- Chị em gái
- Tác giả: Mỹ Ngọc
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.453 · Số từ: 2925
- Bình luận: 25 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 9 Nguyễn Lan Hương Moon Vit Nguyet Trúc Nguyên LJS Nguyễn Luna Khanh Vân Nguyễn Như Lan Trà Sữa Trân Châu Giang Lê Hoàng Thiên Đức
Ngày mẹ tôi sinh em, mẹ khóc thơm vào trán tôi vì sợ cửa sinh là cửa tử, sợ có gì bất trắc lại để tôi phải mồ côi mẹ. Năm ấy tôi mới ba tuổi mà có thể nhớ như in giây phút đó, có lẽ tôi biết mẹ và thượng đế sắp tặng tôi một món quà vô cùng đặc biệt. Đó là em. Tôi vẫn nhớ sáng hôm sau ba đưa tôi vào bệnh viện thăm mẹ và em, em bé xíu như một con mèo, mặc kệ tôi gọi em dậy để đút bánh mì cho em nhưng em vẫn cứ ngủ khì.
Nghe mẹ kể thì hồi ấy rất phong kiến, ba và ông bà nội luôn muốn mẹ sinh được con trai. Ngày mẹ tôi vỡ kế hoạch có em, mẹ đã định phá bỏ. Thứ nhất là do nhà nghèo, tôi còn quá nhỏ, mẹ muốn nuôi tôi lớn thêm chút nữa, đợi ổn định kinh tế đã, thứ hai là siêu âm biết em là gái. Thế mà cuối cùng mẹ vẫn quyết định sinh em ra. Thật may mắn làm sao!
Hồi bé em đanh đá lắm, toàn bắt nạt tôi. Mẹ thì bênh em chằm chặp. Nhiều lúc tôi ghét em lắm, nhưng vì sợ mẹ mắng mà chẳng dám đánh em. Lúc ấy em còn rất dễ thương, da trắng, mắt to tròn, người mũm mĩm. Tôi nhớ có bà hàng xóm qua xin tấm hình em để ở bàn kính cho đẹp mà mẹ tìm mãi chưa được tấm nào, tôi rón rén đưa tấm hình tôi cho bà, ai ngờ bà chỉ liếc một cái rồi vứt sang một bên. Đến bây giờ kể lại hai chị em tôi vẫn còn ôm bụng cười. Lớn lên thì tôi lại xinh đẹp, còn em gầy còm, mặt nhiều mụn li ti. Em đã từng tự hào đến nỗi lúc nào cũng mang hình tôi khoe cho bạn em xem:
– Chị tao đấy, đẹp gái không?
Những lúc ấy bạn em lại bảo:
– Đẹp quá, nhưng chả giống mày tẹo nào.
Em chẳng hề buồn mà còn cười một cách tự hào. Lâu lâu có ai vô tình nói hai chị em giống nhau là em lại vui mất mấy ngày liền.
Vào cấp một, em hiền lành đi không ít, mẹ mua cho tôi đồ mới còn em phải mặc lại đồ cũ của tôi nhưng em chưa bao giờ phàn nàn, luôn ngoan ngoãn, vì em biết nhà rất nghèo. Còn tôi hễ thấy bạn bè có đồ mới là về đòi hỏi mẹ, mẹ thương con nên bấm bụng chiều theo.
Lên lớp mười, mẹ may cho tôi tận ba bộ áo dài, rồi mẹ hỏi em thích mấy bộ để mẹ may. Nhưng em bảo mặc đồ cũ của chị cũng được, còn mới và đẹp chán. Mẹ thở dài thương em, còn tôi thì quen rồi nên cũng không để tâm mấy.
Rồi tôi thích một anh trên khoá, bao nhiêu lần tôi trốn ba mẹ đi chơi với anh, em đều phải che giấu, dù từ nhỏ em chưa biết nói dối bao giờ. Cho đến một ngày mẹ phát hiện ra, sau khi mẹ đánh tôi một trận thì mẹ còn quay sang đánh cả em vì tội bao che. Nhưng em chẳng hề trách tôi, ngược lại tôi giận mẹ trốn vào phòng không nói chuyện với ai. Em chỉ vì dỗ cho tôi vui mà mang cái mũ bảo hiểm màu tím in hình con thỏ xinh xắn cho tôi…
Dạo ấy, đang tuổi nổi loạn nên tôi và mẹ cứ cãi nhau cả ngày. Mẹ tôi thì mắc cái tật hay chì chiết, còn tôi thì bướng bỉnh. Đã vậy học hành thì cứ chểnh mảng, như em học lúc nào cũng điểm giỏi thì dư cả khúc, còn tôi cứ xấp xỉ, lúc thì thiếu một tí lúc thì vừa đủ. Nên ba mẹ cũng ngán ngẩm, hay la mắng nhiều.
Hôm đó, tôi và mối tình đầu cãi nhau liên tục, tôi giận dỗi anh ngày ba bốn lượt đến nỗi anh chán ngấy, phải nói lời chia tay. Tôi đau khổ vô cùng, người phát ốm lên, vậy mà mẹ lại đụng tí là chửi bới. Thậm chí còn bảo:
– Mày chết đi cho khuất mắt tao.
Thế là trong đầu tôi muốn chết thật, cảm thấy thế giới này không còn gì vương vấn. Tôi tìm hết thuốc trong phòng, từ thuốc cảm, thuốc bổ… đủ mọi loại thuốc. Trưa đi ngủ tôi uống hết tất cả rồi vào phòng nằm. Nhưng tôi vẫn viết cho em một bức thư, bỏ vào cặp em. Vì tôi cảm thấy có lỗi khi em không làm gì sai mà tôi lại bỏ em bơ vơ:
“Khi em đọc những dòng này thì có lẽ chị đã không còn nữa, người chị còn vương vấn nhất trên thế gian này là em. Chị xin lỗi, nếu có kiếp sau chúng ta vẫn làm chị em của nhau nhé!”
Chính nhờ lá thư mà tôi được cứu sống, em đọc xong thì chạy vội về, lúc ấy tôi đã uống thuốc được hai tiếng. Đầu óc vẫn còn ý thức được xung quanh nhưng cả người đã lịm đi, chân tay không thể cử động nổi. Tôi thấy em và mẹ gọi khản cả giọng, mẹ khóc lả đi, còn em vẫn bình tĩnh chạy đi gọi người đưa tôi ra bệnh viện. Bây giờ tôi mới cảm thấy vô cùng hối hận, mẹ thương tôi như thế, cả em nữa, sao tôi nỡ bỏ họ mà đi chứ.
Qua đợt tử tự hụt đó, mẹ tôi trở nên dịu dàng hơn, em thì suốt ngày ở bên tôi. Cứ quấn lấy tôi và hỏi:
– Mèo không thương em à? Mèo định bỏ em đi à? Mèo đi rồi em chơi với ai?
Rồi em thi chuyên ở thành phố cách nhà gần 100 km, hồi đấy dưới huyện tôi rất ít người đậu chuyên thế mà em lại đậu. Em đúng là chưa bao giờ làm ba mẹ thất vọng. Ba mẹ hỏi em có muốn đi học chuyên không. Em suy nghĩ một ngày rồi đồng ý. Tôi nằm lăn ra khóc, không cho em đi. Em mới có bao nhiêu lớn mà đã xa ba mẹ, xa tôi. Rồi ai nấu cơm cho em, ai chăm sóc em. Em cứ tồ tồ như vậy làm sao xa nhà được. Nhưng dù cho tôi có khóc lóc thế nào em vẫn kiên quyết học chuyên. Lên học trên thành phố toàn con nhà giàu, suốt ngày coi thường em. Em học chuyên nên suốt ngày cắm đầu vào học, ban đầu lũ bạn thành phố cách em một đoạn xa nhưng em không bỏ cuộc, em chăm chỉ học cho đến khi nằm trong tốp mười của lớp.
Mỗi lần đi xe buýt về thăm nhà em đều để cho tôi vài chục ngàn tiêu vặt, vì mẹ cho em tiền ăn hàng tháng nên em đã cố dành dụm lại cho tôi một ít.
Cuối cấp, khi tôi chuẩn bị thi đại học thì mẹ phát hiện ra ung thư tuyến giáp. Tôi đòi bỏ thi để ra chăm mẹ nhưng em lại xin nghỉ học một tháng để thay tôi chăm mẹ, còn dặn tôi ráng thi tốt, ráng đậu ngành y để chữa bệnh cho mẹ.
Vậy mà tôi đã thi không đậu, chỉ trúng tuyển ngành kinh tế. Lúc này mẹ đã mổ và dần bình phục, dù vẫn phải uống thuốc suốt đời nhưng với chúng tôi vậy là may mắn lắm rồi. Mẹ bắt ở nhà ôn thi lại, nhưng tôi nằng nặc muốn lên thành phố học để gần em. Cuối cùng mẹ đành đồng ý.
Tôi và em sống cùng thành phố nhưng hai trường khá xa nhau, mà nhà lại không có tiền mua xe máy cho hai chị em. Vậy là chúng tôi phải ở trọ hai nơi khác nhau cho tiện việc học. Cuối tuần tôi lại mượn xe xuống thăm em, nấu những món em thích, dẫn em đi ăn chè… rồi lại về trường học.
Vì mẹ ở xa lại đang ốm yếu nên mỗi khi lớp em tổ chức họp phụ huynh là tôi phải thay mẹ đi họp cho em. Tất nhiên là thầy giáo và phụ huynh rất ngạc nhiên vì tôi là phụ huynh nhỏ tuổi nhất. Thỉnh thoảng nhắc lại em còn bảo:
– Hồi đấy cứ tưởng Mèo đi họp cho em về sẽ đỡ sợ hơn mẹ, ai ngờ về còn nghiêm khắc hơn mẹ nữa. Môn nào em học điểm thấp là khoanh tròn lại, đau hết cả tim.
– Chứ sao nữa? Chị phải thay mẹ quản lý em cơ mà.
Em bảo với tôi sẽ học y, dù em không thích ngành này, nhưng vì mẹ, em sẽ đậu, em sẽ làm thay bác sĩ thay tôi. Tôi muốn em thi vào trường đại học của tôi để hai chị em được gần nhau nhưng em không chịu, mặc cho tôi năn nỉ hết lời, em vẫn chọn trường tốt hơn để học, dù cách nhau cả mấy trăm cây số.
Em học ở Huế, phải đến năm thứ hai tôi mới để dành đủ tiền ra thăm em. Huế mùa hè nóng như cái lò thiêu mà phòng em lại bé tí ti. Chỉ đủ trải một cái chiếu, để được cái bàn học là hết. Tôi thương em ứa nước mắt. Ngày thì học, đêm thì trực. Em cứ miệt mài học tập như lúc còn học chuyên vậy. Ngày tôi về em cũng phải đi học. Tôi giặt hết quần áo cho em, nấu mấy món em thích ăn rồi lên xe. Chiều hôm đó đi học về em nhắn tin: “Đi học về không thấy Mèo, lại thấy mấy món Mèo làm. Em thương Mèo quá!”
Nghĩ đến phòng trọ chật chội, nóng nực và bóng dáng gầy còm của em mà lòng tôi thắt lại.
Kể từ lúc em có nhận thức thì tôi lúc nào cũng thấy em bình tĩnh, vạch ra mục tiêu rồi kiên quyết đạt được, dù cho bạn bè có coi thường, chê bai em thế nào. Em học giỏi nhưng ít đi chơi, giao lưu với bạn bè, cũng chẳng bao giờ xin mẹ tiền ăn quà vặt. Thậm chí có năm em đi học thêm môn toán mà chín tháng trời không đóng tiền cho thầy, vì cứ thấy mẹ túng thiếu quá nên em không nỡ xin. Cuối cùng thầy giáo mệt mỏi quá đành phải ra một bài toán cho em giải, phần thưởng là chín tháng học phí và em đã làm được.
Mỗi lần xem phim đến đoạn cảm động là tôi và mẹ lại khóc sưng cả mắt. Nhưng em thì rất bình thản, thỉnh thoảng còn sỉ nhục tôi yếu đuối. Vậy mà cuối cùng em cũng khóc, khóc một trận “long trời lở đất”. Đó là ngày tôi phát hiện mình có bầu ở tuổi hai mươi hai. Lúc ấy tôi mới chân ướt chân ráo đi làm, trong đêm liên hoan cuối tháng, sếp đã chuốc cho say rồi làm tôi có thai. Cũng vì ngốc nên tôi không dám mua thuốc để uống. Điều đáng nói là sếp đã có một đời vợ và có con riêng. Cả mẹ và em đều vô cùng đau đớn thay cho tôi. Cho dù sếp rất giàu có và muốn cưới tôi làm vợ. Nhưng ai cần chứ, tôi còn quá trẻ. Tương lai tươi đẹp còn đang ở phía trước, tôi còn muốn kiếm tiền để phụ mẹ nuôi em, phụ mẹ trả nợ. Vậy mà…
Cuối cùng, vì đứa con trong bụng tôi đành nhắm mắt đưa chân về làm vợ anh. Trước đêm đám cưới, em nhắn tin cho chồng tôi mà trong một lần vô tình tôi đã đọc được: “Anh rể, mong anh hãy trân trọng chị em, chị ấy là người yếu đuối và rất mau nước mắt. Anh đừng làm chị em tổn thương nhé, chị ấy tuyệt vời như thế cơ mà.”
Nhưng chồng tôi không được như kì vọng của em, anh lấy tôi chỉ vì muốn có một món trang sức đẹp đeo lên người mà thôi. Anh muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, cuộc hôn nhân trước đây thất bại không phải lỗi của anh. Rằng anh vẫn xứng đáng lấy được cô gái trẻ trung, xinh đẹp, có học hành đàng hoàng về làm vợ. Từ ngày lấy anh, tôi phải ở nhà để dưỡng thai. Anh đưa tiền về chỉ đủ trang trải. Tôi tích góp mua cho em một cái xe cũ, một cái máy tính cũ cho em học. Rồi tôi nhận trách nhiệm nuôi em hàng tháng thay mẹ. Vì những tháng ngày sinh viên thiếu thốn quá nên tôi không muốn em tôi phải khổ sở, tôi ráng để em bằng bạn bằng bè.
Ai cũng nghĩ tôi lấy được chồng giàu là đổi đời rồi, kể cả mẹ. Tôi đã cố gắng hết sức để thay mẹ chu cấp cho em nhưng mẹ nghĩ tôi có nhiều tiền lắm.
Có lần mẹ gọi điện xin tôi cho mẹ mấy triệu để mẹ trả nợ, nhưng thực sự là tôi không hề dư được đồng nào cả. Tiền vàng cưới mẹ chồng đã lột ra ngay sau ngày cưới, bảo cất dùm nhưng thực tế thì không biết khi nào mới lấy lại được. Còn tiền chồng đưa về thì phải tiết kiệm lắm mới đủ gửi cho em ăn học. Tôi lấy đâu ra tiền nữa cơ chứ. Vậy là tôi với mẹ cãi nhau một trận. Mẹ bảo tôi mới nuôi em có mấy tháng mà đã kể công. Rồi mẹ cúp máy, còn tôi chỉ biết khóc.
Mẹ gọi điện kể em nghe. Không biết em khuyên thế nào mà từ đó về sau mẹ không hề xin tôi tiền nữa. Mẹ nhắn tin nói: “Vất vả cho con rồi, mẹ xin lỗi vì đã trách nhầm con.”
Cuộc hôn nhân của tôi với anh gắng gượng được gần hai năm thì sụp đổ. Anh trở về bản chất trước đây, rượu bia say xỉn cả tuần liền, lúc nào cũng đối diện với người say thật chán nản. Đã vậy anh còn lăng nhăng hết cô này đến cô kia, anh bỏ mặc tôi mới sinh con rồi vui thú trăng hoa của anh. Mẹ chồng suốt ngày khinh miệt gia đình tôi nghèo, rồi xỉa xói tôi. Bà nói tôi ăn bám, nói tôi hồi ấy đã làm mọi cách để “bò” lên giường anh.
Thật sự tôi đã trầm cảm đến muốn chết nhưng nghĩ đến lần tử tự năm nào khiến tôi bình tĩnh lại. Tôi biết ba mẹ và con gái là những người ruột thịt của tôi, nhất là em nữa. Tôi không thể lại ích kỉ mà không nghĩ đến người thân của mình.
Mẹ không muốn tôi ly hôn vì sợ làng xóm dị nghị. Em đã nói với mẹ:
– Mẹ ơi, chẳng ai cười mình mãi được đâu mẹ. Chỉ cần chị mình trở về nguyên vẹn là được rồi, đừng để chị vùi dập cuộc đời mình với gã đàn ông bỉ ổi đó nữa. Mẹ không sợ bị dày vò quá chị lại nghĩ quẩn sao?
Vậy là mẹ đồng ý, tôi gần như chạy khỏi căn nhà ấy, nơi có bà mẹ chồng cay nghiệt, suốt ngày khinh miệt con dâu và nhà thông gia, nơi mà chồng không còn là chỗ dựa vững chắc.
Những ngày tháng mới bước ra khỏi cuộc hôn nhân thật sự rất tệ, tôi phải bươn chải làm thêm nhiều việc để lo cho con gái. Mẹ và em thì ở xa nên không giúp đỡ được nhiều, nhưng họ luôn là chỗ dựa cho tôi. Em cứ bảo tôi phải cố gắng, hai năm nữa em đi làm rồi sẽ phụ tôi nuôi con.
Rồi mọi khó khăn cũng qua đi, tôi có công việc ổn định, đủ sức nuôi con gái. Còn em tôi giờ đã trở thành cô bác sĩ giỏi. Ba mẹ tôi cũng được hưởng phần nào thành quả khi các con trưởng thành, hiếu thảo. Dù đi đâu thì chị em tôi vẫn luôn nhớ nhau, hễ có thời gian là lại xin nghỉ phép để về nhà, cả nhà quây quần bên nhau thật hạnh phúc và ấm áp.
Sau này trong một lần tâm sự tỉ tê với nhau, tôi hỏi em:
– Sao hồi đó em hay nhường nhịn chị vậy? Cái gì đẹp đều để cho chị chọn, quần áo, giày dép cũng chẳng đòi hỏi gì.
Em cười và trả lời:
– Em nhớ có lần Mèo đến trường đón em đi học về, Mèo mua cho em một bịch chè, em bảo chia cho mèo một nửa nhưng Mèo lại bảo ăn rồi. Hôm sau em mới biết là Mèo chỉ đủ tiền mua một bịch đó thôi. Lúc đó em đã thương Mèo vô cùng, em tự hứa sau này cái gì cũng nhường Mèo hết.
Tôi thấy khóe mắt mình cay cay, hồi đó em mới chỉ học lớp năm thôi. Sau này dù cuộc sống có trải qua bao nhiêu khó khăn, áp lực thì tôi vẫn luôn có một người em, một người bạn thân thiết nhất, luôn ủng hộ và tin tưởng tôi.
Cảm ơn mẹ đã cho tôi một món quà tuyệt với nhất thế gian.
Khuong Nguyen Duy (4 năm trước.)
Level: 2
Số Xu: 7
Truyện hay, cảm động lắm nhỏ
Khuong Nguyen Duy (4 năm trước.)
Level: 2
Số Xu: 7
Truyện hay, cảm động lắm nhỏ
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 6128
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến câu chuyện của mình. Thật sự thì mình lấy cảm hứng từ những sự việc có thật trong cuộc đời để viết nên nó, không hẳn đúng hoàn toàn..
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 6128
Mình cảm ơn bạn nhé!
Thanh Thảo (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 64
ủng hộ tác giả nè
Trà Sữa Trân Châu (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1469
Truyện của bạn khiến mình rất cảm động. Cho phép mình hỏi một câu hỏi tế nhị nhé! Truyện này là bạn viết dựa theo cuộc đời thật của bạn hay là bạn nghĩ ra thế?
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 6128
Cảm ơn bạn nhiều lắm!
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 6128
Dựa trên cảm hứng từ những câu chuyện có thật bạn ạ! Cảm ơn bạn nhé!
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 6128
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc câu chuyện này! hi
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 6128
Hi, cảm ơn bạn, thực ra lứa tuổi mới lớn thường hay bất cần và nông nổi, không suy nghĩ được chín chắn sâu xa nên thường gây nên những hậu quả đáng tiếc. Thật may nhân vật chính của chúng ta đã được cứu kịp thời và nhận ra những điều quý giá mà mình đã bỏ lỡ!