- Ánh sáng sau màn đêm
- Tác giả: Chích
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.162 · Số từ: 4706
- Bình luận: 4 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 10 gini lambo Huỳnh Mai Đặng Anh Nguyễn Minh Đặng Huyền Công Giang Gigabyte Tiểu Từ Hi Đan Trần Mai Linh Lung Hoàng Hiệp
Trời bỗng trở rét căm căm. Chỉ sau một đêm thôi, cơn gió mùa đã ùa về ào ạt làm cảm giác lạnh thấu da thấu thịt bao trùm lên tất cả. Tôi nghe rõ tiếng cành nhãn nhà bên xào xạc, tiếng gió đang thổi hun hút ngày một lớn dần hệt như đàn sói hú vang giữa đêm trăng tròn.
Vài tiếng động cơ xe máy nổ vang lộp bộp, có người đang ra khỏi nhà giữa trời đông lạnh lẽo. Tôi thu mình trong chiếc chăn ấm, mắt nhắm nghiền chẳng muốn bước khỏi đệm. Nhưng rồi, tiếng chuông báo thức cũng vội kêu reng. Tôi tắt nó đi, muốn nằm ngủ tiếp, nhưng rồi, chỉ chưa đầy một phút sau lại phải miễn cưỡng bật người dậy.
Tôi bước ra sau nhà với bộ dạng uể oải. Chân đứng thẳng, hai tay vươn sang ngang, căng ngực lên phía trước. Tôi nghe thấy rõ xương khớp mình kêu khậc khậc từng tiếng giòn tan. Làn gió lạnh bỗng chợt thổi qua khe cửa khiến tôi ngay lập tức khép mình lại, rồi bẽn lẽn bước đi. Tôi chẳng muốn thức giấc sớm và ra đường vào tầm giờ này nhưng có những việc chẳng đừng được.
Bầu trời vẫn tối đen như mực. Từng cơn gió thổi qua lạnh buốt. Ánh đèn đường nhập nhọa, lờ mờ. Lúc này, trong con ngõ nhỏ chẳng có lấy bóng dáng một ai. Tôi một mình bước đi. Hai tay đút chặt vào túi áo, miệng thở dài cố thổi ra hơi nóng màu trắng khói. Mắt tôi đăm đăm nhìn về phía trước như một cách tạo nét để ra vẻ ngầu đét khi chẳng có ai trông vào.
Trên đường lớn, ánh đèn vàng chói lòa soi sáng cả một đoạn dài tít tắp. Thi thoảng lại có vài chiếc ô tô phóng vụt qua. Ánh đèn chiếu vào thân xe bóng loáng hệt như ánh hào quang mà tôi chẳng bao giờ có thể mơ tới. Cứ mỗi chiếc xe đi ngang qua, tôi lại trông theo tới khi đã khuất bóng, rồi tự nhìn bản thân mình, tự nhục. Tôi hay cười trừ cho qua chuyện và coi nó như một lời mỉa mai thay: “Mày chẳng bao giờ có thể khá lên được”.
Tôi tới điểm tập kết, lấy một chiếc xe thùng, mặc lên mình bộ đồ bảo hộ và chiếc áo ngoài phản quang. Chổi, hót đều đã được giắt ngang trước thanh chắn, kèm theo vài cái túi ni lông cỡ vừa. Tôi đẩy chiếc xe thùng lọc cọc đi vào khu xóm mà ngày nào mình cũng qua. Chân tay run lẩy bẩy. Miệng ngáp ngắn ngáp dài. Nước mắt cứ thế chảy giàn giụa. Nhưng rồi, tôi cũng dần trở nên tỉnh táo hơn và bắt nhịp với công việc.
Đẩy xe đi dọc trên con đường có phần gồ ghề. Ánh đèn mờ ảo khiến tôi phải căng mắt ra nhìn những thứ xung quanh. Cạnh cột điện, những chiếc túi ni lông đựng đủ thứ chất thải hỗn độn đã chất chồng, chẳng còn vừa chiếc sọt nhỏ. Mùi hôi thối chua loét bốc lên nồng nặc làm ai ngửi thấy cũng phải bịt chặt mũi, miệng mở to như sắp sửa nôn mửa. Nhưng tôi thì đã quen với cái mùi ấy rồi, mà như vậy, người ta thường bảo là bị “mũi điếc”.
Đi gần hết một vòng quanh mấy khu xóm ở xa, trời cũng đã dần hửng sáng. Nhưng không gian quanh đây vẫn âm u. Từng cơn gió mạnh, lạnh buốt thổi qua làm lá cây rụng xuống hệt như một cơn mưa thơ mộng. Đối với người khác thì là vậy, nhưng đối với tôi và những người làm công việc thu dọn này thì cơn mưa ấy lại làm chúng tôi tăng thêm phần vất vả. Tiếng cành lá đung đưa hòa lẫn tiếng chổi tre xào xạc. Chẳng mấy chốc, chiếc xe thùng của tôi đã đầy ắp, nhưng tôi vẫn gắng chất thêm lên đó, vì chẳng muốn phải quay lại điểm tập kết, rồi đi thêm một lượt nữa.
Tôi thu gom xong rác thải ở khu vực của mình và quay trở ra. Lúc này, tiếng lách cách từ những chiếc ổ khóa cửa cứ nối tiếp nhau kêu vang. Từ cánh cửa sắt to kẽo kẹt tới chiếc cửa kéo có bánh xe kêu tiếng xuỳnh xuỵch mở ra. Những ông bác, những bà cô đứng vươn mình trước cửa. Họ xỏ đôi giày thể thao, buộc chặt dây, rồi đi bộ lên đầu đường. Mấy cô, cậu bé uể oải bước ra, miệng ngáp ngắn ngáp dài. Đầu tóc trông rối bời, trên mình còn chưa kịp thay bộ đồ ngủ. Chúng bước lững thững vào quán bán đồ ăn sáng đầu xóm. Quán ăn ấy cũng đã bán ở đâu được gần hai chục năm, từ khi tôi vẫn còn như chúng, vẫn còn là một đứa trẻ. Tôi đẩy xe đi ngang qua mà đã ngửi thấy mùi cháo thịt băm và mùi trứng rán thơm nức. Tôi gắng nép sang phía bên đường, nơi có gốc hoa sữa cũng đã tới mùa thay lá. Nó đang tỏa mùi hương đậm ngọt cuối cùng trước khi bước vào mùa đông lạnh lẽo.
Tôi tới điểm tập kết xe để chuẩn bị cho ra bãi. Mọi người đã “tề tựu” gần như đông đủ tại đó. Những chiếc xe rác bốc mùi nồng nặc khó chịu, thu hút luôn cả lũ ruồi nhặng vo ve đậu quanh. Mấy đứa học sinh đi qua, nhìn thấy phải nhanh chóng bịt mũi vào và chạy vội. Mấy bác phụ huynh chở con trên xe hay dắt tay con tới trường cứ mỗi khi đi qua đây lại đe đầu đứa nhỏ ra để dạy dỗ:
“Không học thì sau đi bốc rác như này đấy con ạ!”
Nghe xong câu đó, đám trẻ đứa nào đứa nấy cũng chĩa ánh nhìn đầy vẻ e dè về phía chúng tôi. Dù mệt mỏi nhưng tôi vẫn đáp lại chúng bằng ánh nhìn trìu mến. Nhìn chúng, tôi lại thấy hối tiếc quãng thời gian trước kia khi mình đã bỏ lỡ quá nhiều thứ. Giờ nhìn lại bản thân mới thấy mình vẫn luôn là kẻ thất bại. Một thời tuổi trẻ với bao nhiêu ước mơ, hoài bão trong tâm trí bỗng chốc bị đánh gục trong trò sa đọa. Đến khi tôi nhận ra chân lý thì đã chẳng thể cứu chữa được nữa. Tôi phải bắt đầu lại cuộc đời của mình từ con số không.
Tôi cùng mấy cô mấy chú đẩy chiếc xe thùng qua con dốc cao một cách nặng nề. Ruồi nhặng bủa vây quanh khiến tôi thấy phiền, nhưng rồi cũng kệ, cho chúng thích làm gì thì làm. Nước rác chảy dọc trên lối đi. Lũ trẻ trông thấy liền vội vàng tránh né. Vài người luống tuổi qua đường nhìn tôi bằng ánh mắt khó chịu. Tôi trông khuôn mặt họ, ngắm sâu trong đôi mắt họ, rồi tự nhiên cúi đầu xuống, né tránh ánh nhìn đó. Tôi gồng mình, gắng sức đẩy chiếc xe thùng đi thật nhanh. Hết chiếc này tới chiếc khác qua con dốc, đi khỏi khu thôn xóm đông đúc. Tới điểm tập kết, tôi vội ra một góc, mở chiếc khẩu trang, rồi thở hổn hển như vừa mới chơi tròn chín mươi phút trong một trận bóng.
Xong việc ca sớm, tôi cùng mấy cô mấy bác dừng chân ở xe hàng xôi, hàng bánh mỳ quen thuộc để tự thưởng cho mình một bữa sáng trọn vẹn. Tôi tự mua, rồi cầm phần ăn của mình ra ngồi một góc như thường lệ. Dù mấy cô mấy bác rất cởi mở, chân tình. Họ đã giúp đỡ, chỉ dẫn cho tôi rất nhiều khi tôi mới bắt đầu làm công việc này, nhưng tôi vẫn cố thu mình. Tôi không dám tới gần, làm thân với họ. Tôi sợ sự phán xét từ người khác, những cái nhìn bới móc với một kẻ mang nhiều lầm lỗi như tôi. Tôi sợ mình sẽ lại thân thiết với một ai đó, và rồi khi tôi rơi vào tuyệt vọng, họ bỗng bỏ tôi bơ vơ giữa dòng.
Tôi đang ngồi ăn trên thành tường, mắt thì nhìn xa xăm về phía cánh đồng bất tận bên ngoài kia và mơ mộng. Đây là địa điểm ưa thích của tôi mỗi khi rảnh. Một nơi vừa thoáng khí mà khung cảnh cũng nên thơ, phù hợp cho giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi để thư giãn đầu óc và lấy lại năng lượng cho từng búi cơ hiện đã mỏi nhừ. Tôi ăn một miệng đầy xôi, hai má phồng trợn. Có tiếng gõ lạch cạch bên dưới, tôi nhìn xuống thì thấy chị Phương đang đứng đó. Chị bật cười khi trông thấy bộ dạng của tôi, rồi nói:
“Sợ ai ăn hết phần hay sao mà phồng môi trợn má thế kia?”
Tôi bỗng thấy nghẹn ứ, vội quay đi, rồi đập nhẹ vào ngực để mọi thứ trôi xuống hết. Xong chuyện, tôi mới quay ra đáp lời:
“Sao thế, bà chị? Hết giờ ăn rồi à?”
“Chưa! Cứ ăn cho thoải mái. Tám giờ mới qua khu ngoài kia cơ mà.”
“Thế đi hối tôi làm gì?”
“Chị đâu hối mày! Gọi mày xuống để bà Mậu có chuyện tuyên bố.”
“Chuyện gì?” – Tôi tò mò hỏi nhỏ.
“Xuống đi rồi biết! Nghe đâu là chuyện vui.”
Khi tất cả mọi người đã ngồi đông đủ cạnh nhau, bà Mậu mở cái túi vải thổ cẩm cổ lỗ sĩ, rồi lấy ra một tập thiệp mời và chia cho từng người. Bà nói:
“Tôi mời mọi người tới đám cưới của con trai tôi vào chiều tối thứ sáu tuần này. Mọi người nhớ tới đông đủ đấy!”
Bà Hoan nói lớn:
“Nhanh gớm nhỉ! Mới đó mà thằng Trí đã lấy vợ rồi.”
“Vâng, hai đứa nó quen nhau bên Nhật. Giờ là về đây ở hẳn luôn.”
“Thế thì vui quá rồi! Vậy chúng nó về thì ở đâu hả, cô?” – Chị Phương hỏi.
“Thằng Trí nó bảo nó mua nhà trên Hà Nội rồi. Cưới xong, vợ chồng nó đón cả cô lên đó ở cùng.” – Bà Mậu đáp.
“Thế là bà định bỏ bọn tôi đấy hả, bà Mậu?”
Bà Mậu nhìn mọi người, rồi mỉm cười nhẹ. Khuôn mặt bà có chút buồn buồn như nuối tiếc chuyện gì đó.
Bà Hoan thấy không khí trầm lặng, liền nói lớn:
“Giờ cũng tới lúc bà được hưởng cái tuổi già bên cạnh con cháu rồi, không phải lầm lũi, lủi thủi một mình như trước nữa. Chúng tôi cũng mừng cho bà!”
“Vâng!”
Mọi người, ai cũng vui vẻ chúc mừng bà Mậu sắp có phước lớn. Họ hẹn nhau giờ đến để cùng đi chung, và rồi quay trở lại với công việc thường nhật.
Tới hôm đám cưới con trai bà Mậu, chị Phương sốt sắng từ sớm. Chị chọn ra bộ đẹp nhất trong tủ đồ của mình. Chị mặc chiếc váy trắng xòe rộng với vai phồng. Trên tai đeo đôi bông màu trắng tuyền lấp lánh. Dưới chân quất đôi giày cao gót tới năm, sáu phân. Trông chị như cô dâu trong một đám cưới, chứ không phải khách mời nữa.
Chị đứng trước cửa, hối thúc tôi:
“Nhanh lên, cu! Sắp muộn rồi đấy!
Tôi lững thững bước ra, cầm chiếc phong bì đưa qua khe cửa. Chị Phương thấy vậy liền lên giọng, mắng mỏ:
“Mày hâm à? Làm cái gì đây?”
“Tôi bận việc rồi! Không đi được. Chị gửi đám của con bà Mậu giùm tôi.”
Chị Phương không cầm cái phong bì. Chị lừ lừ nhìn tôi, rồi nói:
“Chị mày không giúp với giùm cái gì cả. Tự đi mà gửi.”
“Vậy thôi! Để tôi nhờ bà Hoan hay ông Cả.”
Tôi bước lại vào trong nhà. Bộ dạng lôi thôi, lếch thếch của tôi khiến chị Phương ngứa mắt. Chị mở cửa, xông vào và nói:
“Này Huỳnh, đi tý thì làm sao? Chị biết là mày cũng chẳng có công to việc lớn gì phải để tâm lúc này.”
“Tôi bận thật. Bà không tin thì tùy bà.”
“Cái thằng này, sao phải cứng đầu thế nhỉ?”
“Tôi như thế đấy! Bà quan tâm làm gì!”
“Càng nói càng bướng…”
Chị Phương bỗng đứng chặn trước mặt tôi. Hai tay chị ép chặt lên má tôi, rồi rướn người tới. Chị hôn lên môi tôi một hơi thật sâu. Tôi định đẩy chị ra nhưng rồi lại buông thõng cả hai tay. Mắt tôi nhắm nghiền và chìm vào trong cảm giác đê mê ấy.
Chị Phương ngừng lại. Tôi nhìn chị, rồi vội vã quay đi. Hơi thở gấp gáp, tim bỗng đập nhanh thình thịch từng tiếng. Chị Phương nắm lấy vai tôi, xoay lại. Tôi đứng hình, rồi lại cúi đầu nhìn xuống, đôi mắt láo liên như đang cố lấp liếm đi chuyện gì đó xấu xa. Chị Phương nói:
“Thế là chốt rồi nhé! Giờ chị với mày là một đôi, đi đâu cũng phải có nhau, biết chưa?”
“Nhưng mà tôi… tôi…”
“Không nhưng nhị gì nữa! Vào thay đồ mau lên! Sắp muộn rồi!”
Tôi bỗng trở thành một đứa trẻ ngoan, vâng lời mà chị Phương bảo. Chị kéo rẹt chiếc khóa kéo từ cái tủ đựng đồ đơn sơ của tôi. Chị soi xét, ngó qua một lượt, rồi lấy ra một chiếc áo sơ mi xanh cùng quần thô màu xám bạc đưa cho tôi. Chị nói:
“Nào, thử bộ này đi!”
Tôi ngoan ngoãn mặc bộ đồ chị Phương đưa, rồi tay trong tay cùng chị ấy đi tới bữa tiệc mà chúng tôi được mời. Trên đường tới đó, qua con ngõ kế bên, chúng tôi gặp cả bà Hoan, ông Cả cùng những người khác cũng đang đi bộ sang. Bà Hoan trông chị Phương và tôi diện đồ thì bỗng thấy lạ lùng, liền trêu:
“Hôm nay, hai đứa đi ăn cưới người ta hay tính rước nhau về luôn thế?”
“Cô cứ trêu cháu. Tại lâu lâu mới được đi tiệc mà, phải cho bọn cháu ăn diện xíu chứ.” – Chị Phương vui vẻ đáp lời.
“Ăn diện kiểu này thì chiếm hết sân khấu của cô dâu, chú rể nhà người ta.”
Chị Phương cười khì, ra vẻ thích thú, rồi kéo tay tôi đi vào trong khu rạp đã chăng sẵn. Mọi quan khách đều đã tới đông kín chỗ. Bà Mậu đang ngồi ở bàn ngoài. Hôm nay, bà diện bộ áo dài chất đầy hoa văn diêm dúa, mặt phấn son trang điểm đậm làm tôi cũng thấy là lạ. Ngay khi thấy chúng tôi bước vào, bà đã niềm nở ra tiếp đón. Bà khen:
“Nay hai đứa đẹp đôi quá nha! Nếu thuận thì làm luôn một đám nữa trong năm nay đi nhỉ!”
“Tôi cũng chỉ mong sớm được uống rượu mừng. Chắc cũng sắp rồi!” – Bà Hoan lập tức tiếp lời.
Tôi đứng im thin thít. Đầu cúi gập xuống. Chân tay bỗng dưng căng cứng. Những tiếng cười nói xì xào lọt qua tai khiến tôi e sợ. Tôi biết mình lại sắp sửa rơi vào cơn hoảng loạn vì chứng sợ đám đông. Tôi run run tay, định lùi lại một bước thì chị Phương bỗng nắm chặt lấy tay tôi. Đôi tay ấy thật mềm mại và ấm áp. Chị nhìn tôi, rồi mỉm cười, kéo tôi cùng đi tới chiếc bàn mà bà Mậu đã sắp sẵn. Mọi người ngồi xuống bên nhau, vui vẻ cười nói, rồi đánh chén bữa tiệc thịnh soạn mà chẳng mấy khi họ có cơ hội được thưởng thức. Tôi cầm đũa lên chống vào bát, mắt nhìn mọi người có phần e dè. Chị Phương đưa cho tôi một ly rượu và nói:
“Này, cầm lấy đi!”
Tôi đưa hai tay nhận lấy. Mọi người cụng ly. Ông Cả hô vang những tiếng “dô” khí thế. Tôi nhìn họ và cảm tưởng như chẳng còn gì xa cách nữa. Cái cảm giác hạnh phúc, ấm cúng như một gia đình lại ùa về bủa vây lấy tôi. Tôi hòa chung một nhịp với họ. Một ly, hai ly, rồi ba ly… chút men say khiến tôi quên đi những nỗi ám ảnh vẫn còn vương trong đầu mình.
Lúc sau, con trai bà Mậu đã bắt đầu đi từng bàn để mời rượu mọi người. Cậu ta đi tới bên chiếc bàn sát kề chỗ tôi. Bàn đó là nơi mà một số cô cậu trẻ tuổi lên đồ sành điệu đang ngồi tán gẫu. Ngay khi con trai bà Mậu chúc rượu xong, một thanh niên đứng lên nhìn về phía tôi, rồi nói nhỏ với cậu ta:
“Kia là người quen của ông à?”
“Không! Chắc người quen của mẹ tôi.”
“Sao mẹ ông lại quen với hai đứa kia?”
“Sao mà tôi biết được! Nhưng có chuyện gì?”
“Ông không biết đấy thôi! Cái thằng mặc sơ mi xanh kia kìa mới đi tù, rồi đi cai nghiện về được mấy tháng. Còn con váy trắng là gái điếm chính hiệu đấy! Nghe bảo nát lắm rồi!”
Dù họ nói nhỏ với nhau nhưng tôi vẫn nghe được từng chữ rõ mồn một. Có vẻ, chị Phương cũng nghe thấy. Chị nóng mắt nhìn về phía cậu trai kia. Chị định đứng dậy để phân bua cho rõ lẽ nhưng tôi đã kịp giữ chặt lấy tay chị ấy. Tôi nhìn thẳng vào mắt chị, cười trừ, rồi nhún vai. Chị thở dài, trông có vẻ đã nguôi nguôi rồi. Hai chúng tôi ngồi lặng lẽ cho tới lúc ra về.
Đi vào trong con ngõ tối tăm, đèn đường nay cũng chẳng sáng nữa. Không khí ảm đạm khi từng cơn gió đông lạnh buốt thổi qua. Chị Phương vừa đi, vừa cáu giận:
“Sao lúc ấy, mày lại giữ tay chị? Mày phải để chị cho thằng đó một trận chứ!”
“Đám cưới của người ta mà. Bà muốn phá banh ra à!” – Tôi đáp lời, đôi mắt nhìn xa vô định. – “Mà nó nói vậy thì có gì sai! Dù thế nào thì tôi cũng đã từng là một thằng nghiện.”
“Không sai, nhưng thái độ kỳ thị của nó khiến chị mày không ưa nổi.”
“Qua rồi, bà chị đừng nhắc lại nữa! Tôi vào nhà đây!”
“Ừ.”
Nhà chị Phương cách nhà tôi ba căn. Dù bảo là đi vào đấy, nhưng tôi vẫn đứng lại nhìn theo chị. Trước nhà chị ấy đang có vài thanh niên bặm trợn đứng rít thuốc. Chị vừa đi tới, một thằng đã bước lên chặn đường, giở giọng giễu cợt:
“Mới đi đâu về mà ăn diện thế, cô em?”
Chị Phương không đáp lời, mà đi tránh qua một bên để mở cổng vào nhà. Một thằng khác thấy vậy liền nắm lấy tay chị, rồi trả treo:
“Gì mà vào nhà sớm thế em? Đứng đây, chơi với bọn anh một lúc đã!”
“Nào, bỏ tay tôi ra! Đừng có mà giở trò!”
“Tưởng em thích mấy trò này… À, hay là em muốn phải mạnh bạo hơn.”
Nói xong, gã ấy vồ vập, ép sát chị Phương vào tường, rồi từ từ vén chiếc váy trắng tinh khôi của chị. Hai thằng khác giữ chặt lấy tay và bịt miệng chị lại. Chị gắng chống cự nhưng sức của một cô gái yếu ớt sao có thể địch lại ba thanh niên đô con, bặm trợn.
Chân tay tôi bủn rủn khi trông thấy cảnh ấy. Tôi thở gấp, tim đập thình thịch. Chân đã quay bước định đi vào nhà. Tôi không muốn liên quan hay can thiệp vào chuyện của kẻ khác nữa. Nhưng rồi, tôi đứng khựng người lại. Tôi bắt đầu ngập ngừng trong suy nghĩ. Và rồi, tôi mở cửa ra, lao đến phía chị Phương như bản năng. Tôi đẩy hai thanh niên sang một bên, rồi đấm hả họng gã còn lại. Chị Phương hoảng loạn, tóc tai rối bời. Chị nép sát cánh cửa, thu mình lại một góc. Ba gã thanh niên kia vẫn chưa chịu dừng lại. Chúng đồng loạt xông tới. Một thằng giữ, còn hai thằng đấm đá túi bụi khiến tôi gục xuống. Chị Phương la lớn để mong người giúp. Ánh đèn ngoài hiên cửa từ mỗi căn nhà quanh xóm lần lượt bật sáng. Tiếng mở cửa kẽo kẹt, xuỳnh xuỵch hòa lẫn vào nhau. Nhưng ba kẻ kia vẫn tiếp tục đấm đá, dù tôi đã chẳng còn sức chống cự. Chị Phương lại giúp tôi nhưng chúng cũng đẩy ngã chị qua một bên.
Mọi người trong xóm lần lượt ra xem có chuyện gì. Nhà nào nhà nấy đều đứng trước cửa, lặng thing. Họ chỉ nhìn, rồi xì xào to nhỏ với nhau, mặc cho tôi đang bị chúng đánh, mặc cho chị Phương ra sức gào khóc cầu xin được giúp.
Chúng bỏ đi khi đã thỏa mãn cơn nóng giận của mình. Mọi người cũng lần lượt vào nhà hết khi thấy chẳng còn gì để xem. Tiếng những cánh cửa kẽo kẹt, xuỳnh xuỵch đóng lại. Ánh đèn tắt, chỉ còn ánh trăng khuyết soi rọi sau lớp mây mù. Tôi nằm dài trên con đường trải nhựa. Đôi mắt thâm quầng, mặt mày tím bầm, miệng rỉ máu đỏ. Bộ quần áo đẹp đẽ của tôi đã trở thành tấm vải nhàu nát. Tôi nhắm mắt lại và muốn đánh một giấc giữa con ngõ lạnh lẽo.
Chị Phương đến bên, đỡ tôi dậy. Chị dìu tôi vào nhà, đặt tôi nằm trên tấm nệm cũ. Tôi nhìn chị, miệng thều thào nói:
“Tôi chỉ nghỉ một lúc, rồi sẽ về.”
Chị Phương lấy khăn ướt lau những vết bầm trên mặt, rồi cả trên tay tôi. Tôi giật người xuýt xoa. Chị nói nhỏ:
“Gắng chịu một chút! Phải làm sạch, không thì nhiễm trùng đấy!”
Tôi nằm yên vị, mắt nhìn thẳng lên trần nhà. Trần lát xốp, cứ chốc chốc lại có tiếng chạy uỳnh uỳnh của lũ chuột, tiếng “cà rét cà rét” của mấy con thạch sùng đơn độc bò lết trên bức tường dựng thẳng đứng. Cả thân thể tôi đau đớn, mệt mỏi, tới cánh tay cũng chẳng nhấc lên nổi.
Chị Phương đã thay bộ đồ ngủ. Chị nằm cạnh tôi, đắp lên mình chiếc chăn bông ấm áp. Chị ghé đầu tựa lên vai tôi, rồi thủ thỉ:
“Mọi người ở đây, họ chẳng ai chấp nhận mày với chị cả! Chỉ có những người chưa biết về quá khứ của chúng ta mới thực sự coi chúng ta là con người.”
Tôi chết lặng khi nghe những lời ấy từ chị Phương. Những câu nói đánh trúng tim đen của một kẻ đã lầm lỗi, nay chẳng còn cơ hội để được sửa chữa. Tôi từng là một thằng nghiện ngập. Tôi đến với thứ hàng cấm đó cũng là do phút yếu lòng của bản thân. Khi mà những áp lực quá lớn từ cuộc sống đè nặng, tôi chẳng thể tìm đâu được lối thoát, và rồi coi nó như một thứ bùa ngải thần kỳ để giải tỏa tạm thời mỗi khi nỗi ám ảnh lại xâm lấn.
Ngay từ nhỏ, tôi đã chẳng được bình thường như bao người khác. Tôi hèn nhát. Tôi rụt rè. Tôi sợ hãi. Tôi hoảng loạn. Tôi không giỏi sẻ chia, và cũng chẳng ai quan tâm rằng tôi đang gặp phải chuyện gì. Sự cô đơn chiếm lấy tâm trí khiến tôi thu mình lại. Hằng ngày chỉ vu vơ chuyện trò với con rối vô tri mà mình tự tạo ra. Giọng tôi trầm lặng, nhưng giọng chúng lanh lảnh như nói lời trêu ngươi.
Tôi đưa cánh tay để chị Phương gối đầu lên, rồi kéo chị xích lại về phía mình. Hơi ấm ấy đã lâu tôi không còn nhận lấy. Nhưng giờ đây, nó làm trái tim tôi thổn thức, và bỗng nhiên, tôi chẳng còn cảm giác lồng ngực mình lặng xuống. Tôi nhắm nghiền mắt, rồi ngủ thiếp đi.
Hơn hai năm sau đó…
Tôi tỉnh giấc khi mặt trời vừa ló rạng. Những chú gà trống thi nhau cất vang tiếng gáy. Tiếng lũ nhỏ ríu rít gọi:
“Bố ơi! Bố ơi! Bố dậy đi! Mấy bạn gà đang đòi ăn kìa.”
Thấy lũ nhỏ quấn quanh, tôi liền ôm chầm cả bốn đứa vào lòng. Tôi gượng người dậy, vươn mình. Bên ngoài, mặt trời đã lên sáng tỏ. Tôi khoác chiếc áo mỏng, rồi ra sau vườn thái chuối cho gà. Lũ nhỏ ríu rít, khệ nệ xách xô thức ăn ra chuồng gà. Chúng nó vui vẻ, reo vang khi thấy đàn gà con bé xíu kêu chiếp chiếp chạy quanh chân mình.
Tiếng cổng nhà mở cót két. Một cô nàng mặc chiếc quần thụng rộng thùng thình và chiếc áo sơ mi dài dắt xe đạp vào trong nhà. Tôi bước ra sân trước, rồi nói:
“Em đã đi đâu từ sớm thế?”
“Em đi mua đồ ăn cho mấy bố con nhà anh đấy!”
“Thế hả! Nay có món gì?”
“Anh đoán xem!” – Cô ấy giơ túi đồ ăn lên.
“Mùi này, đích thị là bún chả.” – Tôi ngửi ngửi.
“Chuẩn không phải chỉnh. Vào ăn thôi!”
Tôi gọi lớn:
“Vào nhà ăn sáng thôi, mấy đứa!”
Tôi cất xe đạp ở góc tường, rồi vội vã vào nhà. Căn phòng khách rộng rãi, chẳng có mấy đồ đạc, nhưng bức ảnh lớn ở chính giữa nhà đã làm lu mờ đi cảm giác trống vắng ấy. Bức ảnh chụp một gia đình ấm áp, nơi tôi và Phương đã trở thành gia đình của bốn đứa trẻ. Dù không may mắn sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng vì thế mà tôi và Phương càng thương yêu chúng hơn và muốn cho chúng một mái ấm hạnh phúc. Sau những khó khăn, tủi nhục, cuối cùng, tôi cũng đã tìm thấy được nơi mà mình thuộc về, một bến bờ hạnh phúc nho nhỏ giữa cuộc đời chông chênh này.
Phương mở túi bún. Mùi chả nướng tỏa hương thơm nức. Lũ nhỏ thi nhau xuýt xoa, bụng đứa nào đứa nấy đều đã réo lên cồn cào. Tôi chia phần cho tụi nhỏ. Rồi ngay trước khi ăn, tụi nó đồng thay nói:
“Con mời bố mẹ ăn sáng!”
“Được rồi! Các con ăn đi!”
Phương nhìn tôi, rồi mỉm cười hạnh phúc. Tôi cũng tủm tỉm, trong lòng bỗng nhiên xốn xang đến lạ. Tôi vén hàng tóc rủ xuống trên má Phương. Chúng tôi nhìn nhau, rồi ngắm lũ nhỏ đang cặm cụi ăn bữa sáng bằng cặp mắt hạnh phúc. Một căn nhà nhỏ ấm cúng bên cánh đồng lúa bát ngát phía xa xa.
Hoàng Hiệp (3 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 5328
Cảm ơn b "gấc" nhiều
Tiểu Từ Hi (3 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 6738
Truyện hay lắm! Hóng tác phẩm tiếp theo của bạn nhaaa!
Hoàng Hiệp (3 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 5328
Cảm ơn b
Anh Nguyễn Minh (3 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 3263
có triển vọng nha...