Review truyện Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez.
***
“Cô đơn”. Nhiều người không thích và thậm chí ghét tính từ này, vì nó mang nghĩa tiêu cực và chẳng bao giờ khả dụng trong giao tiếp thông thường. Nhưng khi nói về những sự vật như cây Tenere tồn tại suốt ba trăm năm giữa sa mạc, hay chú cá voi 52Hz suốt đời phát ra âm thanh với tần số khác biệt khiến đồng loại không bao giờ hiểu được, người ta buộc phải dùng đến từ “cô đơn”. Và kiệt tác “trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Marquez cũng vậy, thậm chí nó khiến ta phải dùng đến hai tiếng “cô đơn” ấy theo một cách thức khác là thốt lên chứ không phải là chủ động dùng như khi nói về cái cây và chú cá voi kia nữa. Và nỗi cô đơn trong tác phẩm cũng mang một vẻ rất khác so với người ta tưởng tượng. Không hẳn cô đơn là ta ở giữa một nơi hoang vu vắng vẻ, cô đơn trong “trăm năm cô đơn” là cái cô đơn khi sống giữa bao nhiêu người mà không một ai hiểu được mình. Bản thân tôi cũng phần nào thấm thía được điều đó, và cũng băn khoăn nhiều mới quyết định viết bài review này, rằng tại sao lại đem chia sẻ một tác phẩm viết về cô đơn, đã chia sẻ ra rồi thì còn gì là cô đơn nữa. Nhưng tôi nghĩ là tôi nên viết. Vì nếu có người hứng thú và mua cuốn sách về đọc thì tôi vui. Còn nếu có người lướt qua những dòng này như lướt qua trang quảng cáo kem đánh trong tờ tạp chí, thì chính lúc đó tôi lại được trải nghiệm cảm giác cô đơn.
Cũng bởi lẽ nêu trên mà tác phẩm không nói về nỗi cô đơn của duy nhất một người, mà là của nhiều người, của cả một dòng họ, cả một cái làng và sâu xa hơn là của cả thế giới. Tôi sẽ không tóm tắt sơ lược tác phẩm ở đây. Không phải vì tôi sợ làm nó mất hay. Mà vì tôi nghĩ tác giả Gabriel Garcia Marquez đã dùng cách viết ngắn gọn nhất để viết nó rồi. Vậy mà nó vẫn trở thành một cuốn sách dày 600 trang chứng tỏ khối lượng nội dung của nó lớn đến nhường nào. Thứ hai là nếu có một đấng toàn năng nào đó tóm tắt trọn vẹn được tác phẩm này thì những chi tiết hư ảo trong đó sẽ biến ông ta thành một bậc thầy nói phét. Thật vậy, mọi người nên đọc tác phẩm bằng tâm hồn trong sáng nhất, đừng nghi ngờ về việc gió có thể cuốn bay sạch nhẵn một ngôi làng, mưa hoa đổ xuống một lễ tang hay một cô gái bất ngờ bay lên trời và vĩnh viễn siêu thoát từ đó như một nàng tiên. Thậm chí dân làng còn xúm nhau bắt được một con quỷ trong kinh thánh khi nó đang ngẩn ngơ đi lạc trong sân sau của một hộ gia đình. Có lẽ do tác giả thích thì tác giả viết nên như thế thôi. Nhưng vì tác phẩm quá vĩ đại nên những người đời sau tiến hành nghiên cứu phân tích và cuối cùng cũng đặt được tên cho cái thế giới khó hiểu ấy là “thế giới hiện thực huyền ảo của Gabriel Garcia Marquez”. Nhưng ấy là những người có chuyên môn cao rồi. Dưới tinh thần của một đọc giả “trong sáng” thì tôi chỉ biết nói rằng nó quá hay, quá lôi cuốn. Tôi không dám phát biểu rằng các tác phẩm văn học cổ điển không có sức lôi cuốn. Nhưng sự lôi cuốn chưa bao giờ là điều căn cốt làm nên giá trị của một tác phẩm cổ điển. Bằng cái mồm của người có đọc một chút văn chương, tôi xin nói nếu xét về mặt mỹ học thì cái hay của các tác phẩm cổ điển nằm ở sự đồng cảm và nỗi ám ảnh thời gian. Trăm năm cô đơn hội tụ cả hai yếu tố đó. Xem kẽ các trang viết xúc tích như một bài báo, là những dòng ý thức rúng động tâm can của tác giả về các nhân vật. Không thể dùng cách viết nào khác hơn khi nỗi cô đơn của các nhân vật là nỗi cô đơn xuất phát từ việc không thể nói ra, hoặc có nói ra cũng chẳng ai hiểu. Nhân vật đâu thể than khóc rằng “tôi cô đơn quá!”, không phải vì tác giả không cho nhân vật nói, mà vì nhân vật không thể nói, thậm chí có kẻ còn không biết rằng mình cô đơn để mà nói. Tiếp theo là nỗi ám ảnh thời gian. Tất nhiên sẽ chẳng ai đọc hết một cuốn tiểu thuyết trong vòng một buổi sáng, cho dù đó có là kẻ cô đơn nhất trần đời với một buổi sáng chủ nhật không đoái hoài gì đến vạn vật xung quanh. Họ thường đọc trong nhiều ngày trời, hoặc nhiều tháng trời, riêng bản thân tôi từng mất đến bốn năm để đọc một cuốn sách nhưng đó là do tôi đang đọc rồi bỏ quên. Và chính điều đó tạo nên nỗi ám ảnh về thời gian. Ban đầu tôi đọc phần đầu của cuốn sách thì cảm thấy nó rất bình thường, không cảm xúc gì, nhưng sau nhiều ngày trải qua các diễn biến cùng với các nhân vật thì tôi lại thấy nhớ cái phần đầu đó da diết, thậm chí còn nhớ đến chính mình ở thời điểm đang đọc cái phần đầu đó, nhớ lúc đó mình đang nghĩ gì, đang có tâm trạng gì. Trăm năm cô đơn là một trong những tác phẩm gợi nên trong tôi nỗi ám ảnh thời gian sâu sắc nhất. Không phải là ấn tượng hão khi đập vào mắt chúng ta là hai chữ “trăm năm”. Chắc tôi sẽ nhớ hoài câu văn trong một đoạn dòng ý thức về Ursula: “thời gian không hề trôi đi, mà nó xoay vòng”. Quả thực là những con người trong truyện đều cô đơn, nhưng đâu đó trong dòng thời gian trăm năm ấy lại có một sự liên kết rất riêng. Phần đầu của truyện đưa chúng ta đến với Hose acacdio, Ursula, Rebeca, Amaranta, đại tá Aureliano và người vợ Remediot (toàn là tên mỹ la tinh nên hơi khó đọc xíu) bằng những tính cách rất lập dị, rất lạ lùng, thậm chí còn thô tục. Nhưng chính những điều khác biệt đó lại khiến đọc giả nhớ đến họ như những tượng đài bao trùm cả trăm năm sau, khi câu chuyện không còn xoay quanh họ nữa. Thời gian làm họ chết đi và trở thành những huyền thoại cô đơn của dòng họ, của dân làng và của sự lãng quên. Nói vậy nhưng chẳng có yếu tố thần thánh hay ma mị nào trong tựa đề của truyện cả. “Trăm năm cô đơn”, nghe rất kêu tai, khiến người ta nghĩ đây là một tựa đề mang tính chất biểu tượng, hoặc là một phép hoán dụ liên quan đến một triết lý nhân sinh sâu rộng. Nhưng khi đọc xong và gấp sách lại người ta mới thấy hóa ra cái tựa trên rất chi hợp lý, rất chi cô đọng và thực tế: “cô đơn đúng một trăm năm”. Và có lẽ đúng một trăm năm sau khi cuốn sách ra đời, nó vẫn sẽ trường tồn và tiếp tục lan truyền một nỗi cô đơn muôn thuở đến những đọc giả chúng ta.
cách review của bạn vừa đẳng cấp, văn minh, hiểu biết, sử dụng ngôn từ rất khôn ngoan, sắc bén, tế nhị và sâu sắc, khiến tôi phải học hỏi. Chắc bạn nghĩ tôi có lẽ quá khen ngợi bạn nhưng tôi nghĩ sao nói đó, hehe và chẳng ngại tiếc lời khen ngợi. Nhờ cái cách review của bạn mà tôi sẽ phải sẽ kiếm "trăm năm cô đơn" để đọc.
Moon Vit Nguyet (5 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 9
cách review của bạn vừa đẳng cấp, văn minh, hiểu biết, sử dụng ngôn từ rất khôn ngoan, sắc bén, tế nhị và sâu sắc, khiến tôi phải học hỏi. Chắc bạn nghĩ tôi có lẽ quá khen ngợi bạn nhưng tôi nghĩ sao nói đó, hehe và chẳng ngại tiếc lời khen ngợi. Nhờ cái cách review của bạn mà tôi sẽ phải sẽ kiếm "trăm năm cô đơn" để đọc.