- Chỉ đơn thuần là một ánh lửa hay là cả một tình người đã được thắp lên trong truyện ngắn “Cô bé bán diêm”
- Tác giả: Kiyotaka Ayanokouji
- Thể loại:
- Nguồn: Tự sáng tác
- Lượt xem: 924 · Số từ: 2499
- Bình luận: 15 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 18 Saint Eguard Tấn Dũng Nguyễn Trần Ánh Dương Anh Nguyễn Minh gieng gieng Tiểu Từ Hi Tiểu Long Nguyên Thảo Nguyễn Thị Nhiều khoa vu Linh Lung Murakami Kazuo Tâm Hi ngoc quynh tran Tâm Trần Kaiya Frutta Poppiee Chunni Tram Bao
Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói
“Còn gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau”
Nền tảng chính làm nên sự khác biệt giữa con người và động vật chính là tình cảm. Macxim Gorki cũng đã nhận định rằng: “Nơi lạnh nhất trên thế giới không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Từ đỉnh núi Everest cao hàng nghìn mét đến khe nứt Maria sâu thăm thẳm dưới Thái Bình Dương, từ sa mạc Sahara với biên độ nhiệt lên đến 60 độ C trong ngày đến Bắc Cực – nơi mùa hè không được định nghĩa, con người đều đã chinh phục thành công. Thế nhưng, có những lúc, khoảng cách giữa trái tim đến trái tim lại trở nên xa vời vợi, khó mà chạm đến. Phải chăng, An-đéc-xen sinh ra trên đời chính là để thắp lên tình thương trong tim mỗi chúng ta, gắn kết loài người lại với nhau bằng những câu chuyện cổ tích đầy cảm động? Chính là như vậy bởi trong truyện ngắn “Cô bé bán diêm”, An-đéc-xen đã thành công nhen nhóm lên trong lòng bạn đọc một tình người đầy cao cả.
Ai đã từng có tuổi thơ cắp sách đến trường hẳn đều đã biết đến An-đéc-xen, một nhà văn nổi tiếng của Đan Mạch chuyên viết truyện cho trẻ em với một tình cảm đặc biệt – đó là tình yêu thương cao cả dành cho con người, và nhất là những người nghèo khổ. Đặc biệt, qua những tác phẩm của mình, nhà văn xứ Bắc Âu này đã để cho người đọc cảm nhận được rằng: “tất cả những điều tốt đẹp trên thế gian này đều thuộc về con người”. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Tuân từng nhận xét: “Một em nhỏ nào đã đọc qua truyện ngắn An-đéc-xen thì trọn đời không khi nào quên và dửng dưng với thơ ca, mộng ước, tình thương yêu và lòng công bằng”. Chính những câu chuyện cổ tích đã làm tên tuổi ông trở thành bất tử. Và “Cô bé bán diêm” là một trong số những tác phẩm như thế. Truyện được viết năm 1845, giàu chất nhân văn, toát lên lòng yêu thương con người, đan xen giữa mộng tưởng và hiện thực, đượm màu sắc hư ảo và thơ mộng.
Ngay phần đầu câu chuyện, tác giả đã đưa người đọc đến với khung cảnh của một đêm giao thừa rét buốt trên đất nước Đan Mạch cuối thế kỉ XIX. Một cô bé nhà nghèo, mồ côi mẹ, bà vừa mất, bị bố bắt đi bán diêm kiếm từng đồng xu nhỏ trong bộ quần áo rách rưới, “đầu trần chân đất”. Suốt cả ngày trời chưa bán được que diêm nào nên em không dám về nhà vì sợ bố đánh đập. Vừa lạnh vừa đói, cô bé ngồi nép vào một góc tường rồi khẽ quẹt một que diêm để sưởi ấm. Khi em quẹt que diêm thứ nhất, hiện ra trước mắt em là một lò sưởi ấm áp. Đến que diêm thứ hai là một bàn ăn thịnh soạn. Rồi em quẹt que diêm thứ ba, cây thông Nô-en xuất hiện. Quẹt que diêm thứ tư, em gặp lại người bà nội mà em hết mực yêu quý. Trong em ngập tràn niềm hạnh phúc, nhưng ảo ảnh đó nhanh chóng tan đi sau sự vụt tắt của que diêm. Em vội vàng quẹt hết cả bao diêm để mong níu bà nội lại. Câu chuyện đã kết thúc bằng cái chết của cô bé bán diêm với “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”.
Có thể nói, An – đéc – xen đã thành công xây dựng nên một cốt truyện đầy éo le, bất hạnh xoay quanh nhân vật cô bé bán diêm. Từ hoàn cảnh đến tâm trạng của em đều được nhà văn miêu tả tỉ mỉ, kĩ càng. Toàn bộ thời gian diễn ra câu chuyện được gói gọn trong đêm Giáng Sinh và không gian hầu như chỉ bó hẹp “trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà, một cái xây lùi lại một chút”. Những lời thoại trong câu chuyện cũng đi theo xu hướng ngắn gọn, giản đơn. Dường như tác giả muốn tập trung vào nghệ thuật tương phản, đối lập độc đáo xuyên suốt tác phẩm. Ngay từ ban đầu, nhà văn đã cho người đọc nhận ra hoàn cảnh tội nghiệp của cô bé bằng nghệ thuật ấy. Đó là sự tương phản giữa hiện tại đau lòng mà cô bé đang gánh chịu với quá khứ vàng son của cô bé. Hãy lắng nghe ngòi bút của nhà văn: “Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà! Em tưởng nhớ lại năm xưa, khi bà nội hiền hậu của em đang sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng Thần Chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán, và gia đình em phải lìa xa ngôi nhà xinh xắn có dây thường xuân bao quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn nghe những điều mắng nhiếc, chửi rủa”. Rồi giờ đây, giữa đêm giao thừa này, “em ngồi nép trong một góc tường, thu đôi chân vào người, mỗi lúc càng thấy rét hơn”. Cuộc đời sao đầy đau khổ, với tuổi thơ của mình, đáng ra cô bé phải được hạnh phúc, được sự chăm sóc của gia đình và xã hội, lẽ ra em phải được đến trường. Ấy vậy mà cô bé vốn đã đau khổ lại càng đau khổ hơn khi nhớ lại những hạnh phúc bên bà. Bên ngoài trời là một đêm giao thừa đầy băng giá với cái lạnh thấu xương của xứ Bắc Âu “trời đông giá rét”, nhưng lại có một “cô bé đầu trần chân đất đang dò dẫm trong đêm tối”. Ngoài đường lạnh buốt và tối đen, tuy nhiên “cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn”. Cô bé “bụng đói” cả ngày chưa ăn uống gì mà “trong phố sực nức mùi ngỗng quay” Bằng lời văn êm dịu như lời thỏ thẻ, người đọc dường như bị cuốn ngay vào câu chuyện đầy cảm động ấy. Xây dựng những đường nét đối lập đó trong câu chuyện, An-đéc-xen như muốn làm nổi bật tình cảnh đáng thương của cô bé, gợi lên trong lòng người đọc một tình yêu thương trắc ẩn.
Đường nét đối lập, tương phản càng gay gắt trong mỗi lần em bé quẹt diêm. Mỗi lần quẹt diêm là mỗi lần em bé đốt sáng lên những ước mơ, khát vọng. Mỗi lần quẹt diêm là mỗi lần thực tế và mộng tưởng đan cài vào nhau. Cuộc đời và ảo ảnh cứ sóng đôi hiển hiện, nó như tranh chấp nhau, nâng dần lên, bay cao lên. Trong cái đói rét đến kiệt sức, em bé chợt nghĩ: “Chà! Giá quẹt một que diêm mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ? Giá em có thể rút một que diêm ra quẹt vào tường mà hơ ngón tay nhỉ?” Cuối cùng em đánh liều quẹt một que. Diêm bén lửa thật nhạy. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biến đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông rất vui mắt. Em bé nhìn que diêm lóe sáng, em tưởng chừng như “đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng…Lửa cháy nom rất vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng”. Nhưng em vừa duỗi chân ra thì “lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất”. Niềm vui của em cũng vụt tắt theo. Em bần thần nghĩ đến nhiệm vụ bán diêm và lời cha quở mắng. Rồi em quẹt que diêm thứ hai: “Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màu. Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay… Ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa và mang cả dao ăn, phuốc-sắt cắm trên lưng, tiến về phía em bé”. Nhưng diêm vụt tắt. Trước mặt em chỉ còn là những bức tường dày đặc và lạnh lẽo. Phố xá vắng teo. Mấy người khách qua đường vội vã hoàn toàn lãnh đạm với em. Em cố tìm lại ngọn lửa để tiếp tục sưởi ấm, xua đi bóng tối và giá lạnh. Em quẹt que diêm thứ ba: Một cây thông Nô-en hiện lên, “cây này lớn và trang trí lộng lẫy hơn cây thông mà em đã được thấy năm ngoái qua cửa kính một nhà buôn giàu có”. Đường nét tương phản được thể hiện vô cùng độc đáo trong cái thực tại đau khổ, đói rét của cuộc đời em bé đang trải với những hạnh phúc trong mộng tưởng được đan xen nhuần nhuyễn. Từ lần quẹt diêm thứ nhất đến lần quẹt diêm thứ hai, thực tế đã xóa nhòa đi mộng tưởng của em bé. Mộng tưởng hiện lên chỉ là những ảo ảnh mà thôi. Ảo giác đã đánh lừa em chứ làm gì có lò sưởi, chỉ có cái lạnh làm em thấy rét buốt. Làm gì có bàn ăn nào, chỉ có cái đói đang hành hạ em. Và cũng làm gì có cây thông Nô-en rực rỡ sắc màu nào, chỉ là những bất hạnh đang bủa vây lấy em. Những mộng tưởng ấy cũng đã nối tiếp mất đi mỗi khi que diêm vụt tắt. Thế nhưng, đến khi que diêm thứ ba lóe sáng thì mộng tưởng đã vươn dậy, cố vượt lên trên thực tế. Vì thế, khi que diêm tắt, em thấy “tất cả các ngọn nến bay lên, biến thành những ngôi sao trên trời”. Nhìn những ngôi sao, em bé lại nhớ đến bà thân yêu của em. Và em quẹt que diêm thứ tư, bà của em bỗng hiện lên. Em sung sướng reo lên, trò chuyện với bà, xin bà cho em theo. Bởi đối với em, bà là người nhân hậu nhất, là người truyền cho em sức mạnh và cũng chính là người giúp cho em thoát khỏi cảnh địa ngục của trần gian mà em đang phải chịu đựng. Thế nhưng, dù rằng hạnh phúc đã đến với em bé khi em và bà “bay lên chầu Thượng đế” thì thực tại đau lòng vẫn không chịu buông tha cho em.
“Cô bé bán diêm” được kể theo ngôi thứ ba, vì vậy nên câu chuyện diễn ra một cách hoàn toàn khách quan trước mắt độc giả. Người viết hầu như không đưa ra bất cứ nhận xét hay bình luận nào về mọi diễn biến của câu chuyện. Một điểm khá đặc biệt của truyện chính là đoạn kết. Theo dõi đến tận cùng số phận đáng thương của cô bé bán diêm, ta vẫn thấy nghệ thuật đối lập được xây dựng hết sức độc đáo. Giữa ngày đầu năm hứa hẹn những mầm sống mới mọc lên, thế mà lại có một cô bé chết trong xó tường. Người chết trong băng giá nhưng đôi má lại ửng hồng và đôi môi đang mỉm cười. Một sự đối lập đến nghiệt ngã! Em bé đã chết, nói đến cái chết là nói đến bi kịch, nhưng có lẽ đối với em đó là một “bi kịch lạc quan”. Bởi sự ra đi của em như sự giải thoát khỏi những tăm tối của cuộc đời. Em được đến bên người thân ở một thế giới khác. Nhà văn đã nâng đỡ linh hồn của em bé đáng thương, dường như không phải em chết mà em đang đi vào cõi bất tử, nơi có tình thương bao la của bà em mà em từng khao khát với nụ cười mãn nguyện.
Thông qua kết thúc truyện, tác giả đã bày tỏ tấm lòng nhân đạo của mình. Trước hết đó là sự lên án nỗi thờ ơ, vô cảm của con người. Người đáng lên án đầu tiên đó chính là cha của cô bé, một người cha tàn ác, nhẫn tâm, không thể lo nổi cho con mình còn bóc lột, hành hung cô bé một cách tàn nhẫn. Không chỉ vậy, chính xã hội cũng lạnh nhạt, dửng dưng với em. Họ không thể mua cho cô bé lấy nổi 1 bao diêm hay cho cô bé bất cứ một thứ gì mà chỉ quan tâm đến bản thân mình. Khi thấy xác cô bé bên đường, sự vô tâm lại càng khiến ta tức giận khi họ chỉ buông một câu xanh rờn “Chắc nó muốn sưởi ấm!”. Bên cạnh việc tố cáo một lớp người vô tâm trong xã hội, nhà văn cũng tỏ ra đồng cảm, thương xót cho số phận của em, đồng thời ca ngợi những ước mơ, khát khao giản dị, chân thành của cô bé. Chi tiết em đoàn tụ với bà trên Thiên Đường dưới sự bảo vệ của Chúa cũng chính là tình yêu thương, sự cảm thông mà tác giả dành cho em và những đứa trẻ bất hạnh trên thế gian này. Chắc chắn rằng, ngọn lửa diêm mà cô bé thắp lên qua ngòi bút của An – đéc – xen không đơn giản chỉ là một ngọn lửa, mà là tình thương, lòng nhân ái và là niềm tin mãnh liệt về tình người đang được thổi bùng lên trong con tim mỗi chúng ta.
Ra đời cách đây đã gần hai thế kỉ nhưng truyện ngắn “Cô bé bán diêm” vẫn luôn được yêu thích và là câu chuyện được biết đến nhiều nhất của An – đéc – xen. Dù có khép lại trang sách thì hình ảnh của cô bé bất hạnh ấy vẫn còn đọng lại trong tâm hồn tất cả những ai đọc truyện. Cô bé bán diêm đã chết, An – đéc – xen cũng không còn, nhưng tác phẩm này đã nhiều lần “tái sinh” dưới các hình thức nghệ thuật như kịch nghệ, điện ảnh,… và xuất hiện ở nhiều trường học, diễn đàn, được kể đi kể lại dưới các dạng thức khác nhau trên các phương tiện truyền thông, và đi cả vào trong những lời mẹ ru con ngủ. Chúng ta đều là thiên thần chỉ có một chiếc cánh, và ta phải ôm lấy lẫn nhau để học bay. Xin mượn lời bài hát của cố ca sĩ Trịnh Công Sơn để kết thúc bài tiểu luận: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không, để gió cuốn đi!”.
Kaiya Frutta (7 tháng trước.)
Level: 7
Số Xu: 274
Tiêu đề cũng như nội dung bài viết rất ấn tượng, lập luận chặt chẽ ạ.
Tâm Hi (7 tháng trước.)
Level: 6
Số Xu: 945
Murakami Kazuo (9 tháng trước.)
Level: 6
Số Xu: 2301
cái nhân đạo trong câu chuyện có lẽ là việc tác giả đã cho cô bé bán diêm một sự ra đi thanh thản thay vì để cô bé ở lại
Linh Lung (9 tháng trước.)
Level: 8
Số Xu: 11855
Nguyễn Thị Nhiều (9 tháng trước.)
Level: 7
Số Xu: 21321
Thích quá!
Nguyên Thảo (11 tháng trước.)
Level: 7
Số Xu: 1476
Kiyotaka Ayanokouji (11 tháng trước.)
Level: 9
Số Xu: 2687
hihi cảm ơn bn
Kiyotaka Ayanokouji (11 tháng trước.)
Level: 9
Số Xu: 2687
cảm ơn bn nhiềuuuuu
Kiyotaka Ayanokouji (11 tháng trước.)
Level: 9
Số Xu: 2687
bạn có thể tham khảo nhaaa
Tiểu Từ Hi (11 tháng trước.)
Level: 10
Số Xu: 6982
Bài tiểu luận của bạn sâu sắc quá! Hóng bài viết tiếp theo của bạn nha!