- Sự hòa điệu giữa thơ ca và điện ảnh
- Tác giả: Mạch Yên
- Thể loại:
- Nguồn: Sáng tác
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.290 · Số từ: 1526
- Bình luận: 4 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 9 Ruốc 5 Tiểu Từ Hi Phúc Lương Kỳ Double Vong Mưa Tháng Chín Cát Cát Lạc Y Tép Cưn Troai Saint Eguard
Sự kết hợp thú vị giữa thơ ca và điện ảnh qua việc cảm nhận bài thơ “Em rất vui” của tác giả M. Tsvetaeva trong bộ phim “Số phận trớ trêu”
Mối “lương duyên” giữa văn học và điện ảnh không dừng lại ở việc các nhà làm phim chuyển tải các thiên tiểu thuyết, các truyện ngắn thành tác phẩm điện ảnh mà nó còn được thể hiện ở sự thâm nhập thú vị của thơ ca vào lãnh địa của nghệ thuật thứ bảy. Bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Xô Viết “Số phận trớ trêu” (đạo diễn Eldar Ryazanov) là một trong những tác phẩm điện ảnh dung chứa sự hòa điệu ấy.
Là bộ phim tình cảm hài, “Số phận trớ trêu hay mát mẻ nhé” có cốt truyện xoay quanh cái mà nhiều người gọi là “sự vô hồn” của kiến trúc đô thị thời đại Brezhnev (cuối những năm sáu mươi – những năm bảy mươi): Những địa chỉ giống hệt nhau từng con số từng con chữ, tuy ở hai thành phố khác nhau. Những căn hộ y chang với khóa, với chìa được sản xuất đồng loạt. Và đồng hành với nó là những con người với bao tâm tư, khúc mắc. Bối cảnh xã hội ấy quả là tẻ nhạt, nhưng lại thành một yếu tố gây cười khi vì sự nhầm lẫn trong đêm giao thừa, anh bác sỹ Zenia (Andrey Miagkov) chui nhầm vào… giường của cô giáo dạy văn Nadia (nữ diễn viên Ba Lan Barbara Brylska) trong lúc chủ nhân đang chờ đón Ippolit, vị hôn phu theo hẹn – ấy là một bi kịch. Nhưng thói cả ghen của Ippolit và tính chân thành của Zenia lại đặt Nadia giữa hai thái cực để người đẹp này đi đến sự chọn lựa cuối cùng…
Bộ phim không chỉ hấp dẫn người xem ở một cốt truyện tình cảm lãng mạn và không kém phần bi hài mà nó còn khắc chạm trong cảm thức chúng ta một dấu ấn khó quên khác nữa. Ấy là sự lồng ghép, kết hợp khéo léo các bài thơ (dưới dạng thức các bài hát) vào diễn tiến vận động của phim, vào những biểu hiện xúc cảm, tâm trạng của diễn viên. Rất nhiều bài thơ của các thi sĩ nổi tiếng (Vladimir Kirshon, B. Pasternak, B. Akhmadulina, M. Tsvetaeva) đã một lần nữa khuấy động tâm hồn công chúng khi những thi phẩm ấy hóa thân thành những bản nhạc romance đan cài trong những tình tiết của bô phim này.
Thi phẩm “Em rất vui” của nữ sĩ M. Tsvetaeva đã đi vào trí nghĩ của người viết bằng sự hóa thân ấn tượng ấy. Lời thơ hiện hữu qua giọng hát tha thiết, ngọt ngào nhưng chất chứa đầy tâm sự của nhân vật Nadia. Nó vang lên trong một không gian đặc biệt, một không gian đã vương đọng những xúc cảm, những bối rối, boăn khoăn của hai nhân vật Zenia – Dania. Hoàn cảnh trớ trêu đã gắn kết họ trong một tình cảm trớ trêu. Tình cảm đang dần nảy nở, tình cảm cũng đang đối diện với lý trí. Dường như Nadia đang muốn trốn chạy, muốn phủ định thứ tình cảm đang dần định hình ấy.
Cô đã nương theo bài hát, nương theo điệu thơ để giải tỏa tâm trạng của mình. Nếu cảm nhận “Em rất vui” trong thế độc lập với bộ phim, khi chưa gắn vào lời ca, điệu nhạc thì chúng ta sẽ cảm nhận được những thanh âm hỗn độn trong tình cảm, trong tâm hồn của nhân vật trữ tình. Nhà thơ M. Tsvetaeva đã miêu tả một cách tinh tế, sâu sắc những xáo trộn, mâu thuẫn trong xúc cảm của “em”.
Mở đầu bằng trạng thái “em rất vui vì anh không yêu em” nhưng kết thúc thì “Vì thật tiếc rằng em không yêu anh”, đó là một sự mâu thuẫn mang tính ẩn dụ. Mọi câu chữ, mọi hình ảnh và nhịp điệu thơ đều lắng đọng suy tư, đều hàm chứa trong nó những con sóng lòng nôn nao và xáo trộn. Những trạng thái, những biểu hiện cảm xúc hành động mà chủ thể trữ tình muốn phủ nhận khi không có sự tồn tại tình yêu giữa “em” và “anh” cũng chính là biểu hiện khác đi của một ước vọng tình yêu, của sự trốn chạy, che giấu xúc cảm thật của nhân vật trữ tình.
Bao trùm cả bài thơ vẫn là tâm trạng nuối tiếc, boăn khoăn vì một tình yêu không thể thành hình. Chúng ta cảm nhận được những cung bậc tình cảm phức hợp ấy qua từng câu chữ, qua hình tượng thơ, nhịp điệu thơ. Người đọc có thể thả trôi trí tưởng tượng, thả trôi xúc cảm của mình theo từng vần thơ, “em” có thể là nhà thơ, có thể là chính ta cũng có thể là một ai khác. Những xúc cảm trong thơ vì thế mà rộng hơn sâu hơn, thậm chí khó lý giải được nguồn cơn hơn.
Khi bài thơ được phổ nhạc và xuất hiện trong một tình huống, hoàn cảnh cụ thể trong phim, chúng ta lại có được trải nghiệm mới khi thưởng thức nó. Trong phút bối rối, trong phút giây lửng lơ giữa hai thái cực “yêu” và “không nên yêu” đối với chàng trai chân thật Zenia, “thứ tha” và từ bỏ đối với vị hôn phu ghen tuông Ippolit, Nadia đã tìm đến điệu đàn, lời hát. Lúc này, người xem có thể bắt gặp nét tương đồng trong tâm trạng của nhân vật trong phim với nhân nhật trữ tình trong thơ, xúc cảm tâm trạng thơ đã được khuôn định lại, giới hạn lại.
Kết hợp với tiếng đàn và giọng hát thiết tha, bổng trầm, hình ảnh thơ, xúc cảm thơ trở nên ngân vang hơn, dễ thấu cảm hơn. Nhờ điện ảnh thơ thăng hoa hơn, được biết đến nhiều hơn. Và có những vần thơ ấy, điệu đàn ấy, bộ phim có được những giây phút lãng mạn, những khoảnh khắc lắng đọng để suy tư, để liên kết các tình tiết một cách nhẹ nhàng, sâu sắc hơn.
Kết thúc của bài thơ sẽ tạo độ mở cho sự liên tưởng của độc giả, kết thúc của bài hát độ dư ba ấy lại phụ thuộc vào những diễn biến, tình tiết tiếp theo của bộ phim. Nếu đọc lại bài thơ sau khi đã xem phim, có thể chúng ta sẽ lấy những nhân vật trong phim làm điểm tựa để lý giải những hình tượng, cảm xúc trong thi phẩm ấy. Bộ phim, chính xác hơn là tâm trạng, suy tư của nhân vật trong phim đã đọc giúp ta bài thơ một lần nữa.
Như thế, nếu là đứa con tinh thần chỉ của riêng thi sĩ, thơ sẽ là nơi gửi gắm những cảm xúc, tư tưởng của nhà thơ, là nơi người tiếp nhận tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu trong từng câu chữ nhưng khi thơ xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh, nó sẽ là một phương tiện hữu hiệu để chuyển tải tâm trạng, tình cảm của các nhân vật, là một thủ pháp đắc dụng để biến những tâm sự sâu kín thành lời, để chúng ta có được những trải nghiệm mới lạ khi tiếp cận thi phẩm ở một góc độ khác. Sự đan cài khéo léo các bài thơ vào bộ phim “Số phận trớ trêu” một lần nữa khẳng định mối quan hệ đa chiều và đầy tính sáng tạo giữa văn chương và điện ảnh.
—
Nội dung bài thơ cho bạn nào chưa đọc:
Em rất vui vì anh không yêu em
Em rất vui vì em không yêu anh
Vì chẳng bao giờ trái đất này nặng trĩu
Lại trôi đi dưới gót chúng mình
Em rất vui vì em có thể nực cười
Chẳng cần chơi chữ, và có thể lả lơi
Và nếu như tay áo ta chạm khẽ
Thì em chẳng cần đỏ mặt đến nghẹn lời
Em rất vui vì khi em có mặt
Anh điềm tĩnh ôm một người khác đẹp xinh
Đừng rủa em phải cháy trong địa ngục
Vì người em hôn chẳng phải là anh.
Cả ngày lẫn đêm chẳng bao giờ anh nhắc
Tên em dịu dàng – thật vô ích quá mà
Và chẳng bao giờ trong nhà thờ yên tĩnh
Người ta hát mừng chúng mình “alleluia”
Cám ơn anh, bằng cả trái tim trọn vẹn
Vì dẫu chẳng ngờ, nhưng anh thật yêu em:
Anh chẳng quấy rầy sự yên tĩnh mỗi đêm
Ta chẳng cùng nhau đón hoàng hôn mấy tối
Vì ta không cùng đi dạo dưới trăng thanh
Vì mặt trời chẳng chiếu sáng đôi mình
Vì – thật tiếc rằng – anh không yêu em
Vì – thật tiếc rằng – em không yêu anh.
—
*Những từ nước ngoài trong bài là tên riêng
Mạch Yên
Vong (3 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 15936
Văn chương và điện ảnh
Muốn chuyển thể từ một tác phẩm văn học thành phim thì người làm phim điều tất yếu đầu tiên phải có một cách đọc, cách nhìn, cách phân tích nó và tiếp đó, phim ảnh là cách họ tái hiện lại mà thôi.
Suy cho cùng thì phim chuyển thể là một cách hiểu về tác phẩm văn học.
Nhưng mà ở bài viết này của Mạch Yên, tui thấy "Em rất vui" chỉ là một sự tô điểm cho "Số phận trớ trêu", dùng thơ ca minh họa cho phim ảnh.
(Chưa xem phim, và thơ cũng chỉ vừa mới đọc ở đây thôi! Hihi)
Mạch Yên (3 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 4850
Cảm ơn bạn nhiều, mình sẽ điều chỉnh liền ^^
Phúc Lương (3 năm trước.)
Level: 11
Số Xu: 8589
Câu cuối trước nội dung bài thơ: "Văn Chương vả điện ảnh". Nhầm chữ và và vả rồi nhé.
Phúc Lương (3 năm trước.)
Level: 11
Số Xu: 8589
Như Truyện Kiều hay Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga đều là thơ đã chuyển thể thành phim.