi tưởng tượng ra cảnh sẽ có bao nhiêu người sẽ vào trả lời bình luận của mình, kể cả phản đối hay đồng ý thì tôi cũng đã có ý kiến để phản hồi.
Đến cơ quan, tôi chào hỏi những người trong ban và ngồi vào nơi làm việc, vội vàng lên mạng tìm xem có gì đang chờ mong mình không. Đáng tiếc cho tôi, phần thông báo im ắng, chẳng có một dấu hiệu nào chứng tỏ nó đã gây được sự chú ý. Chưng hửng một lúc, tôi loay hoay tìm hiểu, có vè như là bình luận của tôi đã bị ẩn rồi. Hơi thất vọng, nhưng không bỏ cuộc, tôi lại gõ phím một lần nữa, đáng tiếc bài viết đã hạn chế người bình luận.
Không thỏa mãn, tôi thử ngó sang trang của những người nổi tiếng khác, và đúng là toàn toàn người chê, ai cũng chê, nhưng may quá, ý kiến phản bác cũng nhiều không kém, cảm giác thất vọng vừa rồi cũng vơi đi phần nào. Lúc này, tôi bỗng nhớ ra có một đứa cháu gái năm nay cũng thi, tôi bèn gọi cho nó hỏi thăm tình hình, sau một hồi trò chuyện, tôi lại hỏi con bé thấy đề ra sao, ai ngờ nó chẳng có chút phẫn nộ nào mà chỉ nói:
“Đề không khó lắm ạ.”
“Vậy cháu có nhớ đoạn trích câu một từ quyển sách nào, tác giả là ai không? Bạn bè cháu có ý kiến gì với đề không?” – Tôi hỏi tiếp.
“Dạ không có đứa nào ạ.” – Cô cháu trả lời – “Cháu cũng chẳng để ý đâu, để cháu kiếm cái đề xem lại…”
“À thôi, không có gì, chúc cháu đạt điểm cao nhé!” Tôi trả lời rồi cúp máy.
Đấy, người trong cuộc có cảm thấy bất bình gì đâu! Tôi hơi yên tâm, tiện miệng buôn chuyện với hội cùng phòng:
“Các anh chị đã lên mạng xem người ta bàn tán về đề văn năm nay chưa?”
Đáp lại tôi là tiếng cười ồ lên:
“Còn hóng mấy cái đấy làm gì, năm nào dân ta chả lên đồng về đề văn, có gì lạ nữa đâu!”
“Đúng đấy, ngày xưa bọn mình chỉ mong đề được như bây giờ cho dễ chém.”
“Ừ, chả hiểu sao ngày xưa trảm phong giỏi thế mà bây giờ lụi nghề quá.”
Nghe thế, tôi cũng cười xòa cùng mọi người, lại nhìn vào cái màn hình điện thoai, tôi trộm nghĩ, từ nhà đến lều hình như cách nhau không quá xa, chả biết có đường hướng ngược lại không nữa?
Dường như đi xuống dốc là một việc dễ dàng hơn nhiều so với việc đi lên, tôi chưa thấy ai phân tích đề thi các môn như toán lí hóa cả, nhẽ toán lí hóa không đáng để bàn hay là vì nó khó quá so với tầm của những người thích bàn tán. Nghĩ đến đây, tôi lại thấy tiếc, đáng ra ngày xưa tôi nên chăm học các môn tự nhiên, để bây giờ đủ khả năng bàn luận về đề tự nhiên nó mới khác biệt và ấn tượng và sẽ nhanh nổi tiếng hơn nhiều vì người đọc chưa chắc đã hiểu hết những gì người viết viết ra.
Tôi lại tưởng tượng, nếu nổi tiếng, biết đâu tôi có thể viết sách “súp gà”, được dạy người khác những điều tôi biết, trở nên giống như người anh mà tôi đã thần tượng. Nghĩ đến người anh, tôi lại buồn buồn, tôi bắt đầu nghi ngờ những thứ anh đã viết từ trước đến nay, lại nhận ra bản thân từ trước đến nay thật thiếu chính kiến. Có lẽ từ bây giờ tôi phải sống tự tin hơn mới được.
Chợt, tiếng chuông điện thoại bất ngờ vang lên kéo tôi ra khỏi ảo tưởng, sếp gọi tới bắt tôi viết lại bài cho số ngày mai vì tôi viết “nhạt” quá. Tôi đồng ý luôn vì miếng cơm, thôi thôi tự tin gì thì để mai, giờ tôi phải thử làm người cay nghiệt đã.
Lời tác giả: Vốn đặt truyện trong danh mục “Truyện ngắn”, với ý đồ viết một câu truyện thật trong giả giả trong thật, xong khi được duyệt với nhìn ra truyện đã được đặt sang mục “Tản văn”, điều đó cho thấy khả năng vẫn còn rất kém khiến người đọc chưa thấy rõ ý đồ, vì vậy nên cũng không chuyển lại. Đành luyện tập thêm vậy.
Thoan Phạm (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 5456
đọc đến "súp gà" cái thấ đói gê hôm? Tui chưa ăn sáng nữa
Lam Nguyệt (3 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 4687
=)))) nào nào, nghĩ kĩ một chút, bạn sẽ nhìn ra ngay mà
Phong Tiếu Tiếu (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 2535
Haizz. Câu trả lời chán ngắt. Cứ nghĩ sẽ biết thêm điều gì đó thú vị từ nhà báo cơ. Ai dè... haizz...
Lam Nguyệt (3 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 4687
Hẳn là họ sẽ chơi zới xiền rồi =))))
Phong Tiếu Tiếu (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 2535
Cho Tiếu hỏi nhà báo xíu nha: "Còn người giàu hẳn, họ chẳng mấy chơi, thế mới tài." Thế họ sẽ chơi gì vậy bạn nhà báo?