- Bức thư cuối cùng
- Tác giả: Ngỗng Ngông
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.007 · Số từ: 1884
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 1 T H
Nghề giáo viên là một công việc thầm lặng với những chăm lo thầm lặng cho tụi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nhưng không phải ai cũng hiểu được…
Bức thư cuối cùng
Thể loại: Truyện ngắn.
Người viết: Ngỗng Ngông.
Ngày nó trở về ngôi trường này, gió hiu hiu lạnh, tiết trời cũng giống như tâm tư của nó vậy, một mảng trời xám xịt.
Nó không vội vào phòng làm việc mà nhẹ nhàng đi dọc sân trường rồi từ từ qua hành lang, ký ức xưa hiện lên từng chút từng chút một. Đây chính là ngôi trường nó học hồi lớp tám. Nó cũng biết cô giáo chủ nhiệm lớp tám của nó đang ốm rất nặng.
“Nguyên, mày về rồi à? Hiệu trưởng đang đợi mày đó.” Thanh, một trong những người bạn học cùng nó ở ngôi trường này.
“Ừm!” Nó cười nhẹ mặc cho Thanh kéo đi.
“Mày về từ bao giờ thế? Có ở lại đây luôn không?” Thanh hỏi liến thoắng, sau khi nghe xong điện của nó báo là chuyển về trường này dạy Thanh vui mừng khôn xiết. Thanh hồi hộp chờ đợi cùng bao tâm sự ngổn ngang. Mặc dù cùng học cấp hai với nhau lên đại học tình cờ gặp lại, không được nói là bạn thân nhưng cũng có rất nhiều điều muốn nói. “Mày đã đi thăm cô Hòa chưa? Giáo viên chủ nhiệm cũ lớp tám của tụi mình đó, chắc là cô yếu lắm rồi.”
Trong đầu nó một dòng lũ lùa về…
Nhà nó không phải loại khá giả nhưng cũng đủ ăn. Lần ấy, vẫn như mọi lần, bố mẹ nó ra khơi đánh cá. Có điều họ mãi mãi không quay trở về. Hai chị em nó phải về ở với bà ngoại, nhà bà ngoại cũng chả có gì dư giả. Nó vẫn nhớ như in cái ngày nó bước chân vào lớp mới. Giọng nói nhẹ nhàng trầm ấm của cô giáo trung niên vang lên:
“Nguyên, vào đi em. Lớp mình làm quen với bạn mới nha.”
Nó chậm rãi cúi đầu bước vào lớp.
Từ ngày chuyển trường nó thu mình trong vỏ ốc, nó ghét sự châm chọc của bạn bè, ghét cả sự quan tâm giả dối của cô giáo. Mặt nó lúc nào cũng lạnh băng, nó cũng đánh nhau với bạn nhiều lần. Mỗi lần đánh nhau xong nó không hề tỏ vẻ hối lỗi mặc cho cô Hòa – GVCN(1), đã nhiều lần phạt nó quỳ giữa sân trường.
“Nguyên, xin lỗi bạn ngay!” Tiếng cô Hòa lanh lảnh bên tai.
Nó không sai, nó kiên cường ngẩng cao trước lũ bạn chỉ trỏ, thậm chí che miệng cười khúc khích trước mặt nó. Nó cũng không khóc, nhất quyết không rơi giọt lệ nào. Nó ghét những kẻ châm chọc nó, ghét cả cô giáo phạt nó muốn nó phải xấu hổ nhưng còn lâu nó mới cam chịu.
Hằng ngày, ngoài việc học nó còn đi phụ rửa bát cho một quán ăn gần trường, đi nhặt vỏ chai và tranh thủ đi chặt củi nữa. Nhiều lúc nó nghĩ tới bỏ học khi nhìn đứa em gái mới học lớp hai mỏng manh dễ vỡ, còn bà ngoại cũng đã tiều tụy rất nhiều. Hôm đó, sau cơn bão, cây cối ngổn ngang, nó tranh thủ đi chặt củi về, càng chặt càng thấy nhiều, liên tiếp mấy ngày liền không đến lớp. Lúc nó vác bó củi to về nhà:
“A, chị Nguyên về, bà ơi chị Nguyên về rồi!” Bé Nhi, em gái nó, hồn nhiên chạy từ trong nhà ra. “Chị ơi, có bác già già đến tìm chị ý, bác cho Nhi nhiều kẹo lắm nhưng Nhi không ăn chờ chị Nguyên về đó.” Vừa nói Nhi vừa chìa mấy cái kẹo dừa trong lòng bàn tay ra.
“Nhi ngoan cứ ăn đi chị có rồi”. Nó vội lau tay vào quần bê bết bùn rồi xoa đầu em trìu mến. Động tác của nó chợt cứng lại. Giọng nói lạnh băng. “Cô đến đây làm gì?”
“Nguyên, sao em không đi học?” Ánh mắt cô có vẻ gì đó xót xa, đây là lần đầu tiên cô đến nhà nó, có lẽ giờ cũng hiểu được phần nào đứa trẻ này lại ngỗ ngược như vậy. Nhưng ánh mắt đó đối với nó là một loại châm chọc.
“Em bận.” Nó cũng không để ý tới cô giáo mà lấy trong bó củi ra một tổ chim kiếm được khi ở trên núi đưa Nhi.
Cuộc đối thoại nhàm chán đó giống như một bài thuyết giảng: nào là phải đi học, nào là phải phấn đấu, nào là có tương lai… Nói tóm lại nó đồng ý tuần sau sẽ đi học. Cô Hòa thở phào nhẹ nhõm, những tưởng mọi chuyện sẽ yên ổn trở lại.
Vào cái buổi đi học trở lại đó là một bước ngoặt mới của nó. Nó để sẵn con dao trong cặp để khi đi học về dẫn bé Nhi lên đồi chặt củi luôn. Khi đón bé Nhi, nó thấy mấy đứa bạn nó cùng một đám trẻ con vây quanh Nhi reo hò mặc cho con bé gào khóc thảm thiết.
Những tiếng reo hò đó đến bây giờ vẫn không ngừng vang lên trong tâm trí nó: “đồ con hoang!”, “chúng mày là con hoang!”, “lũ con hoang bẩn thỉu!”…
Nó tức giận rút ngay con dao trong cặp vừa chạy vừa hô: “Tao chém chết chúng mày. y. y. y…!!!” nó chém loạn xị về lũ trẻ đó khiến bọn chúng chạy như ong vỡ tổ, có đứa vừa ôm cánh tay bị dao chém trúng, có đứa bị ngã trầy đầu gối vẫn cố lết ra xa hơn… Không biết cô Hòa từ đâu đến giật con dao từ tay nó ra và tát nó một cái. Má nó lằn nên năm ngón tay, mắt nó đỏ ngầu ươn ướt, không phải nó khóc vì đau, mà là tức giận…
…
Cho đến tận bây giờ nó vẫn nhớ cái tát đó, nó nhớ sau ngày đó nó bị đuổi học. Đằng nào cũng là nghỉ học, nếu như hôm đó nó không đi học nữa thì nó vẫn là kẻ chủ động rời khỏi trường chứ không phải là bị đuổi. Nó hận cô Hòa, nó cho rằng tất cả việc này là do cô sắp xếp để nó bị mất mặt, nó biết cô ghét nó vì mỗi lần phạt nó cô chưa bao giờ hỏi lý do tại sao nó làm vậy mà chỉ một mực cho rằng nó sai. Nó nhớ hôm đó bà ngoại nó khóc rất nhiều, bố mẹ những đứa bị nó chém đến chửi bới nhà nó, còn mắng cả bà ngoại nó. Nó muốn xông ra cắn, xé những người kia ra từng mảnh nhưng bà cứ ghì chặt nó lại khóc lóc và luôn miệng xin lỗi.
Nó quyết định không đi học nữa, nhưng bà ngoại không nghe, còn nói không học thì sẽ không bao giờ đổi đời được. Bà nó còn nhấn mạnh có tri thức sẽ được ngẩng cao đầu, không phải khuất phục trước bất kỳ ai. Nhưng với cái học bạ đen như vậy nó không thể xin vào được trường nào cả, có người nói hay cho nó vào trại giáo dưỡng nhưng bà ngoại không nghe nói nó là đứa trẻ ngoan không đáng bị như vậy. Cuối cùng hiệu trưởng trường bổ túc hệ vừa học vừa làm đã gửi thư gọi nó đi học, cánh cửa tương lai một lần nữa mở ra cho nó.
Nó cũng không biết tại sao lại trở về ngôi trường này để dạy, ban đầu nó định xin về trường bổ túc – nơi nhận nó đi học lại, để dạy học, không hiểu sao bên ấy không nhận và rồi nó lại quyết định về đây. Có phải nó cao ngạo muốn cho cô Hòa nhìn thấy nó bây giờ đã ngẩng cao đầu, không còn bị khuất phục trước hình phạt của cô nữa? Hay là về xem dáng vẻ ốm yếu nằm liệt giường của cô? Nó cũng không biết nữa.
…
Sau bốn tháng về đây dạy không có vấn đề gì, học sinh ở đây cũng rất ngoan không nghịch ngợm như thời của nó. Thanh và đồng nghiệp đối xử với nó cũng tốt, ngoại trừ Thanh ra thì không có ai biết nó học trường này và nó cũng không cho phép Thanh nói. Thanh cũng không thắc mắc, chỉ hỏi tại sao nó không đến thăm cô Hòa thôi.
“Sao mày không đi thăm cô Hòa? Cô yếu lắm rồi đấy, cô nhắc tên mày suốt!”
Nó không nói gì chỉ cười nhạt, đó là hối hận của tuổi già ư? Đó là tất cả những gì nó nghĩ.
Ngày cô Hòa mất nó cũng không đến viếng.
Hôm đấy, sau khi từ lễ tang về, có lẽ là sau khi viếng xong, hiệu trưởng gọi Nguyên vào phòng.
“Em có biết vì sao em được đi học lại không?”
“Dạ?” Nó mơ hồ không hiểu ý.
“Là cô Hòa, cô ấy có xin ban giám hiệu nhà trường đừng đình chỉ học em nhưng mọi người không đồng ý, sau đó cô ấy đã nhờ hiệu trưởng trường bổ túc nhận em, cô ấy đã xin tôi nói giúp để bên ấy nhận em nữa!” Bà hiệu trưởng chậm rãi nói và lấy từ trong ngăn kéo ra một bức thư đưa cho nó! “Hiệu trưởng bên ấy không nhận em về dạy và đưa lại lá thư này hy vọng rằng có ngày em sẽ nhận ra tấm lòng của cô Hòa…”
“Gửi Hiệu trưởng.
Tôi biết là viết bức thư này có thừa, lúc nãy chúng ta đã gặp nhau và nói về chuyện này rồi những tôi vẫn thấy canh cánh trong lòng. Có lẽ khi nhìn bản hồ sơ ấy bà cũng không muốn nghe những lời giải thích của tôi, tôi có thể nhìn ra được điều ấy. Chính vì vậy tôi mới mạo muội viết bức thư này hy vọng bà có thể đọc hết nó.
Vâng, lúc trước tôi cũng không hiểu hết về đứa trẻ này, tôi cũng kỳ thị bạo lực học đường thế nên mỗi lần thấy Nguyên đánh nhau tôi đã phạt em ấy rất nghiêm khắc. Nhưng khi biết hoàn cảnh gia đình em ấy, tôi biết mình đã hoàn toàn hiểu sai về đứa trẻ này. Tôi biết vài ba câu không thể thay đổi được gì nhưng tôi mong bà hãy tiếp nhận đứa trẻ này, hãy cho nó cơ hội cuối cùng.
Đứa trẻ này dùng dao đánh thương người không phải thích chém giết hay bạo lực mà do đứa trẻ này có cá tính mạnh mẽ…
…”
Từng dòng chữ mờ dần trong mắt nó, nó không thể đọc tiếp được nữa, nó chạy như bay đến lễ tang. Nó khóc như mưa bên quan tài của cô. Nó hối hận vô cùng nhưng đã muộn mất rồi…
Có lẽ ở một nơi nào đó cô Hòa đang mỉm cười nhìn đứa trẻ ngỗ ngược ngày nào đã trưởng thành, ngày ngày đứng trên bục giảng để nối tiếp sự nghiệp của cô.