Gồm tản văn của những cây bút trẻ Xanh Lam và Thơ của những tác giả Đi qua miền nhớ
Hôm nay Đông xin được phép review một chút về “Những ngày vỡ đôi” viết những câu chuyện buồn nhé.
Nỗi buồn mà, có ai không có. Có người cất riêng một góc, có người trải lòng mình với bạn thân, người thương, hay người lạ.. Cũng có người chọn cách viết lại những nỗi buồn mà mình chắt chiu qua từng năm tháng, chọn lọc những phần đẹp nhất, lấp lánh nhất, cô đọng lại thành từng trang sách. Những nỗi buồn ấy được đặt với một cái tên nghe có chút đau, nhưng những nỗi đau ấy phải chăng đã lành: “Những ngày vỡ đôi”?
Mỗi trang sách, mỗi câu chuyện là một nỗi buồn riêng. Nó miên man, trải dài, sâu lắng và cũng thật lặng. Bạn sẽ thấy mình ở đâu đó trong “Nếu một ngày mình không ổn” của Cỏ. Ai mà chẳng có những ngày chênh vênh, buồn bã, còn đủ thứ áp lực. Ai cũng có những suy nghĩ quẩn quanh chẳng tìm thấy lối thoát, ai cũng có đôi ba lần yếu đuối đến bật khóc, hay trách tại cuộc đời mà giấc mơ còn dang dở. Cỏ cũng thế, nhưng tôi lại thích những ngày “không ổn” của cỏ, những ngày như những phím đen trên cây đàn piano. Cây đàn Piano sẽ chẳng thể tạo nên được một khúc nhạc hoàn chỉnh nếu thiếu đi những phím đen cũng như cuộc sống sẽ chẳng còn là cuộc sống nếu thiếu đi những nốt buồn.
Rời khỏi những phím trắng đen trên cây đàn, tôi ngửi thấy mùi hoa nhài thơm dìu dịu, tinh khôi và ngọt lịm. “Hoa nhài” của Mặc khiến cho hồn tôi thanh thuần đến lạ. Thật bình yên khi có thể chậm rãi ngắm hoàng hôn đỏ rực, nhìn nắng đang nhạt dần, nhường chỗ cho bóng đêm mênh mang, mà hương thơm hoa nhài vẫn đang tỏa ra nồng nàn. Nhưng mà sẽ chẳng là bình yên thật sự khi ta chưa trải qua đủ buồn đau, mất mát thậm chí là quyết định bỏ lỡ một điều gì đó, một ai đó cực kì quan trọng.
Có những nỗi buồn nằm lại ở quá khứ, ngủ yên ở một góc lòng chỉ thi thoảng làm ta đau nhói. Nhưng, cũng có những nỗi đau, những dằn vặt đi theo ta mãi đến hôm nay. Trong “Không có mẹ nơi thiên đường” của Đông Tàn có một cô bé vô tư mừng rỡ đi khoe khắp xóm làng rằng: “Em con chết rồi, con không cần phải ra rìa nữa đâu”. Để rồi khi cô đã trưởng thành, thật sự trưởng thành, cô vẫn không thể tha thứ cho sự ích kỷ trẻ con của mình ngày ấy. Nỗi cô độc, nỗi đau mất đi em gái vẫn đeo bám cô, chưa hề nguôi ngoai. Nỗi đau ấy bỗng một ngày thốt thành câu hỏi: “Thiên đường nhưng không có mẹ thì có thể gọi là thiên đường không?”
Nếu thiên đường không có mẹ không phải là thiên đường thì “Trạm chờ xe” lại là “nơi có má đứng đợi”. Có những nỗi nhớ trải dài theo năm tháng, ta mang theo trên những chuyến đi xa và má bao năm qua vẫn đợi những đứa con quay trở về nhà. Nhưng “Những đứa con, bằng cách nào đó luôn vô tình cứa vào lòng má những lo lắng không tên.” và cuộc sống hối hả kéo những ngày trở về của đứa con ngày một thưa dần. Má thôi đứng đợi trạm chờ xe, thay vào đó là bắt những chuyến xe đến thăm con. Chỉ là, vào một ngày má đi được nữa. Chỉ là những lần về nhà sau đó, chẳng có má đợi ở trạm chờ.
“Những ngày vỡ đôi” đâu chỉ có tản văn mà còn có những vần thơ nói hộ nỗi lòng của những tác giả “Đi qua miền nhớ”. Thành phố buồn nên “Rưng rức cơn mưa vừa rụng” hay anh buồn khi “Bên đời mình thiếu bóng một người quen”. Có người “Tạm biệt” để rồi “Chúng ta là người quen cũ mà thôi.” nhưng cũng có người “Đợi anh về toan tính chuyện trăm năm.” Dẫu là cung bậc cảm xúc nào thì những bài thơ luôn nâng niu cảm xúc từ tận đáy con tim, ôm ấp buồn thương, vỗ về những bình yên.
Biết bao nhiêu nỗi buồn tràn đầy và lấp lánh được chắt lọc từ hơn 3.000 bài dự thi. Đó là 3.000 nỗi buồn khác nhau và “Một ngày vỡ đôi” muốn mang đến những nỗi buồn thật đẹp, thật đời cũng như thật chill.
Ai cũng có nỗi buồn riêng và sẽ không ai có thể trải hết nỗi buồn của thế gian. Sao ta không thử cảm nỗi buồn của những Mọt sách Xanh Lam qua “Những ngày vỡ đôi”.
Tran Tam (4 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 7476
Đọc tiêu đề cảm thấy giống tâm trạng của mình lúc này, có thể vỡ đôiiii