- Hạt Bụi Đường
- Tác giả: Trần Lân
- Thể loại:
- Nguồn: Tự sáng tác
- Rating: [MA] Dành cho người từ 18 tuổi trở lên
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.903 · Số từ: 3275
- Bình luận: 4 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 2 Quỷ Cindy Cynthia
HẠT BỤI ĐƯỜNG
Thứ hai đầu tuần nào cũng vậy, gã đều đến công ty. Có lúc, gã đến để uống nước, tán chuyện với mấy chị trong công ty. Có lúc, gã đến để đóng dấu hồ sơ. Hôm nào có hồ sơ, mặt gã tươi cười, phấn khởi, mặt hoa ra phấn. Ấy thế, chị Tâm thư ký giám đốc hay trêu ghẹo, tâng bốc gã lắm!
Hôm nay cũng vậy, vừa đến cửa công ty gã đã vồn vã chào chị Tâm từ xa. Theo phản xạ, chị Tâm chào lại gã:
– Chào em! Gớm!!! Hôm nay, chị chắc đóng dấu mỏi tay rồi đây!
Gã vừa đạp nhẹ cái chân chống, xếp cái xe máy cẩn thận, nói vọng vào:
– Vâng, trời thương! Hôm nay, em nổ được ba phát mới chị ạ! Hai phát ở Phú Đô và một phát ở tít trên Lò Đúc cơ!
Vừa bước vào cửa, gã đã thở dài:
– Tối qua, trời vãi được vài giọt mưa. Sáng nay, cứ tưởng trời mát cơ chứ! Ai dè nóng chảy nước!
Vừa nói xong, gã thò tay vào túi quần, khoắng đi khoắng lại móc ra cái khẩu trang, rồi đưa nhẹ lên mặt, chấm từng giọt mồ hôi. Nhìn gã như mới trong phòng mát xa xông hơi ra vậy! Đầu tóc bơ phờ, cái áo nuột nà thế mà ướt sũng, loang lổ mồ hôi.
Nhìn đống hồ sơ xếp chồng lên nhau đặt ngay ngắn ở trên bàn, gã vội vàng nói:
– Úi giời! Chị ưu tiên, đóng tàu nhanh cho em nhé!
Nhìn điệu bộ xoắn xít của gã, chị Tâm cười mỉm:
– Nào mang vào đây, chị đóng cho!
Nghe thấy thế, gã lao rõ nhanh, rồi đặt nhẹ tệp hồ sơ lên bàn.
Lúc này, trong căn phòng bé tẹo tèo teo im phăng phắc, chỉ nghe mỗi tiếng dấu đóng vào cái bàn đã rệu rã, xộc xệch, kêu lên từng hồi: “Chát xịt! Chát xịt!”
Loáng một cái, ba bộ hồ sơ đã đóng dấu xong. Gã lại lần sờ từng trang kiểm tra đi, kiểm tra lại xem còn thiếu sót gì không.
Không gian tích mịch, chỉ nghe được mỗi tiếng thở dốc phì phò như trâu của gã. Chiếc quạt cây đang quay tít kêu: “Vè vè!”, cũng không làm cho gã mát thêm một tí nào cả. Không gian ngày một nóng nực, gã chỉ muốn xé bỏ cái áo thun ra. Gã ngập ngừng một lúc chắc ngại lộ cái bụng xập xệ nên gã kìm chế không lộ thiên nữa.
Đôi mắt đang lim dim lần mò từng dòng, từng trang. Đột nhiên, Gã nói lớn:
– Chị giết em rồi!
Chị Tâm mặt bần thần, ngơ ngác đáp:
– Sao thế?
Gã tiếp lời:
– Chị ơi! Hồ sơ trên Lò Đúc mực dấu sao loang lổ thế ạ?
Gã đưa cho chị Tâm xem. Quả đúng như vậy, bộ hồ sơ vương vãi những giọt mực đỏ choe đỏ choét. Thấy thế, chị Tâm chấn tĩnh, nói thều thào:
– Ừ nhỉ! Tưởng gì chả là chị vừa tra mực dấu xong đấy! Còn nóng hôi hổi chị chơi luôn, càng đỏ thì càng hên chứ sao, không chừng lại được thêm tiền típ của khách ấy chứ!
Gã lặng người đi một lúc, da mặt gã dần dần căng trở lại. Trong đầu gã lóe lên, mặt chuyển sắc:
– Ừ nhỉ! Kệ cha nó! Nhìn thế nó mới có khí chất chị nhỉ!
Tờ giấy trắng tinh, mỏng tang như miếng vải sa tanh đã bị vương vãi ít mực dấu đỏ choe đỏ choét đổ vào. Nhìn trang giấy, trong đầu gã lại mường tượng ra một cảnh quay trong phim “50 sắc thái” hay quảng cáo trên Youtube.
Lúc này mặt gã đần thối ra, nuốt nước bọt ừng ực. Gã ngồi phịch xuống cái ghế thở hổn hển từng hồi như con cọm vừa bị sa lưới vậy.
Cứ thế hai chị em nói qua, nói lại làm cho căn phòng ròn rã tiếng cười và ấm cúng hẳn lên.
Chẳng mấy chốc, gã đã kiểm tra xong hồ sơ. Gã dự định trong đầu là sẽ trả hồ sơ trên phố Lò Đúc trước. Sau khi cất cẩn thận hồ sơ vào cốp xe, gã chào chị Tâm một cách vội vàng, rồi đạp nhẹ chân chống xe, quay đầu đi mất.
Tiếng xe ga kêu: “Xè xè!” dần rà cũng im bặt bỏ lại không gian vắng vẻ, yên tĩnh như thường lệ.
Từ phố Ngụy Như Kon Tum – Nơi đặt trụ sở của công ty, gã lao thẳng xe theo hướng về phía phố Vũ Trọng Phụng. Khi chiếc xe đi lướt qua làng sinh viên Hacico, gã lại đảo mắt vào trong xem có tia được một vị khách nào không. Gã hay gạ gẫm khách đi xe ôm, gã ăn quen rồi nên lần nào qua đây, gã đều cư xử như vậy.
Gã nhớ lại:
“Có lần, gã đã gạ gẫm được một em sinh viên người Hàn Quốc. Vốn dĩ là người yêu cái đẹp, gã đã liếc nhìn trộm dung nhan của ả kia từ trên xuống dưới.
Ả đến từ xứ sở kim chi sang Việt Nam học ở khoa ngôn ngữ trường Đại học xã hội và nhân văn. Ả trông rất xinh xắn, toàn thân ả toát lên một vẻ đẹp á đông thuần khiết. Ả có nước da trắng muốt, mái tóc dập sóng nước xoăn tít. Ả mặc một bộ váy xẻ nách, rách tả tơi, màu hồng nhạt nhìn rất là kute. Trên vai ả còn đeo cái ba lô màu vàng chóe, nhìn ả chẳng khác gì một con ma nơ canh. Gã cười mỉm.
Hình như, gã ngửi thấy một mùi nước hoa thơm dìu dịu thì phải? Gã khịt khịt cái mũi một hồi, đôi mắt lim dim như bi thôi miên.
Gã đang mơ màng đột nhiên, Ả kia hỏi:
– Từ đây đến Trung tâm thương mại Lotte hết bao nhiêu anh?
Gã ngạc nhiên với vốn tiếng việt của ả, bần thần một lúc gã đáp lại:
– Hết một trăm ngàn em ơi!
Ả chau mày lại, nói to:
– Vãi!!! Đắt thế anh!
Thấy thế gã niềm nở đáp:
– Mấy hôm nay trời nóng quá mà em! Thôi tùy em, em trả bao nhiêu cũng được miễn là anh kiếm thêm được cốc trà sữa là vui rồi!
Trả giá trong một phút chóng vánh, cả hai cùng lên xe, đi ra phía đường Trần Duy Hưng để đi thẳng lên trung tâm thương mại Lotte.
Tiết trời Hà Nội ngày một nóng lên lại thêm cảnh kẹt xe, gã cảm thấy ngột ngạt, chẳng muốn trò chuyện với ai và hẳn ả kia cũng vậy.
Đang đi trong cảnh du dương của tiếng còi xe quyện với tiếng gió lào vi vu, nóng hừng hực. Đột nhiên, gã cảm thấy khác lạ đằng sau lưng, gã thấy gai gai như có cái gì đó đang thúc nhẹ vào lưng gã. Lúc này, da thịt gã cảm thấy ớn lạnh, nổi hết cả da gà. Gã đã cảm thấy rõ ràng hơn:
– Đúng rồi!
Gã mừng thầm trong đầu, gã cứ kệ cho dòng đời xô đẩy. Lúc này, hai hạt cườm đính trên ba lô của ả cứ di lên di xuống. Tấm lưng ngọc ngà của gã chẳng khác gì một cái tấm di chuột đang nóng lên dần dần.
Còn gã, gã có biết sự thật là gì đâu! Trong đầu gã cứ liên tưởng gi gỉ gì gi cái gì ấy chứ. Gã cứ thế cứ thế tò mò, cứ thế ngẩn ngơ xem cái gì đang chạm vào lưng”
Đột nhiên nghe một cái: Rầm!!!
Gã bừng tỉnh! Mắt gã vẫn còn đang quay cuồng. Gã lắc nhé cái đầu một cái, mở choàng mắt ra. Hóa ra đang mải mê nhớ lại mà gã quên không nhìn đường. Xe gã đâm sầm vào một xe rác để ngay sát mép phố Ngụy Như Kon Tum.
Gã bực tức, chửi thề.
Gã đảo mắt nhìn và trợn tròn con mắt ngạc nhiên. Trước mắt gã có khoảng năm đến bảy cái xe rác đang nối đuôi nhau như một đoàn tàu. Lúc này, mùi rác hôi thối bốc lên nồng nặc. Gã cảm thấy khó chịu, miệng buồn nôn. Nhưng rồi gã đã nhanh tay rú ga vọt qua. Đôi tay cầm vô lăng vẫn đang còn run run, lo lắng, tim của gã thì đập loạn nhịp, kêu lên từng hồi: “Thình thịch! Thình thịch!”
Gã dừng xe ở bóng mát ven đường để trấn tĩnh, sốc lại tinh thần.
Nghỉ ngơi chắc khoảng chừng mười lăm phút, gã lại đâm sấp dập ngửa lao xe ra thẳng đường Nguyễn Trãi.
Thật bất ngờ! Hôm nay, quang cảnh đường Nguyễn Trãi thông thoáng và thưa thớt đến lạ lùng.
Con đường nay được chỉnh trang trở lên rộng rãi hơn, gã đưa mắt nhìn hàng cột bê tông của đường tàu điện trên cao đang lõa thể, phơi thân giữa cái nóng bốn mươi độ C như thiêu như đốt, gã xuýt xoa nhớ lại cái cảnh ngày xưa ấy:
“Ngày xưa đó, hàng lim xanh đón gió, những tán lá vươn rộng ra hai bên như những cánh tay giang rộng của người mẹ che chở cho các con đến trường.”
Gã tưởng tượng ra khung cảnh mà ngày ấy, gã còn đang đi học tại trường đại học Khoa học tự nhiên. Những kỷ niệm cứ tự nhiên, ào ào hiện về. Rồi gã chẹp chẹp cái miệng, giọng buồn buồn:
– Giá như ngày ấy không làm đường tàu trên cao nhỉ?
Cái quá khứ ấy cũng dần dần tan biến, gã vừa đi, vừa mỉm cười. Gã tưởng tượng con đường này là dành riêng cho gã đi vậy.
Gã rú ga đi một hồi đã đến ngã tư giao cắt với đường Trường Chinh.
Dừng xe chờ đèn đỏ, gã liếc nhìn một ông cụ đang cặm cụi đếm từng đồng tiền lẻ trong chiếc mũ cối cũ kỹ. Nhìn khuôn mặt nhếc nhác, lớt phớt buồn của cụ, gã trùng mặt xuống, ngẫm nghĩ một hồi. Gã dắt xe tiến gần đến ông cụ và biếu cho cụ mười ngàn đồng. Ông cụ nở một nụ cười tươi tắn và không quên nói lời cảm ơn:
– Cảm ơn con trai!
– Không có gì cụ ạ!
Gã đáp lại! Tự nhiên, trong lòng gã lại xuyến xao, vui mừng đến lạ thường.
Đèn xanh sáng được mười giây rồi mà gã vẫn không muốn đi. Phía sau gã có đôi bạn trẻ, nhếc miệng nói to, giọng trịch thượng:
– Có chuyện gì đấy ông anh? Đèn xanh còn chưa đi à? Bố mày xiên cho một cái bây giờ!
Gã giật bắn mình quay lại, liếc nhìn đôi bạn trẻ. Tên cầm vô lăng là một thằng choai choai, tóc tai dựng ngược, xăm trổ đầy người nhìn rất là hổ báo. Đằng sau đang chở một cô bồ, ngổ ngáo cũng không kém, Ả mặc cái áo hai dây cộc cỡn, cái quần bò bó sát, ngắn cũn cỡn, khoe cái mông tròn trĩnh, dưới mông phải của ả còn xăm hai chứ “Hận tình” mới ghê chứ.
Gã chần chừ một lúc rồi vặn mình định phóng đi nhưng không kịp nữa rồi. Đèn đỏ lại bật lên một lần nữa, gã xoay đầu ra bên này, ngoái đầu ra bên kia. Nhìn gã chẳng khác gì một con nai vàng đang ngơ ngạc đạp lên lá vàng khô hay như một kẻ nhà quê mới lần đầu lên phố thị vậy. Trông vẻ mặt buồn cười không tả nổi.
Lúc này, bụi đường theo luồng gió nóng hôi hổi liên tiếp phả vào mặt gã, gã lẩm ba lẩm bẩm:
– Mịa, trời nóng thế không biết! Biết thế éo đi làm nữa!
Gã vùng vằng một hồi. Ở bên góc đường đối diện, trung tâm điện máy FPT đang mở loa ầm ĩ. Gã cố chấn tĩnh, vểnh tai nghe. Gã chỉ nghe được mấy câu hát của chàng Sơn Tùng MTP, đại để là: “và em của ngày hôm qua ú u u ù”, chỉ nghe được mỗi tiếng ú u thế thôi mà gã tỉnh hẳn người.
Đèn xanh lập bập sáng, gã hú ga đi tiếp. Đâu đó, trong đầu gã vẫn văng vẳng âm thanh ú u, nhưng rồi nhưng rồi cũng dần dà biết mất. Gã nhanh chóng lao nhanh hòa vào dòng người đang hối hả ngược xuôi.
Đến khúc cua vào phố Chùa Bộc, tự nhiên gã dừng xe đứng khựng lại, miệng hằn học:
– Ối giời ơi!
Một dòng người đang kẹt cứng tắc từ đầu đường Tây Sơn đến mãi tít trường Học viện ngân hàng. Người thì rồ ga, người thì bấm còi, người thì lao lên vỉa hè, người thì đè lén lấn làn. Không gian ngột ngạt không tả nổi. Đã thế, một kẻ đi đằng trước ngồi bệ vệ trên chiếc xe máy Harley Davidson đang vê ga kêu rầm rầm. Hai chiếc bô xe máy chổng thẳng vào mặt gã, khói xe xốc thẳng vào khẩu trang rồi lan vào hai hốc mũi đi thẳng vào khí quản. Gã nhíu mày, đôi mắt trợn ngược, miệng lắp ba lắp bắp:
– Cứu cứu! Trời ơi!
Gã càng kêu, mùi khói xe và bụi đường càng xiết vào cổ gã hơn. Gã cảm thấy sa sẩm mặt mày, nôn nao như bị say nắng. Gã nhanh tay dắt xe phi lên vỉa hè, lao vội vào một quán nước ven đường để nghỉ ngơi. Gã nhanh nhảu nói với chị chủ quán, giọng như hết hơi:
– Chị chị cho em một cốc nước vối ạ!
Chưa kịp ngồi nóng mông, chị chủ quán đã pha một cốc nước siêu to, siêu khổng lồ ra đưa cho gã, chị đon đả mời:
– Của ảnh này! Mời ảnh xơi nước! Ảnh làm bi thuốc lào cho tỉnh táo, điếu cày ở kia kìa!
Nghe thấy giọng lai lai giữa tiếng bắc với tiếng nam của chị, gã mới ngước cái mặt thớt lên nhìn đi, nhìn lại, nhìn tái, nhìn hồi rồi gã chuyển giọng:
– Cảm ơn em!
Ánh mắt gã lúc này mới tỉnh táo hẳn lên, gã nhìn chăm chú. Trước mắt gã là một em chủ quán trẻ trung xinh đẹp, phải nói là khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang. À mà không! Khuôn trăng thì tròn thật còn nét ngài éo ôi! Nàng ta xăm đôi lông mày đen xì xì, y như hai con sâu róm đậu trên trán, đang phơi thân vậy. Đôi môi xăm đỏ choe đỏ choét, bóng loáng.
Hễ thấy có khách đến, nàng ta đưa giọng nhẹ nhàng mời khách, thi thoảng lại ưỡn a ưỡn ẹo cái ngực phinh phỉnh của ả, cứ như thể ả cho cả thế giới biết rằng tấm thân vàng ngọc này của ả điện nước đầy đủ, tràn trề, lênh láng lắm!
Đôi mắt gã đang ngắm nghiền vào lon nước cô ca đặt ngay ngắn trên bàn, gã bần thần một lúc rồi gã cầm lon nước lên, đọc lẩm bẩm:
– Mở lon Việt Nam!
Gã phân vân một hồi, miệng thì thào:
– Éo hiểu mở lon Việt Nam có ý nghĩa gì ấy nhỉ?
Trong đầu hoài nghi, gã đang cố tập trung để tìm lời giải cho châm ngôn ngang ngược kia thì đột nhiên, gã nghe thấy tiếng: Phịch!!!, rất to. Gã quay phắt lại cười phì!
Trước mắt gã là một chàng sinh viên trường Đại học Thủy lợi đang nằm co quắp, mắt trợn ngược, chân tay run bần bật. Tay phải của chàng ta vẫn còn ôm khư khư cái điếu cày không muốn dời tay. Còn tay trái cố gắng vươn xa, khua tay cầm cốc nước nhưng điều đó là bất khả thi.
Em chủ quán nói vọng ra:
– Kệ cho anh ý nằm! Một lúc là hết thôi mà.
Quả thực, đi khắp thế giới này chẳng ở đâu có loại cỏ nào mà khi hít hà lại cho cảm giác say đê mê như thế. Mỗi lần hít sâu, tiếng điếu kêu: Sòng sọc đã tai kinh khủng, nhả hơi khói bay phảng phất, hệ thân kinh quay tít xoáy lên tận nóc nhà. Chả thế, trong dân gian có bài thơ ví von rằng:
Thuốc lào chồng hút vợ say
Thằng con châm điếu lăn quay ra nhà
Có anh hàng xóm đi qua
Hít phải khói thuốc say ba bốn tuần
Thêm chú gà trống ngoài sân
Mổ nhầm bã thuốc cánh chân cứng đờ
Lại còn chị mái hoa mơ
Hơi thuốc bay đến bơ phờ cả lông
Khói thuốc cứ tỏa vòng vòng
Say hết tất cả nước trong, nước ngoài.
Có lẽ khói thuốc cũng vô tình vương vào mũi gã, đôi mắt gã bắt đầu lim dim, trùng dần trùng dần xuống như cái cửa cuốn đang khép lại.
Không kìm nổi, gã lắc nhẹ cái đầu, đưa mắt về cái võng bỏ trống không đang treo lơ lửng giữa hai cây bàng ngay sau lưng em chủ quán.
Gã hỏi:
– Em ơi! Anh ngồi nhờ chiếc võng được không em?
– Được chứ ạ!
Nàng đáp, rồi quay lại pha nước cho khách.
Gã nằm trên võng, đưa mắt nhìn quang cảnh ngẫm nghĩ xa xôi, nói thều thào:
– Ở Hà Nội kiếm tiền dễ thật! chỉ cần có cái bàn ẽo uột, xếp vài hòn gạch làm ghế, thế là được ngay cái quán nước đông khách đến nao lòng! Cuộc đời sướng thật!
Vừa nói dứt câu, gã đã lăn quay ra ngủ. Trông cái vẻ mặt đần thối, đầy nếp nhăn của gã, chắc có lẽ không ai có thể đoán được gã nay mới có hơn ba mươi tuổi đầu. Hình hài gã già thật rồi.
Trong lúc ngủ, gã đâu biết rằng có bao nhiêu con mắt diều hâu đang tăm te cái túi, cái ví và chiếc xe máy của gã. Trông gã thật đáng thương.
Lúc này, chân tay gã cựa quậy, miệng khẽ nở nụ cười. Chắc là gã đang mơ:
“Trong giấc mơ, gã mơ đang lái ô tô đưa vợ con đi chơi, tay lái run run, chân nhấp nhổm vào chân côn, cũng đủ hiểu gã mới tập tọe biết lái”
Nhìn gã ngủ ngon lành. Nhưng tôi biết chắc một điều rằng khi gã tỉnh giấc, câu hỏi của gã chắc chắn không phải là:
– Ô tô của tôi đâu?
Mà là:
– Xe máy của tôi đâu?
Thế đấy! Đời người cũng chỉ như một hạt bụi đường mà thôi. Nhìn gã, tôi mới thấm, tôi mới nuốt từng nốt nhạc, từng lời của bài hát: “Cát bụi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy?
Ôi, cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi.
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi?
Ôi, cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi…”
Tiếng vi vu của gió, tiếng ve kêu râm ran, tiếng còi xe inh ỏi và cả tiếng cười, tiếng nói, tiếng mắng chửi nhau giữa con người với con người hòa quyện lại tạo nên một bản giao hưởng rất đỗi đời thường ru gã vào giấc ngủ.
Còn hạt bụi đường vẫn quẩn quanh, bay lả bay la, vướng vào canh đa, va vào cành bưởi, sưởi nắng trên cầu, xoáy sâu bay phất phơ lên trời để rồi để rồi hóa kiếp cho mây ngàn bay.
Tạm biệt, tạm biệt nhé! Hạt bụi ơi!
(Hình ảnh minh họa)
Quỷ (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 11512
Cao nhân ko dám nhận ^^
Trần Xuân Lân (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1185
Rất cần sự góp ý của các cao nhân về lời văn, câu chữ ạ! Cảm ơn sự động viên kịp thời của quý nhân. Ấu Kỳ rất đỗi ái mộ! Thân gửi
Quỷ (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 11512
.
Trần Xuân Lân (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1185
Cảm ơn các cộng sự! Rất vui đã phê duyệt truyện của mình! Mình rất trân trọng tình cảm của các mod.