- Quê hương còn mãi trong tôi
- Tác giả: Phùng Văn Định
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [MA] Dành cho người từ 18 tuổi trở lên
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 83 · Số từ: 1583
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 0
Trở về quê hương sau nhiều năm đi xa. Nhà tôi vẫn thế. Làng quê ngày nào cũng bận rộn với những mùa vụ tiếp nối mùa vụ. Người dân không trồng lúa thì trồng khoai, trồng ngô. Bãi sông xa trồng dâu ngút ngàn nuôi tằm lấy kén xuất ra Nam Định để dệt vải, nay không còn nữa mà đã quy hoạch của nhiều trang trại kinh doanh hiện đại mang lại giá trị kinh tế cao. Ai ai cũng đều lo toan cuộc sống. Ít có thời gian nào ngơi nghỉ. Ôi, chẳng có nơi nào như cuộc sống quê tôi!
Tôi đăm đắm nhìn làng quê mà dâng tràn cảm xúc. Tôi dõi theo những âm hưởng giao thoa buổi sáng sớm. Trời phía đông sau ngọn núi Đọ khuất một làng xa, còn trong mù sương. Mặt trời vẫn chưa ra khỏi đám sương mù nhẹ trôi bồng bềnh khoảng không trung. Thoắt cái, nắng sáng lên. Tôi thả bộ trên con đường đê cao nhè nhẹ làn gió thoảng. Gió thổi nhè nhẹ phía sông Chu lên một mùi thơm ngan ngát, dễ chịu vô cùng làm xốn xang, xao xuyến. Làn gió nâng nhẹ hơi nước bốc lên thứ mù sương là là mặt nước như làn nước nóng nhả khói lùa chạy đuổi nhau mải miết quện vào nhau rồi tan lại hợp trông ngộ nghĩnh thật. Gió bồng theo khu trang trại nhà ai lùa xào xạc từng cơn mát dịu, ngai ngái mùi thơm của những ngọn cỏ dại bò sát mặt đất cay nồng.
Thiên nhiên phú cho quê tôi vùng bãi bồi rộng mênh mông. Người dân làng tôi tạo nên vùng kinh tế ấy làm trang trại, dùng lượng phù sa bồi đắp của sông Chu trồng trỉa cỏ, rau nuôi đà điểu, bò lấy thịt. Con đê dài ngoằn ngoèo, uốn lượn như con trăn khổng lồ ôm trọn quê hương mới biết rằng thuở bé thơ sao yêu quê đến thế!
Hết ngắm rồi chiêm ngưỡng, chầm chậm rảo bước trên mặt đê đã trải nhựa nhìn làng quê xen nhau từng ngõ nhỏ thân quen. Những hàng rào râm bụt ngút ngàn ngày xưa ấy đã thay vào bờ rào xây tường xi măng cao ngất. Nhà cao tầng san sát mọc lên đủ hình, đủ dạng. Nhiều ngôi nhà xây theo kiểu phương tây như trong truyện cổ tích. Vắng đi những ngôi nhà nuôi chim bồ câu dạo xưa, thiếu bóng dáng bay lượn của bầy chim trên bầu trời cao và trong xanh “thanh bình, trù phú”.
Vẫn nhìn thấy một số người làng chài ngụp lặn dưới sông cào hến, thuyền bè qua sông căng buồm chạy sao đẹp nét duyên quê. Con phà qua sông ngày nào và chiếc cầu phao ván gỗ trải trên mặt cầu không còn nữa đã thay vào đó một cây cầu xi măng vững chãi nối hai bờ sông Chu chạy theo quốc lộ 45 trông uy nghi quá đỗi. Chợ quê mấy phiên vẫn hoạt động bình thường, bán buôn những thứ đắt tiền để hội nhập và cũng không thiếu những thứ quà quê một thuở bé thơ: Bánh giấy Hàm Rồng thơm mùi dầu chuối, kẹo lạc làng Vồm giòn thơm, đặc sánh mùi mật ong vàng óng ánh, bánh đa vừng vênh cong thơm mùi gạo mới, quả thị thơm giấu trong thúng tre, nắm bỏng ngô, bỏng gạo thơm mùi quê sao thân thương.
Thời gian trôi. Chúng tôi lớn khôn rồi mỗi người một nơi. Người thân tôi người còn, người mất. Nhiều người đã về với miền đất “bình yên, thiên cảnh cuối trời” thênh thang trong lòng đất. Một số người vẫn bám làng, bám đất nhìn cuộc sống giao thoa giữa hai thế kỷ XX, XXI mà ngỡ ngàng. Dù cho năm tháng qua mau, dẫu cho thời gian không đợi chờ ai. Quá khứ một thời dần xa vào quên lãng, cuộc sống đủ đầy làm cho quê hương thêm đổi mới. Tôi trở về nhà sau bao nhiêu năm trời bôn ba xứ người mưu sinh, kiếm sống. Trên mảnh đất quê hương “yên ả, thanh bình” ngày xưa ấy nhiều thay đổi không thể ngờ tới. Những món ăn quen thuộc đã rất xa nhưng đọng mãi trong tôi. Nhìn thấy dân vạn chài cào hến dưới sông, tôi lại thèm thèm món ăn đầy ấn tượng, độc đáo riêng chỉ có quê tôi: Bát cháo con hến sông ngọt đậm vị ngon của ruột hến xào hành hoa với mỡ lợn. Nêm nước mắm nhĩ của bà bán nước mắm gánh rong loanh quanh trong từng ngõ nhỏ. Món hến xào củ kiệu bốc mùi thơm cay nồng nêm cọng mùi thơm thái nhỏ với lá chanh xắc nhuyễn rắc lên ăn với bánh đa vừng. Món nhộng tằm kho khô quắt lại thấm vị ngọt mà beo béo ăn với cơm gạo mới sao thấm đượm chất hương quê hằn nỗi vất vả sớm hôm.
Tôi ghé vào chợ mua mớ hến sông về chế biến món ăn cùng với túi bánh đa vừng quê thuở mẹ làm cho ăn sao dâng tràn niềm thương nhớ, đậm đà hương vị khó thể nào quên: Củ kiệu xào ruột con hến sông Chu.
Nhìn rổ kiệu mấy bà bán hàng bày bán trắng ngà toát lên vẻ đẹp bắt mắt, tôi lại gần:
– Bà ơi! Bán cho cháu mớ củ kiệu này được không ạ?
– Chú mua để làm gì?
– Dạ! Xào với ruột con hến sông ăn bánh đa vừng.
– Tuyệt chú ạ! Còn có chừng này, chú mua hết cho bà đi! Bà bán rẻ cho chú!
Không chần chừ, tôi mua hết cho bà và ghé hàng bán hến mua vài cân về chế biến. Chao ơi! Hến ngon quá đi! Về mùa này, con hến nào cũng đã to bằng đầu ngón tay cái người lớn, chắc ruột hến to phải biết.
Về đến nhà, tôi bắt đầu với công việc của mình để chế biến món ăn củ kiệu xào ruột hến sông ăn với bánh đa vừng. Ngâm kiệu vào nước vo gạo cho kiệu tươi và trắng hơn trong khoảng 10 phút đồng hồ chờ luộc hến và đãi lấy ruột ra thì mới bắt đầu vớt kiệu ra chế biến. Tiếng đảo xào kiệu phát ra cái âm thanh đều đều trên bếp ga, chỉ chút xíu nữa thôi thì có món ăn ngon đây. Mùi thơm củ kiệu xào với ruột con hến sông thơm lẫn hành phi tóp mỡ nghi ngút khói tỏa trong bếp thơm ơi là thơm, mới nghe mà bụng đã cồn cào. Nêm đủ thứ gia vị vào, nếm xem đã vừa miệng chưa thì nhấc xuống. Tôi cẩn thận múc vào đĩa sứ Hải Dương vung đầy có ngọn bê để lên bàn thờ, thắp ba cây nhang trầm cắm vào lư hương đồng mời mẹ cha về thưởng thức cùng con cháu. Khói hương bay nhẹ nhàng thoảng thơm trên bàn thờ lẫn với mâm cơm có món củ kiệu xào ruột con hến sông trong gian nhà giữa. Chăm chăm nhìn tấm ảnh mẹ và cha, tôi càng thương và nhớ hai thân mẫu nhiều hơn. Mắt đỏ hoe, cay cay nhoè trong khoé mắt. Niềm xúc động dâng tràn thuở ấy đã rất xa thì cháu gái gọi:
– Chú ơi! Xuống ăn cơm chú!
Tôi giật mình rồi nói vọng xuống:
– Chú xuống ngay.
Cháu tôi huyên thuyên khi bữa ăn bắt đầu:
– Lâu lắm rồi, chú đi xa, bố mẹ cháu suốt ngày cặm cụi với công việc đồng áng, ít khi làm món củ kiệu xào với ruột hến sông ăn với bánh đa vừng. Hôm nay, cháu mới được ăn, vui quá! Vui quá!
Tôi ngạc nhiên:
– Thế à! Cháu biết món này ai chế biến không?
Cháu tôi trả lời không cần suy nghĩ, nét mặt vui ra vẻ:
– Chú chứ ai. Ngon quá à!
Tôi nhéo đôi má bầu bĩnh dễ thương của cháu:
– Món của bà nội làm ngày xưa cho các chú ăn khi còn bé đấy! Hương thơm bà nấu ngon hơn nhiều!
– Thảo nào, vừa làm xong, cháu thấy chú múc một đĩa vung đầy có ngọn mang lên bàn thờ cúng bà với ông. Ông, bà ơi! Cháu mời ông bà xuống xơi cơm với cháu!
Cháu tôi dễ thương và thông minh quá! Nét mặt rạng ngời, vui vẻ. Bữa ăn đầm ấm với gia đình sau bao năm dài xa cách. Vị ngon của con hến sông quê xào với củ kiệu trắng ngà cùng bánh đa vừng làm từ hạt gạo trắng thơm vất vả ngoài đồng của người nông dân quê tôi theo mãi với thời gian. Được thưởng thức, tôi như thấy trời tuổi thơ mở ra, ước gì ngày xưa ấy còn mãi để tôi được thả mình vào trong chuỗi ngày gợi thương, gợi nhớ cho thỏa thích nhưng tiếc rằng không còn nữa và đọng mãi trong tôi.
Ai cũng có một thời rồi sẽ nhớ mãi những vị ngon ẩn chứa trong nếp nghĩ khi ta chợt thoáng thấy đâu đây. Quê hương ơi! Món ăn ngon theo ta mãi trên đường đời xuôi ngược. Mẹ cha ơi! Ngày xưa còn đọng mãi trong con đong đếm bao kỉ niệm để trưởng thành. Thời gian đưa con đi, về cùng nhịp bước vấn vương, thương nhớ vô cùng.
Bài của Phùng Văn Định