- Review truyện ngắn “Tình không hẹn (P2) – Một Nhành Lan” của tác giả Bodhi
- Tác giả: Thanh Diệp
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.483 · Số từ: 1752
- Bình luận: 2 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 9 Blue Thích Ăn Thịt Gà Bodhi Thanh Diep Vi Phong LH Uk Fan Mặc Vũ Hoa Tran Chi Ngô
Review truyện ngắn “Tình không hẹn (P2) – Một Nhành Lan” của tác giả Bodhi
Ngày nhỏ, trong nhà tôi có một giò lan tím. Ông ngoại ghé nhánh thân mảnh khảnh vào vỏ một trái dừa, treo chênh vênh dưới tán cây na dai bà trồng. Vòi hoa hiếm hoi dựa lên thành bể nước rêu phong, trong bóng râm điểm lên những gam màu trong trong tím tím. Dịu dàng trong gió, cánh hoa nở bung từ những gì thanh khiết nhất của đất trời, không khí và hơi nước.
Tựa như tình yêu của Lan và Việt, lặng lẽ đơm hoa trong âm thầm, dù cho không có bàn tay ai cố ý vun trồng, chăm bón.
Cô gặp anh trong một hoàn cảnh ngoài ý muốn, cô bác sĩ viện Grall cứu giúp một chàng trai đất Bắc bị thương đang trốn chạy giữa đất Sài Gòn.
Cô và anh chạm đến tâm khảm nhau cũng là ngoài ý muốn, chỉ qua những lời tâm sự vu vơ khi cô tới phòng thí nghiệm – nơi cô giấu anh khỏi Ngụy quân, và lời hứa cùng nhau ra Hà Nội, cùng nhau thăm vườn lan của ông nội người con trai ấy.
Nhành lan tím vươn vòi, trổ nụ.
Chỉ tiếc, dẫu được bàn tay ai chăm chút thành giò phong lan treo bên bậu cửa, nhành hoa ấy vẫn là đứa con của những vách núi cheo leo, cùng những tháng ngày ẩn khuất trên cành cây cổ thụ.
Tựa như giữa Việt và Lan, dù cho cuộc sống để họ gặp nhau, cũng không thay đổi được điểm xuất phát của hai người. Trớ trêu thay, họ lại ở hai nơi đối lập. Phải làm sao, khi cô là người được nuôi dưỡng trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, còn anh lại là người chiến sĩ Cộng Sản kiên trung?
Lập trường chính trị không cho phép nhành lan nở rộ. Hoàn cảnh gia đình không cho phép Hoàng Lan bước tiếp. Nhưng lại có sao? Giữa mưa dập gió vùi, từng đài nụ xanh non vẫn hé ra những cánh kiên cường, dù cho phải đối mặt với muôn vàn gian khó.
Tựa như cô bác sĩ Hoàng Lan, giữa cơm áo Ngụy quyền, vẫn kiên cường lý tưởng, muốn trả nợ cho nhân dân, cho đất nước.
Dũng cảm chọn cứu người có khả năng là Cộng Sản khi anh trai cô là trung tá của Việt Nam Cộng Hòa, kể cả khi biết Việt là người ám sát thượng tá Sa Huỳnh, Lan vẫn không lùi bước.
Đứng trước gia đình, cô gái ấy vẫn ngẩng cao đầu, kiên cường muốn cả nhà thay đổi lập trường chính trị.
Nhành lan ấy có thể nở hoa, chính là nhờ có cô, người con gái như phong lan rừng, âm thầm mà dũng cảm.
Cô chỉ dừng bước, khi trước mặt cô là người lính mà cô quan tâm.
Lần đầu tiên trong tác phẩm, ta thấy Hoàng Lan trốn tránh. Cô rời đi khi đất nước đã hòa bình, đem tri thức đã được học đền bù cho những gì gia đình cô đã nợ. Để lại sau lưng nhành hoa tím khẽ lay trong gió, cùng một người lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ, vội vã đi tìm một nửa của trái tim.
Nhưng có lẽ, người đang yêu chỉ có thể lừa dối chính mình, mà không thể nói dối được trái tim đang khát khao một vòng tay ấm áp. Hoàng Lan đi một vòng, cuối cùng vẫn trở về nơi cành hoa tím trong tim cô nở rộ, Hà Nội, nơi có anh, nơi họ đã hứa hẹn, hứa rằng sẽ “cùng nhau”.
Cuộc gặp gỡ trên chuyến tàu Bắc – Nam ấy đã thay cho lời kết của một cuộc tình, Bắc – Nam sum họp, người yêu nhau cũng trở về một nhà.
Nhành lan rừng đã nở, lại nhờ bàn tay ai đem nó từ trong mưa gió trở về.
Bàn tay ấy nhẹ nhàng che chở, dù cho đánh đổi cả tương lai của mình.
Mọi cảm tình, mọi rung động từ hai tâm hồn khát vọng, chỉ cần một câu nói: “Bắc Nam thống nhất một nhà, đất nước hòa bình. Nợ Tổ Quốc anh đã trả xong, còn nợ em xin cho anh dùng cả đời này để trả”.
Tôi có thể trách Việt nói ra cơ mật nhiệm vụ cho người anh yêu, hay không vui khi người lính cụ Hồ khi chỉ huy trận đánh quan trọng vẫn phân tâm nhớ về thứ khác, nhưng chỉ riêng câu nói này thôi, có lẽ là đã đủ. Con người cảm tính mà, cần gì nhiều đâu, khi Việt đã có một trái tim đáng giá là tất cả.
Người con trai ấy chỉ cần một dòng chữ “Anh sẽ tìm em, cảm ơn em” đã có thể khiến tôi rung động. Cũng chỉ vì hai tiếng “Đừng khóc” khi anh dỗ dành Hoàng Lan mà khiến con tim tôi thổn thức nghẹn ngào. Ai có thể trách người lính có quá nhiều tình cảm trong tim cơ chứ? Khi mà anh đã vững tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ Tổ Quốc giao cho. Mà biết đâu, chính những tình cảm cháy bỏng trong con tim ấy lại là động lực cho người lính quyết tâm tiến tới, cho dù phía trước là thịt nát xương tan.
Đây là lần thứ hai tôi viết về văn của tác giả Bodhi, lần thứ hai cảm nhận được giọng văn bình dị nhưng có những khoảnh khắc đè nặng trong lòng. Trong một bối cảnh phức tạp với nhiều sự kiện đan xen, có thể nói tác giả đã làm rất tốt trong việc dẫn dắt tình huống truyện. Từ việc cài cắm sự xuất hiện của thiếu tá Văn Thành cùng sự phản bội, cho đến nhân vật cô vũ nữ, tất cả đã được tận dụng một cách tối đa để mở ra những cao trào cho câu chuyện. Một cốt truyện logic với độ dài chỉ bốn chương, không thể không nói tác giả đã làm được nhiều thứ hơn so với dung lượng của một truyện ngắn.
Nhưng nhắc đến ưu điểm trên thì cũng cần nói tới nhược điểm của cách hành văn tự sự này. Đó là điểm nhấn. Ý kiến cá nhân tôi cho rằng điểm nhấn của truyện chưa được đào sâu đúng mức cho thể loại truyện ngắn – thể loại mà độc giả có thể đọc rất nhanh là đã hoàn thành. Có lẽ tình tiết quá nhiều chăng? Dù không thừa, nhưng vô hình trung đã khiến những chi tiết đắt giá bị chìm đi trong từng con chữ.
Như một bức tranh khắc vào trên đá, đẹp và tỉ mỉ, nhưng lại không đủ sắc và sâu.
Chỉ nhắc riêng đến hai tình huống cao trào của truyện, khi Hoàng Lan tìm đến căn phòng nơi cô giấu Việt, và đêm cô lỡ hẹn với người cô thương. Tôi cho rằng đây là phân đoạn biểu hiện rất rõ tâm lý cũng như tình cảm của Lan. Nếu có thể đào sâu, ta còn có thể nhìn ra sự khác biệt giữa một bên là tình cảm mới chớm nở đã chia xa, còn một bên là niềm nhớ đã hằn sâu nhưng bị hoàn cảnh xô tới bến bờ tuyệt vọng.
Không như truyện dài hay tiểu thuyết, dung lượng của truyện ngắn không cho phép tác giả đi quá sâu hay dành nhiều lời mô tả. Nhưng như người thợ tài năng muốn khiêu chiến chất liệu cứng rắn như đá tảng thì cần có những mũi dùi dứt khoát, đục thẳng vào mặt đá để có được những vết khắc sắc và sâu. Có lẽ đôi khi cần đủ sắc để cứa vào lòng người đọc khiến họ nhớ mãi.
Bên cạnh đó, tác phẩm xuất hiện hai lỗi logic khá đáng tiếc.
Đầu tiên là là tên gọi Bộ Tư lệnh, Tổng cục Cảnh sát và Nha An Ninh ở chương hai không chính xác. Theo hiểu biết cá nhân tôi, quân lực của Việt Nam Cộng Hòa trước hay sau năm 1964 đều không có Tổng cục cảnh sát. Riêng Bộ Tư lệnh thì chia theo lực lượng như Không quân, Hải quân vv. Còn Nha An ninh, chính xác là Nha An ninh Quân đội chỉ có trong phân chia quân lực trước năm 1964.
Điểm thiếu logic thứ hai cần kể đến là đoàn tàu Bắc – Nam nơi Lan và Việt gặp lại. Theo tác giả viết, đoàn tàu tốc hành xuất phát cuối năm Đinh Tỵ 1977 có ký hiệu SE9. Tuy hiện nay tôi chưa tra được tên chính xác của đoàn tàu Bắc – Nam do thời điểm đi vào vận hành từ ngày mùng bốn tháng một năm 1977, đoàn tàu thay đổi đầu kéo cho mỗi quãng hành trình và mỗi đầu kéo lại có tên khác nhau. Ví dụ đầu kéo xuất phát từ Hà Nội có tên Tự Lực. Nhưng có thể khẳng định cái tên SE9 không chính xác, vì đôi tàu SE 9 – 10 đến năm 2017 mới được đưa vào sử dụng, và chạy lộ trình Hà Nội – Hồ Chí Minh chứ không phải từ Nam ra Bắc. Ngoài ra vào năm 1977, tàu Thống Nhất Bắc – Nam vẫn đang chạy lộ trình tám mươi tiếng, chưa được tính là tàu tốc hành.
Ngoài ra, những lỗi chính tả, diễn đạt, lỗi viết hoa hay lỗi đánh máy khác, tôi đã gửi riêng cho tác giả nên sẽ không nói thêm.
Bỏ qua những sai sót có thể sửa chữa đó, “Một Nhành Lan” cũng như các tác phẩm khác của tác giả Bodhi, là một cách diễn giải rất riêng cho tình yêu người lính. Như một nhành lan đung đưa bên bậu cửa sổ, kiên cường và thơm ngát.
tD.
Link tác phẩm: “Tình không hẹn (P2) – Một Nhành Lan” – Tác giả Bodhi.
Bodhi (4 năm trước.)
Level: 16
Số Xu: 20416
Cảm ơn Diệp Thanh đã giúp mình review truyện một cách chi tiết và tỉ mỉ cũng như chỉ ra các lỗi mà truyện đang mắc phải ?
Blue (4 năm trước.)
Level: 11
Số Xu: 7626
Đỉnh quá chị Diep, chị viết hay thiệt á.