- Vệt nắng bên thềm
- Tác giả: Akabane1701
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [T] Không dành cho trẻ dưới 13 tuổi
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.265 · Số từ: 3153
- Bình luận: 2 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 3 Akabane1701 Hồng Hân Bách Lâm
Bài viết này hoàn toàn dựa trên những tình cảm, quan điểm, ý kiến cá nhân của mình, và mình không tiếp nhận những ác ý, những ý kiến mang tính tấn công.
Mặc dù mình tự nhận xét bài viết này khá nhẹ nhàng, song những chủ đề này không hẳn là phù hợp với nhiều người.
Cuối cùng, mong rằng các bạn sẽ không làm nhiệm vụ tại đây.
***
Thực ra, bài viết này không có giá trị gì ngoài việc tự nhìn lại những chuyện đã chứng kiến trong một năm của bản thân mình cả. Mình viết đôi dòng, cũng như để nhắc nhở bản thân của mình ngày hôm nay, để ghi nhớ về sau, đơn giản vậy thôi. Mình mong những câu chữ mình viết ra cũng nhẹ nhàng như những gì mình muốn nói.
Mới hôm nọ, có người nói mình giống người từng trải, cảm giác rằng mình chín chắn và sâu sắc. Mình cũng tự nhận thấy tính mình có phần khác biệt so với các bạn cùng trang lứa, hơn nữa, cũng nhiều người bảo mình giống “bà cụ non”, thậm chí còn hỏi mình bao nhiêu tuổi, trải qua những chuyện gì mới có thể suy nghĩ thấu đáo đến vậy. Thật lòng mà nói, mình không dám nhận các chữ “trưởng thành” hay “chín chắn”, nhưng để nói mình “ngây thơ” thì mình dám nói không.
Nhưng đúng là sống lâu quá nên cái gì cũng có, ở đời không thiếu chuyện khiến mình bất ngờ, càng không thiếu chuyện khiến mình thấy bản thân mình thật “ngây thơ”. Một đứa nhóc không chịu tiếp xúc với thế giới bên ngoài như mình thì nói làm gì chữ “đời”, chỉ là vài chuyện mình gặp trên mạng xã hội thôi.
Chuyện là vào một ngày rất bình thường, khi đang lướt điện thoại, mình chợt thấy một bài viết ẩn danh trên một trang tâm sự, vâng, xin nhấn mạnh là một trang mạng để người ta tâm sự, viết rằng: “Buồn quá mọi người ơi, không ai nhớ sinh nhật mình hết.”
Đại loại câu chuyện là bạn này để ngày sinh nhật giả trên Facebook, đến ngày thì họ hàng với bạn bè thấy thông báo nên vào chúc bạn này mà không biết đó là ngày sinh giả.
Mình là kiểu người tuy không có nhiều người quan tâm nhưng những người quan trọng với mình chưa từng quên sinh nhật mình (nói chung sinh nhật mình cũng dễ nhớ, ngày cuối năm thường chẳng ai bận gì). Mình thì không thấy chuyện của bạn ấy to tát, chỉ là mình muốn an ủi và khuyên bạn ấy vài câu như là đừng kì vọng nhiều quá hay gì đó tương tự, nên mình bấm vào bình luận.
Nhưng những gì mình đọc được đúng là khiến mình suy nghĩ khác.
“Ủa chứ bạn có nhớ sinh nhật người khác không mà người khác phải nhớ của bạn?”
“Không ai có nghĩa vụ phải quan tâm đến bạn đâu.”
“Thà tắt thông báo rồi bạn thân người thân nó không chúc còn cảm thấy tủi thân được, mà cái ngày sinh nhật đòi tất cả mọi người phải chúc thì ôi thôi bạn ơi bạn nên quay về thời xưa để sống trong cái cuộc sống công chúa của bạn đi nhé. Ai rảnh đâu mà nhớ hết ngày sinh từng người, chúc là may rồi, sinh nhật mình không một ai nhớ ngoại trừ mấy đứa bạn thân, bố mẹ cũng chẳng nhớ. Tủi mà có than gì đâu. Mình hết lòng người ta đối xử hết hồn. May cũng không ai làm mình hết vía như bạn.”
“Thế bạn có nhớ hết sinh nhật các họ hàng và bạn bè ấy không? Cuộc sống ai cũng bận rộn trừ bố mẹ ra thì bạn chả phải cái rốn của vũ trụ đâu. Không ai có thể nhớ hết sinh nhật của người quen được. Dựa vào FB nhắc thì có gì sai. Lớn lên đi em ạ không ai có nghĩa vụ phải chú ý quan tâm tới em đâu trừ bố mẹ.”
“Bạn thì sướng rồi, còn có người chúc.”
“Khùng hả.”
(Đã lược bỏ những bình luận xúc phạm cùng với những ngôn từ không đẹp.)
Những bình luận này lại được tương tác rất cao.
Mình đọc xong thì thôi cất điện thoại vào một góc…
Thực ra bài viết của bạn ấy cũng rất bình thường phải không? Người ta buồn thì tâm sự, ai an ủi thì an ủi, không thì lướt qua.
Đôi lúc mình suy nghĩ, vì sao con người cứ nhất định phải nói những lời có thể làm người khác tổn thương nhỉ? Mình không xét đến tính đúng sai của những bình luận trên, nhưng rõ ràng, cách thức họ bình luận có thể gây sự khó chịu với người đọc.
Chúng mình vẫn hay bao biện cho chính mình: “Ai cũng có sai lầm”, “Hồi đấy mình còn ngu ngơ…”
Chuyện này từ năm ngoái, vậy mà vẫn khiến mình suy nghĩ. Có nhiều người, cách nói chuyện, cách cư xử, cách hành động của họ đúng là có sự tàn nhẫn, đúng là họ khó ở, cộc cằn, nhưng nếu ở ngoài đời, ở một cuộc đối thoại, chúng ta có thể tránh tiếp xúc với những người như thế. Nhưng trên mạng, chúng ta không tránh được, nhất là trong phần bình luận của một bài viết. Không lẽ muốn tránh những bình luận ấy thì khỏi tâm sự, khỏi viết?
Mình lại nghĩ về những cái chết. Dưới phần bình luận về những bài viết liên quan đến các vấn đề tự gây thương tích, tự vẫn… Luôn chia làm hai loại ý kiến. Một bên thì ra sức an ủi người đang gặp vấn đề, một bên thì chửi những người ấy yếu đuối. Luôn có những bình luận đáp lại bên “chửi” rằng: “Sức chịu đựng của mỗi người là khác nhau”, “Đó có thể là may mắn, là chuyện nhỏ với bạn, nhưng với người ta thì không”, “Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác đi”, “Một lời nói của bạn cũng đủ làm tổn thương người khác đấy”…
Rồi mình lại suy nghĩ, giá như trong phần bình luận của cái bài viết vô danh mình đề cập, người ta cũng suy nghĩ được như thế. Người ta sẽ biết rằng, chúng ta không chỉ đối xử dịu dàng với những người đang gặp khúc mắc trong đời, mà chúng ta phải đối xử dịu dàng với tất cả mọi người, kể cả bản thân chúng ta.
Vào lúc một cái chết được trưng ra, con người ta hết lời thương xót. Nhưng chỉ sau đó, người ta quên mất. Quên mất rằng dù nỗi buồn to hay nhỏ thì vẫn là nỗi buồn. Người ta cho rằng nỗi buồn ấy không có giá trị với người ta thì cũng sẽ không có giá trị với tất cả mọi người trên thế giới này. Nỗi buồn của trẻ con, của những người chưa đủ tuổi, thì không thể gọi là buồn, không thể gọi là áp lực. Việc bảo mình lớn lên đi, đối với mình, chẳng khác gì đang coi thường và xem nhẹ mình cả. “Không có nghĩa vụ quan tâm đến ai”, được thôi, có thể bạn đúng, nhưng sống vậy thì buồn lắm. Có lẽ nhiều người sẽ rất cực đoan bảo vệ ý kiến của họ thay vì cư xử ra dáng hơn.
Nên, đó chính là lí do mình ở đây, còn các bạn ấy thì ở mãi đâu đâu kia.
Nói thế nào nhỉ? Kể từ khi mình bắt đầu tha thứ cho bản thân mình, mình dường như đã bao dung hơn cho người khác. Dĩ nhiên, mình không tài tình đến nỗi hoàn toàn không gây tổn thương cho ai, nhưng ít nhất thì mình không cố ý, không có ác ý, và nếu như mình làm đau một ai đó, mình sẽ xin lỗi, sửa lỗi.
Chính vì mình đã trải qua những lúc chạm đáy, nên mình hiểu những người đang muốn được chú ý, những người đang thể hiện những tổn thương ấy trên mạng xã hội. Ai mà chẳng biết mạng xã hội không đáng tin cho lắm. Nhưng đằng sau đó cũng có thể là một câu chuyện dài, về một cuộc sống không người chia sẻ, không người quan tâm. Mình không buông lời cay độc. Mình không muốn vạch trần nỗi đau của họ dựa vào kiến thức, dựa vào những hiểu biết tâm lí. Mình không muốn mang nỗi đau họ cố phơi bày nhằm nhận sự đồng cảm, thấu hiểu ra để phân tích, đánh giá. Mình không muốn họ chịu cảm giác xấu hổ khi bị nhìn thấu, vì điều đó, chỉ khiến họ hoặc thu mình lại, hoặc khiến họ dựa dẫm vào mình.
Có ý kiến cho rằng, “Nếu bạn chưa đi khám thì đừng có tự cho là mình bị trầm cảm.”. Mình không ở đây để nói về những người xem bệnh trầm cảm là một trò đùa, mà mình đang nói đến những người bất ổn, đang lo lắng về tình trạng sức khỏe tâm lý của họ và tìm kiếm thông tin trên mạng để kiểm chứng thử. Chúng ta tàn nhẫn với họ (những người chưa đi khám) và cho rằng chỉ những người bệnh mới xứng được thông cảm. Trong khi điều mà chúng ta nên làm là kiên nhẫn và tìm cách đúng đắn động viên một người đang bất ổn. Chúng ta giảng giải lí thuyết về sự khác nhau giữa bệnh tật và trạng thái cảm xúc nhất thời mà quên việc lắng nghe. Từ khi nào một người bất ổn cần phải được “công nhận” là người đó bất ổn? Từ khi nào mà chúng ta mặc định “Những người bất ổn thực sự là những người giấu nỗi đau vào trong”? Rằng những người đang khóc, đang cầu cứu kia, vì họ đang thể hiện nỗi đau của họ, nên thực ra họ cũng không “nguy hiểm” lắm? Việc nghĩ mình bị bệnh để rồi tập một lối sống, một lối tư duy tốt hơn, mới hơn, để tự cứu bản thân khỏi những hoảng loạn và bất an, từ khi nào là sai lầm vậy? Từ khi nào thì người ta mới hiểu rằng không phải ai cũng biết đến khái niệm “bác sĩ tâm lí” và có điều kiện đi khám?
Có thể bạn sẽ thấy việc một ai đó nhận là “trầm cảm” thật ngứa mắt, nhưng việc quan trọng hơn cả là hỏi xem người đó gặp vấn đề gì và có thể giúp gì, sau đó mới nói thêm một số kiến thức về “trầm cảm” cho người ấy biết để không quá lo lắng. Chứ không phải người ta mới tâm sự với bạn “Mình nghi mình có triệu chứng của bệnh”, là bạn liền xả ra một tràng không đầu không đuôi và không khiến tình hình dễ chịu hơn. Nếu bạn có kiến thức về căn bệnh ấy, đương nhiên bạn nên giải thích cho người ta hiểu, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng mình biết, không phải ai cũng sẽ nói chuyện theo nghĩa gốc của từ “giải thích”. Bạn không mắng những người ấy không có nghĩa là cả thế giới này đều như vậy. Và ở đây để nói về những điều ngược đời ấy, với mình cũng không thừa chút nào.
***
Mình còn là học sinh. Và với điều kiện phát triển thì một đứa gia cảnh bình thường đến không thể bình thường hơn như mình cũng phải có điện thoại. Mình tham gia vào các nhóm trên Facebook, về học tập, với các bạn cùng tuổi.
Mọi người biết là đến mùa thi cử kiểm tra thì những thành phần gì sẽ xuất hiện trên các nhóm ấy rồi. Chính xác, là các thành phần được mệnh danh “bọn khoe điểm”. Với tư cách là một học sinh không đến nỗi, mình chỉ đơn thuần lướt qua các bài viết khoe điểm, vì đơn giản là điểm của các bạn ấy không có gì đáng để mình chú ý cả. Mình thậm chí cũng không ưa các bạn ấy lắm, vì trong một nhóm học tập lớn, sẽ có người điểm cao, sẽ có người không. Các bạn ấy có thể khiến người khác cảm thấy tự ti và buồn bã. Mình biết một số bạn đăng lên, mục đích gây chú ý là chính. Mình thấy trẻ con, nhưng thôi, người ta cũng không ăn bớt cái gì của mình nên kệ. Song mình vẫn vui vì nhờ ấy, mình biết có nhiều bạn được điểm cao và học giỏi, và rằng đó là kết quả của sự cố gắng từ các bạn.
Nhưng một lần nữa, mình “có vẻ” đi ngược với đa số.
“Khoe làm mẹ gì?”
“Điểm cao vầy là trường cùi bắp rồi.”
“Bạn thấy dễ nhưng không phải ai cũng thấy dễ vậy đâu.”
“Tỏ ra thượng đẳng cái gì? Mình cao hơn bạn nè.”
“Điểm cao thì ngậm miệng lại.”
“Thôi đừng đăng nữa má ơi. Cái Facebook của bạn cũng có ra gì đâu mà cứ ra vẻ nhỉ. Tưởng vậy hay lắm.”
Thứ lỗi cho mình vì ngôn từ giới trẻ bây giờ ra sao, mình muốn giữ nguyên vậy.
Mình sẽ không nói nhiều về vấn đề này. Đơn giản, nếu không thích thì lướt qua, mình sẽ không buông lời cay đắng. Nhưng mình thắc mắc.
Nếu bạn ghen tỵ với cô bạn thân sát cạnh vì cô ấy giỏi hơn bạn thì may ra mình còn hiểu được. Nhưng vốn là một người không quen biết trên mạng giỏi hơn bạn thì có gì đáng để bạn kích động như thế? Tốt khoe xấu che mà?
Và mình tưởng là bạn phải vui vì trong thế hệ bây giờ vẫn có nhiều người tài giỏi chứ? Khi bạn nhìn thấy họ, bạn sẽ muốn phấn đấu cho bằng họ, đồng thời bạn sẽ biết “mây tầng nào gặp gió tầng đó”, bạn tiếp xúc với những người tài giỏi, điều đó chứng minh bạn cũng không hề kém cạnh họ, thậm chí còn có điều kiện phát triển hơn họ mà. Vậy thì có gì đáng để bạn bình luận công kích?
Đương nhiên mình nói không phải để dạy đời các bạn rồi. Chỉ là mình muốn các bạn hiểu, nếu các bạn muốn đáp trả thật đau, thì đấy chính là đáp trả bằng sự im lặng. Còn gì nhục nhã hơn việc nhận về một quả bơ sau bao nhiêu nỗ lực giành sự chú ý?
Trong số những người ấy, có khi điểm của họ rất cao trong mắt bạn, nhưng trong mắt họ là chưa đủ đạt đến kì vọng. Và, nếu bạn muốn công kích người khác, bạn nên biết cảm giác bị công kích rất dễ xuất hiện, nhưng lại không dễ phai đi đâu.
Quay trở lại vấn đề.
Theo mình, cách vạch trần nỗi đau của ai đó không có tác dụng, ít nhất là với mình. Tiếp cận và chữa lành cho một ai đó là một quá trình lâu dài và được thực hiện dần dần. Mình từng nghĩ rằng không ai có thể hiểu mình. Khi bây giờ nhìn lại, đương nhiên mình không có bất kỳ đánh giá gì về suy nghĩ ấy cả. Đơn thuần bây giờ mình không còn suy nghĩ như vậy thôi. Nếu mình không bao dung với chính mình, thì không lẽ mình sẽ ném đá một đứa trẻ là mình, rằng nó “ngu ngốc vãi đạn”, rằng nó “khùng hả”, hay nên “lớn lên đi em” sao?
Thực ra, nếu ai suy nghĩ giống mình khi ấy, rằng không ai hiểu bạn, thì cũng ổn thôi, nhưng cảnh báo là, suy nghĩ ấy sẽ hành hạ bạn lắm. Đâu phải tự dưng ta nhớ như in một câu văn, đâu phải tự nhiên một câu hát đúng hoàn cảnh lại có thể khiến ta xúc động và thổn thức lâu đến vậy. Để viết, để vẽ, để hát được những điều chạm vào lòng ta, thì người viết, người vẽ, người hát cũng đã phải trải qua những chuyện giống ta, thậm chí tồi tệ hơn ta.
Các bạn biết không? Mình từng có một thời gian tăm tối, hay như hồi nãy mình nói là “chạm đáy”. Tập nhật kí online ở đây ghi lại rất rõ mình của những đêm đó. Người ngoài đọc vào có lẽ không biết mình đang viết cái gì đâu, nhưng mình đọc vào, và mình biết rằng chỉ có mình thôi, mới hiểu được tâm trạng rối bời và hỗn loạn không vì lí do gì của mình khi ấy.
Không phải gia đình, thần tượng, bạn bè, càng không phải vì chính bản thân mình mà mình sống. Mà là vì các bạn. Vì mình hiểu, ở nơi nào đó mình không nhìn thấy cũng có những người đang đau đớn giống mình, nên mình đã cố sống, cố vượt qua. Mình tổn thương đến mức đã từng tự hại bản thân, vậy mà mình còn không nhớ có chuyện đó, mãi đến khi mình ổn hơn một chút.
Đúng. Không phải là bất kì ai, mà là các bạn, những người cũng đang chịu đau đớn, những người mình không thấy rõ nỗi đau của các bạn dù đứng giữa ban ngày, đã là nguồn động lực cho mình sống đến giờ này. Mình muốn các bạn biết rằng các bạn không cô đơn. Mình muốn đem lại cảm giác được đồng hành cho các bạn, cảm giác mà mình đã không cảm nhận được vào lúc mình đớn đau nhất.
Cho nên mình đã sống.
Và ở đây.
Thế nên, mình đã trả lời bài viết ẩn danh ở đầu bài rằng:
“Kệ mấy bình luận trên đi cô ơi, tui cảm thấy người ta vẫn chúc cô là vẫn còn thương cô lắm đó. Đừng nghe mấy câu “không ai có nghĩa vụ quan tâm người khác” để rồi sống ích kỷ, vô tâm nha cô. Và việc cô muốn được quan tâm chẳng có gì là sai trái hết, cũng chẳng phải do cô trẻ con hay bốc đồng, chỉ là đôi lúc cô đừng trông chờ nhiều vào người khác thôi.”
Mình không trích bình luận của mình nhằm mục đích khoe khoang, mình chưa bao giờ, và cũng sẽ không bao giờ là tiêu chuẩn của đạo đức, của cách cư xử đúng mực, của sự dịu dàng hay bất kì điều gì. Như mình nói, đây chỉ là một bài viết nhắc nhở chính mình. Nhắc nhở mình rằng mình đã dám bình luận một điều thật khác với số đông.
Và biết đâu, cái “dám” ấy của mình đã có thể sưởi ấm trái tim của ai đó.
Sami.
Akabane1701 (4 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 545
À, chào Bách. Ta nhớ Bách quá.
Ta vẫn nhớ như in cái ngày ta gặp Bách, rồi trong chatbox, Bách gọi ta là tiền bối :))) Hồi đó ta cầm điện thoại cười quá trời cười. Khi ấy đọc bài của Bách ta nghĩ Bách tầm hai hai hai ba tuổi thôi, mà đến giờ ta cũng không rõ tuổi của Bách, chỉ biết Bách hơn ta nhiều tuổi lắm.
Thực tế ta chỉ nói lí thuyết và những gì ta suy nghĩ thôi. Ta không trải nghiệm nhiều, không biết nhiều. Ta thích đọc, thích viết, thích chia sẻ, thích nói lên những điều mình nghĩ, có đúng, có sai. Ta cũng ngần ngại, không biết có nên nói hay không, không biết mình nói đúng hay không, những điều mình nói và viết ra thì có ảnh hưởng đến người khác hay không. Mỗi lần như thế ta đều suy nghĩ rất cẩn thận. Song cũng có những lần không để ý, nói ra những lời làm tổn thương và gây mâu thuẫn với người khác. Ngay mới sáng nay chứ đâu ( ̄▽ ̄)ノ .
Bản thân ta từ khi còn bé đã khác như vậy rồi ấy. Dù bây giờ ta học cấp 3, rất nhiều bạn bè trưởng thành ở cạnh, song ta vẫn thấy mình khác họ. Dĩ nhiên không phải ta thấy mình đặc biệt hay là "không ai hiểu mình", nó chỉ đơn giản là việc ta thấy mình không thể hòa nhập được. Kiểu nói chuyện hay chơi vui vui thì ok, còn deep talk hay nói chuyện để hiểu nhau, để bầu bạn thì không. Ta không thấy cô đơn hay gì cả, nhưng về cơ bản, ta nghĩ trong mỗi con người luôn có một khu rừng mà người khác không thể bước vào. Dạng vậy.
Thế thôi. Hyhy, ta nhớ Bách lắm. Bách đừng lo cho ta, ta có thể có rất nhiều suy nghĩ xấu, gặp rất nhiều thứ độc hại, nhưng ta biết đâu là điểm dừng, ta không để mình sa ngã đâu.
Đọc các bài của Bách luôn có cái gì gợi lên trong lòng ta, và điều đó khiến ta cảm ơn Bách nhiều lắm. Nên là Bách nhanh chóng về viết thêm nữa nhé.
Yêu Bách ❤
Bách Lâm (4 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 1316
Ta cũng từng có cái cảm giác như thế khi lần đầu tiên biết Hy. Cứ cảm thấy con người này chắc phải là người từng trải nhiều lắm nên có những suy nghĩ như thế (nên ta ko ngần ngại gọi từ "tiền bối"...Nhưng rồi ta khá bất ngờ khi biết sự thật. Lúc đó cảm giác không biết nên vui hay nên buồn. *mĩm cười*
Chuyện Hy chia sẻ ta cũng từng thấy rất nhiều. Xã hội càng hiện đại, càng có tính hai mặt. Và đôi khi ta cảm thấy chính vì cái sự "tự do ngôn luận" đã khiến chúng ta dần trở nên tàn nhẫn (dù ko phải là tât cả). Một câu chuyện, chủ đề hot nào đó được đưa lên, có hàng trăm, hàng triệu người vào bình luận. Tốt có, xấu có, khen có, chê có, cũng có thể là êm dịu cũng có khi là tàn nhẫn đến phủ phàng. Ai cũng có quyền và ai cũng muốn nói lên quan điểm của mình... Cái đó ko sai. Nhưng ta thấy cay đắng và tàn nhẫn đến mức đáng sợ. Những lời độc địa, nguyền rủa, coi khinh... song có ai nghĩ tới hậu quả của những lời đả kích ấy. ai cũng muốn nói cho sướng miệng. Và ta cảm giác vùi dập người khác trở thành lạc thú của họ. Đau hơn, trong số đó lại có rất nhiều, rất nhiều những bạn còn quá trẻ. Lứa tuổi mà vẫn nên sống yêu thương và hồn nhiên thì lại đi học cách tàn nhẫn, phủ phàng...
Ta biết suy nghĩ và cảm nhận của Hy qua rất nhiều bài viết. Ta cũng biết những tự nhận về mình của Hy ở trên là sự thật. Song ta vẫn mong Hy lạc quan hơn với cuộc sống này. Đôi lúc ta giận hết sức những thứ phủ phàng mà Hy thấy. Nó khiếnHy trải quá sớm. Hy buộc phải thích ứng... Khi đáng ra Hy phải sống đúng với khoản đời mình.
Hãy dành thật nhiều thời gian cho mình, ra ngoài tụm 5, tụm 7 với những người bạn, vui chơi ăn uống, trò truyện nhiều hơn. Bớt ôm máy tính và điện thoại lại, Hy sẽ thấy cuộc sống này đẹp hơn. *ôm*
Nhớ Hy.