“Nhìn qua ánh mắt nụ cười
Làm sao biết được lòng người cạn sâu.”
Trang kéo chăn, hơi thở cũng trở nên nặng nhọc còn hàng lông mày thì nhíu lại khó chịu. Cô lại gặp ác mộng, mấy hôm nay cứ ngủ không yên, trong lòng luôn bồn chồn khiến cho Trang mệt mỏi vô cùng. Hiện tại đã ba giờ sáng, nếu còn không ngủ thì sáng mai chắc chắn không dậy nổi.
“Chị… chị ơi… Em lạnh quá… chị ơi!!!”
“Tùng? Tùng? Em làm sao vậy?”
“Chị ơi… Nó giết em. Nó giấu em ở đây, em lạnh quá…”
Trang nhìn Tùng – em trai mình – da dẻ tím tái, hai mắt trắng dã vô hồn, cả người trần như nhộng đang chỉ vào một chiếc nắp cống. Cô hét lên một tiếng rồi cả người đầm đìa mồ hôi bật dậy. Bạn cùng phòng của Trang cất tiếng ngái ngủ: “Gì vậy mày? Tối rồi ngủ đi! Sáng tao còn đi làm nữa.”
Trang không đáp lời, cô nhìn bầu trời đen đặc không một ánh sao ngoài khung cửa sổ, quyết định tóm lấy điện thoại nhắn cho em trai mình: “Sao hai tuần này mày không gọi cho chị thế?”
.
.
Hoàng trở về phòng trọ, lột cái áo công trường bám đầy bụi bẩn vứt bừa ra sàn rồi làm một điếu thuốc thư giãn sau mười mấy tiếng làm việc mệt đừ. Gã mở tủ lạnh, lầm bầm chửi một câu: “Lại đếch có gì ăn.” Vừa dứt câu thì ngoài cửa có tiếng mở cửa, gã chép miệng đóng sầm tủ lạnh, trở vào phòng chính phì phèo điếu thuốc.
“Mày bớt hút thuốc trong phòng được không? Khói thuốc bám hết vào mùng màn chiếu gối ai mà chịu nổi?”
“Tùng, nhiều lúc tao thấy mày lải nhải như đàn bà vậy!”
“Mày ăn nói kiểu gì đấy? Sống chung thì phải góp ý với nhau chứ? Bao giờ mày sống một mình muốn làm cái quái gì thì làm!”
Tùng bực mình cầm khăn bước vào phòng tắm. Hồi lúc đầu gặp thì thấy gã cũng ổn, nói chuyện cũng đâu ra đó, tuy bằng tuổi nhưng thoáng nhìn có vẻ trải đời hơn. Hoàng là người Hải Phòng gốc, gia đình cũng khá giả còn Tùng quê ở Hà Tĩnh, nhà khó khăn lắm. Chị gái Tùng đang du học bên Hàn, nói là du học chứ thật ra chủ yếu là làm thêm kiếm tiền để sau này về Việt Nam có chút vốn liếng mà làm ăn, lấy chồng sinh con. Hoàng và Tùng gặp nhau ở trung tâm xuất khẩu lao động trên Hà Nội, thoạt đầu hai bên nói chuyện khá ăn rơ với nhau nên cũng quyết định thi cùng một đơn hàng, đi sang Nhật làm thực tập sinh chung một thời điểm.
Nhưng khi ở cùng, mọi vấn đề phát sinh từ đây. Tính cách của cả hai quá đỗi trái ngược nhau. Trong khi Tùng ưa sạch sẽ, chăm chỉ làm việc để sau ba năm về quê có ít vốn xây nhà làm ăn thì Hoàng lại có đời tư lộn xộn hơn. Hóa ra ngày ở Việt Nam, Hoàng hay bài bạc, ăn uống rượu chè, bê tha khắp xóm nên gia đình mới nhất trí tống cổ gã sang Nhật xem như để cuộc đời dạy dỗ thằng nghịch tử này. Thế nhưng Hoàng chẳng những không thay đổi mà ngược lại còn như ngựa đứt dây cương, ăn chơi càng dữ dội hơn. Tiền lương mỗi tháng quá nửa đều nướng sạch vào lô đề, rượu chè bên xứ người.
“Thôi cứ mặc kệ nó. Mạnh ai nấy sống thôi chứ biết sao giờ.”
Tùng tặc lưỡi nghĩ trong bụng như thế. Thực tập sinh chỉ có thời hạn là ba năm mà thôi, hết hạn là phải về nước. Hắn nhẩm tính đến đó chi tiêu tiết kiệm các thứ về cũng có vốn độ tỷ bạc để sửa lại cái nhà, rồi mở cái quán ăn kha khá kinh doanh các thứ. Tùng nhìn ghi chú trên điện thoại nhắc nhở mai là ngày gửi tiền về Việt Nam mà mỉm cười. Mới bước ra khỏi phòng tắm thì Hoàng đã đứng ngoài cửa chờ sẵn.
“Tùng, tao… tao cần tiền gấp. Mày cho tao mượn 8 lá* đi.”
Tùng trố mắt có chút bất ngờ: “Ủa? Mình mới lãnh lương chưa được hai tuần mà? Mày tiêu tiền kinh thế?”
“Ờ thì… Có cho mượn không mà nói lắm thế? Cho mượn có tí tiền mà mày cằn nhằn khác đếch gì bà già tao đâu!”
Hoàng bắt đầu trách móc ngược lại. Nếu không vì gã nợ tay xã hội đen kia, vừa lãnh lương cầm chưa nóng tay đã phải trả lãi, còn phải dành tiền gỡ gạc vài ván thì cũng chẳng cần mượn cái thằng chết nhát này làm gì.
“Ừ, thôi tao cho mượn. Mà 8 man thì tao không có đâu. 5 man thì được.”
Hắn cũng chẳng muốn mất hòa khí trong phòng, anh em đồng hương cùng là người Việt Nam với nhau có khó khăn thì phải giúp đỡ chứ không thể trơ mắt đứng nhìn được. Nhưng Hoàng có vẻ hơi bất mãn: “Không muốn cho mượn thì cứ nói thẳng chứ đừng có làm thái độ như thế!!!”
“Thằng này mày lạ. Lương tao bao nhiêu chẳng lẽ mày không biết?! Mai tao còn phải ra ngân hàng gửi tiền về Việt Nam nữa nên làm gì có dư.” Tùng dù rất giận trong lòng nhưng vẫn cố gắng dịu giọng giải thích. Hoàng xua tay bảo: “Ừ, thôi có nhiêu thì hay bấy nhiêu.”
Hoàng khoác áo, xỏ dép định đi ra ngoài thì Tùng hỏi với theo: “Mày không tắm à?”
“Tao đi công chuyện.”
.
.
Tại nhà anh Hùng – một đàn anh đã qua Nhật trước Hoàng hai năm, hai anh em cùng là người Hải Phòng nên khá quý nhau, Hoàng làm vài lon bia rồi kể việc của Tùng. Sau một hồi kể lể, gã chốt lại bằng một câu: “Nói chung em chán cái thằng đó anh à. Kiểu này hai anh em khó sống với nhau đến hết ba năm lắm.”
Hùng vỗ đùi cái đét, cau mày: “Chú phải dữ dằn lên đừng có hiền quá. Dân Hải Phòng là không có lòng vòng. Nó nợ tiền chú thì nó phải trả chứ?!”
“Thôi anh ạ. Cũng anh em Việt Nam với nhau, đói no hỗ trợ một chút. Tại dạo này em kẹt quá nên mới xin lại tiền cho thằng Tùng mượn, không ngờ nó đòi mách nghiệp đoàn*.”
“Cho nó mách! Chú nói làm anh tức quá Hoàng ạ, tí anh sang nói chuyện phải trái với nó. Bắt nó ói ra tiền đã nợ chú thì thôi.”
Hoàng cụp mắt, cất giọng buồn buồn khuyên giải Hùng: “Đừng anh ơi, làm thế anh em không nhìn mặt nhau được. Cứ để thư thư cho nó mấy hôm cũng được.”
Nhìn thấy Hoàng mặt mũi nám đen nám đỏ bởi nắng gió nơi công trường, tóc tai xơ xác còn chân tay thì chai sần, khác xa điệu bộ công tử đất Cảng hồi mới sang mà Hùng thấy xót cho cái phận cu li nơi xứ người. Trong công ty trên dưới chưa tới hai chục người Việt Nam, lúc đăng ký sang Nhật thì môi giới nói ngon nói ngọt nào là môi trường sạch sẽ, lương tháng trăm triệu, trừ ăn uống sinh hoạt đi cũng còn dư năm, sáu chục triệu các thứ, rồi làm ba năm vừa có tiền vừa giỏi tiếng Nhật, đi ba năm thôi là về xây nhà mới, mua ô tô các kiểu… Nước Nhật trong trí óc của những con người cháy bỏng ước mơ khi đó là một màu hồng rực rỡ, sáng tươi. Nhưng khi đến nơi rồi họ mới nhận ra tất cả chỉ là cái bánh vẽ, đối diện với họ là sự kỳ thị và ghét bỏ của người bản địa cùng quay quắt nỗi nhớ nhà. Mùa Xuân sương lạnh trên những tán anh đào, mùa Hè nóng hầm hập như chiếc lò nung, mùa Thu gió lướt qua trên mái nhà cùng mùa Đông tuyết phủ trắng xóa, bọn họ đều phải đến công trường làm việc mười mấy tiếng một ngày. Lương thấp, cực nhọc, lại bị ghét bỏ, người Việt chỉ có thể tìm chút ấm áp nơi đồng hương, bạn bè. Hùng thở dài, lấy trong túi ra 3 man nhăn nhúm, dính bụi bẩn đầy ra đưa cho Hoàng:
“Anh không có nhiều. Sắp về rồi nên phía công ty họ cũng giảm lịch làm của anh, nhưng anh phụ chú 3 man này, chú mang về gửi cho gia đình để chữa bệnh cho mẹ đi.”
Vài ba lon bia, ăn một bữa no căng và đút túi 3 man xong Hoàng ung dung trở về phòng. Trong lòng gã hết sức hào hứng, tự thán phục tài năng diễn xuất của bản thân. Cũng chẳng biết do hắn diễn giỏi hay do ông Hùng đó ngây thơ nữa, mà cho dù vì lý do gì thì miễn có tiền trong túi là được hết. Hoàng vào nhà, liếc thấy Tùng đang gọi về cho chị gái, lẩm bẩm trong miệng câu gì không rõ rồi trèo lên gác ngủ mất. Tùng nói lớn nhắc nhở: “Mày chưa tắm mà lên giường hả Hoàng?”
Hoàng không quan tâm, vùi vào chăn ấm nói thầm: “Đàn ông chứ có phải đàn bà đếch đâu…”
Giờ nghỉ trưa, Tùng quay sang anh Hùng mỉm cười: “Anh Hùng, tí nữa ra combini mua gì ăn không? Nay em lười làm cơm hộp mang theo.”
Trái ngược với sự niềm nở hằng ngày, Hùng liếc nhìn một cái rồi lạnh nhạt đáp: “Thôi, mày tự đi đi.” Dứt câu thì quay sang gọi Hoàng: “Hoàng, đi hút thuốc với anh!”
“Vâng.” Hoàng tháo bao tay, rút gói thuốc lá trong túi hộp rồi nở nụ cười ẩn ý với Tùng. Gã hất mặt lên trời, vênh váo đi ngang qua Tùng đang nhìn theo ngơ ngác chưa hiểu gì.
“Hình như anh Hùng giận mình cái gì thế nhỉ?”
Nhưng tiếng thúc giục của người Nhật lại vang lên bên tai kéo tâm trí của Tùng quay về với guồng quay công việc bận rộn. Những lúc mệt mỏi, sắp gục ngã đến nơi thì hắn lại nhớ đến gương mặt hốc hác của chị gái, nhớ cả ánh mắt mệt mỏi của mẹ cùng bàn tay chai sạn của cha, tất cả những điều đó chính là nguồn động lực vô hình cho sự cố gắng của Tùng. Hắn còn tưởng là do anh Hùng mệt mỏi, còn thằng Hoàng thì lúc nào chả câng câng như thế nên không đề cập đến. Nhưng liên tục mấy ngày sau đó, không chỉ anh Hùng mà hầu như toàn bộ người Việt làm cùng đều tìm cách tránh né cũng như ném những cái nhìn không mấy thiện cảm về phía hắn. Giờ đây Tùng mới cảm thấy có gì đó không ổn. Tùng gặng hỏi một người Việt làm cùng: “Mọi người có gì giấu tôi đúng không?”
“Chú thì kinh rồi. Ai dám làm gì chú.” Đối phương nói đểu, câu từ mang đầy ẩn ý khiến cho Tùng khó chịu thêm:
“Là có ý gì thì nói huỵch toẹt ra đi. Nói lòng vòng như vậy ai mà hiểu chuyện gì.”
Hóa ra là do Hoàng đến mách với anh Hùng rằng hắn mượn tiền của Hoàng, nhưng dây dưa mãi không trả. Đã thế lại còn hay uy hiếp Hoàng, hơi tí đòi đi báo cáo với nghiệp đoàn. Hoàng cũng vì miếng cơm manh áo nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt, chỉ có thể đem ấm ức này đi kể với anh Hùng.
“Thằng Hoàng, sao mày bịa chuyện như thế hả?”
Lần đầu tiên Tùng trở về nhà mà tức điên lên như thế. Bình thường đều phải bỏ giày bẩn ngoài cửa, rửa chân sạch sẽ rồi mới đi vào phòng chính nhưng hôm nay thì mang giày vào phòng luôn. Hoàng phì phèo điếu thuốc, cất giọng bố đời:
“Tao bịa cái gì?”
Tùng đem lời nói khi nãy vừa nghe được từ anh bạn làm cùng kể lại y như đúc để chất vấn Hoàng. Hắn còn tưởng gã sẽ chối đây đẩy vì ít nhiều gì cả hai cũng biết Tùng chưa từng mượn tiền gã, ngược lại ngày ngày vẫn luôn phải chịu đựng lối sống bê bối của Hoàng. Nhưng Hoàng không thèm chối, hắn phả một làn khói vào không trung:
“Ừ. Tao nói đấy. Rồi sao? Mày định làm gì tao? Tao nói rồi, mày còn non lắm Tùng à, đừng có lên mặt dạy thằng này cách sống hiểu chưa.”
Trong phòng vang lên tiếng cãi vã rất lớn, gần cả tiếng đồng hồ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng căng thẳng. Mãi cho đến khi Hoàng đùng đùng khoác áo đi ra khỏi nhà thì căn phòng mới quay trở lại sự yên tĩnh trước đây. Tùng thở dài, có khi hắn phải tính tới chuyện đổi phòng ở ghép thôi, chứ ở với thằng Hoàng cứ dăm ba bữa lại có một vụ xích mích thế này thật là mệt mỏi.
Quá nửa đêm, khi căn phòng chìm trong bóng tối cùng tiếng thở đều đều của người ngủ trên gác, gã trở về với chai rượu uống dở trên tay. Gã đã uống liền tù tì năm chai rượu mà vẫn chưa nuốt trôi cơn tức này. Ở Việt Nam, gã đã bị gia đình xem là bất tài mới tống cổ sang Nhật. Nào ngờ sang tận đây lại ở chung phòng với Tùng. Tùng chăm chỉ bao nhiêu càng khiến gã thấy bản thân vô dụng bấy nhiêu. Gã thử lao vào cá độ, lô đề với giấc mơ đổi đời sau một đêm, nhưng mãi không thành. Giàu có đâu chưa thấy, chỉ thấy mỗi tháng phải vay đầu này đắp vào đầu kia để trả tiền lãi. Cũng may bình thường Hoàng trông có vẻ hiền lành, hay qua lại chào hỏi với đồng nghiệp làm cùng chứ không ru rú biết thân mình như Tùng nên mọi người có vẻ quý mến và tin tưởng gã. Vậy mà giờ mọi chuyện đã đổ bể, Tùng vừa đi nói khắp nơi về việc gã mượn tiền Tùng, hút thuốc trong nhà và thói quen sinh hoạt không tốt khiến cho mọi người như kiểu xa lánh gã. Đến anh Hùng cùng quê, luôn coi gã như anh em trong nhà nay cũng nhắn tin đòi lại tiền.
“Mày về rồi à? Ngủ đi… sáng đi làm sớm nữa.”
Tùng ti hí mắt nhìn thấy bóng dáng Hoàng chập chờn trước mắt nên tốt bụng nhắc nhở, còn biết điều nằm nép qua một bên để Hoàng có chỗ ngủ. Nhưng gã không động đậy, bàn tay lăm lăm siết chặt chai thủy tinh, hai nửa linh hồn như đang đấu đá quyết liệt với nhau. Tùng thấy có gì đó lạ lạ nên toan ngồi dậy xem xét, cùng lúc đó Hoàng hạ quyết tâm giơ chai thủy tinh bổ một phát trí mạng vào đầu Tùng.
“Cho mày chết! Tao cho mày chết! Thứ khốn nạn, mày mà cũng muốn lên mặt dạy đời tao! Tao cho mày chết! Chết đi!!!!!!”
Tùng ban đầu chống cự nhưng không thể chống lại một kẻ đã bị rượu làm cho mụ mị đầu óc. Toàn bộ tâm trí Hoàng bây giờ chỉ có sự thù ghét đối với Tùng, gã chỉ muốn cho Tùng một bài học để hắn thôi cằn nhằn gã nữa. Tiếng thủy tinh chạm vào xương người vang lên âm thanh chát chúa như thể búa gõ vào đá, tiếng người kêu lên ú ớ rồi im bặt trong màn đêm thanh tĩnh. Máu đỏ tươi thấm vào chiếc chăn bông dày cộm, chai thủy tinh với những mảnh vỡ li ti găm trên da thịt. Cho đến tận lúc lìa đời, Tùng vẫn mở trừng mắt nhìn về gã, mồm há ra như muốn kêu lên, da thịt lạnh dần chỉ còn máu tươi là ấm nóng. Rất nhanh sau đó, máu bắt đầu có mùi tanh, người bạn cùng phòng đã không còn cử động nữa. Tay gã run lên không biết vì dùng sức quá nhiều hay vì sợ hãi.
Cho đến khi men rượu đi qua, gã mới ý thức được mình đã giết người rồi. Nhưng gã không mấy sợ hãi mà rút điếu thuốc lá làm mấy hơi cho bình tĩnh lại. Giờ phải nghĩ cách làm sao để xử lý êm xui cái xác này. Gã dập điếu thuốc, để xác Tùng vào hai lớp chăn bông thật dày rồi cuộn lại, đem xuống nhà chính. Trong nhà có một ngăn đông lớn dưới sàn để chưa đồ đông lạnh, rượu bia các thứ, kích thước vừa hay đủ nhét một người lớn vào đó. Gã nhanh trí nạo hết đá đông trong tủ lạnh nhét xung quanh cái xác chờ cơ hội tốt để còn phi tang. Sau đó gã dùng cồn cực mạnh chùi sạch vết máu, đốt thuốc lá để át đi mùi tanh tưởi của cái xác. Xác định căn phòng không có gì bất thường, gã đóng lại ngăn đông, điềm tĩnh leo lên gác chìm vào giấc ngủ không mộng mị.
“Ơ? Nay thằng Tùng không đi làm ư?” Anh Hùng liếc nhìn một lượt rồi hỏi. Hoàng đang leo lên giàn giáo cũng cố trả lời: “Tối qua nó đi đâu đó, đến sáng vẫn chưa thấy về. Chắc nó sang nhà ai ngủ nhờ rồi.”
“Ừ. Nãy ông Hikosaka mới hỏi anh sao Tùng nghỉ. Anh trả lời anh đâu có biết.”
“Em cũng chẳng biết nữa. Nó đi đâu mà mang chăn, mang cả hộ chiếu các thứ đi í.” Hoàng cúi đầu, mồm vẫn nói nhưng mắt lại láo liên. Hùng nghe xong liền trừng mắt: “Gì cơ? Nó mang chăn và hộ chiếu luôn á?”
“Vâng.”
“Mẹ nó! Vậy là nó đi bộ đội* rồi.” Anh Hùng tức tối ném cái xô xuống đất cái bịch. Hoàng chỉ cười cười:
“Chắc thế anh à. Thôi kệ nó đi. Chắc nó muốn kiếm nhiều hơn chứ làm ở đây biết bao giờ đủ xây cái nhà anh ơi!” Thực ra gã chỉ muốn ông Hùng này bớt bao đồng để còn có dịp giấu cái xác. Chứ ông ấy mà báo lên công ty, nghiệp đoàn thì có khi cảnh sát sẽ lôi gã đến hỏi han các thứ phiền phức lắm.
“Chú chỉ được cái bao che. Khổ thì ai chẳng khổ? Anh đây còn vợ còn con nhỏ mà có làm chuyện xấu mặt như nó đâu. Vì tiền mà bôi tro trét trấu vào danh dự của người Việt, cái thứ khốn nạn!”
Hoàng cười cười, leo lên giàn giáo bỏ mặc anh Hùng đang đứng đó tức tối, muốn báo cho công ty cũng không nỡ báo cáo vì sợ bị bảo người Việt lại hãm hại người Việt. Một ngày mệt nhọc trôi qua, Hoàng về nhà tắm rửa, ăn uống, tận hưởng cuộc sống thanh bình khi không có thằng bạn cùng phòng suốt ngày lải nhải bên tai làm phiền. Gã đưa mắt nhìn ngăn đông, thoáng nhớ lại thái độ của Hùng nên gã bắt đầu nghĩ đến chuyện phi tang cái xác.
Hơn một giờ sáng, xung quanh lạnh lẽo và đìu hiu chỉ có tiếng gió xào xạc trên những tán cây. Gã mặc áo khoác da màu đen, đeo khẩu trang cũng màu đen nốt, hai mắt liên tục đảo xung quanh để quan sát. Gã xác định tứ phía không có người nên mới lôi xác người trần truồng được bọc trong chăn lớn đến gần nắp cống. Gã lấy xà beng cạy nắp cống lên rồi đem cái xác xuống cống. Để che đậy, gã khôn khéo dùng vải lưới màu đen phủ lên cái xác. Sang năm gã sẽ xin công ty về nước sớm, tới lúc đó cho dù có bị phát hiện thì cũng không làm gì được gã nữa. Hoàng kê lại nắp cống, mang chăn về nhà giặt sạch rồi bỏ vào túi để sáng mai vứt đi.
Chiều hôm đó cảnh sát đến phòng của gã để điều tra về việc Tùng bỏ trốn. Hoàng lại khoác lên dáng vẻ hiền như cục đất để trả lời cảnh sát:
“Tôi với Tùng khá thân nhau, từ hồi ở Việt Nam cơ. Nhưng sau đó Tùng hay mượn tiền tôi, hai chúng tôi cũng hay cãi nhau về vấn đề dọn dẹp, ăn uống nhưng không có mâu thuẫn gì quá lớn. Cho đến hồi tuần trước tôi kẹt tiền nên mới xin Tùng trả lại tiền đã mượn thì nó cáu giận, mắng nhiếc tôi sau đó tôi đi ra combini uống chút rượu cho khuây khỏa. Đến lúc về thì tôi không thấy nó đâu nữa.” Gã chỉ vào tủ đồ góc kia bảo tiếp: “Nó mang theo hai cái chăn, tiền bạc và giấy tờ tùy thân. Còn quần áo thì vẫn ở nguyên đó.”
Qua lời khai cũng như kiểm tra sơ lược thì cảnh sát dự đoán rất có thể Tùng đã chọn con đường cư trú bất hợp pháp. Câu chuyện dần lắng xuống cho đến khi Trang – chị gái của Tùng vào cộng đồng Việt Nhật lu loa lên về việc không liên lạc được với em trai mình hơn hai tuần nay.
Bình luận thứ nhất: Có khi lại đi bộ đội rồi.
Bình luận thứ hai: Chả sao đâu chị gái ơi, có khi nó lên đồn ngồi rồi. Người Việt bên này toàn thế.
Bình luận thứ ba: Ê! Ông đừng có vơ đũa cả nắm nhé.
Trang đi làm nhưng tay cứ lăm lăm cái điện thoại, đọc không sót một bình luận nào chỉ hy vọng tìm được tung tích em mình, bởi giấc mơ đó cứ ám ảnh cô mãi không thôi. Một người sống sờ sờ như thế làm sao báo mộng kinh dị vậy được. Nhưng ngày trôi qua ngày vẫn chẳng có thông tin gì, cô chủ động cũng không liên lạc được với em trai mình. Em trai cô rất thương và nhớ gia đình, bận rộn mấy thì nó cũng nhắn vài tin chứ không bao giờ im lặng như thế được.
“Chẳng lẽ… nó thật sự gặp chuyện không may rồi ư?”
Bình thường, Tùng tuy ít nói nhưng chăm chỉ nên ông Hikosaka khá thương Tùng. Việc Tùng bỏ trốn như thế khiến ông có chút không tin. Hikosaka hỏi Hùng: “Thằng Tùng nó trốn thật ư? Bình thường nó làm chăm chỉ thế cơ mà?”
Hùng tặc lưỡi: “Có khi bình thường nó làm bộ làm tịch, giờ mới lộ cái mặt nó ra.” Hùng vẫn cay cú thay thằng Hoàng và khó chịu khi biết tin Tùng đi bộ đội, làm xấu mặt người Việt Nam như thế. Hikosaka bảo:
“Hôm trước nó còn rủ tao cuối tháng này đi ăn thịt nướng, làm sao nó lại bỏ đi được? Thế nhà nó không hỏi han gì sao?”
“Thì nghe bảo chị gái nó lên mạng hỏi tại sao không liên lạc được với nó í. Có khi giờ nó chui trong cái xó nào để làm rồi, chẳng quan tâm tới mấy chuyện này nữa đâu. Đúng là thứ ích kỷ, chỉ biết mỗi thân mình.”
“Chị gái mà nó cũng không liên lạc ư?”
Ông Hikosaka nheo mắt, có vẻ như ông đang suy nghĩ về việc gì đó. Bình thường Tùng chăm chỉ, dù thời tiết nắng gắt hay mưa giông thì Tùng vẫn chưa bao giờ đi muộn hay lười nhác. Một người như thế lại lặng lẽ trốn đi ư?
Ở bên Hàn, Trang gọi về Việt Nam khóc hết nước mắt, bởi cô có linh cảm rất xấu. Giấc mơ Tùng trở về nằm co ro bên nắp cống, giương đôi mắt trắng dã vô hồn nhìn cô như có ngàn điều muốn nói. Dường như Trang đã thoáng hiểu ra được điều gì đó nhưng cô không dám tin. Sống phải thấy người, chết phải thấy xác, không thể nói em trai cô bỏ trốn các thứ nên không liên lạc với cô được.
Hai tuần sau đó, Trang vẫn không bỏ cuộc mà cầu xin khắp các diễn đàn lớn nhỏ chỉ muốn có chút thông tin về em trai mình. Cuối cùng cô cũng liên hệ được với một người. Người này hiện đang làm công tác phiên dịch cho nghiệp đoàn, người đó sẵn sàng giúp cô tìm được tin tức về Tùng. Trang kể tường tận giấc mơ kỳ lạ đó cho người phiên dịch, chuyện liền tới tai Hikosaka. Ông đánh liều chạy ra đồn cảnh sát báo rằng có người bị giết rồi giấu xác dưới cống.
.
.
Ting tong.
Gã lồm cồm bò dậy, trong nhà toàn là quần áo bẩn mấy tuần liền chưa giặt, đã thế còn tàn thuốc lá vương vãi khắp sàn nhà. Vắng bóng Tùng, căn phòng trọ nhỏ bốc mùi ẩm mốc, bừa bãi như một chiến trường vậy. Hôm nay là ngày hiếm hoi trong tháng Hoàng được nghỉ nên gã hơi cáu vì bị làm phiền vào buổi sáng.
Nào ngờ khi mở cửa ra đã thấy cảnh sát, nghiệp đoàn cùng giám đốc công ty mặt mũi ai nấy đằng đằng sát khí đứng chờ sẵn. Viên cảnh sát lên tiếng: “Chào anh. Chúng tôi tìm thấy xác của Tùng – bạn cùng phòng của anh. Mời anh theo chúng tôi về đồn.”
Gã không run không sợ, chỉ nhếch mép cười: “Tìm được nó rồi à? Sao tìm được nó thế?”
.
.
Xác em được đưa về quê nhờ có hảo tâm ủng hộ của nhiều mạnh thường quân xa xứ, cuối cùng em cũng được về cạnh gia đình. Gia tài của em chỉ có một quyển sổ tiết kiệm gần ba trăm triệu mà em tích cóp được trong thời gian làm lụng bên Nhật, kèm đó là quyển sổ thu chi với những dòng chữ viết vội: Gửi 3 man cho u sắm quà Tết; Gửi 4 man cho nhà mua điều hòa…
Gia đình Tùng thuần nông, quanh năm vất vả với ruộng đồng nên họ vay mượn để con cái đi nước ngoài kiếm chút vốn liếng làm ăn. Cô chị đi Hàn còn em trai thì đi Nhật, hai chị em còn tính sau này sẽ về xây lại nhà mới khang trang cho bố mẹ, mở hàng quán nho nhỏ gì đấy để có đồng ra đồng vào. Nhưng giấc mơ đấy mãi mãi sẽ dang dở vì Tùng đã ra đi. Nhà treo khăn tang trắng muốt cùng tiếng kèn trống đau thương, mẹ em khóc mờ cả mắt, tay cha em run lên bần bật nhìn linh cữu con trai. Ngày ra đi em mang theo hy vọng cùng giấc mơ đổi đời, em vẫn luôn chăm chỉ, luôn không ngừng cố gắng nhưng chỉ vì một phút để rượu bia khống chế mà kẻ đó nhẫn tâm cướp đi sinh mạng của em, để người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh, để gia đình nghèo mất đi một trụ cột hy vọng của tương lai.
Người trong làng xì xầm với nhau: “Tội nghiệp, nghe bảo thằng nhỏ cũng chăm làm, mà gặp thằng cùng phòng nó ác quá.”
“Ừ. Nó giết rồi nó giấu xác xuống cống cả tháng trời, thằng nhỏ về báo mộng cho chị mấy lần liền mới tìm được xác.”
“Cái thằng đấy phải chết mấy lần mới đền được tội.”
“Chết chóc gì. Bà không cập nhật thông tin sao? Thằng đó gia đình cũng là giang hồ đất cảng, Nhật nó không xử, chỉ đưa về Việt Nam thôi. Giờ nhà thằng đó lo lót các thứ, nghe bảo là chọn nhảy tàu* để cho qua chuyện đấy.”
“Bởi ta nói muôn đời không thể nào đấu với người giàu được.”
.
.
Gã bị giải về Việt Nam nhưng mặt cứ câng câng lên, không có vẻ gì là ăn năn hối lỗi cả. Gia đình biết chuyện cũng nói lên nói xuống, nhưng cha của gã chỉ biết thở dài:
“Dẫu vậy nhưng không thể để nó đi tù được! Nhà có mỗi một thằng con trai, mà đi tù vì tội giết người thì bao giờ mới ra được.”
Mẹ của gã nước mắt ngắn nước mắt dài, biết là có lỗi nhưng họ không còn cách nào khác. Người chết cũng đã chết rồi, quan trọng là người sống. Bà chỉ còn biết gật gù: “Ừ thì cũng biết sao giờ, tôi sẽ gửi họ tiền đền bù. Còn thằng con mình, ông bảo nó theo bọn tàu sang Châu Âu í. Đi tầm ba bốn năm hẵng về.”
“Thì giờ chỉ còn cách này thôi.”
Mẹ Tùng ban đầu không nhận tiền, chỉ muốn đòi lại công lý cho con trai mình. Thế nhưng vì một câu nói mà bà ngậm ngùi nghĩ lại: “Người cũng đã chết rồi. Chỉ cần bà đừng làm to chuyện này, cứ để nó lắng xuống thì nợ nhà bà cũng giải quyết được. Việc gì phải lôi nhau ra tòa như thế?! Giằng co như vậy người thiệt chỉ là gia đình bà thôi.” Ừ, nhà họ nghèo. Bây giờ con trai cũng mất chỉ còn mỗi đứa con gái với hai ông bà già thôi. Người thì mất mà tiền nợ cứ lãi mẹ rồi lãi con khiến bọn họ chẳng biết phải làm sao? Trong vô thức, mẹ của Tùng đã cầm lấy xấp phong bì dày cộm kia, đôi mắt buồn rười rượi bởi tiền bà đang cầm chính là tiền đổi từ mạng sống của con trai bà.
“Chào bà tôi về. Thành thật xin lỗi gia đình.”
Người phụ nữ đó bước vào trong xe hơi, chiếc xe lăn bánh trên con đường đất, dần dần khuất xa trong màu nắng chiều rực đỏ. Gió thổi qua cánh đồng lúa xanh rì, không gian chìm trong tĩnh lặng chỉ có tiếng quạ kêu lên đau đớn đến xé lòng.
***Chú thích:
*Lá: Tiếng lóng dùng để chỉ đơn vị Man yên. 1 man yên tương đương 2 triệu VNĐ.
*Nghiệp đoàn: Là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động ở Nhật Bản. Khi các doanh nghiệp Nhật Bản muốn tuyển dụng lao động nước ngoài sẽ gửi thông tin đến nghiệp đoàn địa phương và mọi quá trình tuyển dụng sẽ đều thông qua nghiệp đoàn này. Nghiệp đoàn và các doanh nghiệp sẽ trao đổi các tiêu chí tuyển chọn lao động để thống nhất thông tin tuyển dụng và gửi đến các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Việt Nam. Như vậy, thực tập sinh khi sang làm việc tại Nhật Bản sẽ đều phải thông qua nghiệp đoàn.
*Đi bộ đội: Tiếng lóng chỉ việc đang đi làm/đi học nhưng lại trốn ra ngoài để đi làm chui, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.
*Nhảy tàu: Chỉ việc theo tàu chở hàng đi các nước. Có chút tương đồng với “thuyền nhân” hồi năm 1978-1979.
Nguyễn Hương (2 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4341
Tác phẩm lôi cuốn người đọc ạ
Thanh Diep (3 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 11578
Thanh Diep (3 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 11578
Chúc bạn càng ngày có nhiều tác phẩm hay hơn và thành công hơn nữa nhé =w=
Fan Mặc Vũ (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 239
Trình viết cao quá. Vỗ tay.................
Yên Song Niệm Ca (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 0
Đoạn này bạn gõ nhầm tên Tùng thành Hoàng rồi.
Đoạn này bạn gõ nhầm tên Tùng thành Hoàng rồi.
Nam Ly (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 2983
Tại mình đang tham gia hội viết truyện ngắn nên mới chăm viết thế. Chứ hồi trước cả năm mới ra được một chương. Mà viết truyện ngắn thì khó với mình, vì mình quen viết lê thê rồi.
Nam Ly (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 2983
Cảm ơn bạn đã đọc và dành thời gian bình luận nha. Yêu thương <3
Nam Ly (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 2983
Ha ha, mình thấy bạn là mình rep liền á. Có người đón đọc truyện ngắn của mình như thế mình vui dữ lắm <3
Tran Tam (4 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 7476
Ùng hộ tác giả và tác phẩm của bạn!
Nam Ly (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 2983
Cảm ơn bạn đã ủng hộ mình nha. Yêu thương ❤️