- Sông Đà – Một khúc trữ tình
- Tác giả: Chu Thanh Thiên
- Thể loại:
- Nguồn: Chu Thanh Thiên
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.068 · Số từ: 2890
- Bình luận: 1 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 3 N. Thảo Trần Khánh Đoan Chu Thanh Thiên
Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của dòng sông Đà qua đoạn văn sau: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài… bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.”
“Đất nước có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương để nhớ…”, nếu như trái tim mê đắm của Hoàng Phủ Ngọc Tường say mê và gắn bó với dòng Hương Giang dịu dàng xinh đẹp, thì với Nguyễn Tuân, Sông Đà như một “người cố nhân”, người cố nhân “lắm bệnh lắm chứng” đã được ông miêu tả đầy tài hoa trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà”. Bên cạnh những nét vẽ bạo khoẻ, gân guốc về một con thuỷ quái Đà giang, tác giả còn cho ta thấy được những gam sắc hiền hoà của một dòng chảy trữ tình qua những trang viết lấp lánh của niềm yêu: “Con Sông Đà tuôn tuôn dài… bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.”
Con người đã tự nhận mình là người “sinh ra để thờ hai chữ Nghệ Thuật viết hoa” ấy đã đánh những dấu son lớn trên hành trình trở về với nhân dân, với đất nước, với vẻ đẹp có thật trong cuộc sống lao động bình dị hôm nay. Trong đó, xuất sắc nhất có lẽ chính là thiên tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” in trong tập “Sông Đà” (1960) – thành quả của chuyến đi gian khổ mà hào hứng lên miền Tây Bắc xa xôi, không chỉ để “thay đổi thực đơn cho giác quan” mà chủ yếu để mở đường vào thiên nhiên, lòng người Tây Bắc, tìm kiếm “chất vàng mười” quý giá nơi đây. Chính trong những trang viết lấp lánh tài hoa đó, Đà giang hiện lên hùng vĩ và bí hiểm với những nét khắc họa sắc sảo, độc đáo, hiện lên với tư cách là “thứ kẻ thù số một” luôn luôn đe dọa thử thách con người. Nhưng, cũng giống như Nguyễn Tuân ngang tàng, khinh bạc mà vẫn rất đỗi tài hoa, con Sông Đà với vẻ đẹp kinh diễm đã trở thành một “cố nhân” với bao người đã từng đặt chân đến nơi đây, để rồi say cái cảnh “bao nhiêu sóng thác, bấy nhiêu tình”.
Con Sông Đà “nổi tiếng với bảy mươi hai con thác hiểm nghèo” ấy khi “chút bọt nước cuối cùng xèo xèo tan trong trí nhớ” đã khiến cho trái tim người nghệ sĩ say đắm với vẻ đẹp duyên dáng, mỹ lệ, tràn đầy sức sống của nó. Nhà văn đã dành cho dòng sông những ngôn từ thật đẹp “con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn khói núi Mèo đốt nương xuân.” Cả câu văn dài chỉ có một dấu ngắt duy nhất, kết hợp cùng điệp ngữ “tuôn dài tuôn dài” đã gợi tả đầy sinh động độ dài của dòng sông, đem đến một cảm giác liền mạch bất tận của những nhịp chảy miên viễn từ nơi đỉnh trời Tây Bắc. Khúc hạ lưu của Sông Đà thật hiền hòa, êm ả bởi những thanh bằng liên tiếp, như một nữ nhân kiều diễm, vóc dáng của Sông Đà như một áng tóc mun huyền thoại “dài ngàn ngàn, vạn vạn sải” nối liền những khoảng không gian mênh mông của đất nước. Trải qua bao gập ghềnh sóng thác, dường như dòng sông tự mình nạo vét dòng chảy, để nó trở nên thật yên bình, dịu dàng nhưng cũng tràn đầy xuân sắc, miên man lặng lẽ hoà cùng sông Hồng dưới xuôi rồi thao thiết đổ ra biển lớn.
Không chỉ mang vẻ đẹp duyên dáng nữ tính, so sánh với “áng tóc trữ tình” còn khiến Đà giang càng được tôn thêm vẻ lớn lao hùng vĩ. Trên dòng chảy của mình, Sông Đà còn nhận thêm vào nó nét thơ mộng huyền ảo của “mây trời”, sự tươi tắn rực rỡ của “hoa ban hoa gạo” và cái ấm áp gần gũi thật thân yêu của “khói núi Mèo đốt nương xuân”. Từ điểm nhìn trên cao của nhà văn, Sông Đà vừa là vẻ đẹp của dáng hình sông núi, vừa gắn bó với cuộc sống đời thường, với con người. Những gam sắc huyền ảo tươi tắn ấy càng làm cho con sông thêm êm đềm, dịu dàng tự như người con gái miền Tây Bắc, hiền hoà e lệ mà vẫn vô cùng quyến rũ, say mê với bất cứ trái tim nào say mê vẻ đẹp tuyệt đích tuyệt vời. Chỉ trong một câu văn, Nguyễn Tuân đã gói gọn trong đó bao nhiêu cảnh, bao nhiêu tình, bao nhiêu tài hoa mà ông chỉ dành cho dòng sông ấy, vùng đất ấy, nơi mà cái đẹp hiện ra vừa kì vĩ vừa thân thuộc ngay chính trong cuộc đời bình dị mà ông đang đắm mình trong đó để hiểu đất, hiểu người và hiểu cả mình hơn.
Coi Sông Đà như một cố nhân, Nguyễn Tuân đã nhìn dòng sông từ nhiều góc độ khác nhau, vừa để thưởng thức vẻ đẹp của Đà giang từ nhiều điểm nhìn, vừa để thấu hiểu con sông dịu dàng, ấm áp mà vẫn “làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc”. Ông đã “nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà”, “đã xuyên qua những áng mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà”. Điều đó càng thể hiện niềm yêu vì của nhà văn dành cho dòng sông, cũng như vẻ đẹp trong sắc nước Sông Đà phải nhìn theo nhiều chiều kích mới có thể cảm nhận và thưởng thức đầy đủ vẻ đẹp đó. Giống như một thứ ngọc bích trong sáng, quý giá, êm nhẹ, Sông Đà mùa xuân thật đẹp, vừa gợi cảm giác yên bình lại vừa tôn lên vẻ đẹp kiêu sa đáng trân quý trong tiết xuân êm ả. Đặt trong sự so sánh với màu “xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô”, ta lại thấy được cái trí liên tưởng, tưởng tượng rất thú vị của nhà văn, và bên cạnh đó, dường như cũng là sự thiên vị của một tình yêu, của say đắm từ một trái tim nghệ thuật rất đỗi tài hoa, uyên bác.
Nhìn Sông Đà chỉ vào mùa xuân hay so sánh với những con sông với những con sông khác có lẽ là chưa đủ để nói về sắc nước biến ảo đầy cá tính của Đà giang. Tác giả đã nhìn sắc nước vào mùa thu, khi mặt nước Sông Đà “lừ lừ chín đỏ như da mặt của một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”. Dường như mùa thu, dòng chảy của con sông nặng nề, điềm đạm, chậm rãi chứa đầy phù sa – nét đặc trưng của Sông Đà mà Nguyễn Tuân đã rất công phu và tinh tế quan sát. Trong cái màu “đỏ lừ lừ” của trường so sánh độc đáo, mới lạ ấy, ta thấy ở Đà giang ẩn chứa một sức mạnh tiềm tàng, đằng sau nhịp chảy chậm đó, ta vẫn thấy thấp thoáng những cuồng phong đe dọa của một dòng sông vẫn “Năm năm báo oán đời đời đánh ghen” với con người. Ngòi bút tài hoa của nhà văn như vẫn còn ám ảnh, vương vấn đâu đây về những cảm giác mạnh mẽ mà sự hung bạo của Sông Đà nơi thượng nguồn đã mang lại, như nhớ về những thác đá xa xôi khủng khiếp. Bằng thực tế quan sát và niềm say mê của mình, nhà văn khẳng định, một cách chắc chắn, Sông Đà không phải là “sông Đen” như cách gọi của thực dân Pháp. Điều này cũng thể hiện một tình yêu nước, một tinh thần tự tôn dân tộc ẩn sau những câu chữ tài hoa, sự trân trọng yêu quý với từng mảnh đất, nét sông trên giang sơn cẩm tú này.
Bên cạnh dáng vẻ, sự biến ảo màu sắc mà Nguyễn Tuân đã dụng công quan sát, trong niềm yêu nhớ, con Sông Đà gợi cảm “như một cố nhân”. Con sông như một người bạn cũ, lại vương vấn chút cổ kính Đường thi. Người cố nhân khiến cho ta phải nhớ, phải vồ vập, khao khát được gặp, được thấy, được thoả nỗi yêu mến đến mức chỉ vừa thấy cái “loang loáng như trẻ con nghịch gương” đã háo hức, bồn chồn, vội vàng, mong mỏi. “Cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi” đã ôm chứa vẻ lãng mạn huyền ảo của hoa khói, sự trong sáng rực rỡ của sắc xuân và nhuốm cả cái bâng khuâng vời vợi nhớ mong của “thiên cổ lệ cú”: “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Liên tưởng của Nguyễn Tuân đã làm xuyến xao biết bao tâm hồn luôn yêu nhớ phong vị Đường thi cổ điển, để rồi cái xao xuyến ấy mơ hồ tan trong sự gợi cảm của dòng sông cố nhân. Trong không gian mênh mông, Sông Đà như thả từng nhịp chảy trôi miên viễn về một thế giới cổ thi xa xăm, thấp thoáng. Niềm say mê, phấn khích của tác giả như được nhịp mãi lên nơi bãi bờ phóng khoáng của Đà giang, giữa “Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm Sông Đà”, để rồi tất cả những bình tĩnh, lí trí đều trôi theo cảm xúc dồn dập, gấp gáp, mê say.
Khi tình yêu đã tràn đầy, Nguyễn Tuân đã thốt lên: “Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Có gì vui hơn khi sau những ngày u ám, trĩu nặng của bầu trời những ngày mưa dầm, ta được thấy cái “nắng giòn tan” – thứ nắng thật trong, thật mỏng, thật sáng và thật nhẹ. Cách so sánh ấy dễ cho ta hình dung ra cái sung sướng lâng lâng sảng khoái của nhà văn khi tái ngộ với người cố nhân yêu dấu. Và Sông Đà càng quý giá hơn với Nguyễn Tuân khi cái niềm vui ấy là niềm vui khi được “nối lại chiêm bao đứt quãng” – một việc gần như không bao giờ có trong đời người. Cái nỗi niềm hạnh phúc càng hi hữu bao nhiêu thì cảm tình trong trái tim con người lại càng tươi mới, thú vị bấy nhiêu. Dòng sông ấy đã trở thành một người bạn cũ, một người tri âm với bao kỷ niệm gắn bó trong quá khứ, với bao thương nhớ trong hiện tại và những hẹn hò chung thuỷ trong tương lai. Cái cảm giác “đằm đằm âm ấm” ấy chỉ có thể có khi người ta gặp lại người bạn lâu ngày không thấy mặt, người bạn ta yêu quý, trân trọng, nâng niu từng phút giây bên nhau. Với Nguyễn Tuân, con Sông Đà đã thực sự trở thành cố nhân, là dòng sông để thương để nhớ, dù “lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy”, đó vẫn là cá tính đặc biệt, duy nhất, đáng yêu của một dòng chảy hùng vĩ và thơ mộng, hung bạo và trữ tình nơi rẻo cao Tây Bắc.
Dưới ngòi bút tài hoa, uyên bác, con Sông Đà đã trở thành một công trình mĩ thuật thiên nhiên kỳ vĩ. Tác giả đã tung ra biết bao nhiêu chữ nghĩa đắt giá, những so sánh đặc sắc, những liên tưởng tưởng tượng phong phú, kỳ khu của một bộ óc độc đáo, quyết một phen thi tài với hoá công. Sông Đà đoạn văn này như một khúc nhạc êm đềm, trầm bổng, thánh thót, say mê mà vẫn chứa đầy nội lực của một bản trường ca đại ngàn. Qua những dòng văn tài hoa lấp lánh, bằng sự quan sát lọc lõi tinh tế, Đà giang hiện lên thanh thoát, dịu dàng với những câu chữ bay bổng đã đạt đến trình độ gợi cảm đặc biệt của ngôn ngữ thơ. Sẽ không là nói quá khi khẳng định đoạn văn miêu tả khúc hạ nguồn của Đà giang chính là những dòng thơ văn xuôi của một nhà tuỳ bút luôn “lai láng cái lòng muốn đề thơ vào sông nước”.
Cảm hứng lãng mạn luôn có xu hướng tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ bởi sự tương phản, và dù đối lập nhưng dòng Sông Đà chỉ thực sự là nó khi có cả sự hung bạo cuồng nộ và vẻ thi vị trữ tình đằm thắm. Vẻ đẹp trữ tình trong đoạn trích thật là những dòng tuyệt bút, đậm chất thơ và đậm sắc màu cổ điển, khiến Sông Đà hiện lên êm dịu như một giấc mơ, hiền hoà như một miền cổ tích, lại càng khiến cho chúng ta ngỡ ngàng, mê say: hoá ra con sông mang “diện mạo và tâm địa của một thứ kẻ thù số một” cũng có những khúc những đoạn yêu kiều và mê đắm đến thế ư? Vẻ đẹp trữ tình là một phần tính cách làm nên sức quyến rũ khó chối từ của Đà giang, đã góp phần làm nên một hình tượng thật độc đáo, đặc sắc với hai mặt tưởng chừng như đối lập mà lại đan xen, vô cùng hài hoà đồng nhất, Đà giang hùng vĩ, cuồn cuộn dữ dội mà trữ tình đằm thắm vô cùng. Xây dựng nên một chỉnh thể đặc biệt như vậy, Nguyễn Tuân cũng đồng thời cho ta thấy chính con người Nguyễn Tuân, phong cách Nguyễn Tuân: ngang tàng, kiêu bạc, mạnh mẽ mà vô cùng tài hoa, uyên bác và nặng tình với quê hương đất nước. Chính cái khối tình ấy đã làm nên những “tờ hoa” với chất giọng phiêu lãng, bay bổng thấm đẫm tình yêu quê hương xứ sở, thấm đẫm tài năng và tâm huyết của một con người suốt đời đi tìm và sáng tạo cái Đẹp. Vẻ đẹp đầy kiều diễm, mĩ lệ mà lại thân thương vô cùng kia cũng góp phần tạo nên sức cuốn hút độc tôn duy ngã cho toàn bộ bài tuỳ bút, khiến ai một lần thưởng thức đều như luyến lưu mãi một mối tình muôn thuở với người chèo đò trên dòng sông văn chương. Cái đẹp mà nhà văn đã chắt chiu, mài giũa bao từ ngữ kia lấp lánh lên những bình dị, yêu thương rất đỗi gần gũi, quen thuộc tựa như cái êm ả của lời mẹ ru, nó đã không còn thuộc về thế giới “vang bóng một thời”, cái thế giới của quá vãng xa xôi lạc lõng. Đó là cái đẹp của nhân dân, của đất nước, là cái đẹp mà qua nhãn quan duy mỹ lành mạnh và tích cực của Nguyễn Tuân chính là nghệ thuật do non sông này sinh ra, do tạo hóa sáng tạo nên. Qua đó ta cũng có thể thấy rằng, cái tôi của nhà văn không còn khinh bạc, ngạo nghễ như trước nữa mà gắn bó, tha thiết vô cùng với nhân dân, đất nước, dùng tài trời phú để lưu giữ cái thân yêu xinh đẹp của một người “cố nhân” đến tận muôn đời. Sông Đà càng đẹp, càng dịu dàng đằm thắm bao nhiêu thì tiếng hát những khúc tráng ca về người lao động trên dòng sông ấy sẽ càng vang vọng, càng trữ tình ngọt ngào bấy nhiêu!
Có ai đã từng đọc những dòng chữ thấm đẫm tinh huyết của một bầu máu nóng đầy tài hoa để thêm yêu, thêm quý cái dòng sông “độc bắc lưu” ấy? Có ai đã từng say mê cái tài vẫy bút nhả ngọc phun châu ấy để một lần đặt chân đến Tây Bắc, một lần xuôi ngược trên khúc trữ tình ấy và rồi:
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn.”
Cỏ (3 năm trước.)
Level: 11
Số Xu: 6968
Bài viết hay ạ