- Tâm sự của một người mẹ có con tự kỷ
- Tác giả: Dâu tây
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.154 · Số từ: 2662
- Bình luận: 6 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 1 Khánh Đan
Tôi gần ba mươi tuổi mới lấy chồng. Mang thai lần đầu thai được hơn hai tháng đột nhiên ngưng thở không rõ nguyên nhân. Mẹ tôi đã khóc hết nước mắt. Lúc ấy tôi chỉ ngồi thẫn thờ. Thật kì lạ là tôi lại khá bình tĩnh. Ngay khi biết tin mình hỏng thai tôi đã không hề khóc, mãi cho đến khi về nhà thông báo kết quả với gia đình, lúc đó tôi đã khóc. Nhưng chỉ trong một lúc. Ngay đêm hôm đó tôi đến bệnh viện hút thai.
Tôi nằm trên giường bệnh chờ mổ, anh ngồi bên giường nắm chặt lấy tay tôi, lặng lẽ khóc. Tôi thế mà cố gắng an ủi anh, nói với anh: con không có duyên với chúng ta. Đừng quá đau buồn nữa.
Giờ nghĩ lại khoảng thời gian đó tôi lại thấy buồn cười. Tôi đã gặp qua nhiều người bị hư thai, tôi có xem phim truyền hình dài tập. Sao ai bị hư thai lần đầu cũng suy sụp tinh thần dữ lắm, khóc muốn ngất đi. Còn tôi lại bình tĩnh đến lạ. Tôi tự nói với bản thân đứa con này không có duyên với mình. Hi vọng đứa sau sẽ về với gia đình tôi. Cho nên lúc đó điều tôi quan tâm nhất chỉ là liệu tôi có thể mang thai lần nữa không. Lúc bác sĩ nói tôi có thể mang thai bình thường, tôi đã thở phào nhẹ nhõm.
Sau khi nghĩ dưỡng ba tháng, một lần nữa tôi lại mang thai. Bởi vì đã bị hỏng một lần nên cả bác sĩ và gia đình tôi chăm tôi rất kĩ. Suốt quá trình mang thai, tôi bình yên không có chuyện gì. Ngày lâm bồn, tôi nằm trong viện đau đớn gần hai ngày mà không sinh thường được, rốt cuộc phải mổ. Đứa con gái bé bỏng của tôi đã ra đời như thế.
Dâu Tây bú sữa rất ít nên không bụ bẫm như những đứa trẻ khác, nhưng bé rất khoẻ mạnh. Hai tháng rưỡi đã biết lật, bốn tháng có thể bò, mười tháng biết đứng, mười ba tháng biết đi. Dâu Tây lớn lên trong vòng tay yêu thương vô bờ của ông bà, bố mẹ. Là đứa cháu duy nhất của gia đình nên rất được quan tâm. Bé rất hóng chuyện, cũng rất hiếu động, chẳng bao giờ chịu ngồi yên. Thế rồi đến lúc bé được hai mươi tháng…
Con bé rõ ràng thính lực vẫn bình thường. Chỉ cần nghe thấy nhạc quảng cáo, đang ở đâu cũng lập tức chạy tới, ấy vậy mà khi gọi tên của bé, bé lại không chịu quay lại nhìn mình như thể không nghe thấy gì. Không chỉ vậy bé còn hay đi nhón chân, thích đứng yên xoay vòng vòng. Khi bà ngoại nói với tôi chuyện đó tôi đã rất lo lắng. Có người bảo với tôi đó là biểu hiện của trẻ bị tự kỷ. Gia đình tôi đã đưa bé đi gặp một người được xem là có chuyên môn về lĩnh vực này để hỏi. Và người đó nói với chúng tôi:
“Bé có triệu chứng của bệnh tự kỷ.”
Tôi bàng hoàng không tin nổi, hỏi lại: “Không thể nào. Con của em sao có thể bị tự kỷ? Gia đình luôn rất quan tâm, chăm sóc cho bé. Bé cũng rất hiếu động, chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Đâu có giống một trẻ tự kỷ?” Trong đầu tôi luôn có một suy nghĩ rằng chỉ có những đứa trẻ không được cha mẹ thường xuyên quan tâm, chăm sóc thì mới bị tự kỷ. Con tôi hiếu động như thế, được yêu thương như thế, làm sao có thể bị tự kỷ được.
“Tự kỷ có nhiều dạng. Không nhất thiết phải là thích chơi một mình, lúc nào cũng ngồi lỳ một chỗ mới là tự kỷ. Như của bé là tự kỷ dạng tăng động. Hơn nữa, tôi không nói là bé bị tự kỷ, mà là có triệu chứng của bệnh tự kỷ.”
“Không phải là tự kỷ mà là có triệu chứng? Nếu vậy tức là nếu không chữa được sẽ thành tự kỷ thật?”
“Đúng là như thế.”
Tôi ngẩn cả người. Không biết phải diễn tả thế nào tâm trạng của mình lúc này. Rốt cuộc thì chẳng phải nó vẫn là tự kỷ hay sao?
“Nguyên nhân bé nhà em bị tự kỷ là gì ạ? Có chữa được không?” chồng tôi ngồi bên cạnh liền hỏi.
“Bé nhà mình thuộc loại tự kỷ điển hình, tức là tự kỷ bẩm sinh. Bệnh này phát hiện càng sớm thì khả năng chữa trị càng cao. Bé nhà mình hiện tại mới hai mươi tháng, vẫn là gia đình phát hiện sớm.”
Nghe xong tin này tôi cũng chẳng thấy nhẹ lòng nổi. Chữa cho một trẻ tự kỷ đâu phải là chuyện dễ dàng. Tôi ôm con về nhà mà trong lòng ngổn ngang. Lúc mẹ tôi nghe tôi kể lại tình hình, bà đã buồn bã vô cùng, thậm chí đã khóc. Bà nói bệnh tự kỷ sẽ phải chữa cả đời, không bao giờ có thể trị khỏi được. Tôi không tin điều đó, cũng không muốn tin. Cứ nghĩ đến những đứa trẻ tự kỷ mà tôi đã từng nhìn thấy qua, nghĩ tới con mình rồi sẽ giống như thế mà không khỏi sợ hãi.
Không. Con tôi còn chưa phải tự kỷ. Tôi nhất định sẽ chữa khỏi cho nó. Bác sĩ đã nói vẫn có thể chữa được mà.
——–
Vì thời gian lúc phát hiện ra là đã gần tết, nên sau đó gần ba tháng, qua lời giới thiệu của người quen, vợ chồng tôi đưa con đến học tại một ngôi trường dành riêng cho trẻ đặc biệt. Đây là một trường tư thục nhỏ tên Hi Vọng, chuyên nhận dạy những trẻ phát triển không được bình thường, bao gồm cả trẻ tự kỷ.
Số trẻ ở đây khá đông, đa phần đều lớn hơn con tôi và… tình trạng cũng nặng hơn nhiều. Tôi nhìn thấy một phụ huynh đưa một bé trai gần năm tuổi đến cổng trường. Thằng bé chẳng hiểu sao ngồi bệt xuống đất khóc, nói kiểu gì cũng không chịu đứng dậy. Một bé gái tầm ba tuổi được cô giáo chỉ dạy nói từng từ một như trẻ mới ê a tập nói. Có đứa mặt cứ đờ ra trông ngu ngu. Tôi có hơi sợ.
“Gia đình phát hiện sớm nên đừng lo quá. Hiện tại bé chỉ bị nhẹ thôi nên việc dạy cũng không quá khó khăn. Cần nhất là gia đình và nhà trường phải cùng kết hợp.” Cô hiệu trưởng của trường nói với chúng tôi như thế.
“Vâng. Mọi chuyện xin nhờ các cô. Cần gia đình phối hợp gì các cô cứ nói. Em chỉ muốn hỏi, bệnh của bé có mất quá nhiều thời gian để dạy không?”
“Chắc không lâu đâu. Vì bé chỉ mới có triệu chứng của tự kỷ, điều trị tích cực vẫn có thể cải thiện được. Chúng tôi mới đây có cho một bé bốn tuổi ra trường. Bệnh nặng hơn bé nhà mình một chút và chỉ học có một năm thôi.”
Lúc nghe cô giáo nói những điều đó tôi đã cảm thấy nhẹ lòng rất nhiều. Bé bệnh nặng hơn Dâu Tây mà học một năm đã có thể rời khỏi nơi này rồi. Con tôi chắc hẳn cũng sẽ như vậy.
Mấy tháng đầu sau khi học tại trường, con gái tôi đã có nhiều tiến bộ. Bé chịu ngồi ghế, gọi tên đã chịu quay đầu lại nhìn, lúc nói chuyện chịu nhìn vào mắt người đối diện dù vẫn trong thời gian rất ngắn, bắt đầu biết ê a gọi được bố, mẹ. Những điều đơn giản mà một đứa trẻ bình thường đã có thể làm được từ sớm nhưng con gái tôi hai tuổi rưỡi mới biết làm. Gia đình tôi cảm thấy vui mừng vô cùng.
Khi bé bắt đầu nói được nhiều hơn thì cũng là lúc khả năng ghi nhớ của con bé bộc lộ rõ rệt. Dâu Tây rất có hứng thú với hình ảnh, đặc biệt là ảnh màu. Tôi đã mua rất nhiều tranh ảnh con vật, hoa, côn trùng, xe cộ,… Chỉ trong vòng một hai tháng Dâu Tây đã thuộc lòng từng hình ảnh, không bị nhầm lẫn. Thậm chí bé còn nhớ được hơn hai mươi cờ các nước, điều mà đến người trong nhà đôi khi còn bị lẫn nước này với nước kia. Tôi nhìn con mà không khỏi cảm thấy tiếc. Nếu con bé có thể phát triển như những đứa trẻ bình thường khác chắc hẳn sẽ là một đứa bé thông minh. Nhưng… khả năng giao tiếp của con bé gần như không có gì tiến bộ.
Con bé không biết khi nào thì lắc đầu hay gật đầu, cũng không biết nói “có” hoặc “không”. Nó dường như hiểu được những gì người khác nói nhưng lại không biết cách dùng từ để đáp lại. Dâu Tây đã ba tuổi nhưng khả năng giao tiếp của con bé còn chẳng bằng một đứa trẻ hai tuổi bình thường. Suốt gần một năm học tại trường, mặt này bé gần như không mấy tiến triển.
Có người nói với chúng tôi, Dâu Tây chỉ bị bệnh nhẹ, hơn nữa đã có tiến triển thì nên chuyển qua học cộng đồng để tăng khả năng giao tiếp cho con bé. Tôi cảm thấy ý kiến này rất có lý. Bởi đa số các học sinh trong trường đều lớn hơn bé, bệnh cũng nặng hơn con bé. Nếu cứ tiếp tục để bé ở đấy thì khó mà phát triển được.
Đầu năm sau, chúng tôi đưa bé rời khỏi Hi Vọng sang học một trường tư bình thường. Ở nhà chúng tôi cố gắng chỉ bảo thêm cho bé, đồng thời tìm một cô giáo giỏi kèm riêng cho bé. Nhưng ở Nha Trang tìm một cô giáo giỏi chuyên về dạy trẻ tự kỷ là rất khó. Thời buổi này giáo viên nhận dạy kèm trẻ đặc biệt thì nhan nhản nhưng đa phần đều là cô giáo trẻ, hoặc đang học hoặc mới ra trường. Suốt mấy tháng trời chúng tôi tìm qua một vài cô giáo nhưng chưa kiếm được ai phù hợp.
Thời gian đó tôi có tham gia vào một group trên Facebook dành cho các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ để chia sẻ kinh nghiệm. Tôi đăng tin tìm một giáo viên dạy trẻ đặc biệt ở Nha Trang, nhưng toàn thấy người khuyên tôi nên tự dạy trẻ tại nhà. Tôi hơi nản. Tự dạy trẻ tự kỷ tại nhà đâu có dễ vậy vì chúng ta đâu có chuyên môn. Ít nhất cũng phải xem thử cô giáo chuyên về lĩnh vực này dạy cho con mình như thế nào thì mình mới có thể học theo để dạy lại cho con chứ. Mãi đến hơn một tháng sau mới có người ở Nha Trang nhắn tin lại cho tôi. Người đó đưa tôi số điện thoại của một cô giáo cách nhà chúng tôi hơn mười cây số.
Khi đó gia đình tôi đã thành công xin cho con vào học tại trường công của phường (cũng trầy trật lắm mới xin vào được). Chỉ còn một tuần nữa là bắt đầu năm học. Hai vợ chồng tôi đưa Dâu Tây đến gặp cô giáo để cô làm bài kiểm tra thử. Cô giáo tên Vân, hơn tôi một tuổi. Dáng người vừa lùn vừa nhỏ, gương mặt không xinh lắm nhưng đôi mắt có hồn và rất sáng. Tôi đã rất ấn tượng với sự niềm nở của cô ấy.
Căn phòng nhỏ nhưng chứa rất nhiều đồ chơi trí tuệ. Dâu Tây vừa vào nhà đã hí hửng chạy xem hết cái này đến cái kia. Vân cầm một cuốn sổ nhỏ ngồi xuống bàn, đôi mắt vừa quan sát bé vừa liên tục hỏi vợ chồng tôi vài câu hỏi. Những câu mà trước đây chưa từng có ai hỏi chúng tôi: bé có hay ăn vạ không, nếu bố mẹ đi làm bé có đòi đi theo không, mỗi lần khóc kéo dài có lâu không, bé thường thích chơi những trò gì,… Hỏi xong từng đó câu, Vân nói:
“Bé nhà mình không phải bị tự kỷ đâu. Bé bị chứng ADHD, tức là chứng tăng động giảm chú ý.”
Tôi kinh ngạc vô cùng. Chúng tôi đã đưa bé đi kiểm tra ở ba nơi. Nơi nào cũng nói bé bị tự kỷ, chỉ riêng Vân lại nói không phải. Tôi không tin hỏi lại: “Ý cô giáo là bé không bị tự kỷ à? Nhưng đi khám bác sĩ, họ nói con bé có triệu chứng của bệnh tự kỷ mà?”
“Không. Tự kỷ đâu ra mà nhiều thế. Đúng là những hành vi như gọi không quay lại hay đi nhón chân đều là dấu hiệu của tự kỷ, nhưng không phải cái nào cũng là tự kỷ. Bác sĩ nói với chị như thế cũng không sai. Vì lúc đó bé còn nhỏ quá nên chưa biểu hiện quá rõ ràng, ai cũng dễ bị nhầm lẫn như vậy. Nhưng nếu bé mà bị tự kỷ thật thì mình nói bé không hiểu đâu. Đằng này chị nói bé vẫn hiểu, chứng tỏ không phải bị tự kỷ mà là bị tăng động.”
“Tức là nhẹ hơn tự kỷ phải không?”
“Đúng rồi. Nhưng bé vẫn cần phải can thiệp một – một kết hợp với gia đình thì mới có tiến bộ được.”
Tôi khẽ ồ lên một tiếng. Vậy là nếu tôi tìm cho Dâu Tây một cô giáo dạy kèm sớm thì bé đã tiến bộ nhanh hơn phải không?
“Vậy nếu để bé học ở đây thì bao lâu bé mới có thể phát triển như những đứa trẻ bình thường?”
“Em phải nói trước với anh chị điều này. Em chỉ có thể giúp bé phát triển bằng tám mươi, chín mươi phần trăm của một đứa bé bình thường thôi. Chứng này không thể hết hoàn toàn được.”
“Tám mươi, chín mươi phần trăm là được rồi. Bọn tôi cũng chỉ cần có thế. Chỉ cần bé có thể đi học bình thường như các bạn cùng tuổi là thành công rồi.”
“Điều đó là chắc chắn. Bé có thể học lớp Một bình thường. Bọn em cũng chỉ nhận dạy trẻ đến lớp Một thôi. Sau khi trẻ lến lớp Một sẽ không dạy nữa.”
Cô giáo còn nói vài điều nữa. Vợ chồng tôi nghe một cách say sưa, trong lòng không ngừng reo vui: Cuối cùng cũng tìm được rồi. Vân bắt đúng bệnh của con bé Cô ấy chính là giáo viên mà chúng tôi cần tìm.
———
Đã qua bốn tháng kể từ lúc đó, ngày thường chúng tôi để bé học tại trường công học chung với những đứa trẻ bình thường, cuối tuần đưa bé đi học can thiệp ở nhà Vân. Ban đầu là học ba buổi một tuần, sau giảm xuống chỉ học hai ngày cuối tuần. Bố tôi vốn là một giáo viên quân đội về hưu. Thời gian Dâu Tây ở nhà hầu như đều là do ông dạy. Con gái tôi bây giờ đã có thể giao tiếp được những câu đơn giản, tự chủ động nói chuyện hơn. So với mấy tháng trước đó đã tiến bộ rất nhiều. Cả nhà tôi ai cũng vui mừng nhìn bé tiến bộ từng ngày. Tôi có thể nhìn thấy được tương lai gần con gái tôi có thể vào học lớp Một như những trẻ bình thường khác.
Còn mấy năm nữa, cố gắng lên, con gái yêu của mẹ! Cố lên, gia đình nhỏ của tôi!
Do Diệp (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 105
Ủng hộ tác giả nhé.
Trương Thảo (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 30
Ủng hộ tác giả nhé
Trương Thảo (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 30
Hay quá ạ......
Hoàng Huyền (4 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1670
Mình đã sửa xong lỗi rồi sao đến giờ mà bài vẫn chưa được duyệt?