Người viết: Mọt
Thể loại: truyện ngắn, đời sống
Giới hạn độ tuổi: [K]
– Không lẽ, cả một đời ta thanh bạch lại vì chuyện này mà để mất?
Cầm một xấp tờ 500.000đ, ông bước tới ngăn tủ lấy ra chiếc kéo; mạnh mẽ, dứt khoát cắt vụn nắm tiền trong tay; từng đường cắt thật nhanh, thật mạnh, thật ngọt. Anh con trai… không ngờ thái độ của cha anh lại gay gắt đến vậy. Những mảnh vụn tiền bằng polime rơi lả tả trước ánh mắt cương nghị của ông, sự ngỡ ngàng của anh.
Bình tĩnh lại, dẫu biết là đã muộn nhưng anh vấn lao vào cướp lấy chiếc kéo từ tay cha:
– Cha, cha làm cái gì vậy? – Giọng anh, ánh mắt anh hướng về cha mình đầy trách cứ.
Thế nhưng, đáp lại anh chỉ là ánh nhìn đầy nghiêm khắc của ông, ánh nhìn đủ làm anh cảm thấy xấu hổ. Không dám đối diện thêm với cha nữa, anh bước nhanh ra ngoài.
Tiếng xe máy rồ ga vang lên ngoài sân, ông mệt mỏi ngồi xuống ghế; hai mắt ông hướng xa xăm về một điểm vô định trên bức tưởng lạnh lẽo. Ông thanh bạch, phải, cả một đời ông thanh bạch.
***
Sau một thời gian học tập ở Liên Xô (cũ), năm 1986, tôi trở về khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội công tác. Đúng năm ấy, đất nước đổi mới; những sợi dây, tư tưởng cũ ràng buộc văn chương dần được cởi bỏ; các tác phẩm một thời sinh viên tôi đọc đến say mê nhưng chỉ dám đọc rồi ngẫm, viết ra một cuốn sổ bí mật nay có thể được giảng dạy, nghiên cứu công khai trong các cấp học. Những thay đổi này thật sự khiến cho một người trẻ tuổi, mới bước vào nghề như tôi thấy rạo rực.
Buổi đứng lớp đầu tiên, nhìn cả lớp có hơn 40 sinh viên, mỗi người một gương mặt, tôi thấy thân thuộc lạ. Đã từng có một quãng thời gian dài, tôi cũng ở vị trí ấy, cũng nhìn giảng viên hoặc bằng ánh mắt nghi ngờ, hoặc bằng ánh mắt như hai dấu “?”; không biết ông thầy đứng trên kia sẽ dạy cái gì hay liệu ông ta có nói gì giúp ích cho tương lai của mình không nữa? Có đứng ở đây tôi mới thấu hiểu khó khăn mà người thầy phải gánh chịu. Cả thứ áp lực vô hình rằng biết nói sao cho hấp dẫn, nếu nói không thu hút sinh viên thì làm thế nào, nói mà khiến sinh viên ngủ gục hết biết phải làm sao? Tất cả nỗi lo ấy dồn lại, làm sự nhiệt huyết ngày đầu lên lớp của tôi giảm đi quá nửa. Tôi lo lắng. Các buổi theo thầy làm trợ giảng, giáo án soạn kĩ từ trước cũng chẳng giúp tôi bớt hồi hộp. Hít một hơi thật sâu, tôi gấp quyển giáo án.
Tôi bê ghế ra ngồi giữa lớp, bắt đầu buổi “Trò chuyện với sinh viên” mà tôi không hề chuẩn bị. Tôi nói rất nhiều. Tôi nói về chiến tranh, về mười năm xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, về những bước đầu đổi mới. Rồi… không ý thức được, tôi nói đến văn chương, văn chương thời kháng chiến, văn chương thời hậu chiến; cả những băn khoăn, trăn trở của tôi về văn học:
“- Thời của tôi, của các em; chúng ta chưa dành vị trí xứng đáng cho thơ của Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt…; nhưng đến thế hệ sau, chúng ta chắc chắn sẽ phải trả lại vị trí xứng đáng trong nền văn học nước nhà cho những con người này.
– Thưa thầy, em muốn hỏi.
Nhìn cậu sinh viên nhỏ nhắn, run run giơ tay phát biểu, rụt rè đứng lên, tôi mỉm cười:
– Em cứ nói.
Cậu sinh viên ngập ngừng:
– Thưa thầy… thầy nghĩ sao về văn chương của nhóm “Nhân văn giai phẩm” ạ?
Tôi vẫy tay cho cậu ta ngồi xuống. Bước tới bục giảng, tôi ghi lên bảng dòng chữ: “Nhân văn giai phẩm”:
– Bạn đã hỏi, vậy tại sao hôm nay chúng ta không cùng thảo luận về vấn đề này? Tôi không dạy, đây cũng không phải buổi dạy mà là buổi thảo luận công bằng giữa tôi và các em. Các em cứ thoải mái nêu ý kiến, tôi cũng sẽ trình bày quan điểm của tôi rồi chúng ta cùng bàn bạc”.
Buổi dạy hôm đấy, tôi vốn phải dạy bài: “Khát quát văn học Việt Nam từ 1954 đến 1965”; vậy mà cuối cùng trở thành buổi luận bàn giữa giảng viên và sinh viên về: “Nhân văn giai phẩm”. Tôi không biết chắc, nếu ban giám hiệu trường biết tôi có bị phạt không. Nhưng từ buổi nói chuyện chẳng chuẩn bị trước này, những lo lắng của tôi trước đó như tan biến hết. Tôi nhận ra, lớp sinh viên bây giờ có một tầm hiểu biết, cái nhìn hết sức sắc sảo, mới lạ mà tôi hiện tại chưa hẳn đã có. Tôi cũng thấy không cần cố ép mình phải trở thành một giảng viên tốt nữa mà chỉ nghĩ đến việc làm sao để nâng cao kiến thức, không để bản thân tụt lại sau lớp sinh viên có sức bật ngày càng mạnh mẽ; đồng thời truyền thụ lại những gì bản thân cho là cần thiết đến sinh viên, không phải theo cách bắt sinh viên làm theo mà chỉ là gợi ra để sinh viên tìm hiểu.
*
Từng lớp sinh viên đến rồi lại đi; nhưng mỗi năm cứ tới 20/11, chưa bao giờ căn nhà trọ chật chội của tôi ở mảnh đất Hà Nội vắng tiếng sinh viên nói cười.
Tôi nhớ những năm đầu tiên sau đổi mới, đất nước còn nghèo; cả thầy và trò khi ấy đều ốm o. Vậy mà đến 20/11, cả lớp Văn lại rồng rắn vào nhà tôi; mỗi đứa góp một ít làm một bữa tiệc nho nhỏ. Tôi cũng góp vào đó chai rượu mua vội ngoài ngõ. Đám sinh viên người thích thú, người thì kêu ầm lên rằng không biết uống rượu. Thế rồi ai cũng phải uống một chén; mấy sinh viên nữ uống chút rượu vào mặt đỏ bừng lên, nhìn tươi tắn, rạng ngời hơn lên trong những ngày đói. Tiếp xúc với đám sinh viên Văn khoa năng động nhưng cũng đầy mơ mộng này, tôi có cảm giác từ lâu, chúng đã chẳng coi tôi là thầy nữa. Có lẽ, với đám sinh viên ấy, tôi giống một người anh thân thiện, đồng cảnh ngộ, cũng nghèo, cũng ăn uống kham khổ nhưng trong lòng lúc nào cũng đau đáu một tình yêu văn chương như chúng.
Cũng trong những năm đó, mỗi lần về thăm quê (Tôi không phải dân gốc Hà Nội, quê tôi ở Nam Định), mẹ tôi ngoài việc thúc giục tôi lấy vợ, bà còn thường xuyên than thở:
– Mày ấy, đi làm bao nhiêu lâu mà vẫn nghèo xơ nghèo xác. Nhìn thằng Khanh con ông Quảng đầu làng kia kìa; cũng làm giảng viên như mày mà nó xây được nhà mới cho bố mẹ nó rồi đấy.
Nghe mẹ nói vậy, tôi chỉ cười mà không đáp lời. Tôi không tiện nói với mẹ những chuyện không muốn nói; đặc biệt là về nhân cách, đời sống của người khác; nhất là khi người ấy lại là một giảng viên. Thấy tôi cứ im lặng chẳng tỏ thái độ gì, mẹ tôi thở dài, nói dỗi:
– Đúng là cha nào con nấy, ngờ nghệch y như nhau.
Ngày trước bố tôi từng là giảng viên, một đời ông thanh sạch. Ngày ông mất, không chỉ có đồng nghiệp của ông đến viếng mà có không ít lứa sinh viên ông từng giảng dạy đã đến nhà tôi để thắp cho ông nén nhang tiễn biệt.
Tôi biết, lúc mẹ tôi nói ra câu ấy cũng là lúc bà nhớ về cha tôi nhất. Bà trách cha và tôi ngờ nghệch nhưng chính bà, trước mỗi lần tôi lên Hà Nội đều dặn tôi: “Mày sống và làm viêc thế nào thì làm, đừng để cha mày ở dưới đất cũng cảm thấy xấu hổ”. Nhớ về một đời cha tôi, nghĩ về lời dạy của mẹ tôi, chưa bao giờ tôi làm trái đạo nghĩa. Càng về sau, tôi càng ý thức được, sống thanh sạch không chỉ để khỏi hổ thẹn với cha mà còn khỏi hổ thẹn với lòng, với danh dự một giảng viên Đại học Tổng hợp.
*
Tôi lấy vợ, sinh con trong những năm đất nước chuyển mình mạnh mẽ, nền kinh tế đã có những bước khởi sắc; ngay chính ngôi trường tôi làm việc cũng có những thay đổi nhất định. Trước thay đổi của xã hội, hoàn cành, tôi vẫn vậy, hàng tuần đến lớp, nghiên cứu, giảng dạy. Tôi thì vẫn thế nhưng lớp sinh viên lại ngày một đổi khác: năng động hơn, tự tin hơn, suy nghĩ cũng khác xưa nhiều. Có một vài sinh viên đã đến nhà riêng của tôi, gặp tôi nói chuyện, gửi gắm quà cáp, thậm chí là tiền bạc với hi vọng tôi sẽ: “Chiếu cố giúp đỡ chúng em nhiều hơn”. Tôi không giận suy nghĩ của các em ấy, hi vọng đó chẳng có gì sai trái. Chỉ là hành động của các em khiến tôi rất buồn. Từ bao giờ, phải cần có vật chất để đánh đổi lấy sự quan tâm của giảng viên? Với những trường hợp như vậy, tôi chưa bao giờ nhận quà, cũng chưa bao giờ nói với các em quá ba câu.
Tuy nhiên, sự việc có nhiều sinh viên đi lẻ đến nhà tôi chẳng biết từ đâu đồn thổi ra ngoài. Tôi không làm gì trái lương tâm người thầy nhưng tôi biết, không ít sinh viên không còn tin tưởng tôi nữa. Chúng hẳn đã nghĩ tôi thiên vị những bạn kia hơn trong mọi cuộc thi cử, mọi bài kiểm ra. Tôi càng thêm buồn.
Tôi kiếm được nhiều tiền hơn từ việc nghiên cứu, viết báo, viết sách, dịch thuật; đã có của ăn của để trong nhà. Nhiều người xung quanh vì thế bắt đầu đồn đại: “Chắc thằng đấy kiếm được nhiều tiền của sinh viên lắm, làm giảng viên thời nay là nhất rồi còn gì”. Những lời nói vô tình ấy càng làm tôi buồn hơn.
Nửa đêm tôi không ngủ, trang giấy trắng để trước mặt song mắt tôi lại dõi ra khoảng đêm đen kịt bên ngoài. Trong giường, vợ tôi khẽ kéo màn lên, nhẹ nhàng bảo:
– Ngủ đi anh, đừng nghĩ ngợi nhiều. Anh sống không thẹn với lòng, rồi người đời sẽ thấu hiểu anh.
Có tiếng trẻ con trở mình, vợ tôi khép cửa màn vào, tay cô ấy nhè nhẹ vỗ vào lưng con. Tôi day day huyệt thái dương, có lẽ, vợ tôi nói đúng.
***
Ngồi thần người ra nhớ lại đủ mọi chuyện cũ, đến khi ông giật mình tỉnh lại thì trời đã tối, bóng tối len lỏi vào căn nhà lạnh lẽo. Ông bật đèn, ánh sáng vàng dịu nhẹ nhanh chóng đẩy lùi bóng tối trong căn nhà. Giá như lúc này vợ ông còn sống. Ông khẽ thở dài.
***
Trong quán rượu cạnh nhà, anh lắc li rượu trắng trong tay. Rượu ở ngoài không ngon, mới uống vài chén đã khiến anh đầu váng mắt hoa. Chẳng bù cho rượu ở nhà của cha, hương thơm nồng, mới nhấp vị tê lan tỏa nơi đầu lưỡi nhưng khi uống vào bụng lại khiến bụng ấm lạ, nơi cuống họng không cay xè vị rượu mà đăng đắng, cay cay, ngòn ngọt.
Mang số tiền ấy về, anh đã phần nào đoán được thái độ của cha. Song những gì diễn ra vẫn khiến anh hết sức bất ngờ. Anh cứ ngỡ, sau khi nghe anh trình bày lí do, cha cùng lắm chỉ mắng anh vài câu rồi cũng nhận tiền và giúp đỡ người ta. Vậy mà… chẳng thể tin được ông sẵn sàng cắt vụn số tiền trong phong bì một cách không do dự. Anh từng nghĩ, cha anh bảo thủ; nhưng giờ tĩnh tâm lại, anh nhận ra cũng tại anh không thấu hiểu cha mình.
Anh nhớ…
Khi còn bé, anh cứ thắc mắc mãi tại sao có những anh chị vào thăm cha mang theo hoa quả cha lại không nhận, nói vài câu rồi bảo mấy anh chị đó ra về. Còn có những anh chị khác cũng mang hoa quả đến cha lại đón tiếp vui vẻ, còn gọt luôn hoa quả ra mời họ ăn. Anh mang chuyện đó hỏi mẹ, mẹ anh bảo hỏi cha. Anh mang chuyện đó hỏi cha, cha anh chỉ xoa đầu anh rồi nói: “Lớn lên con sẽ hiểu”.
Lớn lên anh cũng dần hiểu được nguyên do cha anh làm thế. Lúc ấy, anh càng thêm yêu quý, kính phục cha. Dẫu rằng anh không theo nghiệp của cha thì cha anh vẫn mãi là hình mẫu lí tưởng để anh hướng đến. Ông không trực tiếp dạy dỗ anh nhưng cách ông sống, làm việc chính là bài học quý báu nhất nuôi dưỡng anh nên người.
Gần nửa đời người cha anh làm việc, cống hiến; giờ tóc ông đã bạc, sức khỏe ông cũng ngày một yếu đi, anh muốn ông nghỉ ngơi. Công việc của anh kiếm tiền không tệ. Nhưng mỗi lần định mở lời, anh lại thôi. Bởi anh hiểu lắm, cha anh làm việc không phải vì tiền mà vì ông còn muốn gắn bó với bục giảng, với sinh viên.
Bản thân anh hiểu lắm tính cách cha anh. Chuyện hôm nay xảy đến cũng bởi do anh nể lời cậu bạn thân làm cùng cơ quan. Cậu ta mới lấy vợ nhưng vợ cậu ta lại mới ra trường, chưa có việc làm ổn định. Biết cha anh là người có tiếng nói trong ngành giáo dục nên muốn nhờ cậy ông giúp đỡ. Anh đã báo trước cha anh ghét nhất là dùng tiền mua địa vị nhưng bạn anh không tin, nhất quyết năn nỉ bằng được.
Anh bóp trán, đứng lên gửi tiền rồi dắt xe ra về.
Bước chân vào nhà, anh thấy cha đã vào phòng nghỉ; vậy mà trên bàn ăn vẫn còn phần cơm nóng hổi dành cho anh chứng tỏ cha anh mới hâm lại chưa lâu. Anh xúc động. Và từng miếng cơm vào miệng, anh thầm nhủ cần phải xúc tiến việc kết hôn với Giang để cha sớm có cháu bế, vui hưởng tuổi già. Căn nhà chỉ có hai người đàn ông, thật trống vắng.
*
“Cạch”, nghe tiếng đóng cứa từ phòng con trai phát ra, ông rút từ ngăn tủ ra mười triệu đã chuẩn bị sẵn. Ông lắng tai nghe, chờ tiếng thở đều đều vang lên từ phòng bên cạnh chứng tỏ con đã ngủ say, ông mới bọc xấp tiền vào một mảnh giấy, dùng dây nịt buộc lại. Rồi ông nhẹ nhàng đi sang phòng con, đặt xấp tiền lên đầu giường sau đó ông quay người bước ra ngoài.
…
Sáng, anh mệt mỏi thức dậy. Dù hôm qua anh uống không nhiều nhưng thứ rượu nấu ẩu ngoài hàng quán cũng đủ khiến đầu anh đau âm ỉ. Anh với tay lên đầu giường tìm cặp kính, vô tình sờ phải vật gì cưng cứng. Ngạc nhiên, anh cầm vật ấy vào gần mắt xem thử; thì ra là một xấp tờ 500.000đ kèm một tờ giấy bọc ngoài. Anh rút tờ giấy ra xem, dòng chứ của cha làm hai mắt anh nhòe mờ: “Cầm số tiền này trả lại cho bạn con rồi bảo bạn con đưa cô gái kia đến gặp cha. Nếu là người có thực tài, chẳng cần tiền bạc cha cũng sẽ giúp hết sức mình; nhưng nếu là kẻ bất tài thì dù tiền ngàn bạc vạn, cha cũng không giúp dù một chút. Lần sau đừng vậy nữa, một đời cha sống thanh bạch không phải để thiên hạ khen ngợi mà để không thẹn với lòng, với lương tâm nghề giáo. Con còn nhớ câu nói của Abraham Lincoln không? “Có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình”. Trái tim người thầy, không phải là thứ có thể mua được bằng tiền bạc
Mashiro-miuna (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1442
Tui đọc mà thấy xúc động quá.
Mot (7 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 2309
Câu chuyện này em viết được gợi cảm hứng từ chính người thầy trực tiếp dạy em và ra đời vào đúng ngày 20/11 cách đây gần 2 năm. Em cám ơn thầy đã đọc và yêu thích câu chuyện nhỏ này của em; đồng thời em xin cám ơn những chia sẻ hết sức chân tình của thầy về nghề giáo.
Tùng Phùng (7 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1310
Tôi cũng là một giáo viên tuy những gì truyện viết mộc mạc nhưng đó cũng là sự thật ở nhiều thầy. Tuy hiện nay nhiều thứ thương mại hóa, nhiều giáo viên cũng phải lo lắng chuyện cơm áo cho gia đình, dạy thêm nhận quà của học sinh nhưng không phải tất cả đều xấu. Những món quà nho nhỏ thể hiện ở tấm lòng chúng tôi vẫn nhận và vẫn đánh giá công bằng. Tôi thích tác phẩm này và nhân cách của hai cha con.
dangson (8 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 864
Tiến Lực (8 năm trước.)
Level: 19
Số Xu: 18152
Truyện khá hay và ý nghĩa, cảm ơn Mọt!