Loại đầu tiên là những người luôn lạc quan yêu đời, sống một cách sôi động và biết tận hưởng tuổi trẻ, tận hưởng thanh xuân của mình một cách trọn vẹn nhất. Loại người này thường rất cởi mở, dễ giao tiếp, không suy nghĩ sâu sắc và để bụng lâu cơn tức giận, họ hầu như chỉ xem tất cả mọi thứ đã rơi vào quá khứ, không nên để ý đến chúng nhiều làm gì. Đặc biệt họ rất hiền lành và ngây thơ, chẳng biết ranh ma đi lợi dụng người khác, họ buồn khi thấy một ai đó gặp chuyện bất lợi và thường xuyên tìm cách an ủi.
Chắc chắn một điều rằng tôi không thuộc loại người dễ thương như trên đâu, tôi thuộc về loại người thứ hai.
Tôi sinh ra từ bé đã không được hưởng một tuổi thơ trọn vẹn như bao người khác – khi những đứa trẻ ngây ngô kia tung tăng vui đùa cùng bạn bè, cùng hàn thuyên linh tinh mọi thứ trên trời dưới biển thì tôi lại phải gắng gượng, bật dậy để đấu tranh với căn bệnh nguy hiểm mà ai cũng không mong muốn – “trầm cảm”.
Tôi đã từng thuộc loại người dễ thương như thứ nhất trong suốt quãng thời gian Tiểu học của mình – cho đến lớp năm. Ngay khi tôi bước chân đến trường Trung học cơ sở, rất nhiều thứ đã thay đổi, chúng như một vết mực đen ố bẩn trên trang giấy trắng, đau đớn hơn, người cố tình để giọt mực chảy ròng ròng xuống trang giấy trắng lại là những người tôi hết mực tin tưởng và quý trọng – gia đình, bạn bè.
Khi tôi lên cấp hai, hoàn cảnh gia đình bắt đầu có sự suy sụp, cả bố và mẹ đều quay cuồng từ sáng đến tối với những việc làm căng thẳng và nặng nhọc, phải đối mặt với đồng nghiệp xấu, đối mặt với nhiều thứ đắng ngắt của cuộc sống mà tôi – một đứa trẻ còn chưa thể hiểu hết được. Tôi rất thông cảm mỗi lần họ cáu gắt vô cớ và luôn lôi những từ ngữ xúc phạm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý để chửi tôi. Vì họ quá căng thẳng và áp lực với công việc, họ luôn phải kìm nén cảm xúc. Nhưng dù những lời nói đó không có ý độc ác thì chúng vẫn luôn chiếm trọn một góc tâm hồn tôi như thể nó là một phần chẳng thể tách rời được – chúng là vết sẹo cuộc đời.
Khi tôi lên cấp hai, tôi đã thực sự hiểu được vị trí của mình là ở đâu. Mọi người trong lớp chẳng ai để tâm đến sự tồn tại của tôi trừ khi thực sự cần thiết – vì tôi có là cái quái gì quan trọng đối với họ đâu, chỉ là một con nhóc ngốc nghếch. Tôi bắt đầu trầm lặng và ít nói hẳn – tôi trở thành con người lạnh lùng mà ngày bé mình cực kỳ không ưa thích. Tôi tự nhủ bản thân rằng mình có thể tự bước đi và thành công một mình mà chẳng cần đến bạn bè, tất cả phụ thuộc vào tôi chứ không phải họ, tôi tự quyết định cuộc đời mình. Nhưng thực sự mọi thứ rất khó, khi thất bại ai cũng có người bạn chí cốt để trở về và nghe những lời trách móc yêu thương, còn tôi thì chẳng có diễm phúc đó nên đành tự vực dậy là bước tiếp một mình thôi.
Tôi bắt đầu trở thành con người lập dị, không muốn giao tiếp với những người bên ngoài mà chỉ thích một mình với chiếc laptop nhỏ – có lẽ chiếc laptop là người bạn duy nhất sẽ chẳng bao giờ phản bội hay mắng chửi tôi, nó cũng là thứ biết tôi thích gì nhất. Tôi hay cáu gắt và phớt lờ mọi thứ hay ho xung quanh ngày bé tôi từng yêu thích vô cùng, tôi ngại phải mở miệng nói chuyện với ai khác kể cả gia đình, chỉ biết trầm lặng như một cái bóng giữa ngày hè.
Tôi dần cảm thấy sự thay đổi trong con người mình, từ thói quen cho đến cách hành xử, khẩu vị ăn uống hằng ngày, tôi nhận ra mình đã bị trầm cảm nặng rồi. Tệ hơn là khi tôi chia sẻ điều này với bố mẹ, họ đã không tin và cười chế giễu cho rằng tôi đã bị hoang tưởng, họ cho rằng áp lực cuộc sống của họ còn lớn gấp ngàn lần áp lực trường học của tôi. Có lẽ tới đây đã quá dài cho một trang nhật ký, lý do tôi đặt tiêu đề là ‘Một ngày sẽ quay lại nhìn.” vì tôi hy vọng rằng sau này, khi tôi đánh bại được căn bệnh tâm lý khủng khiếp này và thực hiện được ước mơ của mình, tôi sẽ quay lại và cho tất cả những người từng làm tổn thương tôi thấy rằng, họ làm gì cũng chẳng sao cả, vì họ không xứng đáng để tôi phải buồn…