- Chí Phèo hậu truyện
- Tác giả: Bạch Kim Hoa
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 924 · Số từ: 2892
- Bình luận: 3 · Bình luận Facebook:
Dạy học, lại còn dạy học miễn phí. Đời này có mấy ai có tấm lòng như thế. Thầy Chí Nhân khắp làng ai cũng biết thầy đức độ, hiền hậu nhưng thầy có một thói xấu là càng lớn tuổi thầy càng mê uống rượu. Rượu chè không bao giờ làm người ta sáng suốt được. Thầy là người biết rõ hơn ai hết điều đó nhưng chẳng hiểu sao cái máu rượu nó lại ăn sâu vào tiềm thức thầy như thế. Nói lớn thì thầy chả lớn là bao, mới hai bảy tuổi nhưng thời của thầy thì các ông đã toan về già rồi.
Trong làng có một thầy thuốc mù nói là là mù nhưng bốc thuốc chữa bệnh phải gọi là thần y ít ai sánh kịp. Thần y bắt mạch kê đơn nhưng xem bệnh phải chữa từ gốc mới chữa được. Thần y mách thầy về hỏi lại các cụ thân sinh xem ngày xưa các cụ có ai mắc chứng bệnh này không rồi hãy tính tiếp. Thầy đứng tần ngần một hồi rồi cáo từ ra về.
Đêm ấy, thầy thao thức không sao ngủ được. Ngoài trời, gió vẫn nhè nhẹ thổi vào ngôi nhà lá ba gian ọp ẹp. Thầy nhìn ra cửa sổ hít một hơi thật mạnh luồng khí thanh mát mà tịnh tâm nhưng chứng thèm rượu lại làm thầy nôn nao. Nghĩ đến rượu lại thèm thà không nghĩ đến thì thôi, chứ nghĩ đến thì khó cưỡng lại. Thầy lại lấy chai rượu ra tu một hơi ừng ực như một năm chưa được uống. Màn đêm yên tĩnh, thầy lại xé tan nó bằng tiếng chửi: “Biến đi, cút hết đi… Cút, cút hết…”. Chẳng là vậy mà vợ thầy vừa gả cho thầy được một tháng thì thị bỏ đi mất. Ngày trước thị mê thầy vì thầy nhân hậu, đức độ nhưng thị không chịu được cảnh mỗi đêm thầy bực mình thì chửi không ai ngủ được. Khổ tâm là thầy còn chẳng biết chửi ai nhưng cái miệng cứ lèm bèm mấy câu trong vô thức như vậy.
Sáng hôm sau, bầu trời quang đãng. Những tia nắng mai đã mạnh dạn chiếu thẳng vào khuôn mặt đang mê man ngon giấc của thầy. Thầy khó chịu tỉnh dậy nhưng giật thót mình vì thầy đang nằm ngủ dưới đất, bên người còn vài chai rượu lăn lốc. Thầy lại thèm nhưng không còn rượu để uống nên đành dạo ra phía chợ đầu làng. Mọi người chào thầy rồi nhắc chuyện đêm qua thầy làm cả làng mất giấc. Thầy ngại quá đành xin lỗi và hứa sẽ bỏ rượu nhưng ai nấy đều cười vì biết thầy không thể bỏ được. Có người ác miệng buông lời chì chiết:
– Nhà thầy ấy, nếu không phải vì thầy giúp cho cái làng này có cái chữ bỏ bụng thì chắc người ta đuổi thầy đi.
– Tôi nghe đâu thầy là người nơi khác đến đây, nhưng cái tính chửi của thầy thì y như cái ông Chí Phèo làng Vũ Đại. Thầy cũng nên tìm cách chữa bệnh của mình đi chứ không thì bọn trẻ chúng tôi nó học theo thói xấu.
– Cả làng mình thầy biết chữ chứ không thì…thì… Thôi đi về các bà ạ!
Thầy chỉ biết im lặng, cúi đầu quyết tâm trở về làng Vũ Đại xem gốc gác mình ra sao vì thầy thấy mơ hồ lắm. Hôm ấy, thầy xếp vài ba bộ áo quần vào rồi tức tốc trở về làng Vũ Đại. Làng Vũ Đại từ ngày thầy ra đời đến nay cũng không hề thay đổi tí nào. Có chăng làng chỉ mọc thêm vài mái nhà đơn sơ, vài con đường đất bụi bay mù mịt. Vừa về đến làng, lũ trẻ chạy nhâng nháo ra trêu ghẹo:
– A! Ông Chí Phèo con đã về!
Thầy tức lắm nhưng không dám làm gì bọn trẻ, chỉ lẳng lặng bước đi tìm đến nhà trưởng làng. Chưa một lần trong đời thầy nghĩ thầy là con ông Chí như lời đồn vì ông Chí chả có gì hay ho nên dân làng mới gọi là Chí Phèo. Nghĩ đến đấy, thầy lại tức run người.
Nhớ đến khoảng thời gian mười lăm tuổi, thầy thấy cay cay khóe mắt. Năm đó, dân làng không chuyền tay nhau nuôi thầy nữa. Vì vô tình thầy gặp Lí Cường thì bị hắn thấy ghét mà đuổi đi biệt tăm, không cho sinh nhai ở vùng đất đấy nữa. Lí có lệnh mười năm sau Chí Nhân mới được về quê một lần, mỗi lần về không được ở quá ba ngày. Cả làng sợ mang vạ vào thân nên khuyên thầy ra đi. Từ nhỏ thầy đã hiền lành, hiếu học nên dù mồ côi vừa chăn trâu cho vài người trong làng, thầy vẫn len lén học chữ thầy đồ dạy con nhà người ta. Thầy sáng dạ nên học hành tinh tấn lắm. Nhờ vậy đến khi qua làng khác mới có kế sinh nhai. Biết mình thân cô thế cô không nơi nương tựa, đến làng khác chả ai biết gì về mình nên thầy dạy học miễn phí đổi lại dân làng mỗi ngày đem biếu thầy mớ rau, con cá mà thầy bớt đói khổ. Từ đó, người ta cũng không nhớ lắm tên thầy là gì, chỉ gọi là thầy.
Người làng Vũ Đại ngày xưa nuôi Chí Phèo lớn lên để rồi khi Chí Phèo biến thành con quỷ dữ của làng, người ta vẫn ám ảnh suy nghĩ cảnh nuôi ong tay áo, nuôi cá cá bơi đi, nuôi chó chó cắn chủ… Đến khi lại bắt gặp một thằng bé xám ngắt, bị bỏ rơi bên cái lò gạch cũ, dân làng dù sợ nhưng vẫn thương hại nên vẫn chuyền tay nhau nuôi lớn. Mỗi nhà nuôi một tuần cho nhẹ người, nhỡ thằng bé lớn lên có gây chuyện thì đỡ mang vạ. Họ đặt tên Chí Nhân vì hi vọng lớn lên rơi vào hoàn cảnh nào cũng phải giữ được cái bản tính sơ khai của loài người: lương thiện. Còn cái lò gạch cũ trở thành ám ảnh của dân làng, họ phá luôn cái lò gạch cũ cốt để cho đàn bà con gái trong làng sống chừng mực hơn. Nếu hoang thai thì đừng đem con ra lò gạch bỏ nữa. Nhưng điều ấy vẫn diễn ra thường ngày như đi chợ.
Thầy cứ thế vừa suy nghĩ vừa đi về phía làng, qua vườn chuối qua vài con đường mòn, người trong làng vẫn nhận ra thằng Chí Nhân ngày xưa nên họ vẫn vui mừng ra đón. Cả làng thiết đãi thầy bữa cơm đạm bạc. Thầy mới hỏi lý do tại sao bọn trẻ lại cứ trêu mình là con Chí Phèo? Ngày xưa cả làng cũng đồn Chí Nhân là con Chí Phèo nhưng mỗi lần thầy muốn hỏi thì các cụ lại gạt đi. Người trẻ bằng tuổi thầy bây giờ thì cũng là nghe kể lại chứ chả rõ thực hư như thế nào.
Trong ánh lửa bập bùng sáng rực một khoảng trời nhỏ, cả làng im lặng quây quần nghe thầy kể khổ về chứng bệnh nan y của mình. Cả làng thương cảm, một người già trong làng điềm đạm ngồi vuốt râu kể lại đầu đuôi cảnh khốn khổ của Chí Phèo và một tình yêu đẹp bị ngăn cản ngày ấy. Ông già ngồi quan sát đường nét trên khuôn mặt thầy thật kỹ và bảo: “Cậu rất giống Chí Phèo”. Thầy nheo mắt, cau mày tỏ vẻ hơi khó chịu. Ông cụ mới bảo:
– Làm người chứ phải Tôn Ngộ Không đâu mà nứt ra từ hòn đá, ai cũng có cha sinh mẹ đẻ. Tốt xấu gì họ cũng là cha mẹ, con người sinh ra cốt là khổ đau nên ai cũng chào đời bằng tiếng khóc.
– Cậu Nhân cũng đừng phiền lòng làm gì, ở đây, dân tình cũng hiểu cho cha cậu ngày xưa chỉ có điều vì cha cậu thay tính đổi nết đánh mất nhân tính nên người ta mới sợ. Chúng tôi đặt thêm tên cậu chữ Nhân bên cạnh chữ Chí là cũng vì thế.
Thầy gật gù tỏ vẻ xót xa cho quá khứ của mình và của ông Chí Phèo nhưng vẫn không cam tâm nhận con người qua “truyền thuyết” ấy là cha. Ngày bé thầy chỉ nghe chuyện Chí Phèo là con quỷ dữ chứ chẳng biết Chí Phèo từng sống rất lương thiện. Thầy hỏi trong sự tức giận:
– Vậy người đàn bà kia, tại sao bà ấy bỏ tôi?
– Tôi khổ tâm quá, cả làng toàn người dưng nuôi tôi lớn vậy mà người đàn bà ấy lại bỏ tôi?
– Các ông đừng có mà lấy lý thuyết rao giảng tôi. Tôi có thể thông cảm cho hoàn cảnh ông Chí Phèo còn người đàn bà kia, tuyệt đối là không!
Ông lão lại vuốt râu rồi lắc đầu:
– Thế cậu không nhớ tôi kể Thị Nở bị dở người à?
– Thị Nở năm nay cũng gần sáu mươi rồi, chắc chẳng sống được bao lâu nữa đâu. Bà ấy mang trong mình bệnh hủi, nhiều người ngoài bốn mươi đã về với tổ tiên rồi.
– Sau ngày cậu bỏ đi biệt xứ năm mười lăm tuổi thì bà cô Thị Nở cũng chết. Lúc bấy giờ Thị Nở mới đi tìm con của mình. Cả làng chúng tôi càng thêm nghi ngờ cậu là con bà ấy nhưng không biết đâu mà tìm. Hay là cậu đến nhà bà ấy hỏi xem thử vì chúng tôi chỉ đoán bừa chứ không chắc lắm.
Sáng hôm sau, gà gáy te te đánh thức bình minh. Còn thầy thì đã dậy từ lúc nào chả ai rõ nữa. Chỉ thấy tiếng chó sủa càng lúc càng to về phía xa xa khuất sau lũy tre cuối làng. Nhà Thị Nở nằm heo hút ở cuối làng, Thị già rồi, mắt mũi tèm nhèm, tay chân run rẩy, các đầu ngón tay, ngón chân mụn mủ cái đóng vảy, có cái bốc mùi nghe kinh kinh. Thầy nhìn thấy khuôn mặt đen xám ngắt, bề ngang dài hơn bề dài lại hao hao mặt lợn làm thầy cũng thất kinh nhưng đoán ngay Thị Nở. Nhìn thấy thầy đi đến sát cổng nhà mình, Thị Nở chợt tỉnh táo lạ thường. Lần đầu tiên trong đời, người mẹ khốn khổ ấy tỉnh táo, miệng cười nhưng nước mắt rơi. Vài ngọn rau trên tay Thị rơi xuống đất, Thị tiến lại gần nhưng lại lùi về xa, thầy chợt hiểu nổi khổ của người đàn bà. Thị mời thầy vào nhà rồi để cái ghế cách chỗ thị ngồi gần hai mét:
– Con ngồi đi, con đã về rồi ấy à! Mẹ trông con mãi. Sao giờ này con mới về thăm mẹ?
– Căn cứ vào đâu mà bà bảo tôi là con của bà? – Chí muốn dò hỏi bằng giọng cáu gắt.
– Mẹ có ngu dại nhưng mẹ nhìn vẫn nhận ra, con giống bố con y đúc một khuôn. Ngày mẹ đặt con bên lò gạch mẹ có để ý rất kỹ, con có một nốt ruồi to ở giữa lưng, một cái ở dưới ngón cái bàn chân phải và một cái ở đùi.
Nghe Thị Nở kể, thầy chột dạ đích thị là mẹ mình rồi. Nhưng thầy vẫn giận bà mẹ tàn nhẫn của mình rồi gặng hỏi:
– Thế sao năm ấy bà không chịu nuôi tôi mà bỏ tôi?
Ánh mắt ầng ậc nước, Thị Nở nghẹn ngào:
– Mẹ chửa hoang, bố con thì tự sát. Cô thì đánh chửi sợ mang họa, cả làng dị nghị. Lúc ấy trẻ người non dạ suy nghĩ không thông nên đành bỏ con. Mẹ ân hận lắm.
Thầy cũng không muốn đôi co, thấy tay chân Thị Nở lở loét, thầy lớn tiếng hỏi:
– Sao bà không chữa bệnh đi, sao lại để người ra nông nỗi này?
Thị cười hiền từ:
– Bệnh nan y con ạ! Chẳng có thuốc chữa đâu, còn có thể lây cho người khác, con tranh thủ về đi. Ở đây lâu lỡ lây bệnh.
– Tôi muốn hỏi bà một điều nữa.
– Điều gì con cứ hỏi?
– Tôi mắc bệnh nghiện rượu không biết ông cụ hồi ấy có nghiện không?
– Tôi muốn chắc chắn hơn chứ không phải là lời đồn…
– Ông ấy nghiện rượu nặng, con cũng ra đời từ hôm say xỉn của ông ấy.
– Thảo nào…
Thầy từ biệt bà ra về, bóng lưng thầy xa dần. Thị Nở vẫn cố nhìn theo, rồi đi theo bước chân thầy. Trên đường về, lòng thầy ngổn ngang những tâm sự không sao trút hết được. Thầy không biết nên giận hay thương người đàn bà kia, nên bỏ hay nên đem về chăm sóc, nên yêu hay nên hận…Trời gần đứng bóng trưa, nắng càng lúc càng gắt, người thầy cũng nhễ nhại mồ hôi. Thị Nở vô thức theo bước chân thầy từ lúc nào thầy không hay. Đi được một quãng nữa, một đàn chó ở đâu chạy ra hung tợn rượt đuổi đòi cắn thầy. Thầy bỏ chạy giật lùi lại, Thị Nở lại cố sức chạy đến trước mặt đàn chó dữ, cố rít lên một hơi thật to:
– Con chạy đi!
Thầy ngoái cổ lại, hét lớn:
– Bà hãy chạy đi đừng lao ra phía đó nữa! Chạy đi!
Thị Nở thấy đàn chó dữ đang nhăm nhe, có chạy cũng không thoát được. Lấy một cành cây ngang đường khua lên vô định, mùi mủ máu trên người Thị cứ thể bốc lên mãnh liệt, đàn chó càng hăng. Nó bất chấp lao vào cắn Thị. Sức Thị đuối dần, cả làng chạy ra hô hoán mỗi người cầm một thứ vũ khí. Thầy lúc này cũng đang mải mê đuổi những con chó khác. Quay lại nhìn Thị, Thị đã nằm sõng soài trên mặt đất. Dân làng xúm lại đuổi đàn chó đi. Thị chỉ còn hơi thở thoi thóp, ánh mắt đăm đăm nhìn về phía thầy:
– Mẹ rất thương con, mẹ xin lỗi con!
Thầy quỳ sụp xuống, nức nở:
– Mẹ… mẹ ơi!…
Thầy chưa bao giờ nghĩ mình có mẹ và từ biệt mẹ trong hoàn cảnh éo le như vậy. Cả làng giữ lấy tay thầy, không cho thầy chạy lại chỗ Thị vì căn bệnh của Thị có khả năng lây nhiễm rất cao. Thị Nở mỉm cười thanh thản:
– Đời mẹ chưa bao giờ hạnh phúc như hôm nay! Con hãy để mẹ nằm cạnh mộ bố con. Con hãy bỏ rượu đi con. Làm ơn!
Nói rồi Thị Nở nhắm mắt trên môi vẫn còn vương vấn nụ cười mãn nguyện. Tay chân buông thỏng, Thị Nở bước vào một thế giới khác. Có lẽ, thế giới ấy Thị hạnh phúc hơn trong một hình hài mới và thanh thản hơn bao giờ hết. Dân làng cũng cảm thương cho thầy và giúp thầy lo hậu sự cho Thị. Một đống củi thật to được chất lên người Thị, từng can dầu hỏa tưới lên người Thị. Đống lửa bốc cháy dữ dội, sau một ngày cháy ròng rã, Thị chỉ còn là nắm tro. Thầy hốt cốt mẹ đặt trước mộ Chí Phèo nén tiếng thở dài rồi bước đi. Ngay nơi Thị mất, người ta dựng một cái am nhỏ để thờ Thị. Am rất linh thiêng nhưng lạ thay, ai cầu con có con nhưng ai bỏ con đi ngang qua am cứ về nhà là sốt nóng lạnh không sao chữa được. Từ ấy, các cô gái trong làng không ai hoang thai mà dám bỏ con nữa. Những đứa trẻ ra đời dù không có bố vẫn được nuôi dưỡng với bao la tình mẹ, không ai sống đời dật dờ như trước nữa.
Thầy trở về làng cũ dạy học vui vẻ lắng nghe tiếng đọc bài của đám trẻ con. Trong nhà thầy không còn một chai rượu nào nữa, thầy cũng vứt nó đi. Mỗi lần nhớ đến khuôn mặt mẹ lúc từ giã cõi đời, rượu cũng không còn đủ sức làm thầy say. Thầy chợt nhớ đến thần y mù, thầy đến nhà chơi nhưng không khám bệnh nữa. Thần y cười:
– Tôi chả phải thần y như lời đồn, người ta thường say vì cô đơn, vì đau khổ quá nhiều. Tâm an thì cuộc đời an. Tâm tịnh không lụy phiền thì đau buồn nào có thể kéo đến.
Thầy chợt hiểu ra cái huyền cơ đơn giản của thần y mà không quên cảm tạ. Trên đường về nhà, thầy gặp một cô thôn nữ có làn da trắng mơn mởn, đôi mắt biếc, môi đỏ mọng cùng với cái bụng thề lề đang ngồi khóc ở gốc cây. Tiếng chửi bới xéo sắc của người nhà vọng ra, thầy chợt hiểu ra không biết bao nhiêu cơ sự: Xinh đẹp đôi khi cũng là cái tội như thú vật thịt ngon thường bị người ta ăn tàn, giết tận. Thầy đứng lại hỏi han cô gái, bàn tay thầy chìa ra…
LH Uk (3 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 0
Lần sau, H cũng như những người khác, khi H và những bạn Vnkings khác báo lỗi giúp bạn, bạn phải nhấp vào chữ trả lời rồi mới viết bình luận nhé! Còn bạn bình luận riêng của bạn thì H sẽ ko biết mà vào check giúp bạn đâu!
- Thân -
thanhhoa82 Tothi (3 năm trước.)
Level: 3
Số Xu: 47
Mình đã xem và sửa rồi. Mình cảm ơn sự góp ý của bạn rất nhiều!
LH Uk (3 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 0
Bạn sửa các lỗi này nhé!
len lét => len lén
Mẹ...mẹ ơi! => Mẹ... mẹ ơi!