- Nhân gian năm ấy đã có một chuyện tình
- Tác giả: Đức Nguyễn
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.026 · Số từ: 1961
- Bình luận: 2 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 5 Tuan Triet Huỳnh Mai Đặng Linh Lung LinhHonLT Là Liễu
“Sóng xô nước thác cuồn cuộn chảy
Anh hùng giương giáo chấn giang san
Sương tan mưa ngớt đêm thôi lạnh
Trăng mờ vương vấn bóng giai nhân.”
Khúc tự hành – Cảnh Thịnh
Trăng sáng vằng vặc soi rõ một khoảng trời đêm thanh, ánh trăng rọi xuống lớp mái ngói đỏ đã ngả thẫm màu hắt cái sáng mờ dịu soi tỏ những hoạ tiết chạm trổ trên đỉnh đền Quát. Màn hình điện thoại vụt sáng thông báo đã đến điểm dừng, tôi ngừng bước, tựa lưng bên rặng cây ven sông, đưa ánh mắt về phía bên kia con đường, chính là nơi đây. Đền Quát – thôn Hạ Bì, huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương, nơi có con sông Đĩnh Đào chảy vòng cung ôm trọn một vùng đất đai màu mỡ xung quanh và ngôi đền. Nơi đây cũng là nơi thờ tự và chôn rau cắt rốn của người anh hùng nổi tiếng trong lịch sử, một trong ngũ đại hổ tướng dưới trướng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đó là Đệ nhất bộ đô soái thuỷ quân Yết Kiêu.
Theo sử sách và những tài liệu hiện còn chép lại rằng Yết Kiêu tên thật là Phạm Thế Hữu, sinh năm 1243 đời vua Trần Thái Tông, ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo thôn Hạ Bì, làng Quát. Mồ côi cha từ khi lên 8 tuổi, vì vậy ngay từ bé ông đã phải vất vả lao động cùng mẹ để trang trải cuộc sống mưu sinh, và cũng từ đây, tài năng bơi lội của ông được bộc lộ, và cũng có rất nhiều các huyền thoại về khả năng bơi lội và sức khoẻ hơn người của ông, nhưng dù các huyền tích có khác nhau về nội dung ra sao, một điều chắc chắn đó là tất cả đều khẳng định sức mạnh thể chất vượt trội phi thường của ông. Tương truyền, vào đầu năm 1258 vua Trần Thánh Tông mở khoa thi võ tại Giảng Võ Đường, vốn là nơi học võ giành cho con em quan lại và tầng lớp cao quý, Yết Kiêu đã đến đây dự thi, quan chủ khảo khi tra lí lịch đã đuổi ông về nhưng lúc đó ông đã gặp được Hưng Đạo Vương và nhanh chóng lọt vào mắt xanh của ngài, ông cùng với Giã Tượng trở thành hai cận vệ đắc lực của Hưng Đạo Vương. Cùng khoảng thời gian này, giặc Nguyên xâm lược nước ta. Ông nhanh chóng gia nhập quân đội. Và cũng ở đây, câu chuyện tình đã lưu danh thiên cổ bắt đầu.
Chuyện kể lại rằng trên đường tòng quân, ông đã gặp một cô thôn nữ tên Vân, nàng ở bến Đá Bạc mà hiện giờ là bến Đá Bạc, Chí Linh, Hải Dương. Cùng chạc tuổi và với lòng yêu nước, mến đức mộ tài, nàng đã cùng với Yết Kiêu tham gia đánh giặc. Trong trận chiến quyết định tại Đông Bộ Đầu, vì để bảo vệ Yết Kiêu mở đòn xung kích, nàng đã xả thân mình chen chắn ông khỏi làn mưa tên khói lửa, giặc Nguyên kinh hãi bàng hoàng trước lối đánh của quân dân Đại Việt, bại trận thê thảm và phải mở đường máu rút lui về phía Bắc. Giặc đã thua chạy, đất nước mở khúc Khải hoàn ca thắng lợi, nhưng có một người nặng trĩu con tim. Vì xả thân chiến đấu, nàng Vân đã phải mang trên người chi chít những vết thương chí mạng. Khi xe về bến Đá Bạc, nàng trút hơi thở cuối cùng, chết lặng, Yết Kiêu thẫn thờ trên tay hình hài một người con gái đã hy sinh vì giặc thù. Chiều hôm ấy huyết đỏ tràn dòng sông, người ta đồn rằng đó là vì nàng Vân, hay là huyết lệ của Yết Kiêu, chẳng ai còn rõ nữa. Ở tuổi đôi mươi ấy, hai người chưa kịp hẹn đã rời, lời yêu chưa thể nói ra mà bóng mỹ nhân đã xa mãi. Các bô lão từng hành nghề cá tại Hạ Bị đến nay vẫn truyền tai nhau câu hát buổi xế chiều:
“Huyết trôi lệ đỏ phù sa
Bên dòng Bến Bạc có nàng tên Vân.”
Mang mối tình chưa thể một lần cất thành lời, ông giữ tình yêu đó trong tim mình và ngày đêm ra sức luyện tập thao lược võ thuật hẹn một ngày trả thù giặc Nguyên. Trong thời gian này, có vô số lời mời hỏi của các nhà quý tộc quyền quý nhưng ông đều nhất mực từ chối, trong số đó có quận chúa Đình Lan, một mỹ nhân trong cung thành Thăng Long thời bấy giờ, sau khi được thấy Yết Kiêu tại Giảng Võ Đường, thấy tài năng và thân thể cường tráng của ông, nàng đã ngỏ lời nhưng ông đã xin từ chối. Buồn bực và phẫn nộ, cha nàng là Huy quận công đã dâng sớ lên Triều Đình và xin bắt trị tội Yết Kiêu, lúc này phải nhờ đến thanh thế của Hưng Đạo Vương thì mọi chuyện mới lại lắng xuống. Trong những năm tháng sau này, còn có một bóng hồng sắc nước nghiêng thành khác đã phải lòng Yết Kiêu là An Tư công chúa, nàng thường hay lui tới hành dinh của Hưng Đạo Vương để được thấy Yết Kiêu. An Tư vốn hay bẽn lẽn, rất ngại khi phải giao tiếp với người lạ nên nàng thường chỉ đứng trên thành trông xuống Yết Kiêu. Đến năm 1285, giặc Nguyên lại xâm lăng nước ta một lần nữa, mặc dù đã thắng thế nhưng vì phải giữ giao hảo sau này và tính kế bảo toàn lực lượng để chuẩn bị chống lại những lần xâm lược sau vì giã tâm không ngừng của giặc, nhà Trần đành phải gả An Tư cho tên đồ tể Thoát Hoan, nàng chỉ biết vâng lời vua cha, thếp gấm lụa hoa chuẩn bị làm dâu phương bắc. Trước ngày xa xứ, chuyện kể lại rằng nàng đã gửi lại cho Yết Kiêu bài Mộng Thiên Thanh:
“Khép giấc mộng xanh đành lỡ hẹn
Tình duyên xin khắc kiếp thiên thu
Xuân sang đất Bắc hoa đua nở
Gửi về Nam xứ đoá lưu ly.”
Nhận bài thơ tay viết trên tấm lụa của nàng công chúa, con tim chàng như lại vỡ vụn một lần nữa. Yết Kiêu đã chẳng thể thổ lộ tình cảm của mình với nàng Vân, và giờ có một người nữa cũng chẳng thể nói tiếng lòng mình với người khác, đã phải xa giá về phương Bắc xa xôi. Nặng nước nợ tình, Yết Kiêu ngày đêm lao mình vào học binh pháp dặn lòng rằng sẽ trả đủ món nợ với quân Nguyên tàn bạo. Năm 1288, giặc Nguyên lại xâm lược nước ta thêm một lần nữa. Đại Việt sử kí toàn thư chép lại rằng, khi thuỷ binh quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân (trên sông Lục Nam), Dã Tượng đi theo Hưng Đạo Vương. Khi quân Việt thua chạy, thủy quân bị tan cả. Hưng Đạo Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói:
– Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền.
Hưng Đạo Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó, vui mừng nói:
– Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi.
Nói xong chèo thuyền đi, kỵ binh Nguyên đuổi theo không kịp. Hưng Đạo Vương rút về Vạn Kiếp, chia quân đóng giữ ở Bắc Giang. Đây cũng là khoảng thời gian mà ông lập vô vàn chiến công hiển hách đã đi vào lịch sử như bắt sống Toa Đô, đuổi Ô Mã Nhi phải tháo chạy kinh hồn bạt vía, và đỉnh điểm là dưới tài chỉ huy thuỷ quân xuất quỷ nhập thần của ông, không biết bao tàu thuyền của giặc Nguyên đã bị đánh chìm trong chiến dịch và đỉnh cao với thắng lợi trên sông Bạch Đằng. Giặc đã thua chạy, nước nhà yên bình, ông được nhà vua phong chức Đệ nhất bộ đô soái thuỷ quân, thống lĩnh thuỷ quân dưới trướng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cảm tạ sắc phong, ông xin nhận ơn vua và xin vua cho về quê làng, vua phê chuẩn. Khi được hỏi muốn nhận phong thưởng như thế nào, Yết Kiêu chỉ xin được cho dân làng Hạ Bì miễn thuế 3 năm và tự do hành nghề chài lưới, lời thỉnh này vẫn còn được khắc trong đền Quát cho đến tận ngày nay.
Gác bỏ binh đao cởi chiến bào, tưởng rằng từ nay ông sẽ được trở về quê nhà và sống cuộc đời bình dị, nhưng lúc này chương cuối của khúc tình ai mà ông là người được chọn lại hoà lên một lần nữa. Trước ngày về quê, ông phải đi sứ sang phương Bắc, tại đây, chứng kiến tài ăn nói trôi chảy và phong độ của ông, công chúa Ngọc Hoa nhà Nguyên đã phải lòng và xin được kết thân cùng ông, triều Nguyên lập tức phê chuẩn dù Yết Kiêu đã từ chối bằng mọi cách, lúc này, ông đành phải chọn lặng lẽ từ biệt về quê nhà, sau khi nghe rõ ngọn ngành, Hưng Đạo Vương báo với sứ giả rằng Yết Kiêu sau khi đi trong đêm đã trúng cảm không may qua đời. Sứ giả phương Bắc về nước báo tin, Ngọc Hoa công chúa bàng hoàng thảng thốt, tức tốc đi theo 7 ngày 7 đêm, khi dừng chân tới Móng Cái, nghe người Nam cũng nói như vậy, nàng bật khóc nức nở rồi thề ước:
“Kiếp này không thể cùng chàng nên kiếp phu thê, xin hẹn chàng kiếp sau để bên nhau mãi mãi.”
Nói rồi, nàng gieo mình xuống dòng sông Bắc Luân tự vẫn. Được tin, Yết Kiêu thở dài rơi lệ. Chàng chẳng thể làm gì khác, với chàng, vẫn mãi chỉ có một mình nàng Vân mà thôi. Sau chuyện Ngọc Hoa công chúa, Dân gian hai miền Quảng Tây tới nay vẫn thường có câu ca rằng:
“Thiếp khóc đời chia buồn lưu biệt
Chẳng thể cùng chàng chén ly bôi
Bắc Luân nước chảy sầu thiên cổ
Hẹn chàng một kiếp sống chung đôi.”
Năm 1303, Yết Kiêu qua đời ở tuổi 61 bên bến Đá Bạc, nơi mà ở tuổi đôi mươi chàng đã chết lặng khi khúc biệt ly chia cách chàng với nàng Vân về bên kia thế giới. Ngày nay, bến Đá Bạc thành cầu Đá Bạc, cung đường bằng phẳng nối ngã ba Hố Sếu với sân bóng Đá Bạc. Địa thế thay đổi, vết tích của bến Đá Bạc năm nào đã chẳng còn nữa, nhưng những câu chuyện còn lưu lại thì chẳng thể đổi thay. Trong đền Quát, có một bức tượng nữ nhân mà nhân dân dựng lên, gọi là phu nhân của Đức thánh Yết Kiêu. Chẳng ai rõ tên phu nhân là gì, mặc dù cả đời Yết Kiêu không hề lấy vợ, nhưng cứ hễ vào dịp hội đền Quát ngày 16 âm lịch, nhân dân luôn làm một kiệu rước màu gỗ đỏ tía thật đẹp và gọi đó là kiệu nàng Vân.
“Non sông tứ hải nặng ước thề
Nhân duyên ai nợ kiếp ly tan
Bến Bạc người đi đi thiên kiếp
Hẹn nàng một giấc mộng trăm năm.”
Bến Đá Bạc – Nguyễn Thành Đức
Huỳnh Mai Đặng (3 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 7760
Vừa đọc vừa khóc
Linh Lung (3 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 13658
Chuyện buồn thật! Tuy rằng Yết Kiêu là anh hùng nhưng cũng quá lam nhan họa thủy đi