- Chuyến Buýt Ngược Thời Gian
- Tác giả: Thùy Takitory
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [T] Không dành cho trẻ dưới 13 tuổi
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.499 · Số từ: 2133
- Bình luận: 2 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 2 Akabane1701 Lee Na
Lang thang trên phố, đi giữa phố đông đang hối hả trở về sau một ngày mệt mỏi, tôi lại suy nghĩ miên man. Những suy nghĩ không cố định về một chủ đề nào cả, chúng cứ xáo trộn, ẩn hiện trong trí óc khiến tôi càng thêm mệt mỏi.
Yên vị tại vị trí gần cuối, cạnh cửa sổ trên xe buýt, tôi đưa mắt ngắm nhìn dòng người. Giờ tan tầm, đường phố đông nghịt toàn xe là xe, lắm đoạn tắc đường, còn thấy xe máy lấn lên vỉa hè mà “tung hoành” như đang đi dưới lòng đường. Sau một ngày mệt mỏi và căng thẳng, có người sẽ ngay lập tức trở về nhà để làm tiếp những công việc gia đình như: đón con về, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng,… hay đơn giản là để kịp ăn bữa cơm với gia đình; có những người khác lại rủ rê nhau vào quán nhậu, quán cơm, quán cà phê,… để vừa ăn vừa trò chuyện. Nhưng cũng có những người, giờ này, công việc của họ mới thực sự bắt đầu. Những xe bán đồ ăn được đẩy đến những khu vực đông người qua lại, người bán hàng nhanh nhẹn xếp vài ba cái ghế xung quanh để làm chỗ ngồi cho khách, rồi họ cũng nhanh nhẹn sắp xếp đồ để chuẩn bị tiếp đón vị khách đầu tiên. Cả quá trình diễn ra rất nhanh gọn, không có động tác thừa, cũng không bị thiếu động tác nào, họ giống như những rô – bốt đã được lập trình sẵn, gây cảm giác chuyên nghiệp, lại máy móc.
Bên cạnh tôi có tiếng động, có người ngồi xuống. Đó là một anh chàng khá cao và điển trai, theo tôi cảm nhận. Người đó bỏ chiếc ba – lô sau lưng đặt lên đùi, lấy chiếc điện thoại đã cắm sẵn tai nghe ra, đeo vào tai và chìm vào thế giới riêng. Lúc này, xe đã đi qua hai trạm, xe bắt đầu đông dần, chẳng mấy chốc mà đã chật kín người. Tiếng người chen lấn, người chuyện trò, người lên, người xuống, rồi lâu lâu là tiếng nhắc nhỏ tiếng của phụ xe khiến tôi hơi nhức đầu, đơn giản, vì tôi không thích sự ồn ào. Tôi cũng lấy tai nghe ra đeo vào, bật bài nhạc quen thuộc, rồi tôi lại đưa mắt ra phía cửa sổ như để trốn tránh sự bí bách trên xe.
Tôi thấy đứa trẻ ngồi sau xe của mẹ, vai còn đeo cặp sách, đang thưởng thức chiếc bánh mỳ trên tay. Tôi lại tưởng như thấy đứa trẻ đó là tôi, người đang lái xe là mẹ tôi và trên tay tôi đang cầm chiếc bánh khoai mà chị tôi yêu thích. Tôi không ăn luôn vì tôi sẽ mang về để cùng ăn với chị gái tôi. Thực ra, tôi không thích ăn bánh khoai lắm vì nó được chiên qua dầu hoặc mỡ nên gây cảm giác ngán, nhưng mùi của nó rất thơm, kích thích vị giác, khiến đứa đang đói bụng như tôi thòm thèm.
– Mẹ ơi, mẹ mua bánh khoai cho con đi. Ở cổng làng mình có bán.
Tôi nhớ rất rõ khi ấy, mẹ đã đỗ xe lại, mua hai chiếc bánh. Tôi tò mò:
– Con chỉ ăn một cái thôi mẹ.
– Mẹ mua cho chị Xử Nữ một cái nữa.
Vâng, ngay giờ phút này, tôi nhận ra tôi có thêm một người chị và chị tôi rất thích ăn bánh khoai. Vậy mà trí óc non nớt của tôi lúc đó lại khiến tôi ngây thơ nghĩ rằng, hôm nay mình là công chúa (vì được một mình ăn hai cái bánh lận). Suy nghĩ trẻ con đến lạ! Chính mẹ đã kéo tôi ra khỏi ảo tưởng lạ lùng ấy…
Xe đột ngột dừng lại, người trên xe nghiêng về phía trước theo quán tính, tôi cũng giật mình. Thì ra là dừng đèn đỏ.
– Bác tài ơi, có trẻ nhỏ nhé!… Nhanh chân nào! – Tiếng nhắc nhở của phụ xe vang lên khi xe đến trạm dừng. – Rồi, đi thôi.
Xe lại lăn bánh, có người xuống thì lại có người lên, tính ra người trên xe cũng chẳng giảm được mấy.
– Thanh niên đứng lên nhường ghế cho bà nào! – Lại là tiếng phụ xe.
Nhưng hình như không có tác dụng lắm vì tôi thấy âm thanh ấy lại vang lên, một cách nhẫn nại:
– Anh đứng lên nhường ghế cho bà đi! – Lần này, có người đã được điểm mặt gọi tên, đương nhiên hiệu quả hơn cách vừa rồi nhiều.
Người này đứng lên, xen vào giữa hàng người đang đứng, mấy người đứng đó cũng biết ý mà lùi ra nhường một khoảng trống cho anh. Ai đi xe buýt nhiều sẽ không xa lạ với cảnh này nữa. Ngoài những người có tính tự giác cao, luôn tự động nhường ghế cho những đối tượng được ưu tiên, những người còn lại hoặc là đang ngủ, hoặc không nhìn thấy người lên xe, cũng có thể là không muốn nhường. Những lúc như thế, phụ xe đều sẽ lên tiếng nhắc nhở nhẹ nhàng, hoặc bác nào khó tính thì cằn nhằn vài câu rồi thôi. Ban đầu, tôi cũng hay để ý, nhưng giờ thì đã quen với cảnh này rồi.
Tính ra, tôi cũng là người đi xe buýt có thâm niên đấy chứ. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ năm tuổi, tôi đã được mẹ dắt tay tung hoành trên những chuyến buýt không nhớ tên. Có lần, mẹ dẫn tôi đi thăm ngoại, có lần khác là những chuyến du lịch trong ngày. Lúc ấy, tôi hoặc sẽ ngồi trong lòng mẹ, hoặc sẽ ngồi cạnh mà tựa đầu lên vai mẹ, ngủ ngon lành. Lên xe buýt, sẽ chẳng bao giờ tôi cảm thấy được sự chen chúc, chật chội vì sẽ luôn có người sẵn sàng hoặc không tự nguyện nhường chỗ cho tôi; không khi nào tôi cảm thấy mình phải lên hay xuống xe một cách nhanh chóng vì bác tài chắc chắn sẽ dừng xe thật chậm và an toàn mỗi khi có trẻ nhỏ, người cao tuổi hay phụ nữ có thai. Giờ ngẫm nghĩ, đừng hỏi tại sao trẻ nhỏ lại vô tư, luôn nghĩ đơn giản về mọi thứ đến vậy, chỉ vì đến đâu, cũng sẽ có những quy định, những cá nhân dành sự ưu ái đến chúng. Cũng đừng trách con trẻ khi chúng không thể thấu được những vất vả, lo lắng của người lớn bởi đặc quyền của trẻ nhỏ là vô tư, là được yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc, là được vui chơi,… Xin đừng vì bất kì lí do gì mà tước đi những quyền lợi đẹp đẽ ấy vì quãng thời gian ấy trôi qua nhanh lắm, trẻ nhỏ rồi cũng nhanh chóng lớn lên, rồi một ngày thời gian cũng vô tình theo lẽ thường mà cướp đi sự ngây thơ của chúng; chúng cũng sẽ có những lo toan, những bất đắc dĩ mà tuổi thơ chưa từng trải qua… Yêu thương trẻ, hãy để trẻ lớn lên, trưởng thành với một tuổi thơ đẹp đẽ và đầy ắp tình thương!
Radio trong xe được bật lên, tiếng phát thanh viên cùng với tiếng nhạc từ tai nghe của tôi như cãi nhau. Tôi tắt nhạc, cất điện thoại vào ba – lô rồi ngủ lúc nào không hay.
– Cô sẽ đọc tên các con được phát giấy khen “Cháu ngoan Bác Hồ”, các con nào được gọi tên nhanh chóng lên phía trên đứng thành hàng để nhận giấy khen cùng phần thưởng.
– Riêng con Vũ Kim Ngưu sẽ chỉ nhận được giấy khen thôi, vì ba mẹ con chưa đóng tiền học nên sẽ không được nhận phần thưởng…
…
– Mẹ ơi, hôm nay con nhận được giấy khen, nhưng cô giáo không phát phần thưởng cho con.
– Chiều ăn cỗ về mẹ mua cho con nhé!
– Thôi. Khi nào có tiền mẹ mua sau cũng được. Con không cần kẹo đâu, mẹ mua vở giống các bạn thôi nhé!
…
– Chúc mừng các con đã vào lớp Một! Giờ cả lớp cùng hát vang bài “Tạm biệt búp bê” nào!
“Tạm biệt búp bê thân yêu
Tạm biệt gấu misa nhé
Tạm biệt thỏ trắng xinh xinh
Mai tôi vào lớp 1 rồi
Nhớ lắm quên sao được
Trường mầm non thân yêu.”
– Bây giờ cô sẽ phát quà cho các con nhé!… Vì chưa hoàn thành học phí nên hai con Vũ Kim Ngưu và Vũ Song Tử sẽ không nhận được quà!…
Cảnh tượng này, đây là lần đầu tiên được tái hiện sống động đến thế. Đến mức mà ngay cả trong mơ tôi cũng cảm thấy vô cùng đau đớn và tủi nhục. Những đứa bé ấy, chúng đâu có tội tình chi? Dù là với bất cứ lí do gì, chúng cũng không nên bị đối xử bất công đến vậy. Đừng nói trẻ nhỏ không biết gì! Chính những đối xử như thế, những cảm xúc tồi tệ lúc ấy sẽ đeo bám các em trong thời gian rất dài, sẽ khiến em tự ti, kìm hãm các em, có thể hình thành nhân cách xấu hoặc tệ hơn, nó giết chết những mầm cây còn chưa kịp đâm qua đất để ló ra ngoài ánh sáng.
Đầu tôi đau nhức, có lẽ đó là kết quả do cơn ác mộng vừa rồi gây ra. Tôi cố nhắm mắt nhưng chẳng thể nào ngủ được nữa. Xe đã đi qua những đoạn tắc nghẽn trầm trọng, đang tiến trên con đường ngoằn ngoèo về phía Cầu Thăng Long. Đoạn này vì để kịp giờ về bến nên xe đi rất nhanh. Ngay sau những trận lắc lư dữ dội là những đợt nảy người khi xe lên cầu. Người trên xe đã bớt rất nhiều. Cậu chàng bên cạnh tôi vẫn đang yên giấc, đầu lắc lư trái phải đến ngộ. Tiếng trẻ nhỏ bi bô tập nói, lắm lúc làm bác tài khó tánh, ghét tiếng ồn cũng phải cười thành tiếng. Tôi cũng cười theo cái điệu líu lo ấy. Không biết tôi của lúc nhỏ ra sao nhỉ? Có đáng yêu như vậy hay suốt ngày khóc nhè rồi mè nheo?
Đến trạm dừng, tôi bước xuống xe thật nhanh trên đà xe vẫn đang chầm chậm di chuyển. Đột nhiên, tôi muốn chạy về nhà thật nhanh, để gặp mẹ, để tìm những khoảng bình yên thân thương.
Nếu có một điều ước, tôi chưa nghĩ ra sẽ ước điều gì. Nhưng chắc chắn, tôi sẽ không ước được trở về tuổi thơ. Tuổi thơ ngô nghê, tuổi thơ đẹp lắm, bình yên lắm nhưng lại chứa đựng bao đắng cay không hợp thời, tuổi thơ khiến tôi bất bình cũng không dám lên tiếng, khiến tôi cảm thấy bất lực khi thấy gương mặt mẹ hiện nét buồn thương. Chỉ vì, khi ấy, lời trẻ con chân thật nhưng không “lại” được những xảo ngôn hoa mỹ của “người lớn”.
Thùy Linh Đặng Thị (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 8183
Cảm ơn những góp ý của bạn.
Thứ nhất,khi viết truyện này, mình xác định nó là một truyện ngắn thông thường.
Thứ hai, nhân vật "tôi" trong truyện là Vũ Kim Ngưu khi đã trưởng thành.
Mình muốn giải thích chút. Khi đặt tên truyện như vậy, ý của mình là chuyến buýt này đã "đưa" Kim Ngưu về quá khứ, để cô nhớ lại những đối xử bất công trong quá khứ, và từ "ngược" ở đây kiểu như gợi liên tưởng về những chuyện trong quá khứ.
Những đoạn mà bạn cho là thừa thãi, tại sao lại không nghĩ đó là bình luận, suy nghĩ của cô ấy? Không phải ai khi gặp phải tình huống như vậy cũng đều sẽ tức giận, có người sợ hãi, có người xấu hổ,... Và nhân vật của mình, khi một lần nữa bắt gặp quá khứ ấy trong giấc mơ, cô ấy cảm thấy bất bình, cô ấy bắt đầu suy nghĩ và có những đánh giá mang tính thấu hiểu hơn của một người trưởng thành đã từng bị bất công khi còn là trẻ nhỏ.
Có lẽ mình viết truyện vẫn còn "non tay" nên chưa thể lột tả hết những ngụ ý của mình. Mình sẽ cố gắng hơn trong những bài viết sau.
Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn những góp ý của bạn.
Ngỗng Ngông (5 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 17916