Tôi còn nhớ như in cảnh tượng ngày hôm đó, ngày mà tôi nhận ra không phải lúc nào vẻ đẹp bên ngoài cũng đi cùng vẻ đẹp bên trong. Chiều hôm đó, trời âm u, gợi cảm giác man mác buồn, những giọt mưa rơi li ti như những giọt nước mắt của đứa trẻ bị bỏ rơi mà không dám thốt lên tiếng. Nhìn thằng bé đau mà không dám rên, đôi môi nó mím chặt, hai hàng nước mắt vẫn cứ rơi, thi thoảng lại có tiếng nấc nghẹn ngào khiến lòng tôi xót xa…
Đối diện nhà tôi là gia đình nhỏ của cặp vợ chồng trẻ, vợ là giáo viên, chồng là kĩ sư cầu đường. Một gia đình hiếm hoi trong xóm nghèo là công nhân viên chức với hai con, một trai và một gái, đó là mẫu gia đình lí tưởng mà nhiều người mong đợi, nhiều lúc bản thân tôi cũng mong sau này gia đình nhỏ của mình cũng sẽ được như vậy. Ấy vậy mà, tất cả sự ngưỡng mộ mà tôi dành cho gia đình ấy cứ ngày càng tiêu tan dần. Đứa con trai cả, luôn được bố mẹ nó “dành tặng” cho những món quà bất ngờ và đáng nhớ. Mẹ là giáo viên tiểu học, nghề giáo là nghề cần sự yêu thương trẻ, nghề giáo là nghề trồng người nhưng lại có cách dạy con vô cùng đặc biệt, những lúc cậu bé làm gì sai sẽ chẳng có những lời chỉ dạy nhẹ nhàng mà chỉ có những phát roi chạm mông, nhưng không được phép có tiếng khóc. Bố nó còn kinh khủng hơn, ông thường xuyên kéo nó ra tận sau vườn, lột hết đồ áo để đánh, nó chỉ được phép khóc nhỏ để không bị hàng xóm biết. Thế nhưng, chuyện đó ai cũng biết, thương cho đứa bé tuổi còn nhỏ lại bị đối xử mạnh tay lần lượt hàng xóm qua nhà ngăn cản nhưng không làm được gì. Mặc mọi người khuyên ngăn thế nào, người bố vẫn đánh nó như thường và còn đánh mạnh hơn như thách thức, thậm chí còn dọa đánh hàng xóm nếu họ cứ tiếp tục can ngăn. Mọi người chỉ còn biết nhìn nhau tặc lưỡi: “Con nhà nó, nó không xót thì thôi!”, lâu dần cũng chẳng ai quan tâm đến nữa, việc đứa trẻ nhà đó bị đánh xảy ra như cơm bữa, hôm nhẹ, hôm nặng.
Ngày hôm đó, hai vợ chồng đi chơi xa, thằng bé ở nhà một mình và cửa nhà được khóa lại. Đầu giờ chiều, trời chuyển mưa, tiếng sấm rú lên khiến nhiều người giật mình, tôi đang ở trong nhà thì nghe thấy tiếng khóc ré từ trong căn nhà đầy vẻ tri thức ấy. Bất chợt lo sợ có điều xảy ra, tôi cùng mẹ chạy sang nhà đối diện xem thử. Thông qua khung cửa sổ, tôi nhận ra thằng bé đang ôm gối ngồi co ro dưới gầm bàn, nó vừa khóc vừa rên, khuôn mặt nó tái nhợt vì sợ. Thấy chúng tôi, nó chạy ùa tới, đôi mắt nó ánh lên niềm tin và hi vọng, nó chìa chiếc chìa khóa trong tay ra và mếu máo nói: “Bác mở cửa cho cháu sang nhà bác với… ở nhà một mình…cháu sợ…”. Lo sợ bố mẹ nó sẽ không hài lòng nếu mình tự ý mở cửa nhưng trước ánh mắt lo lắng, đáng thương của nó, mẹ tôi đánh liều mở cửa cho nó qua nhà chơi. Được một lúc, mưa nhẹ hạt hơn, bố nó về. Vừa thấy bố nó về, mẹ tôi chạy qua nói rõ sự việc để tránh việc bố nó giận mà đánh nó. Thế nhưng, bố nó chẳng nói một lời nào, ông vội vàng chạy vào nhà tôi, túm ngay cổ áo của nó mà lôi ra, đôi chân nhỏ bé của nó không đủ dài để sải bước theo bước chân của bố, mấy lần nó vấp ngã rồi lại bị bố kéo dậy. Khuôn mặt người đàn ông vốn được xem là đẹp trai nhất xóm, bây giờ lại trở nên gớm ghiếc, đỏ phừng như muốn ăn tươi nuốt sống ai đó. Bố nó nhẹ nhàng xốc nó lên cao rồi đưa tay lên phía trước, ông ta ném nó như ném một món đồ nào nhỏ bé lắm. Mặc cho tiếng khóc đáng thương của thằng bé, bố nó lại tiếp tục ném nó lần hai, thân người nó lúc này đã lắm lem đầy cát với bụi, chiếc cằm vì cọ vào nền mà đã rỉ máu, thế nhưng bố nó nào có thương, ông vẫn lôi nó đi như nô lệ. Chứng kiến cảnh đó mà mọi người trong xóm như bị chôn chân, chẳng ai nghĩ cảnh này sẽ diễn ra, ai nấy cũng xót thương cho đứa bé nhưng không thể làm gì. Với tính khí của con người ấy, càng ra can ngăn thì thằng bé sẽ là người bị chịu thiệt, sẽ chẳng ai đảm bảo rằng buổi tối nó sẽ được yên bình. Bố nó vẫn tiếp tục lôi nó đi trước sự ngỡ ngàng của mọi người, đôi chân bé nhỏ ấy cứ cố gắng thoăn thoắt chạy theo cho kịp với bố, nó chẳng còn đủ thời gian để khóc cho những vết trầy xướt mà mình đang có.
Cứ thế, thời gian cứ trôi qua. Cái chuyện mà nhà này dạy con “nghiêm khắc” thế nào thì hầu như ai cũng biết và nó trở thành thường lệ, mà trong cuồng quay cuộc sống hối hả, không còn ai để tâm đến nó nữa. Thằng bé cũng dần lớn lên nhờ những bữa cơm và những bữa ăn xé lòng mà tác giả của những bữa ăn đó là hai bậc phụ huynh. Trước đây, nó giống bố lắm, ở nó người ta thấy được vẻ điển trai, thông minh, sáng sủa nhưng bây giờ, người ta không còn nhận ra thằng Thiên của cái tuổi lên hai, lên ba nữa. Nó bây giờ nhìn lì lịt, có đôi chút ngu ngơ nhưng lại rất quậy, thường xuyên bỏ học đi chơi điện tử, đánh nhau với bạn để mấy lần bị gọi lên phường. Những trận roi vẫn thường diễn ra như ngày nào, nhưng nó chẳng còn khóc hay rên mà thay vào đó lại là những tiếng phản kháng hay đôi mắt trân trân đầy khiêu khích, có lẽ nó đã quá quen rồi, nó không còn cảm giác đau đớn nữa. Bất giác tôi nhìn thấy bóng dáng của bố nó trông đôi mắt của nó, tôi thấy lo sợ, tôi lo sợ cho cuộc đời của đứa trẻ này sẽ đi đâu về đâu, tôi lo sợ cho tương lai con cháu của nó, cho thế hệ mai sau.
Câu chuyện về bạo lực gia đình sẽ tiếp tục hay đã đến lúc dừng lại. Câu trả lời là ở bản thân của mỗi chúng ta.
vân Phong (5 năm trước.)
Level: 2
Số Xu: 90
Cảm ơn bạn đã ủng hộ nhé
Bách Lâm (5 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 1316
Môi trường giáo dục luôn ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành nhân cách con người, nhất là trẻ nhỏ...
Bài viết chân thực, văn phong khá tốt.
Chúc tác giả sẽ có nhiều truyện hay.
Thân.
vân Phong (5 năm trước.)
Level: 2
Số Xu: 90
Cảm ơn bạn nhé, mình mới tập viết thôi nên còn lủng củng lắm. hihi
Nguyễn Nguyễn (5 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 106
Bài viết chân thực và rất khá đó bạn! Mình khá thích thể loại truyện ngắn như vậy, tác giả cố gắng nhé.