- Review Tiểu Thuyết “Thiên thần của ác quỷ” của tác giả Vô Âm
- Tác giả: Khi Sao Ngừng Lấp Lánh
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 3.295 · Số từ: 4351
- Bình luận: 3 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 5 Vô Âm Nhok's Họ Trần Bodhi Mince Mojou Lemon Little
Tác phẩm review: Thiên thần của ác quỷ – Vô Âm
Được review bởi: Khi Sao Ngừng Lấp Lánh
———
Khi cái tên “Thiên thần của ác quỷ” vừa chạm vào mắt tôi, tôi đã có thể hình dung được đằng sau đó sẽ là một câu chuyện dài, có ngọt ngào cũng có phần đắng cay. Không thể nói tựa đề có gây cho tôi nhiều tò mò cũng như hứng thú, vì tôi đã từng đọc nhiều thể loại tương tự như vậy, nhưng cũng chính vì lý do đó mà sự mong đợi của tôi càng cao hơn hết. Trước khi đọc tôi hay tự hỏi mình cũng như chính tác giả: “Liệu tác giả sẽ xây dựng một cốt truyện thật đặc biệt, đậm cái “tôi” trong từng con chữ? Liệu tác giả sẽ cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời mà chỉ ở tiểu thuyết “Thiên thần của ác quỷ” tôi mới có thể tìm thấy?”
Thế nên đâu đó trong tôi thầm khen ngợi tác giả Vô Âm đã làm rất tốt trong việc lựa tìm tựa đề cho truyện của mình, bởi nó khiến tôi tò mò, muốn biết câu chuyện mà cô ấy sắp kể sẽ đem lại cho tôi những cung bậc cảm xúc ra sao.
———
Trước hết, tôi sẽ đi qua sơ lược về phần nội dung câu chuyện dựa trên văn án, sau đó tôi sẽ nêu lên cảm nhận của mình về văn án, cách xây dựng nhân vật trong truyện, và cảm nghĩ của tôi về nội dung cũng như hình thức tác giả đã sử dụng để trình bày phần mở đầu.
Theo như văn án, quyển tiểu thuyết xoay quanh ba thế giới: “Thế giới của loài người, ác ma và thiên thần”. Trong khi thiên thần có nhiệm vụ phải “dẫn dắt, sửa lối cho những sinh linh chuẩn bị sa đọa thành ma, ngăn chặn những náo loạn của ác quỷ” thì ác quỷ lại quấy nhiễu đời sống của con người. Do lý tưởng và mục tiêu của hai phái hoàn toàn đối lập, nên họ luôn “đối chọi gây gắt” với nhau. Thế nhưng Selina – thiên thần của sự trầm tĩnh, và Isaiah – vị ma vương của thế giới ác ma, lại đem lòng yêu nhau. Đó là một mối tình cấm kị, vì hai người ở hai thế giới quá đỗi khác nhau. Câu hỏi đặt ra: Liệu họ sẽ vượt qua mọi chông gai để đến được với nhau? Hay luật lệ sẽ là thứ chặt đứt mối lương duyên của họ?
Thành thật mà nói, sau khi đọc xong văn án, tôi đã rất thích thú và mong chờ được đọc những chương tiếp theo. Có một điểm hay mà tác giả Vô Âm đã làm được, và điểm đó tôi rất ít thấy ở những tác phẩm khác. Đó chính là lồng ghép đoạn miêu tả tính cách của nhân vật một cách hợp lí vào phần văn án.
Thường thì độc giả, bao gồm cả tôi, khá là để tâm đến tính cách của nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính. Nếu tác giả biết cách đưa vài đoạn mô tả nhân vật vào phần văn án một cách “sương sương”, úp mở, không rõ ràng nhưng lại có thể khiến người đọc tự mình tưởng tượng, phần lớn độc giả sẽ cảm thấy muốn ở lại đọc tiếp vì hai lý do. Một là để xem xem tính cách nhân vật chính có giống như những gì mình đoán hay không, và hai là tính cách nhân vật chính sẽ tốt như những lời mô tả chứ. Theo tôi thấy, tác giả không cần phải nói thẳng ngay từ đầu nữ chính thế này hay nam chính thế kia, mà hãy để trí tưởng tượng của độc giả bay xa, đó mới là cái cuốn hút của một tác phẩm.
Tôi thích cách tác giả mô tả nữ chính Selina, một nàng thiên thần trầm tĩnh, thanh lãnh, nhưng lại có tình yêu vô bờ với thiên nhiên xinh đẹp. Còn nam chính Isaiah, lại là một thái cực trái hẳn với Selina. Chàng lạnh lùng và tàn nhẫn, thờ ơ với tất cả mọi thứ, như thể không gì có thể giữ chân chàng.
Thế nên, phần văn án mở đầu rất tốt. Tác giả Vô Âm đã xây dựng một cốt truyện rất chặt chẽ và liền mạch, cộng thêm phần mô tả nhân vật có chiều sâu nhưng không bị lạm dụng, và điều đó càng khiến sự mong đợi của tôi thêm cao.
Tiếp đến, tôi có một vài góp ý về hình thức trình bày phần mở đầu cho tác giả Vô Âm.
Phần mở đầu bao gồm “Tên tác phẩm, Tên tác giả, Thể loại, và Trích dẫn”, theo tôi thấy thì không được bắt mắt cho lắm. Đối với tôi, phần mở đầu luôn luôn là thứ níu chân độc giả, cho họ một lý do để ở lại đọc truyện. Thế nên, tôi muốn nó phải thật đẹp và tỉ mỉ. Theo cảm nhận của tôi, hình thức trình bày của tác giả không được bắt mắt, các thông tin chính của truyện quá nhỏ, màu chữ lại hơi mờ, so với phần văn án thì rất dễ bị độc giả bỏ qua. Nếu có thể, tôi mong muốn tác giả sẽ dành thời gian chau chuốt lại cho phần mở đầu, để phần mở đầu xứng đáng với một văn án tuyệt vời như trên.
Tiếp đến là cách ngắt phần. Sau phần văn án (hay cốt truyện), tôi thấy tác giả có chú thích thêm “Phân chia giai cấp ở Ma Giới”, “Phân chia giai cấp ở Thiên Giới” và “Mô tả về nhân vật chính”. Vì không có dải ngăn cách ở giữa các phần nên phần mở đầu có chút lồng vào nhau và điều đó khiến tôi cảm thấy hơi lộn xộn. Nếu được, tôi nghĩ tác giả nên thêm dải ngăn cách (có thể là dùng dấu gạch nối, ba chấm,…) hoặc cách dòng để các phần không bị dính vào nhau.
———
Và bây giờ là đến ba chương đầu của truyện. Trước hết, tôi sẽ nêu vắn tắt nội dung của từng chương, sau đó tôi sẽ góp ý cho nội dung cũng như văn phong của tác giả.
Tựa đề của chương một là “Tội lỗi”, mở ra một khung cảnh đêm Giáng Sinh xanh ấm áp và hạnh phúc. Tuy nhiên, một vụ tai nạn xảy ra, nó thay thế những tiếng cười đùa bằng sự đau thương và những giọt nước mắt. Nhưng may mắn thay, nạn nhân của vụ tai nạn ấy vẫn có thể được cứu sống, và tất cả đều là nhờ vào Selina. Hơn nữa, Selina không chỉ cứu được gia đình của nạn nhân vụ tai nạn xe, cô còn cứu được cả sinh mệnh của một kẻ khốn khổ, đang vật lộn giữa ranh giới của cái thiện và cái ác.
Nội dung chương đầu khá phong phú và bất ngờ, vì nó ở ngoài vùng tưởng tượng của tôi. Lúc mới đọc xong văn án, tôi vốn đinh ninh tác giả sẽ kể về Thiên Giới và cuộc sống của Selina ở đó, hoặc là Ma Giới và Isaiah làm sao để lên được ngôi vị. Nhưng không, tác giả mở đầu bằng một vụ tai nạn xe ở Nhân Giới và câu chuyện của một kẻ tội lỗi được nữ chính cứu rỗi. Chà, thật bất ngờ làm sao. Vì tôi nghĩ, với một cốt truyện hơi mang hướng Châu Âu Trung Cổ, Ma Giới và Thiên Giới được nhắc đến nhiều hơn là Nhân Giới, thì các chương tiếp theo không thể nào xoay quanh Nhân Giới. Nếu có, chắc hẳn cũng không quá nhiều.
Cho nên, tôi khá hứng thú.
Tựa đề chương hai cũng là “Tội lỗi”, nhưng lại ở một diễn biến khác. Lần này, câu chuyện xoay quanh hai người đàn ông tên Luân Kì và An Vu. Theo như cuộc đối thoại của họ, có lẽ họ đã từng giết người, và bây giờ Luân Kì lại muốn đầu thú, trong khi An Vu lại không tán đồng. Sau đó, câu chuyện chuyển cảnh bằng sự xuất hiện bất ngờ của một người phụ nữ mà tôi nghĩ có lẽ là Selina. Đoạn mô tả không dài, có lẽ chỉ để cho người đọc thấy vẻ đẹp thanh lãnh của Selina. Sau đó, câu chuyện tiếp tục với một sự kiện khác. Lần này là ở trường học Emma với vấn nạn bạo lực học đường. Selina bây giờ là nữ sinh, và cô ấy đang học cùng lớp với Cố Tiểu Lam, người bị bạo lực học đường.
Tựa đề chương ba là “Tình yêu hé mở, mạnh mẽ lên cô gái”. Chương này nối tiếp với sự việc đã được mở ra ở chương hai. Câu chuyện mở đầu bằng sự xuất hiện của chàng Lục Thế Minh hay Alan, vị học trưởng được nhiều nữ sinh yêu thích. Không biết là tình cờ hay định mệnh, Cố Tiểu Lam có cơ hội được quen biết với Lục Thế Minh. Dựa theo tên chương, có thể đây sẽ là nơi bắt đầu cho một câu chuyện tình. Sau đó chương truyện chuyển cảnh, Cố Tiểu Lam và Selina bị một nhóm nữ sinh mà người cầm đầu là Mẫn Lan bắt nạt. Nhưng nữ chính với vầng hào quang của thiên thần, đã dạy cho Mẫn Lan một bài học nhớ đời.
Chương hai và chương ba thì không cần nói, tác giả đã có sự liên kết vì chương ba chính là đoạn tiếp theo của chương hai. Nhưng nếu nói về sự liên kết của chương một với hai chương tiếp theo, tôi thật sự không thể tìm thấy một mối liên kết chặt chẽ nào cả vì chương một gần như là một chương độc lập.
Ở chương một, tác giả đưa ra một vụ tai nạn xe và nạn nhân là một gia đình ba người. Sau khi cục trưởng Trương xác định gia đình nạn nhân có thể được cứu sống, ông ấy tự hỏi chuyện gì đã xảy ra (vì ông ấy cho rằng cơ hội sống sót của gia đình họ rất thấp). Sau đó là sự xuất hiện của Hải Đình và Selina. Hải Đình là kẻ gây ra tai nạn, và Selina là người đã cứu nạn nhân. Cuối chương, cô ấy còn cứu cả Hải Đình, người đang đứng trên bờ vực hắc hóa hoàn toàn.
Có thể nói, chương một gần như đã tháo toàn bộ các nút thắt mà nó cột lại. Những nút thắt duy nhất còn là ẩn số: một là tính mạng và danh tính của gia đình nạn nhân, hai là sự xuất hiện của cục trưởng Trương, và ba là liệu Hải Đình có thật sự được cứu rỗi. Nhưng vì đến chương hai và chương ba tác giả lại nhảy qua một diễn biến khác, nên tôi cho rằng: Một là tác giả cho chương một làm một chương riêng, các nút thắt mà tôi nêu trên không cần phải tháo vì chúng không quan trọng; hai là các nút thắt sẽ được tác giả giải mã ở những chương tiếp theo. Vì vậy, tôi muốn xem xem tác giả sẽ đi theo con đường nào trong hai con đường mà tôi đang nghĩ ở trên.
Qua ba chương truyện, đây là những điểm trong văn phong của tác giả mà tôi muốn góp ý.
Ở chương đầu tiên, tác giả quá lan man và có phần lạm dụng biện pháp tu từ. Trong đoạn văn thứ hai, từ “Từ đâu, một chiếc xe cồng kềnh…” cho đến “có người thậm chí còn chẳng có thời gian để sợ hãi…” tác giả sử dụng biện pháp so sánh những hai lần liên tiếp, so sánh chiếc xe với con thiêu thân rồi dã thú điên cuồng. Biện phải so sánh được sử dụng đúng cách, giúp người đọc mường tượng được hình ảnh chiếc xe, nhưng tác giả lại lạm dụng nó, khiến câu văn trở nên không nhất quán. Lúc đầu chiếc xe được so sánh là con thiêu thân, sau đó lại đột ngột hoá thành thú dữ điên cuồng, nghe có chút không hợp lý cho người đọc. Nếu có thể, tác giả chỉ nên dùng một trong hai lần sử dụng trên để có kết quả như mong đợi.
Kế đến, tác giả lạm dụng quá nhiều dấu phẩy thay cho dấu chấm, thành phần câu trước không liên quan, bổ trợ hay nối tiếp câu sau, có chút khiến tôi, một độc giả, mỏi mắt và khó hiểu.
Tôi sẽ lấy một ví dụ ở chương một. Trong đoạn “… Khói lửa bốc lên ngùn ngụt như ống thải khí, mọi thứ đang hỗn loạn lại càng thêm hỗn loạn. Sự kiện chấn động như vậy sao có thể yên ổn qua mắt được lăng kính của máy quay, bao nhiêu những đốm sáng lách tách của điện thoại vang lên. Từ lúc nào cảnh sát cũng tới rồi, đêm nay đêm Giáng Sinh, và đây là con phố đắt đỏ nhất đất nước, gia đình ông tới đây và dĩ nhiên cục trưởng Trương cũng là một trong những nhân chứng cho vụ tai nạn kinh hoàng này…” có rất nhiều điểm khó hiểu.
Đầu tiên trong câu “Sự kiện chấn động như vậy sao có thể yên ổn qua mắt được lăng kính của máy quay, bao nhiêu những đốm sáng lách tách của điện thoại vang lên”, tôi thấy phần đầu có thể tách thành một câu riêng biệt, vì nó không được liên kết chặt chẽ với phần sau. Nó khiến tôi suy nghĩ tại sao tác giả lại không tách hai phần ấy ra thành hai câu riêng mà lại gộp chung cả vào.
Tác giả có thể viết thành: Sự kiện chấn động như vậy sao có thể yên ổn qua mắt được lăng kính của máy quay? Bao nhiêu đốm sáng của điện thoại vang lên lách tách, chỉ để ghi lại khung cảnh kinh hoàng trước mặt.
Đương nhiên, đó chỉ là một gợi ý nho nhỏ, tránh để dấu phẩy bị lạm dụng. Tác giả có thể sáng tạo cách khác, nhưng nhớ đừng nên lạm dụng dấu phẩy. Thà rằng sử dụng nhiều câu đơn, nhưng ý nghĩa muốn truyền đạt được truyền đạt hợp lý.
Ở câu tiếp theo, “Từ lúc nào cảnh sát cũng tới rồi, đêm nay đêm Giáng Sinh, và đây là con phố đắt đỏ nhất đất nước, gia đình ông tới đây và dĩ nhiên cục trưởng Trương cũng là một trong những nhân chứng cho vụ tai nạn kinh hoàng này”, có nhiều chỗ khó hiểu còn hơn cả câu trước.
Trước tiên, “Từ lúc nào cảnh sát cũng tới rồi” có thể tách ra thành một câu, không cần phải gộp vào các phần sau.
Tiếp theo, “Đêm nay (là) đêm Giáng Sinh”, cần nên thêm chữ “là” vào giữa tránh để câu bị cộc.
Cuối cùng, “và đây là con phố đắt đỏ nhất đất nước, gia đình ông tới đây và dĩ nhiên cục trưởng Trương cũng là một trong những nhân chứng cho vụ tai nạn kinh hoàng này”. Tôi thắc mắc, liệu cục trưởng Trương có phải là “ông”, người đã tới con phố đắt đỏ nhất đất nước hay không? Nếu đúng, tại sao tác giả lại không nhắc “cục trưởng Trương” trước rồi từ “ông” sau? Cục trưởng Trương chưa xuất hiện lần nào trong chương một, mà tên của ông ấy lại ở sau đại từ nhân xưng, rất dễ khiến độc giả bị nhầm lẫn. Hoặc là, nếu cục trưởng Trương không phải người đã tới con phố đắt đỏ nhất đất nước, làm thế nào mà ông ấy lại là nhân chứng? Hay ở đây còn có một cục trưởng Trương khác?… Tôi không nghĩ như vậy. Thế nên, tôi mong tác giả cần lưu ý điểm này.
Nếu được, tác giả có thể viết lại câu trên như sau: Không biết từ lúc nào cảnh sát cũng đã tới. Đêm nay là đêm Giáng Sinh, và đây lại là con phố đắt đỏ nhất đất nước. Gia đình cục trưởng Trương tới đây và dĩ nhiên ông cũng là một trong những nhân chứng cho vụ tai nạn kinh hoàng này.
Đây chỉ là một góp ý nhỏ từ góc nhìn của độc giả là tôi. Trong ba chương đầu vẫn có các câu mà tôi cho rằng dài dòng, lạm dụng dấu phẩy. Tuỳ vào ngữ cảnh, mong rằng tác giả có thể đọc lại để cải thiện văn phong của mình nhằm nâng tác phẩm lên một tầm cao hơn.
Tiếp theo là cách đánh dấu hội thoại không thống nhất. Ở chương một, tôi thấy tác giả phần lớn sử dụng dấu gạch ngang (-) để đánh dấu hội thoại. Nhưng lác đác lại có một số chỗ tác giả sử dụng dấu ngoặc kép (“…”).
“A!” – Tiếng cậu cảnh sát vang lên thanh thuý.
Lão kinh ngạc khó hiểu ngẩn đầu nhìn cô như để xác minh: “Nhà?”.
“Ha” – Hải Đình chợt bật cười…
Ở chương hai, tôi cũng tìm được lỗi tương tự.
“Alan, Alan, là anh ấy kìa, đẹp trai quá đi mất!”
“Dĩ nhiên, Alan của mình mờ”
Và ở chương ba tôi lại thấy nhiều hơn.
“Vào đi” – Giọng nam trầm ấm nam tính cất lên.
… Cô bé không nhịn được mà bặm môi run rẩy, rớt nước mắt trách yêu: “Hic, chó hư này…”
Thế Minh đứng dậy tiến về phía cô: “Em là chủ của Night?”
…
Việc sử dụng dấu hội thoại một cách thống nhất rất quan trọng, vì nó tạo nên tính nhất quán cho một tác phẩm. Theo tôi đoán khi đọc ba chương truyện đầu, tôi nghĩ tác giả sử dụng dấu ngoặc kép (“…”) cho âm thanh, tiếng động, còn dấu gạch ngang (-) cho hội thoại, lời nói của nhân vật. Nhưng có một số chỗ, như tôi vừa nêu trên, tác giả trộn lẫn hai dấu này lại khiến tôi không rõ rốt cuộc dấu nào mới là đánh dấu hội thoại, dấu nào mới là đánh dấu âm thanh. Đứng theo góc độ của một tác phẩm mang tính nhất quán, nếu tác giả đã chọn dấu hội thoại nào, thì tác giả nên gắn bó với nó xuyên suốt tiểu thuyết.
Cuối cùng là cách dùng từ của tác giả. Vốn từ của cô ấy rất phong phú, một số từ còn rất “high – level”, và tôi cũng rất thích điều đó. Tuy nhiên, tuỳ vào nhóm độc giả tác giả đã chọn, tác giả cũng nên chú ý đến những từ đã dùng.
Việc chú thích là rất cần thiết, nhưng nếu được, mong tác giả hãy đánh số những từ tác giả chú thích nằm ở vị trí nào. Đôi khi có một số từ tôi không hiểu, như là “Điểu vị thực vong, nhân vị lợi vong”. Nhưng vì tôi không thấy tác giả đánh số, nên tôi đành tự mình lên mạng tìm kiếm. Đến khi đọc xong chương một tôi mới thấy tác giả chú thích bên dưới, nên tôi có chút buồn cười bản thân nhanh tay nhanh chân. Vì vậy, tôi mong rằng tác giả sẽ đánh số, hoặc đánh sao (*) những từ tác giả muốn giải thích, để độc giả có thể xác định được tác giả sẽ giải thích các từ đó.
Có một điểm tác giả cần phải lưu ý. Cách dùng từ của tác giả rất Hán Việt. Nếu bối cảnh có hướng hơi Trung Hoa, đây sẽ là một điểm mạnh rất lớn của tác giả. Tuy nhiên, nó đồng thời còn là một con dao hai lưỡi khiến tác giả cần phải cẩn trọng trong cách dùng từ.
Một tiểu thuyết nhiều chương đòi hỏi tính nhất quán cao, và cách dùng từ cũng phải thật chuẩn. Nếu trong văn án và ba chương đầu tác giả đã có lối viết sử dụng nhiều từ Hán Việt và các câu dài, tác giả nên đi theo văn phong đó để người đọc không bị bỡ ngỡ hoặc nhàm chán ở những chương sau. Nếu tác giả muốn thay đổi văn phong, khiến cho nó Thuần Việt và ngắn gọn hơn, tôi nghĩ tác giả nên đọc lại các bài viết trước của mình một lần nữa để nhìn xem nếu mình là độc giả, mình sẽ phải chỉnh sửa như thế nào.
———
Theo cảm nhận của tôi, văn phong của tác giả khá tốt, chỉ là còn cần phải chăm chút nhiều hơn trong ngữ pháp và cấu trúc của câu. Nếu tác giả có thể cải thiện một số lỗi nhỏ như tôi đã nêu ở trên, đồng thời trau dồi và chăm chút cho văn phong của mình, tôi rất tin quyển tiểu thuyết “Thiên thần và ác quỷ” sẽ có một bước tiến rất lớn.
Bản thân tôi cũng là một người tác giả, đang chật vật tìm kiếm và trau dồi văn phong của mình hằng ngày. Thế nên tôi rất mong đồng môn của tôi, tác giả Vô Âm, sẽ thành công trên con đường viết truyện của mình trong tương lai không xa.
Tâm sự với các bạn một chút, tôi rất ngưỡng mộ và trân trọng công sức của tác giả Vô Âm khi đọc quyển tiểu thuyết này. Tuy đây chỉ là một tác phẩm đầu tay, nhưng lối viết của tác giả rất hay, giàu âm thanh và cảm xúc. Tác giả biết cách chọn lọc từ và biện pháp tu từ để khiến câu văn của mình nghe hay hơn. Thêm nữa, tác giả còn khéo léo lồng ghép những tục ngữ Hán Việt có ý nghĩa vào tiểu thuyết một cách hợp tình hợp lý, khiến ý nghĩa tác giả muốn truyền đạt có trọng lượng hơn. Chỉ với những nỗ lực này, đã rất đáng để trân trọng.
Tóm gọn lại, tiểu thuyết “Thiên thần của ác quỷ” đã có hướng đi riêng cho mình. Vì ba chương đầu chưa có nhiều điểm nhấn, chưa có nhiều mối liên kết với văn án, nên tôi mong những chương sau sẽ có nhiều tình tiết kỳ thú hơn. Hiện tại, tôi rất hồi hộp muốn đọc những chương tiếp theo, vì tôi muốn biết tác giả sẽ làm thế nào để liên kết các chương lại với nhau, sau đó mới dẫn đến chuyện tình ngang trái của Selina và Isaiah.
Cuối lời, tôi mong rằng tác giả sẽ tìm được chút gì đó bổ ích từ bài viết của tôi. Tôi mong rằng tác phẩm “Thiên thần của ác quỷ” sẽ là một tác phẩm tuyệt vời.
Dành cho những bạn muốn đọc và tự cảm nhận về tác phẩm “Thiên thần của ác quỷ”, tôi sẽ để link ở đây.
Thiên thần của ác quỷ – Tác Giả Vô Âm
Cảm ơn các bạn đã đọc. Chúc các bạn một ngày tốt lành.
———
P/s: Review cũng là một tác phẩm. Mỗi lượt đọc của bạn là niềm vui, động lực của tôi. Xin độc giả hãy tôn trọng tác giả bằng cách không mang tác phẩm đi đâu hết. Xin cảm ơn.
Mince Mojou (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 5846
Không có gì đâu Vô Âm, mình rất vui khi đã giúp được bạn. Chúc một ngày tốt lành nhé. Mong rằng mình sẽ được đọc những chương tiếp theo trong một ngày không xa! Cố lên bạn nhé!
Vô Âm (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 201
Sắp tới có lẽ truyện sẽ tạm thời đóng cửa chờ tu sửa
Vô Âm (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 201
Cảm ơn Mince nha, mình rất cần những lời đánh giá này.