Trên nền trời xám xịt thê lương những năm 1945, khi “cái đói đã tràn đến” và quét đi xấp xỉ gần một phần mười dân số trên dải đất Việt, ngòi bút khắc khổ Kim Lân đã nguệch ngoạc vẽ nên “bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma” trong một câu chuyện lạ hiếm thấy giữa một không gian năm đói rùng rợn. Ấy thế mà trên cái “phông” nền đặc biệt, nhàu nát, ảm đạm và tăm tối đó; từ trong bóng tối của hoàn cảnh ngổn ngang người sống kẻ chết; trên mảng tối của bức tranh hiện thực thương đau lại tỏa sáng một “chất thơ đặc biệt của hồn người” – Vợ nhặt. Ta thấy giữa trùng trùng điệp điệp những đám ma là một đám cưới. Anh cu Tràng cục mịch, khù khờ, xấu xí bất ngờ hóa thành một kẻ “nên người”, một kẻ hạnh phúc trong mái ấm gia đình nhỏ mới hình thành của anh ta vào một ngày nắng đẹp lạ thường nơi xóm ngụ cư. “Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào… Hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”.
Sau một ngày đầy bất ngờ và một đêm trải qua lạ lẫm, mặt trời của sáng hôm sau vẫn nhô lên cao và chiếu rọi mọi miền, chiếu rọi cả vào tâm hồn và cuộc đời của những kiếp người lầm lũi. Mặt trời đã lên bằng con sào, Tràng mới thức dậy, một ngày bắt đầu muộn màng khiến trong người anh cu Tràng bổng có cái gì đó cũng khác lạ lắm. Trong người hắn “êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”… Hạnh phúc đột ngột ập đến như một thứ rượu khiến Tràng trầm mình trong cõi ảo. Giữa cơn thăng hoa trong tình yêu đôi lứa, ngòi bút hiện thực Kim Lân cũng ngỡ ngàng chìm vào cơn say đến lạ. Niềm vui hóa hữu hình, Kim Lân đã gọi thành tên từng xúc cảm nhân bản trào dâng trong tâm hồn người thanh niên nghèo xóm ngụ cư ấy – Hạnh phúc gia đình. Đó là cái gì bình thường lắm nhưng giữa cái đói đang bào mòn đi tâm hồn con người, nó trở thành một thứ gì đầy xa xỉ mà chẳng ai có lòng dám mơ tưởng tới. Nhưng một khi tình yêu và hạnh phúc chớm nở, sức mạnh đó dường như đủ để lấn lát cả sự thê lương của cái đói và cái chết đang hoành hành. “Có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ”. Một ngày mới báo hiệu cho một cuộc đời mới, “một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng” anh cu Tràng. “Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân” trong ánh nắng buổi sáng mùa hè trong lành như chính sự trong ngần của tâm hồn hắn lúc này. Có lẽ đó khoảng lặng an nhiên chưa từng thấy ở người đàn ông này.
Cái hạnh phúc của Tràng như một giấc mơ đến vội cuối giấc, một giấc mơ mà người ta vốn nghĩ sẽ chỉ mờ ảo rồi đột ngột biến mất khi ánh mặt trời bừng tỉnh, thế nhưng nó đã trở thành sự thật ngay lúc này. Hạnh phúc khoác lên căn nhà và cảnh vật xung quanh Tràng một màu áo mới, quay quắt và ấm áp: “nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch”… Những cảnh tượng thật đơn giản, bình dị đáng có ở một miền quê, nhưng càng bình dị ta càng thấm thía và đồng cảm hơn với niềm hạnh phúc trong Tràng. Một phép đòn bẩy cho mảng sáng của tình người tỏa ra ánh hào quang đặc biệt của một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Số phận con người trong văn học hiện thực đồng nghĩa với bế tắc, thế nhưng Kim Lân đặt táo bạo đặt vào giữa hiện thực tàn khốc ấy một mối tình kì lạ và một hạnh phúc giản đơn. Đáng ra đó là một chuyện cười cho tình huống lạ lùng: nhặt vợ. Một cái đám cưới với bốn bát bánh đúc cùng dăm ba câu bông đùa lại làm người ta cười theo một cách khác, cảm thông và thấm thía tình người. Hình ảnh của sự sống bừng lên cuốn theo luồng sinh khí mới mẻ của một gia đình mà lần đầu tiên Tràng được cảm nhận. Lần đầu tiên hắn nhận ra đây là một mái ấm che mưa che nắng, mái ấp mà hắn thuộc về, rồi từ đó hắn bỗng thấy “thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”.
Giữa những năm nạn đói 1945 ấy, trong những buổi sáng sớm tràng ngập những âm thanh bình dị của sinh hoạt cuộc sống; những thanh âm “sàn sạt trên mặt đất” tiếng chổi lùa trên sân; hay tiếng lóc cóc “giẫy” ngoài vườn của một người mẹ đang lúi húi dọn đi những búi cỏ mọc nham nhở… Ta thấy Tràng của Kim Lân đã may mắn như thế nào so với người anh em Chí Phèo của Nam Cao. Từ những chất liệu đơn sơ của hạnh phúc, Tràng đã thành công nhào nặn lại chính mình trong sự ấm áp tình người dâng trào và hạnh phúc nắm gọn trong tay. Còn với Chí, nguồn sáng Thị Nở mới chấp chới tầm tay đã chóng vánh bị dập tắt phũ phàng dưới đáy cái xã hội đen tối đầy bất công và tàn bạo. Từ một người bị đẽo gọt sơ sài của tạo hóa về nhân hình lẫn tính cách, Tràng “ngật ngưỡng” bước vào trang sách của Kim Lân với những nét thô và xấu rồi “xăm xăm” bước sang trang với một nét sống bừng sáng trên khuôn mặt. “Hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”. Hành động tưởng đâu bất chợt đã đánh dấu sự thành công đầy đắc giá trong ngòi bút Kim Lân. Đó là sự thức tỉnh của ý thức bổn phận to lớn: hắn phải có trách nhiệm với cái gia đình này. Ta thấy một Tràng trưởng thành trong phút chốc ngắn ngủi – hắn đã “nên người”. Hai chữ “nên người” gõ một nhịp trầm lặng vào dòng đời tan tóc và trong tâm hồn. Đó là sự trưởng thành chóng vánh trong từng dòng xúc cảm bổi hổi lạ lùng giữa mảnh đất cằn cỗi đậm mùi tanh tưởi của xác chết. Ta thấy sau những tiếng quạ “gào lên từng hồi thê thiết” cùng với “mùi gây của xác người”; trên ranh giới giữa người ma và khi cái sống cái chết chỉ mong manh như sợi tóc là một Tràng rất người và một hạnh phúc rất đẹp.
Khoác lên âm hưởng mộc mạc, bình dị của ngôn ngữ dân tộc trong một tình huống truyện đặc biệt lạ lùng, Kim Lân qua nhân vật Tràng đã bộc lộ rõ tài năng xây dựng tính cách và diễn biến tâm lí nhân vật một cách sâu sắc, tỉ mỉ. Cuộc sống tàn khốc thê lương những năm 1945 hiện lên chân thực trong mỗi cử chỉ hành động rất người của Tràng với nỗi niềm đồng cảm, sót thương sâu sắc từ Kim Lân đã phơi bày trần trụi tội ác của bọn thực dân, phát xít và phong kiến tay sai. Trong sự bế tắc của hiện thực, một Tràng nghèo, lạc hậu nhưng có khát vọng hạnh phúc đã được Kim Lân đã phát hiện và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của một người lao động trước cái đói và cái chết đeo bám một sự tin tưởng, tin vào hạnh phúc, tin vào tương lai và tin vào thành công của cách mạng.
Giai Mộc (3 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 4866
Cảm ơn bạn nha <3 Bài này mình đăng trước khi thi á, cơ mà bây giờ mới được duyệt ^^
Tiểu Từ Hi (3 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 7560
Ủng hộ tác giả <3
Tiểu Từ Hi (3 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 7560
Aaaa! Sao tui không đọc được bài viết này sớm hơn chứ! Mới thi học kì vô đoạn này nè... Bạn viết hay quá ớ!💕