- Ngôi sao thầm lặng
- Tác giả: Hoàng Việt
- Thể loại:
- Nguồn: Tự sáng tác
- Rating: [T] Không dành cho trẻ dưới 13 tuổi
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 845 · Số từ: 2731
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 3 Huyết Ngọc Nguyệt Dạ Dương Chi Tử Thần
Có phải khi quá bình yên chúng ta sẽ quên đi những sự khó khăn và gian khổ, khi quá an toàn chúng ta sẽ buông lơi cảnh giác những điều nguy hiểm của cuộc sống. Có lẽ vì vậy chúng ta sẽ yêu hơn những khoảnh khắc yên bình, trân trọng những khoảng lặng mà tạo hóa mang đến. Câu chuyện tôi mang đến hôm nay không phải là câu chuyện lãng mạn về tình yêu mơ mộng, mà là câu chuyện về những người đang sống vì người khác, những con người đang ngày qua ngày duy trì an ninh quốc gia, lấy sự yên bình của nhân dân làm niềm vui của chính mình. Câu chuyện giúp các bạn hiểu hơn về hình ảnh những người chiến sĩ Công an Nhân dân của Tổ quốc.
Tôi gấp tập tài liệu đặt ngay ngắn trên bàn làm việc, nhấp một ngụm nước và nhìn ra thao trường, nơi mà những người lính đang huấn luyện, nhìn họ tôi bỗng nhớ lại tôi trước kia. Tôi là một sĩ quan cảnh sát mang cấp hàm trung úy, công tác tại trung đoàn cảnh sát cơ động thành phố. Đối với những người lính mới, tôi giống như một hình mẫu để họ hướng mắt nhìn theo. Nhưng có ai biết để có được ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua những thứ ám ảnh tôi đến hết cuộc đời này, những kí ức đầy sự cay đắng nhưng cũng đầy tiếng cười, tiếng cười lạc quan của tuổi trẻ, tiếng cười của những chàng thanh niên vừa tròn đôi mươi đang ấp ủ nhiều đam mê và hoài bão. Suy nghĩ một lúc, tôi đặt ly nước xuống bàn, lấy trong túi áo ra một viên đạn của súng trường AK47 đặt lên bàn, nhìn nó và nhớ lại chủ nhân của viên đạn. Câu chuyện của tôi và một người đồng đội bắt đầu.
Hồi đó, tôi và Phong là hai anh em học cùng trường cấp ba, nói là hai anh em nhưng tôi với nó bằng tuổi nhau, nó gọi tôi là anh vì khi học cấp ba tôi rất cao lớn, còn Phong thì có dáng người khá thấp bé. Nói là thấp bé nhưng Phong cao một mét sáu mươi lăm và nặng gần sáu mươi kí. Còn tôi thì chính xác là người khổng lồ khi cao những một mét tám mươi bảy và nặng hơn bảy mươi kí. Tuy vậy thì Phong hay bị bạn bè bắt nạt vì nó quá hiền lành và nhu nhược và người giải cứu nó không ai khác ngoài tôi. Đơn giản vì tôi không thích mấy đứa cậy thế mạnh người đông mà đi bắt nạt một người. Chính vì vậy, tôi và Phong rất thân nhau. Năm đó, tôi thi đỗ đại học và được miễn nhập ngũ, còn Phong thì không may mắn, nó trượt đại học và có giấy gọi nhập ngũ. Lúc đầu, tôi vẫn nghĩ: “Không phải nhập ngũ là một điều may mắn”. Nhưng tôi đã lầm, Phong nằm trong số mười phần trăm được gọi đi nghĩa vụ công an của huyện tôi năm đó. Dù đã đỗ đại học, có thể học hành tử tế để có một tương lai rộng mở hơn, cả con đường trải đầy hoa đang mở ra với tôi nhưng trong khoảng thời gian đó tôi còn quá trẻ, tôi đưa ra quyết định đã thay đổi cả tương lai của tôi. Tôi đã viết đơn xin thôi học và tình nguyện nhập ngũ. Lúc ấy gia đình tôi sốc nặng trước quyết định của tôi, cho rằng tôi đã tự hủy hoại tương lai của mình, nhưng tôi lại nghĩ đó là con đường mới của mình.
Do viết đơn tình nguyện nên tôi được đặc cách xét đi nghĩa vụ công an, và trùng hợp thay, tôi và Phong được phân vào cùng một đơn vị, cùng một trung đội. Trải qua ba tháng tân binh, tôi được phân làm tiểu đội trưởng của trung đội hai, đại đội một, trung đoàn cảnh sát cơ động thành phố. Chúng tôi cùng nhau huấn luyện, cùng nhau ăn, cùng nhau ngủ, tình cảm thân thiết như anh em trong gia đình. Tôi nhớ có một lần chúng tôi đi tuần tra đêm, xe của tiểu đội đi vào một cung đường vắng, đồng chí lái xe phát hiện ra một chiếc xe hơi đang có dấu hiệu tài xế đã say xỉn khi điều khiển phương tiện. Tôi lúc đó với vai trò là tiểu đội trưởng đã ra lệnh cho đồng chí lái xe áp sát và dừng phương tiện. Tôi và các đồng chí xuống xe, chào điều lệnh với anh tài xế và yêu cầu xuất trình bằng lái và giấy tờ xe:
– Chào anh! Chúng tôi là lực lượng tuần tra ban đêm, chúng tôi dừng phương tiện để kiểm tra anh vì anh có những dấu hiệu bất thường khi điều khiển phương tiện.
Người lái xe bước xuống với thân mình nồng nặc mùi rượu, đáp bằng giọng đầy hống hách:
– Chúng mày là cái gì mà dám dừng xe tao?
– Anh đang say, chúng tôi không cho phép anh được điều khiển phương tiện vì có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh.
Người lái xe rút điện thoại từ trong túi ra quay và đòi kiểm tra ngược lại thẻ ngành của tôi. Quy định của chúng tôi là chỉ được xuất thẻ ngành khi được cho phép, tôi từ tốn đáp:
– Chúng tôi làm việc theo chức trách, yêu cầu anh hạ máy quay xuống và nghiêm túc chấp hành!
Lúc đó, có thể là vì đã quá say, người lái xe đã làm liều, ông ta rút trong xe ra một cây gậy ba khúc và vụt thẳng về phía Phong, không kịp né, Phong đưa tay ôm mặt. Tôi phản ứng rất nhanh nhưng cũng chả kịp làm gì, chỉ kịp đỡ cho Phong một gậy. Tôi khuỵu xuống đầy đau đớn, những đồng chí khác lập tức lao vào áp chế tội phạm. Hắn chống cự quá mạnh khiến cho chúng tôi phải dùng biện pháp áp chế bằng dùi cui điện. Tôi đau đến không đứng dậy nổi, các đồng chí khác vội đưa tôi lên xe thùng vào viện, số còn lại báo về trụ sở và áp giải đối tượng lên công an phường chờ xử lí. Thật may mắn tôi không sao, chỉ bị chấn thương phần mềm. Tôi bước ra cửa với cánh tay đã được băng bó cẩn thận, bên ngoài là bố mẹ tôi, em trai và Hoa (người yêu tôi). Mọi người chạy lại vây quanh tôi, mẹ tôi và Hoa thì bật khóc, mẹ tôi nói:
– Mẹ cho mày học thì mày không học còn chạy đến đây làm gì cho khổ hả con?
Hoa thì ôm lấy tôi:
– Trước khi đi anh hứa với em là sẽ an toàn mà, cứ như vậy thì anh về nhà cho em.
Tôi lúc này rất bối rối trước những người thân yêu nhất của tôi, tôi nói:
– Mọi người phải cảm thấy hãnh diện vì con chứ. Nếu con cứ theo mẹ đi học đại học, ở nhà làm cậu ấm của mẹ thì ai sẽ làm công việc này. Ai cũng muốn nhẹ nhàng thì ai sẽ làm công việc này đây?
Quay sang Hoa, đặt một nụ hôn lên trán em và thì thầm vào tai em:
– Anh ổn rồi mà! Không sao đâu bé!
Sau khi khuyên nhủ mọi người xong tôi quay ra phía cuối hành lang nói lớn:
– Mày ra đây anh xem nào! Nấp cái gì ở đấy.
Phía cuối hành lang, Phong từ từ bước ra, nó chỉ nhìn tôi mà không nói gì cả. Tôi biết nó định nói gì, tôi đáp:
– Anh không sao rồi! Bỏ cái mặt đấy đi nhìn ghê quá.
Mặt thằng bé giãn ra đôi chút. Nếu gậy đó tôi không đỡ cho Phong thì có lẽ giờ này thằng bé đang nằm trong phòng cấp cứu kia rồi. Tuy bị thương nhưng tôi vui lắm, tôi đã bảo vệ được mọi người, bảo vệ được đồng đội như những lời tuyên thệ của tôi. Từ lúc đó, tôi có cái nhìn khác về ngành công an và về bộ cảnh phục tôi đang mặc. Nó không phải chỉ là một danh xưng, nó là một trách nhiệm to lớn mà một người chiến sĩ phải làm. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao thằng Phong lại thích làm công an đến thế, đôi lần tôi hỏi thì nó bảo nó muốn đi nghĩa vụ để ôn thi lại vào Học viện Cảnh sát. Tôi thì lại nghĩ chả xa như vậy, cứ hôm nay đã, mai tính sau.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu như năm ấy không có một mệnh lệnh bất ngờ. Cái đêm mà cả đời này tôi không bao giờ quên được. Cái đêm đau đớn nhất với tôi và với các anh em tiểu đội hai. Năm đó, chúng tôi trực tết, cái thời gian mà mọi người đang chuẩn bị đón khoảnh khắc thiêng liêng để tiễn năm cũ thì chúng tôi là đơn vị trực chiến. Chiều ba mươi tết, khi chúng tôi đang nấu bánh chưng, gọi điện về cho gia đình thì tiếng chuông cảnh báo chiến đấu vang lên. Chúng tôi thay trang phục chiến đấu rồi đứng ngay ngắn hàng lối để nghe mệnh lệnh. Mệnh lệnh này với chúng tôi như sét đánh ngang tai:
– Các đồng chí! Hãy nghe tôi nói! Đêm nay là ba mươi tết, chúng ta sẽ có một đợt ra quân lớn để đảm bảo an toàn cho người dân đêm giao thừa. Các đồng chí có niềm tin không?
Đồng loạt là những tiếng:
– Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!
Mỗi người chúng tôi được phát một tờ giấy trắng. Nếu các bạn chưa biết thì trước mỗi nhiệm vụ, chúng tôi đều phải viết di chúc để đề phòng nếu như chúng tôi hi sinh thì di chúc và giấy báo tử sẽ chuyển về gia đình. Và đây là lần đầu tiên tôi viết di chúc. Tôi đã viết một lá thư rất dài cho cha mẹ tôi, em trai tôi và Hoa. Trong lòng tôi có một cái gì đó thật khó tả. Viết xong, chúng tôi đứng chào cờ trước lễ ra quân, chưa bao giờ giai điệu của bài Quốc ca lại thiêng liêng như lúc này, lá cờ Tổ quốc tung bay trên ánh chiều tà của buổi chiều ba mươi tết. Chúng tôi xuất quân đi mọi ngả của thành phố để duy trì an ninh đêm nay. Đêm nay, chúng tôi được phân công chốt giữ tám dãy phố. Thành phố đêm giao thừa thật lộng lẫy. Nhìn dòng người ngược xuôi, tôi có chút chạnh lòng, tôi nhớ về gia đình tôi, lúc này mẹ đang làm cơm cúng giao thừa, bố đang tỉa gọn cây đào chuẩn bị đón giao thừa. Tết này vắng con rồi cả nhà có nhớ con không? Tiếng pháo giao thừa nổ từng hồi, từng hồi. Năm mới đến rồi, đang vẩn vơ thì Phong hỏi tôi:
– Anh Khoa nghĩ gì thế?
– Anh đang nhẩm bói xem bao giờ mày mang người yêu đến cho anh xem mặt.
– Giờ này anh còn đùa, cứ thế bảo sao chị Hoa hay dỗi.
Tôi cười trừ rồi rút bộ đàm gọi kiểm tra tình hình. Từ đằng xa, một tiếng xe máy rất lớn phi như bay qua mặt chúng tôi, cát bụi tứ tung. Anh Minh chỉ huy nói trong bộ đàm:
– Bọn đua xe đấy! Các tiểu đội chú ý bảo vệ người dân!
Chúng tôi hiểu rõ rằng nếu như không bày xe thiết giáp và rải đinh chặn đường thì không thể bắt được bọn đua xe vì chúng đi rất nhanh, coi thường mạng người. Đang chỉ dẫn người dân đi lên vỉa hè thì một chiếc xe lao đến. Trước mũi xe là một đứa trẻ chừng bốn tuổi không kịp tránh né, khi chiếc xe chỉ còn cách hai mét thì Phong lao ra đẩy đứa bé qua một bên và bị đâm trúng. Hai tên quái xế văng vào lề đường và bị chúng tôi tóm gọn, đứa bé đã an toàn vì được đẩy ra kịp thời, chiếc xe văng xa cả chục mét, kéo lê trên mặt đường tóe lửa. Mọi việc diễn ra quá nhanh, khi tôi nhận ra thì Phong đã nằm bất động trên mặt đất, máu ứa ra trên mép. Tôi và các đồng chí khác chỉ kịp lao đến đỡ đầu Phong dậy, tôi hỏi bằng giọng run run:
– Mày sao rồi em?
– Em không ổn rồi anh ạ.
Phong đáp bằng giọng thều thào yếu ớt, máu vẫn ứa ra trên mép ngày một nhiều. Tôi hét lớn:
– Gọi xe cấp cứu nhanh lên!
Phong nắm lấy vai tôi:
– Không kịp đâu anh…
Phong lấy trong túi áo đang đẫm máu ra một viên đạn của AK47 và đưa cho tôi sau đó tắt thở ngay trên tay tôi. Đồng chí Phong hi sinh rồi. Quãng thời gian như ngừng lại, tim tôi như ngừng đập, tay run run đặt Phong xuống, các đồng chí xung quanh đều bỏ mũ. Mọi người đều chững lại, nhìn chúng tôi. Đêm nay là ba mươi tết, chúng tôi mất đi một người em, một người đồng chí, đất nước mất đi một người lính giỏi và có một gia đình mất đi một người con, một người anh. Tôi và các anh đưa Phong về nhà. Vừa đến cửa, nghe thấy tiếng xe quân dụng, bố mẹ Phong vui mừng chạy ra, tưởng con trai được về đón tết. Tôi bước xuống xe, mặt buồn rười rượi. Hai bác hỏi:
– Phong có về với cháu không Khoa?
Tôi không nói gì chỉ nhìn ra hướng có một chiếc xe phủ đầy hoa. Trung đoàn trưởng cầm theo di ảnh của Phong đến trước hai bác. Mẹ của Phong ngất đi vì quá đau đớn. Bố của Phong thì khuỵu xuống, em trai của Phong khóc nức nở. Chúng tôi đưa Phong vào nhà. Ngày lễ tang của em diễn ra, trên chỗ em nằm phủ lên lá cờ Tổ quốc, em mặc cảnh phục đeo huân chương chiến công, trên môi em nở nụ cười mãn nguyện. Em mới chỉ mười chín tuổi, em hi sinh khi còn quá trẻ, hoài bão của em còn chưa kịp thực hiện, chưa kịp yêu ai và chưa một lần về thăm nhà. Trong di chúc của em có một đoạn viết:
– Con không phải là bất tử, nếu con đi xin bố mẹ đừng buồn mà hãy tự hào về con trai của bố mẹ, con trai của bố mẹ trở thành anh hùng rồi. Con đã cống hiến hết tất cả cho Tổ quốc. Xin lỗi bố mẹ con bất hiếu, dám đi trước bố mẹ. Con đi bố mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu.
Để nối tiếp ước mơ của em ngày đó, tôi đã thi đỗ vào Học viện Cảnh sát. Sau này khi tôi tốt nghiệp, đứng trước mộ của em, tôi tháo vai quân hàm thiếu úy đặt lên mộ Phong và chào điều lệnh. Anh đã thực hiện thành công ước mơ của em ngày đó. Không chỉ anh mà các đồng chí khác vẫn sẽ tiếp tục điều đó.
Tôi trở về với thực tại, cầm viên đạn lên và cất nó vào túi áo trên ngực, hướng ra phía cửa sổ, nơi lá cờ Tổ quốc trên thao trường đang tung bay phấp phới, giơ tay chào điều lệnh. Chúng tôi là vậy đó, các bạn có thể nghĩ xấu về chúng tôi, nhưng lực lượng công an sẽ không bao giờ bỏ rơi người dân. Máu vẫn đổ trên những con đường hòa bình, đó là máu và nước mắt của những chiến sĩ đang thức cho nhân dân được ngủ. Nước mắt ngóng trông vẫn lăn dài trên má những người mẹ, những người cha và những người thân yêu đang chờ họ mà có thể họ sẽ mãi mãi chẳng về được nữa.