Phân tích diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài

Phân tích diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài
Thích

Phân tích diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài

          Bài làm

Tô Hoài là nhà văn tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam. Nổi bật nhất của ông chính là văn xuôi hiện đại được sáng tác theo xu hướng hiện thực, thiên về phản ánh sự thật của đời sống hằng ngày qua trang viết bình dị, tinh tế và đầy chất thơ. Phong cách sáng tác của ông được bộc lộ rõ nhất qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Thông qua tác phẩm trên, chúng ta càng thêm hiểu biết sâu sắc về cuộc sống con người vùng Tây Bắc và những phẩm chất tốt đẹp của họ thông qua nhân vật Mị, một người con gái xinh đẹp và tài hoa. Vẻ đẹp ấy được Tô Hoài miêu tả rất kỹ lưỡng thông qua diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân. Đi sâu vào phân tích ta sẽ thấy rõ điều này.

Vợ chồng A phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập truyện Tây Bắc năm 1953. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế 5 tháng ở vùng cao Tây Bắc. Khi sống cùng với người dân tộc Mèo, ông đã gặp được một cặp vợ chồng người Mèo kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ cùng với những gì chứng kiến và quan sát được từ chính bản thân. Tác phẩm là áng văn xuôi tự sự, được kể theo ngôi thứ ba. Phần đầu là cuộc đời trước và sau khi làm con dâu nhà thống lý Pá Tra. Trước khi làm dâu nhà thống lý Pá Tra, ở M hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp: là một cô gái xinh đẹp, tài hoa; là người có tính cách mạnh mẽ, tự chủ và luôn khao khát hạnh phúc; cô còn là cô gái có trái tim vị tha nhân hậu, một người con hiếu thảo, chăm chỉ. Nhưng bất hạnh thay, sau khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra, Mị lại ngày càng trở nên thầm lặng, cô đơn, trở nên chai lì và hoàn toàn vô cảm với tất cả nỗi đau về thể xác và tinh thần của chính mình.

Nhưng có lẽ, sâu thẳm trong trái tim Mị vẫn là một cô gái đầy sức xuân. Vậy nên khi đứng trước không gian mùa xuân tràn đầy sức sống, sâu trong tâm hồn Mị lại có những rung động ngọt ngào, tươi trẻ, sự hồi sinh của một sức sống mãnh liệt. “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.” Đó là biểu hiện đầu tiên của sự hồi sinh sức sống trong lòng Mị. Tiếng sáo như dòng sữa mát lành len lỏi vào mảnh tâm hồn bấy lâu tưởng như chai sạn, khô cằn trong tâm hồn Mị. người đàn bà đã từng thờ ơ với tất cả nay lại không chỉ nghe tiếng sáo từ xa vọng lại mà còn hình dung ra bóng người lấp ló thổi sáo và còn nhận ra cả sắc thái thiết tha, bổi hổi của tiếng sáo, khiến cô nhẩm thầm theo lời bài hát. Có lẽ, chính âm thanh tiếng sáo là chất xúc tác, là men say đầu tiên đánh thức sự hồi sinh trong lòng Mị và chính nó đã đưa cô trở về quá khứ, nhớ lại những giai điệu ngọt ngào từ thuở xa xôi khiến cô mở lòng đón nhận và hòa vào âm thanh nồng nàn của tình yêu gửi trong tiếng sáo.

Chi tiết “Ngày Tết Mị cũng uống rượu… Mị lén lấy hũ rượu cứ uống ực từng bát.” Từ “cũng” thể hiện một hành động bình thường của bao nhiêu người con gái vùng Tây Bắc khác nhưng lại là hành động bất thường đối với Mị. Nghe cái cách mà Tô Hoài miêu tả “uống ực từng bát”, uống như để say, để quên, uống như một người đang chết khát như muốn dùng men say của rượu để dìm đi những nuối tiếc, khát khao, phẫn uất đang đột ngột bùng lên trong lòng. Mị như muốn mượn cái đắng cay của rượu để vơi đi những đắng cay đang tồn tại trong lòng.”Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng.” Từ láy “văng vẳng” không chỉ gợi tiếng sáo ở xa mà nó còn gợi lên âm thanh hoài niệm đưa Mị trở về với tiếng sáo và bài hát của người bạn tình năm xưa. Mị bỗng bồi hồi nhớ lại quá khứ tươi đẹp: đã từng là một cô gái xinh đẹp, tài hoa với những khát khao mãnh liệt. Một người đàn bà tưởng như đã vô cảm, thờ ơ nay bỗng nhiên nghĩ đến hiện tại cay đắng “Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết…” Những cảm xúc, những khát khao hạnh phúc bỗng nhiên được hồi sinh “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng…Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi.” Tất cả những cảm xúc, những khát khao cháy bỏng được hồi sinh khiến Mị muốn hòa mình vào không khí rạo rực của mùa xuân, của tình yêu và hạnh phúc. Nhưng đồng thời cũng khiến Mị ý thức sâu sắc về tình trạng phi lí của cuộc hôn nhân:”A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau…” Chính thực tế đau buồn càng khiến Mị ý thức sâu sắc về thân phận và không thể chấp nhận khiến cho cô đột ngột muốn chết. Nhưng “Tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lửng bay ngoài đường…” tiếng sáo lại một lần nữa bất ngờ xuất hiện trong tâm trí của Mị và cũng là lần thứ ba cùng với dòng trạng thái đan xen giữa quá khứ, hiện tại và những ước mơ khao khát khiến cho Mị “chỉ thấy nước mắt ứa ra.” Phản ứng khóc và muốn chết chính là biểu hiện mãnh liệt nhất, dữ dội nhất của sự thức tỉnh lòng ham muốn sống, lòng khao khát hạnh phúc. Niềm khao khát ấy tạo ra sự xung đột gay gắt trong tâm trạng Mị.

Sự hồi sinh ấy, khát khao ấy liệu có được chấp nhận ngay khi A Sử đã về. A Sử về “bây giờ Mị cũng không nói” đã nhấn mạnh trạng thái lặng yên của Mị. Rồi một loạt hành động liên tiếp, bất ngờ của Mị “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào ống đèn cho sáng… quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách… Mị rút thêm cái áo…” Với thủ pháp điệp từ “Mị” nhắc lại bảy lần trong một đoạn văn ngắn nhấn mạnh hành động của chủ thể kết hợp với biện pháp liệt kê để diễn tả những hành động mạnh mẽ, liên tiếp, dứt khoát của Mị thể hiện một sức sống không thể dập tắt. Điều đó chứng tỏ sự ý thức được vẻ đẹp của cá nhân, của bản thân. Mị đang muốn đi chơi, muốn tự do, muốn hạnh phúc. Chi tiết “Đĩa đèn trong căn phòng tối” là ẩn dụ thể hiện hành động của Mị đã thực sự hồi sinh muốn xua tan mọi giá lạnh tối tăm trong căn phòng. Và hình ảnh “Tiếng sáo rập rờn” lặp lại bốn lần diễn tả sự hồi sinh của Mị. Tất cả những hành động của Mị đã thể hiện niềm mong ước được sống một cuộc sống tươi sáng, mới mẻ hơn, đẹp đẽ hơn. Vừa là những hành động đấu tranh lặng lẽ tự phát nhưng thật quyết liệt của Mị với số phận. Nhưng đáng tiếc thay, sự hồi sinh của Mị đã bị vùi dập thật độc ác. “A Sử không hỏi gì thêm… bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị… xách cả một thúng sợ đay ra trói đứng Mị vào cột… quấn luôn tóc Mị lên cột… thắt nốt cái thắt lưng xanh… tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại.” Bằng biện pháp tả kết hợp với liệt kê, Tô Hoài đã diễn tả một loạt hành động dã man, tàn bạo, cặn kẽ của A Sử. Qua đó khẳng định sự tàn nhẫn muốn dập tắt toàn bộ khao khát trong lòng Mị. Hắn trói Mị bằng sợi đay trói tàn bạo, bằng cả mái tóc thanh xuân của cô. Hắn là hiện thân của thần ác và bóng tối tiêu diệt tự do và hạnh phúc của cuộc đời Mị.

Nhưng A Sử chỉ trói được thể xác chứ không hề trói được tâm hồn Mị “Mị đứng im lặng như không biết mình bị trói… tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi.” Giờ đây, Mị có lẽ đã quên cả hiện tại và sợi dây trói, tâm hồn người con gái nhận ra mình vẫn còn thanh xuân và khát khao hạnh phúc. Cho đến khi “Mị vùng bước đi nhưng tay chân đau không cự được.” lúc đó Mị mới tỉnh lại và trở về với hiện thực phũ phàng nghiệt ngã. Như cảm nhận được đắng cay, tiếng sáo lúc này đột ngột biến mất. Lúc này Mị thổn thức nghĩ “Mình không bằng con ngựa”. Mị có lẽ đã ý thức được hiện thực khiếp sống của con người còn không bằng con vật. Dù đã trở lại với hiện thực tàn nhẫn nhưng suốt đêm ấy Mị phải sống trong những giằng xé đau đớn giữa những khát khao cháy bỏng của hồi sinh và hiện thực phũ phàng đang hiện hữu trong sợi dây trói và căn buồng giam đầy bóng tối. “Lúc này, lại nồng nàn tha thiết nhớ… Mị lúc mê, lúc tỉnh…”

Bằng bút pháp miêu tả nội tâm, tâm lí nhân vật tinh tế, ngôn ngữ đậm chất thơ và sự am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán vùng Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài đã thể hiện được sâu sắc giá trị nhân đạo và giá trị nghệ thuật qua đoạn văn. Vừa diễn tả chân thực, sinh động và những diễn biến tinh tế trong tâm hồn Mị. Qua đó, tác giả đã ngợi ca, trân trọng những khát vọng sống mãnh liệt, khao khát tự do và hạnh phúc của con người lao động nghèo khổ. Và đặc biệt lên tiếng tố cáo tội ác của xã hội phong kiến thực dân miền núi phía Bắc đã chà đạp và cướp đi quyền sống của con người. Vừa thông qua diễn biến của nhân vật Mị, nhà văn đã thể hiện niềm đồng cảm sâu sắc. Cả đoạn văn như là bài quốc ca tiêu biểu cho khát vọng được hạnh phúc, tự do.

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ là một áng văn xuôi hay, đặc sắc mà gần gũi bình dị, phản ánh đúng thực trạng cuộc sống người dân Tây Bắc trong xã hội phong kiến thực dân lúc bấy giờ. Tác phẩm đã để lại trong lòng bạn đọc nhiều cảm xúc sâu lắng và cho ta thêm hiểu biết về một vùng xứ sở Tây Bắc cùng con người lao động nghèo nhưng giàu tình cảm.

 

Bài cùng chuyên mục

A Lãnh Lãnh Phong

A Lãnh Lãnh Phong (4 năm trước.)

Level: 9

78%

Số Xu: 213

A Lãnh Lãnh Phong đã tặng 1 Xu cho Tác Giả.


Thành Viên

Thành viên online: Tiểu Phiêu Diêu Minh Dương Nguyễn và 237 Khách

Thành Viên: 63375
|
Số Chủ Đề: 9327
|
Số Chương: 29126
|
Số Bình Luận: 119000
|
Thành Viên Mới: Trân Phan